Năm 2022: Doanh nghiệp Việt mong muốn gì về cơ chế chính sách

25/01/2022 10:24

(Pháp lý) - Năm 2021, làn sóng dịch COVID-19 lần thứ tư diễn biến phức tạp, bùng phát ở nhiều địa phương, xâm nhập vào các trung tâm kinh tế, đô thị lớn, khu công nghiệp, khu chế xuất…đã ảnh hưởng tiêu cực đến mọi mặt đời sống kinh tế-xã hội nhất là hoạt động sản xuất, kinh doanh của cộng đồng doanh nghiệp. Nhằm hỗ trợ kịp thời để doanh nghiệp từng bước vượt qua đại dịch, thời gian qua Quốc hội, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ… được cộng đồng doanh nghiệp ghi nhận. Tuy nhiên, trong tình hình hiện nay, doanh nghiệp vẫn gặp không ít khó khăn trong khôi phục sản xuất, kinh doanh. Do đó, bên cạnh các gói hỗ trợ về tiền tệ, tài khóa, các doanh nghiệp đang cần cả các gói hỗ trợ về thể chế.

101-1641007948.jpg

Bên cạnh các gói hỗ trợ về tiền tệ, tài khóa, các doanh nghiệp đang cần cả các gói hỗ trợ về thể chế.

Doanh nghiệp chịu tác động nặng nề từ đại dịch

Sự bùng phát mạnh mẽ của đại dịch Covid-19 lần thứ tư cùng với các đợt phong tỏa, giãn cách kéo dài hồi tháng 8, 9 năm 2021 liên tiếp đã khiến các hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp bị ảnh hưởng nặng nề.

Sau 4 lần dịch bùng phát, nhiều doanh nghiệp đã kiệt quệ, sức chống đỡ giảm dần. Số doanh nghiệp ngừng hoạt động cao hơn số doanh nghiệp thành lập mới trong 9 tháng năm 2021 cho thấy các doanh nghiệp chưa lạc quan trong thời gian ngắn hạn.

Số liệu từ Tổng cục Thống kê cho thấy, trong tháng 9/2021, số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới có sự sụt giảm mạnh cả về số lượng doanh nghiệp và số vốn đăng ký. Số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới chỉ đạt 3.899 doanh nghiệp, giảm 62,2% so với cùng kỳ năm 2020; số vốn đăng ký chỉ đạt 62,4 nghìn tỷ đồng, giảm 69,3%. 

Dưới tác động của dịch bệnh, đã có 90.291 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường trong 9 tháng đầu năm 2021, tăng 15,3% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, có 45.091 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh, chiếm 49,9% tổng số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường trong 9 tháng đầu năm 2021.

Ngay cả trong thời gian gần đây, khi Chính phủ ban hành Nghị quyết số 128/NQ-CP chuyển hướng chiến lược phòng, chống dịch sang “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”, hoạt động của các doanh nghiệp cũng chưa có nhiều khởi sắc. Trong tháng 11/2021, cả nước có 9.421 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, tăng 2,6% so với cùng kỳ năm 2020, trong đó có 3.523 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh, tăng 27,1% so với cùng kỳ năm 2020.

Tính chung 11 tháng năm 2021, cả nước có 106,6 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường. Trong đó, số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh là 52,1 nghìn doanh nghiệp, tăng 17,3% so với cùng kỳ năm năm 2020. Bình quân một tháng có gần 10 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.

Hàng loạt chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đã và đang triển khai

Nhằm hỗ trợ kịp thời để doanh nghiệp từng bước vượt qua đại dịch, thời gian qua Quốc hội, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ, bao gồm cả chính sách tài khóa và tiền tệ như giãn, giảm thuế, phí, lệ phí, khoanh nợ, giãn nợ, gia hạn và giảm lãi suất các khoản vay… trong đó, phải kể đến:

Về chính sách thuế, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 52/2021/NĐ-CP về việc thực hiện gia hạn tiền thuế và tiền thuê đất trong năm 2021; Quyết định số 27/2021/QĐ-TTg giảm 30% tiền thuê đất phải nộp của năm 2021 đối với người thuê đất đang được Nhà nước cho thuê đất trực tiếp theo Quyết định hoặc Hợp đồng của cơ quan nhà nước có thẩm quyền dưới hình thức trả tiền thuê đất hàng năm.

Ngày 19/10/2021, Ủy ban thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 406/NQ-UBTVQH15 về một số giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, người dân chịu tác động của dịch Covid-19. Theo đó, giảm 30% số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp của năm 2021 đối với trường hợp người nộp thuế theo quy định của Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp có doanh thu năm 2021 không quá 200 tỷ đồng và doanh thu năm 2021 giảm so với doanh thu năm 2019; Miễn thuế thu nhập cá nhân, thuế giá trị gia tăng và các loại thuế khác phải nộp phát sinh từ hoạt động sản xuất, kinh doanh của các tháng trong quý III và quý IV năm 2021 đối với hộ, cá nhân có hoạt động sản xuất, kinh doanh tại các địa bàn cấp huyện chịu tác động của dịch COVID-19 trong năm 2021; 

Tính đến tháng 11/2021, cơ quan thuế đã tiếp nhận và giải quyết gia hạn thời hạn nộp thuế cho gần 140.000 người nộp thuế, trong đó có 119.708 doanh nghiệp và tổ chức và 19.482 hộ, cá nhân kinh doanh. Tổng số thuế, tiền thuê đất được gia hạn là 92.825 tỷ đồng.

104-1641007947.jpg

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng thông tin: quy mô các gói hỗ trợ năm 2021 là khoảng 10,45 tỷ USD, tương đương 2,84% GDP.

Về chính sách tín dụng, ngay khi dịch COVID-19 bùng phát vào đầu năm 2020, ngành Ngân hàng đã triển khai nhiều giải pháp tích cực tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân bị ảnh hưởng bởi đại dịch. 

Với sự vào cuộc tích cực, đến cuối tháng 10/2021, các TCTD đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho trên 500.000 khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch với dư nợ trên 260.000 tỷ đồng; lũy kế giá trị nợ đã cơ cấu từ 23/1/2020 khoảng 550.000 tỷ đồng; miễn, giảm, hạ lãi suất cho trên 1,9 triệu khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch với dư nợ gần 3,79 triệu tỷ đồng; lũy kế từ ngày 23/1/2020 đến cuối tháng 10/2021, tổng số tiền lãi TCTD đã miễn, giảm, hạ cho khách hàng khoảng 31.400 tỷ đồng.

Các TCTD cũng thực hiện cho vay mới lãi suất thấp hơn so với trước dịch với doanh số lũy kế từ ngày 23/1/2020 đến nay đạt trên 7 triệu tỷ đồng cho hơn 1,2 triệu khách hàng.

Đồng thời, thực hiện tái cấp vốn đối với NHCSXH để cho vay hỗ trợ trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất kinh doanh đối với người lao động theo các Nghị quyết số 42/NQ-CP, Nghị quyết số 154/NQ-CP, Nghị quyết số 68/NQ-CP, Nghị quyết số 126/NQ-CP của Chính phủ và Quyết định của Thủ tướng Chính phủ…

Doanh nghiệp cần cả các gói hỗ trợ về thể chế

Theo các chuyên gia, các chính sách hỗ trợ và sự đồng hành của Quốc hội, Chính phủ được cộng đồng doanh nghiệp đánh giá cao, nhất là các chính sách tài khóa như giãn, hoãn thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập, tiền thuê đất,… Tuy nhiên, doanh nghiệp vẫn gặp không ít khó khăn, vướng mắc, cần được nhận diện rõ để tháo gỡ vào năm 2022.

1. Theo chuyên gia kinh tế TS. Nguyễn Trí Hiếu, từ đầu năm 2021 đến nay, trung bình mỗi tháng có gần 10 nghìn doanh nghiệp Việt Nam phải ngừng hoạt động và phá sản. Nguyên nhân là thiếu vốn, đặc biệt vốn lưu động dẫn tới mất tính thanh khoản. Các Doanh nghiệp không có khả năng trả lương cho người lao động, trả tiền nhà cung cấp, trả tiền thuê mặt bằng, thực hiện nghĩa vụ nộp thuế và thanh toán các dịch vụ khác...

Ông Hiếu cho rằng, những doanh nghiệp "khát vốn" thường gặp khó trong việc tiếp cận nguồn vốn từ ngân hàng, do không có tài sản bảo đảm. Trong khi, nhiều ngân hàng lại chỉ chú trọng đến tài sản bảo đảm khi cho vay khách hàng. Điều này làm cản trở khả năng tiếp cận vốn để phục hồi sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Do đó, để hỗ trợ doanh nghiệp cần có chính sách tín dụng cởi mở hơn, đặc biệt các ngân hàng có chính sách cho vay tín chấp đối với các doanh nghiệp đáp ứng được những điều kiện.

103-1641007948.jpg

Chuyên gia kinh tế TS. Nguyễn Trí Hiếu, để hỗ trợ doanh nghiệp cần có chính sách tín dụng cởi mở hơn.

2. Dưới góc độ cộng đồng doanh nghiệp, theo Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công, để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp nhanh chóng khôi phục sản xuất, kinh doanh trong bối cảnh rất khó khăn hiện nay, cần có một số giải pháp mang tính cấp bách, đột phá. Đó là, chủ động rà soát, sửa đổi ngay những quy định, chính sách đang là rào cản hoạt động đầu tư, kinh doanh của doanh nghiệp; loại bỏ các quy định còn chồng chéo, mâu thuẫn, chưa thống nhất, chưa phù hợp thực tiễn… Các cơ chế, chính sách mới có quy mô tác động đủ lớn, thời gian thực hiện trong trung và dài hạn, tạo điều kiện để nền kinh tế phục hồi nhanh, giúp doanh nghiệp ngăn chặn tình trạng mất thanh khoản, giải thể...

3. Trước thực trạng khó khăn của doanh nghiệp hiện nay, ông Võ Quốc Thắng, Chủ tịch HĐQT Dongtam Group cho rằng, Chính phủ cần sớm có các giải pháp nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp phục hồi, kéo theo đó là sự phục hồi của cả nền kinh tế.

Bên cạnh các gói hỗ trợ về tiền tệ, tài khóa, theo ông Thắng, các doanh nghiệp đang rất cần sự hỗ trợ về thể chế. "Hỗ trợ về tiền chỉ là một phần nhỏ trong các giải pháp giúp doanh nghiệp phục hồi. Quan trọng hơn cả là sự hỗ trợ về thể chế, cải thiện môi trường kinh doanh cho doanh nghiệp".

Những tác động về chính sách hiện đang làm chậm bước tiến của doanh nghiệp, gây thiệt hại rất lớn cho hoạt động sản xuất kinh doanh, nhất là trong bối cảnh doanh nghiệp Việt Nam vốn chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ và vừa, rất yếu về tiềm năng, tiềm lực, lại đang chịu những thiệt hại nặng nề sau đại dịch. Do đó, sau dịch chính là thời điểm để Chính phủ đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn.

Môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi sẽ giúp doanh nghiệp giảm chi phí hoạt động, hạ giá thành sản phẩm, rút ngắn thời gian chờ thủ tục, đẩy nhanh hoạt động sản xuất kinh doanh. Đây chính là yếu tố mấu chốt giúp doanh nghiệp phục hồi bền vững.

Hiện nay, ngân sách của nhà nước rất hạn chế, dư địa để dùng tiền để hỗ trợ trực tiếp cho doanh nghiệp không còn quá nhiều. Bên cạnh các chính sách về tài khóa, tiền tệ, Chính phủ nên đẩy mạnh cả về cải cách thể chế nhằm giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn, ông Thắng nhấn mạnh.

102-1641007948.jpg

Ông Vũ Tiến Lộc ( nguyên chủ tịch VCCI)  cải cách mạnh mẽ về thể chế, cắt giảm điều kiện kinh doanh, thủ tục hành chính đang trở nên vô cùng cấp bách ngay lúc này.

Đồng quan điểm, TS. Vũ Tiến Lộc, nguyên Chủ tịch Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam, cũng cho rằng, quý III/2021, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam đã sụt giảm nặng nề do dịch bệnh. Nền kinh tế gần như đã lỡ nhịp tăng trưởng chung của cả thế giới trong năm 2021 do chậm mở cửa, sống chung với dịch bệnh.

Vừa qua, Chính phủ đã có quyết định sống chung với dịch bệnh, đây là quyết định phù hợp để tiếp tục duy trì hoạt động kinh doanh cho doanh nghiệp và phát triển kinh tế, tránh sự tụt hậu quá sâu so với thế giới.

"Bây giờ là lúc chúng ta đang phải lấy lại những gì đã mất", ông Lộc nhấn mạnh và cho rằng, Chính phủ cần sớm có giải pháp giúp doanh nghiệp và nền kinh tế phục hồi. Vấn đề là hỗ trợ doanh nghiệp bằng cách nào?

Hiện nay Chính phủ đang trình Quốc hội gói giải pháp về tài khoá và tiền tệ để kích thích nền kinh tế phát triển. Tuy nhiên, cách tiếp cận của gói chính sách này rất thận trọng, tuỳ thuộc vào ngân sách nhà nước và giữ vững mục tiêu, ổn định kinh tế vĩ mô. "Trong mọi chính sách kích thích nền kinh tế, Chính phủ luôn coi kinh tế vĩ mô là nền tảng, nếu không giữ được ổn định kinh tế vĩ mô, sẽ mất tất cả", ông Lộc nhận định.

Chính vì vậy, vị chuyên gia này cho rằng, gói hỗ trợ về tài khoá và tiền tệ được Chính phủ đưa ra sẽ có quy mô phù hợp, không quá lớn làm xáo trộn thị trường, đẩy nhanh áp lực lạm phát, gây bất ổn kinh tế vĩ mô và tăng rủi ro nợ xấu cho ngân hàng.

Trong khi các gói hỗ trợ về tài khóa, tiền tệ hiện đang là hữu hạn so với khả năng hấp thụ của nền kinh tế, các doanh nghiệp và ngân sách nhà nước, thì hỗ trợ quan trọng nhất đối với doanh nghiệp hiện nay là hỗ trợ về thể chế.

Ông Lộc cho rằng, các cải cách mạnh mẽ về thể chế như cắt giảm điều kiện kinh doanh, thủ tục hành chính đang trở nên vô cùng cấp bách ngay lúc này. Thời điểm khó khăn cũng chính là lúc thích hợp nhất để đẩy mạnh cải cách thể chế, hỗ trợ cho doanh nghiệp.

Cắt giảm được các thủ tục hành chính sẽ giúp đẩy nhanh hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, giúp các dự án sớm được đưa vào thực tiễn, doanh nghiệp tiết kiệm được chi phí đầu vào cho sản phẩm và tăng tính cạnh tranh trên thị trường.

Hiện nay Chính phủ đã trao quyền các địa phương để thực hiện cắt giảm các thủ tục hành chính cho doanh nghiệp. Điều này cần thực hiện mạnh mẽ hơn trong thời gian tới. Ông Lộc đề nghị Quốc hội sớm ban hành một nghị quyết cho phép Chính phủ có ứng xử linh hoạt với các quy định không có trong hành lang pháp luật, chưa có tiền lệ nhưng là cần thiết đối với hoạt động doanh nghiệp và phục hồi kinh tế.

Có như vậy, các doanh nghiệp mới có thể tự tin vượt qua khó khăn để phát triển trong kế hoạch tái khởi động nền kinh tế vào năm 2022, ông Lộc nhấn mạnh.

Xuân Trường
 

Bạn đang đọc bài viết "Năm 2022: Doanh nghiệp Việt mong muốn gì về cơ chế chính sách" tại chuyên mục Pháp lý và Kinh doanh. Mọi chi tiết xin liên hệ số hotline (0915.999.467) hoặc gửi email về địa chỉ (toasoan@phaply.vn).

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin