Một số quốc gia điều tra quan chức cấp cao liên quan Hồ sơ Pandora: Quy trình điều tra và hệ lụy pháp lý diễn ra thế nào?

15/10/2021 09:43

(Pháp lý) - Sau khi Hồ sơ Pandora được công bố , đa số nhà lãnh đạo thế giới lên tiếng phủ nhận , tuy nhiên một số nước đã có động thái điều tra những bê bố tài chính của quan chức cấp cao nghi liên quan đến tài liệu này. Điển hình như Cộng hòa Chile - một quốc gia tại Nam Mỹ đã chính thức mở cuộc điều tra Tổng thống Sebastian Pinera liên quan đến những tài liệu mà hồ sơ này tiết lộ.

image001-1634265406.jpg

Trong khi đa số giới chức thế giới lên tiếng phủ nhận những cáo buộc trong Hồ sơ Pandora, thì một số nước đã có động thái điều tra những bê bố tài chính liên quan đến tài liệu này

Giới chức nhiều quốc gia lên tiếng phủ nhận…

Ngay sau khi Hồ sơ Pandora được công bố, trong đó chứa hàng triệu tài liệu tiết lộ bí mật về các giao dịch và tài sản ở nước ngoài của hơn 100 tỷ phú, 30 nhà lãnh đạo và 300 quan chức trên thế giới vào ngày 3/10 mới đây, giới chức nhiều nước đã lên tiếng bác bỏ cáo buộc trong hồ sơ này.

Cụ thể, ngày 4/10, Hoàng gia Jordan cho biết việc Quốc vương nước này Abdullah II sở hữu nhiều tài sản ở Mỹ và Anh không phải là điều bí mật, đồng thời nhấn mạnh vì các lý do riêng tư và bảo mật mà không tiết lộ số tài sản này.

Quốc vương Abdullah II là một trong những nhân vật lớn bị nêu tên trong "Hồ sơ Pandora" khi bị cáo buộc sở hữu những ngôi nhà sang trọng trị giá hơn 100 triệu USD ở Anh và Mỹ.

Cùng ngày, Thủ tướng Séc Andrej Babis đã bác bỏ các cáo buộc trong "Hồ sơ Pandora" rằng ông đã sử dụng một công ty ở nước ngoài để mua một bất động sản ở Pháp trị giá 22 triệu USD. Nhà lãnh đạo này khẳng định rằng những hành động của ông nằm trong khuôn khổ luật pháp.

Trong khi đó, Điện Kremlin cũng gọi những gì được nêu trong "Hồ sơ Pandora" là "những cáo buộc thiếu căn cứ." Trước đó, bình luận về việc công bố "Hồ sơ Pandora," người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova dẫn nhận định của báo Guardian cho rằng cuộc điều tra của ICIJ cho thấy Mỹ cũng là một trong những "thiên đường thuế lớn nhất."

Bà cho rằng Mỹ có ý định biến cuộc chiến chống tham nhũng trở thành nhiệm vụ an ninh quốc gia chủ chốt. Vấn đề này cũng đã được đề cập trong Bản Ghi nhớ Nghiên cứu An ninh quốc gia vềc uộc chiến chống tham nhũng được Tổng thống Mỹ Joe Biden thông báo vào ngày 4/6 vừa qua…

Một số nước có động thái điều tra 

Đáng chú ý, trong khi đa số giới chức thế giới lên tiếng phủ nhận những cáo buộc trong Hồ sơ Pandora, thì một số nước đã có động thái điều tra những bê bố tài chính liên quan đến tài liệu này.

Điển hình như tại Anh, ngày 4/10, Bộ trưởng Tài chính Anh Rishi Sunak cho biết, các quan chức thuế cũng như Hải quan nước này sẽ nghiên cứu các tài liệu vừa bị rò rỉ trong Hồ sơ Pandora. 

Trả lời phỏng vấn Sky News, Bộ trưởng Sunak nói: "Đêm qua tôi đã đọc được các tài liệu này, rõ ràng là rất khó để tôi bình luận một cách cụ thể bởi chúng mới xuất hiện. Tất nhiên, Cơ quan Thuế và Hải quan Anh sẽ phân tích và làm rõ".

Được biết, cựu Thủ tướng Anh Tony Blair từng lên tiếng phản đối việc trốn thuế trong nhiều thập kỷ, song những rò rỉ tiết lộ rằng ông và vợ có thể đã sở hữu một ngôi nhà trị giá 8,8 triệu USD khi mua một công ty bất động sản nước ngoài của gia đình Bộ trưởng Công nghiệp và Du lịch Bahrain Zayed bin Rashid al-Zayani. Bằng cách mua cổ phần của công ty chứ không phải trực tiếp mua tòa nhà, ông Blair và vợ đã có thể tránh phải nộp khoản thuế tài sản lên tới 400.000 USD.

Hay như tại Pakistan, Thủ tướng Imran Khan hứa sẽ "điều tra" những người bị cho là có vi phạm danh sách. Thủ tướng Pakistan cam kết sẽ thu hồi "những khoản lợi bất chính" và cho biết chính phủ của ông sẽ xem xét tất cả các công dân được đề cập trong các tài liệu và có biện pháp xử lý tương ứng.

"Chính phủ của tôi sẽ điều tra tất cả các công dân Pakistan được đề cập trong Hồ sơ Pandora, nếu có bất kỳ hành vi sai trái nào được xác định, chúng tôi sẽ có hành động thích hợp. Tôi kêu gọi cộng đồng quốc tế đặt sự bất công này ngang tầm với cuộc khủng hoảng biến đổi khí hậu".

Được biết, Pakistan từ lâu đã bị xếp hạng là một trong những quốc gia tham nhũng nhất trên thế giới. Hồ sơ Pandora cáo buộc một số thành viên trong giới nội chính phủ như Bộ trưởng Tài chính Shaukat Fayaz Ahmed Tarin đã che giấu tài sản trị giá hàng triệu USD thông qua các công ty bí mật hoặc quỹ tín dụng thác.

Đặc biệt, Cộng hòa Chile - một quốc gia tại Nam Mỹ đã chính thức mở cuộc điều tra Tổng thống Sebastian Pinera liên quan đến những tài liệu mà hồ sơ này tiết lộ. 

image002-1634265406.jpg

Tổng thống Chile Sebastian Pinera bị văn phòng công tố nước này điều tra về vụ bán một công ty mỏ, sau khi chi tiết mới xuất hiện trong Hồ sơ Pandora.

Cụ thể, Tổng thống Chile bị văn phòng công tố nước này điều tra về vụ bán một công ty mỏ, sau khi chi tiết mới xuất hiện trong Hồ sơ Pandora.

Bộ trưởng Tư pháp Chile Jorge Abbott quyết định mở cuộc điều tra Tổng thống Sebastian Pinera, sau khi Hồ sơ Pandora tiết lộ vụ bán công ty khai thác mỏ Dominga do một công ty "liên quan đến gia đình Pinera" tiến hành, Bà Marta Herrera, người đứng đầu đơn vị chống tham nhũng của Văn phòng Công tố Quốc gia Chile, cho biết hôm 8/10.

Bà Marta Herrera giải thích quyết định điều tra xuất phát từ khả năng thương vụ này liên quan đến "hành vi hối lộ và vi phạm về thuế", nói thêm rằng tội hối lộ có thể bị kết án 5 năm tù.

Trước đó, Ông Pinera cũng đã lên tiếng phủ nhận các cáo buộc, đồng thời chỉ ra rằng thông tin trong Hồ sơ Pandora "không mới" và từng được điều tra vào năm 2017, khi đó ông được chứng minh vô tội. 

Tuy nhiên, Bà Marta Herrera cho biết cuộc điều tra mới sẽ xem xét kỹ hơn những chi tiết cụ thể, đồng thời lưu ý rằng vụ bán công ty Dominga không thực sự được đưa vào hồ sơ vụ án năm 2017. Các công tố viên sẽ xác định liệu Hồ sơ Pandora có bao gồm thông tin mới về những điều khoản thỏa thuận có thể cấu thành tội danh hay không.

Qui trình điều tra lãnh đạo cấp cao ở một số nước

Ở nhiều quốc gia trên thế giới, Tổng thống, Thủ tướng, Nghị sĩ hay bất kỳ nhân vật cấp cao nào trong bộ máy Nhà nước thường có những đặc quyền mà Hiến pháp quy định nhằm đảm bảo tính độc lập và hiệu quả hoạt động của họ. Song nếu vi phạm pháp luật họ đều có thể bị điều tra và xử lý. 

Tuy nhiên, Tổng thống, Thủ tướng và các thành viên Chính phủ thường có quyền lực hành pháp rất lớn, đồng thời việc xử lý những vị lãnh đạo này sẽ ảnh hưởng rất lớn đến hình ảnh của quốc gia. Do đó để kiểm soát, điều tra, xử lý những hành vi lạm quyền hoặc vi phạm pháp luật, các nước đã đề ra cơ chế như: Bỏ phiếu bất tín nhiệm; Ủy ban điều tra; Luận tội.

Theo đó, Bỏ phiếu bất tín nhiệm được coi là cấp “xử lý” đầu tiên và chỉ mang tính chính trị khi có sai phạm xảy ra đối với các nhân vật cấp cao: Một cá nhân Tổng thống, Thủ tướng hay các thành viên của bộ máy hành pháp mà hoạt động không tốt thì trước hết sẽ gây ra điều tiếng cho chính phủ của họ. 

Bỏ phiếu bất tín nhiệm có lẽ là cơ chế có tính thủ tục Nghị viện nổi trội nhất ở các nước theo mô hình quân chủ Nghị viện như Nhật Bản, Anh. Khi đó Chính phủ phải chịu trách nhiệm trước Nghị viện, Nghị viện tỏ thái độ trước kết quả hoạt động của Chính phủ bằng cách bỏ phiếu bất tín nhiệm chính nhiệm. 

Ủy ban điều tra, việc thành lập các Ủy ban điều tra về hoạt động sai phạm của cơ quan hành pháp đặc biệt phổ biến ở các nước theo mô hình cộng hòa Tổng thống. Ở Mỹ, hoạt động điều tra của các Ủy ban và tiểu ban trong Quốc hội được biết đến rộng rãi trên thế giới.

Ở các nước theo mô hình Nghị viện Anh, Nhật cũng có thể thành lập các Ủy ban điều tra tuy nhiên lại ít được sử dụng hơn so với các nước có chính thể cộng hòa Tổng thống. Đặc điểm của hoạt động này là điều tra sự lạm dụng công quyền không chỉ trong các cơ quan hành pháp mà cả tư pháp với các hoạt động cơ bản như: tìm hiểu các tài liệu ở các cơ quan nhà nước; kiểm tra những địa điểm cần thiết; triệu tập các nhân chứng…Họ có quyền triệu tập cả nhân chứng là Tổng thống, trong đó sự có mặt nhân chứng là bắt buộc.

Cuối cùng là Luận tội: Cơ chế này tiến hành sau hoạt động điều tra của Ủy ban điều tra và đi đến việc áp đặt trách nhiệm pháp lý của các nhà chức trách thuộc nhánh hành pháp cũng như tư pháp. 

Trong thực tiễn hoạt động của Nghị viện các nước, có ba hình thức luận tội phổ biến nhất được áp dụng: Hình thức thứ nhất – Nghị viện hoặc một Viện của Nghị viện chỉ có vai trò buộc tội, còn vụ việc về trách nhiệm pháp lý sẽ được giải quyết ở tòa án do Nghị viện lập ra (thông thường Thượng viện lập ra tòa án này). Trong trường hợp cần thiết, tòa án đó có thể hoạt động như một tòa án bình thường và xem xét cả trách nhiệm hình sự. Tiêu biểu là Nghị viện Pháp, Nam Phi…

Hình thức thứ hai – cả quá trình luận tội (từ buộc tội đến kết tội và quyết định trách nhiệm pháp lý) diễn ra trong khuôn khổ Nghị viện (Hạ viện buộc tội, Thượng viện kết tội và quyết định trách nhiệm pháp lý), sau đó mới có thể diễn ra thủ tục tố tụng hình sự ở tòa án riêng biệt. Tiêu biểu là Nghị viện ở các nước Hoa Kỳ, Anh, Nhật Bản…

Hình thức thứ ba – Nghị viện hoặc một viện của Nghị viện cũng bị giới hạn trong việc buộc tội, còn vụ việc cơ bản được giải quyết ở cơ quan tài phán hiến pháp (Chính là Tòa án Hiến pháp ở một số nước); cơ quan này chỉ phán xét về trách nhiệm hiến pháp, truất quyền của nhân vật bị luận tội. Hình thức này được áp dụng ở Hàn Quốc, CHLB Đức,…

Đối tượng của việc luận tội cũng có sự khác nhau ở mỗi quốc gia. Theo Hiến pháp Hoa Kỳ (và một số nước có chính thể cộng hòa Tổng thống như Hàn Quốc, Brazil…) Tổng thống, Phó Tổng thống, các Thẩm phán và các công chức nhà nước cấp Liên bang đều có thể bị luận tội bởi Nghị viện.Ở Italia, Pháp, Đức, Nga, hình thức luận tội chỉ áp dụng cho Tổng thống, còn ở Nhật Bản, chỉ Thẩm phán mới bị luận tội.

Hệ lụy pháp lý nếu một nguyên thủ bị điều tra...?

Dù bị điều tra, xử lý bằng bất kỳ cơ chế nào Tổng thống, Thủ tướng và các thành viên Chính phủ vi phạm đều có thể phải gánh chịu những hệ lụy tiêu cực thậm chí bị truy tố hình sự và bị phạt tù.

image003-1634265406.jpg

Bà Park Geun Hye đã bị phế truất chức vụ Tổng thống do bị cáo buộc là đồng phạm trong một vụ tham nhũng

Đối với bỏ phiếu bất tín nhiệm, cơ chế này buộc giới chức phải tự bảo vệ mình bằng cách giải trình về các chính sách, thanh minh các hành động của của mình đối với các Nghị sĩ của mình và cả Đảng đối lập.

Với cơ chế Uỷ ban điều tra, hoạt động này thậm chí có thể dẫn đến sự từ chức bất đắc dĩ của Tổng thống như đã từng xảy ra vào năm 1974, khi hoạt động điều tra của một ủy ban của Hạ viện Hoa Kỳ đã dẫn đến sự từ chức của Tổng thống Nixon.

Với cơ chế luận tội, trách nhiệm pháp lý có thể là sự truất quyền nhân vật bị luận tội, kéo theo việc mất quyền miễn trừ và tạo điều kiện cho việc truy tố hình sự theo thủ tục bình thường.

Trong quá khứ, đã từng xảy các vụ phế truất nguyên thủ quốc gia như bãi nhiệm chức vụ Tổng thống Hàn Quốc hay Thủ tướng Thái Lan… Mặc dù việc này chỉ là sự kết thúc quá trình xử lý mang tính chính trị tại Nghị viện. Nhưng đó có thể lại là sự khởi đầu cho quy trình truy cứu trách nhiệm hình sự tiếp theo như bao quy trình tố tụng hình sự khác đối với những công dân bình thường.

Đinh Chiến
 

Bạn đang đọc bài viết "Một số quốc gia điều tra quan chức cấp cao liên quan Hồ sơ Pandora: Quy trình điều tra và hệ lụy pháp lý diễn ra thế nào?" tại chuyên mục Kinh doanh - Quốc tế. Mọi chi tiết xin liên hệ số hotline (0915.999.467) hoặc gửi email về địa chỉ (toasoan@phaply.vn).

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin