Một số nội dung mới của các tội phạm khác về chức vụ theo Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017)

03/04/2023 12:25

Hiện nay, Việt Nam đang trong quá trình hội nhập quốc tế toàn diện về mọi mặt: kinh tế, chính trị, văn hoóa-xã hội… Bên cạnh những lợi ích việc phát triển nền kinh tế thị trường đem lại, trong thời gian qua, tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật ở nước ta đã có chiều hướng gia tăng và diễn biến hết sức phức tạp, trong đó phải kể đến tội phạm khác về chức vụ

Bài viết phân tích một số nội dung mới của các tội phạm khác về chức vụ theo Bộ luật Hình sự (BLHS) năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) đã có những sửa đổi, bổ sung đối với các tội phạm khác về chức vụ so với BLHS năm 1999, trên cơ sở đó, góp phần nâng cao chất lượng hiệu quả công tác đấu tranh phòng chống tội phạm tham nhũng, chức vụ tại Việt Nam.

1. Tình hình tội phạm chức vụ

Trong những năm qua, tình hình tội phạm tham nhũng, chức vụ vẫn diễn biến hết sức phức tạp. Tình trạng nhũng nhiễu, hối lộ, chạy dự án trong khu vực công còn nhiều với chiều hướng gia tăng, tính chất tham nhũng ngày càng phức tạp. Các đối tượng phạm tội đã sử dụng nhiều thủ đoạn tinh vi hơn, phạm vi, tính có tổ chức của các vụ việc, vụ án tham nhũng rõ nét hơn. Một số vụ án tham nhũng gây hậu quả rất nghiêm trọng, làm thất thoát lớn tài sản của Nhà nước. Một số vụ tham nhũng có yếu tố nước ngoài, phần nào ảnh hưởng đến nhìn nhận của quốc tế về tình hình tham nhũng ở Việt Nam.

Tội phạm chức vụ là một loại tội phạm đặc biệt nguy hiểm cho xã hội, xâm hại đến lợi ích quốc gia và sự thụ hưởng các quyền và lợi ích của người nghèo. Đây cũng là một trong số những nguyên nhân cơ bản dẫn đến gia tăng sự bất công trong xã hội, làm xói mòn niềm tin của người dân đối với Nhà nước. Ngoài ra, trong lĩnh vực đối ngoại và hợp tác quốc tế, sự gia tăng các tội phạm khác về chức vụ làm suy giảm niềm tin của những quốc gia, đối tác nước ngoài đầu tư tại Việt Nam, từ đó cản trở hoạt động đối ngoại và hạn chế các nguồn đầu tư phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.

2. Một số nội dung mới của BLHS 2015 về tội phạm chức vụ

Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017 các tội phạm về chức vụ theo hướng: mở rộng khái niệm tội phạm về chức vụ; sửa đổi, bổ sung một số cấu thành tội phạm cụ thể; quy định hành vi đưa hối lộ công chức nước ngoài, công chức của tổ chức quốc tế công.

2.1. Mở rộng khái niệm tội phạm về chức vụ

Theo quy định tại Điều 277 BLHS 1999, tội phạm về chức vụ là “những hành vi xâm phạm hoạt động đúng đắn của cơ quan, tổ chức do người có chức vụ thực hiện trong khi thực hiện công vụ”. Việc định nghĩa khái niệm tội phạm chức vụ như trước đây đã xác định chủ thể thực hiện hành vi phạm tội chỉ là người có chức vụ quyền hạn khi thực hiện nhiệm vụ công được cơ quan, tổ chức phân công. Tuy nhiên, theo quy định tại khoản 1 Điều 352 BLHS 2015 đã điều chỉnh khái niệm tội phạm khác về chức vụ theo hướng mở rộng, bao gồm cả một số hành vi tội phạm về chức vụ xảy ra trong khu vực tư (ngoài Nhà nước) như đưa hối lộ, môi giới hối lộ.

Mặc dù thực tiễn đấu tranh phòng chống tội phạm đã cho thấy sự bất cập trong chính sách pháp luật trong việc xử lý đối với các hành vi lợi dụng chức vụ quyền hạn để trục lợi do có sự phân biệt giữa khu vực Nhà nước và khu vực tư. Những hành vi tương tự như đưa hối lộ, môi giới hối lộ nhưng diễn ra trong khu vực tư cũng không thể xử lý vì không có quy định pháp luật cụ thể. Bên cạnh đó, xuất phát từ thực tiễn về việc xử lý hành vi đưa hối lộ, môi giới hối lộ đối với tài sản của doanh nghiệp có phần vốn góp của nhà nước, trong đó có sự đan xen về sở hữu mà ở nhiều trường hợp không thể tách biệt giữa tài sản, phần vốn góp của tư nhân, việc xác định xử lý trách nhiệm của người có chức vụ, quyền hạn trong loại hình doanh nghiệp này rất khó khăn. BLHS năm 1999 chỉ dừng lại đối với các hành vi đưa hối lộ, môi giới hối lộ trong lĩnh vực công mà chưa ghi nhận việc xử lý những hành vi phạm tội tương tự trong lĩnh vực tư.

Trong bối cảnh ngành kinh tế tư nhân đang ngày càng phát triển và giữ vị trí then chốt trong nền kinh tế quốc dân, để giải quyết được những bất cập nêu trên cũng như đáp ứng những đòi hỏi nội tại của đất nước ta trong công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng và các cam kết nội luật hóa các quy định của Công ước Liên hiệp quốc về chống tham những thì việc hình sự hóa các hành vi tham nhũng trong khu vực tư là hết sức cần thiết. Trên cơ sở đó, cần xác định người có chức vụ quyền hạn thuộc các thành phần ngoài Nhà nước đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn này thực hiện hành vị phạm tội vì vụ lợi (ví dụ: hành vi nhận tiền của hối lộ của người có thẩm quyền trong lĩnh vực tư nhân) phải được xác định là những hành vi tham nhũng để có chính sách xử lý thống nhất và phù hợp.

2.2. Sửa đổi, bổ sung một số cấu thành tội phạm cụ thể

Theo quy định tại mục b Điều 15 Công ước Liên hợp quốc về chống tham nhũng, yếu tố khách quan bắt buộc trong cấu thành tội nhận hối lộ là hành vi đòi hỏi hoặc chấp nhận của hối lộ và sự liên hệ giữa những hành vi này với hành xử của công chức khi thi hành công vụ. Việc đòi hỏi hoặc chấp nhận có thể được do công chức trực tiếp thực hiện hoặc qua trung gian. Lợi ích không chính đáng có thể dành cho chính bản thân công chức hoặc cho người khác (ví dụ: họ hàng người thân của công chức đó, hoặc có thể dành cho một thực tế thể khác). Về chủ quan, yếu tố bắt buộc là việc cố ý đòi hỏi hoặc chấp nhận lợi ích không chính đáng với mục đích thay đổi hành xử của một người trong quá trình người đó thực hiện trách nhiệm chính thức. Bên cạnh đó, Công ước cũng quy định “của hối lộ” là bất kỳ lợi ích nào, có thể là lợi ích vật chất hoặc phi vật chất.

Theo quy định tại Điều 279 BLHS 1999 thì hành vi của người nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn là trực tiếp hoặc qua trung gian đã nhận hoặc sẽ nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác dưới bất kỳ hình thức nào có giá trị từ 2 triệu đồng. Tuy nhiên, BLHS hiện hành xác định hành vi “đòi hối lộ” là tình tiết định khung tăng nặng trách nhiệm hình sự tại khoản 2 mà không phải là một hành vi cấu thành tội phạm độc lập như quy định của Công ước. Theo quy định của BLHS 1999, “của hối lộ” chỉ bao gồm tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác. Tuy nhiên nhằm đáp ứng yêu cầu của Công ước và bảo đảm xử lý nghiêm minh các hành vi nhũng nhiễu, đòi hối lộ kể cả khi người phạm tội chưa nhận tiền hối lộ hoặc lợi ích khác và bảo đảm sự thống nhất về kỹ thuật lập pháp với quy định về tội Nhận hối lộ, BLHS năm 2015 sửa đổi Điều 289 của BLHS năm 1999 theo hướng cụ thể hóa hành vi, cụ thể: “Người nào trực tiếp hay qua trung gian đã đưa hoặc sẽ đưa cho người có chức vụ, quyền hạn hoặc người khác hoặc tổ chức khác bất kỳ lợi ích nào sau đây để người có chức vụ, quyền hạn làm hoặc không làm một việc vì lợi ích hoặc theo yêu cầu của người đưa hối lộ…”. “Lợi ích phi vật chất” cũng được Bộ luật bổ sung tại các điều luật liên quan - đây là một nội dung hiện nay vẫn chưa được hướng dẫn cụ thể. Tuy nhiên, tại Dự thảo Nghị quyết hướng dẫn áp dụng một số quy định của BLHS về các tội phạm tham nhũng, chức vụ và việc xét xử vụ án tham nhũng, chức vụ của Hội đồng thẩm phán TANDTC, xác định những lợi ích không phải lợi ích vật chất như: các danh hiệu, giải thưởng của Nhà nước, cơ quan, tổ chức; tạo điều kiện để người thân đi du học, tham quan; được quan hệ tình dục; được bầu, bổ nhiệm chức vụ; được nâng điểm thi; hứa hẹn cho tốt nghiệp, cho đi học, đi thi đấu, đi biểu diễn ở nước ngoài…) mà người phạm tội có được hoặc sử dụng.

2.3. Quy định hành vi đưa hối lộ công chức nước ngoài, công chức của tổ chức quốc tế công

Theo quy định của Công ước, chủ thể của các hành vi tham nhũng trước hết là “công chức” và khái niệm công chức trong phạm vi điều chỉnh của Công ước là tương đối toàn diện, bao gồm cả hai đối tượng: (1) công chức của quốc gia; (2) công chức của nước ngoài và công chức làm việc tại các tổ chức quốc tế công. Nhóm đối tượng này chủ yếu được đề cập dưới dạng là chủ thể của hành vi thụ động hối lộ theo quy định tại Điều 16 của Công ước. BLHS năm 1999 không có quy định về hành vi phạm tội hối lộ công chức nước ngoài hoặc công chức của tổ chức quốc tế công theo quy định của Công ước. Tuy nhiên, trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế hiện nay, các quốc gia trên thế giới, các tổ chức quốc tế, tổ chức phi Chính phủ đóng một vai trò quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội ở nước ta thông qua các hoạt động hợp tác, viện trợ, tài trợ,… Việc một người vì vụ lợi mà đưa hối lộ công chức nước ngoài hay tổ chức quốc tế công để dành những ưu thế trong các hoạt động nêu trên thực tế đã xảy ra. Vì vậy, để đảm bảo sự cạnh tranh lành mạnh, công bằng trong xã hội và giữ gìn mối quan hệ với các quốc gia, tổ chức quốc tế; việc bổ sung hành vi đưa hối lộ công chức nước ngoài hay công chức của tổ chức quốc tế công là cần thiết.

BLHS năm 2015 đã bổ sung hành vi đưa hối lộ cho công chức nước ngoài, công chức làm việc tại các tổ chức quốc tế công tại Điều 289 BLHS năm 1999 về tội đưa hối lộ theo hướng chỉ rõ đối tượng được đưa hối lộ, bao gồm cả công chức nước ngoài, công chức làm việc tại các tổ chức quốc tế công (khoản 6 Điều 364 BLHS năm 2015).

BLHS năm 2015 đã cơ bản thể chế hóa được những quan điểm, chủ trương đổi mới của Đảng về xây dựng, hoàn thiện pháp luật hình sự, cải cách tư pháp đối với các tội phạm tham nhũng chức vụ. Theo đó, thể chế hóa đầy đủ, toàn diện chủ trương "Quy định trách nhiệm hình sự nghiêm khắc hơn đối với những tội phạm là người có thẩm quyền trong thực thi pháp luật, những người lợi dụng chức vụ, quyền hạn để phạm tội. Người có chức vụ càng cao mà lợi dụng chức vụ, quyền hạn phạm tội thì càng phải xử lý nghiêm khắc để làm gương cho người khác" được đề cập tại Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02/6/2005 của Bộ Chính trị về chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020; hay "Sửa đổi pháp luật hình sự theo hướng tăng hình thức phạt tiền, miễn hoặc giảm hình phạt khác đối với những đối tượng có hành vi tham nhũng nhưng đã chủ động khai báo, khắc phục hậu quả" tại Kết luận số 21-KL/TW ngày 25/5/2012 của Hội nghị Trung ương 5 (khóa XI) về tăng cường lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí. Có thể nói, BLHS 2015 đã tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn áp dụng các điều luật hiện hành trong quá trình đấu tranh phòng, chống tội phạm tham nhũng, chức vụ phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế, xã hội, chính trị của đất nước cũng như đáp ứng các yêu cầu nội luật hóa Công ước Liên hiệp quốc về chống tham nhũng./.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

Quốc hội (2015), Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017. Chương 23, Mục 2: Các tội khác về chức vụ (Điều 360 - Điều 366).

Đào Lệ Thu (2018). Điểm mới về các tội phạm chức vụ trong BLHS 2015. Tạp chí Tòa án (1/6/2018).

Ban soạn thảo Bộ luật Hình sự sửa đổi (2015)), Bản thuyết minh chi tiết về Dự thảo BLHS (sửa đổi), Hà Nội, tháng 04/2015.

Phan Thị Bích Hiền (2020). Tìm hiểu về khái niệm “người có chức vụ” và “lợi dụng chức vụ để phạm tội” trong Luật Hình sự Việt Nam. https://tks.edu.vn/thong-tin-khoa-hoc/chi-tiet/79/162.

Theo tapchicongthuong.vn

Nguồn bài viết: http://tapchicongthuong.vn/bai-viet/mot-so-noi-dung-moi-cua-cac-toi-pham-khac-ve-chuc-vu-theo-bo-luat-hinh-su-nam-2015-sua-doi-bo-sung-nam-2017-77018.htm

Bạn đang đọc bài viết "Một số nội dung mới của các tội phạm khác về chức vụ theo Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017)" tại chuyên mục Khoa học Pháp Lý. Mọi chi tiết xin liên hệ số hotline (0915.999.467) hoặc gửi email về địa chỉ (toasoan@phaply.vn).

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin