Một số chế định quan trọng cần tiếp tục cân nhắc hoàn thiện

26/10/2016 09:28

(Pháp lý) - Dự Luật về Hội mới nhất đã có những bước phát triển mang tính đột phá quan trọng, phù hợp với những thay đổi của đất nước trong thời kỳ đẩy mạnh hội nhập quốc tế.

Tuy nhiên, dưới góc nhìn của một số chuyên gia pháp luật có kinh nghiệm, trong dự thảo vẫn còn những chế định quan trọng cần sửa đổi trước khi trình Quốc hội.

Phạm vi điều chỉnh của Luật

Điều 25 Hiến pháp hiện hành qui định “Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình”. Như vậy chỉ có cá nhân có quyền lập hội.

Tuy nhiên, Dự thảo Luật về Hội quy định: Hội viên của hội có thể là cá nhân và tổ chức. Điều 2 Luật về Hội ghi “Hội là tổ chức tự nguyện của công dân, tổ chức Việt Nam có tôn chỉ, mục đích phù hợp quy định của pháp luật”… Điều 3 về Bảo đảm quyền lập hội ghi : “Nhà nước tôn trọng và bảo đảm công dân, tổ chức Việt Nam có quyền lập hội, gia nhập hội, ra khỏi hội theo quy định của Luật này và các quy định khác của pháp luật có liên quan”.

 Quang cảnh hội thảo "Góp ý hoàn thiện Dự thảo Luật về Hội” do Viện Nghiên cứu lập pháp (Ủy ban Thường vụ Quốc hội) tổ chức
Quang cảnh hội thảo "Góp ý hoàn thiện Dự thảo Luật về Hội” do Viện Nghiên cứu lập pháp (Ủy ban Thường vụ Quốc hội) tổ chức)

Vì vậy, qui định tổ chức có quyền lập hội là vấn đề phải cân nhắc kỹ càng, cho phù hợp với tinh thần Hiến pháp và không tạo ra những tình huống phức tạp.

Một quy định khác mà nhiều người còn băn khoăn đó là phạm vi điều chỉnh của Luật về hội. Luật về hội quy định về tổ chức, hoạt động và quản lý hội. Nhiều ý kiến đồng tình rằng Luật không áp dụng đối với 6 đoàn thể chính trị - xã hội và các tổ chức tôn giáo, tín ngưỡng (do các tổ chức này đã có văn bản pháp quy riêng quy định).

Tuy nhiên, Tiến sĩ Lê Hồng Sơn - Bộ Tư pháp phân tích tổ chức xã hội - nghề nghiệp của luật sư cho rằng đối tượng này không thỏa mãn các dấu hiệu đặc trưng của việc tham gia hội như tự nguyện, tự quản, tự bảo đảm kinh phí. Ở đây có chế độ thành viên bắt buộc: Chỉ những người đã được gia nhập một Đoàn luật sư mới được gọi là luật sư và được cung cấp dịch vụ pháp lý với tư cách luật sư. Như vậy, việc gia nhập tổ chức xã hội - nghề nghiệp của luật sư là một điều kiện bắt buộc để được phép hành nghề luật sư.

Thứ hai là chế độ trách nhiệm của Đoàn luật sư đối với thành viên của mình. Mặc dù là tổ chức xã hội - nghề nghiệp, nhưng Đoàn luật sư thực hiện nhiều nhiệm vụ quản lý về tổ chức và hành nghề luật sư, trong đó có những nhiệm vụ được Nhà nước chuyển giao. Đoàn luật sư trực tiếp hoặc phối hợp với Nhà nước thực hiện việc đào tạo nghề luật sư, tổ chức kỳ thi cấp Chứng chỉ hành nghề luật sư/công nhận tư cách luật sư; ban hành và giám sát việc thực hiện Quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp luật sư; giám sát tổ chức hành nghề luật sư, các luật sư trong việc tuân thủ pháp luật; xử lý kỷ luật đối với luật sư. Chế độ hội viên của các hội nghề nghiệp gần như không gắn với hoạt động hành nghề của cá nhân hội viên. Do đó, các hội nghề nghiệp không có nhiệm vụ quản lý về hoạt động hành nghề của hội viên.

Thứ ba là cơ chế điều chỉnh pháp luật: Những vấn đề cơ bản về tổ chức và hoạt động của Đoàn luật sư được quy định trong văn bản pháp luật chuyên ngành về luật sư.

Điều 67 của Luật Luật sư quy định những nội dung chính của Điều lệ Liên đoàn luật sư và Điều lệ của Liên đoàn luật sư được Bộ trưởng Bộ Tư pháp phê duyệt sau khi thống nhất ý kiến với Bộ trưởng Bộ Nội vụ. Ngoài ra, Điều 65 Luật Luật sư còn quy định “khung phí tập sự hành nghề luật sư, khung phí gia nhập Đoàn luật sư, phí thành viên”.

Có thể nói, Luật Luật sư chưa phân định rõ giữa quản lý nhà nước về luật sư và hành nghề luật sư với chế độ tự quản của tổ chức xã hội nghề nghiệp của luật sư. Vậy tổ chức hành nghề luật sư có nên được xem xét là một trường hợp (dù có luật riêng) nhưng vẫn chịu sự điều chỉnh của Luật về hội hay không? Điều này cần được xem xét kĩ trước khi trình dự thảo Luật về Hội tới Quốc hội. Kiểm tra, giám sát hoạt động Hội

Hiện nay có rất nhiều hội đang hoạt động. Có nhiều hội có đăng kí hoạt động, có nhiều hội tự quản, không đăng kí. Dự thảo Luật về hội quy định có 2 loại hội: Hội có tư cách pháp nhân và hội không có tư cách pháp nhân. Hội không có tư cách pháp nhân là hội chưa được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp giấy đăng ký hoạt động. Như vậy có thể hiểu là khi được cấp giấy đăng ký hoạt động thì là hội có tư cách pháp nhân. Các góp ý cho rằng, cần quy định cụ thể hơn địa vị pháp lý của hội không có tư cách pháp nhân (có thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật này không), nếu có thì không nên giao cho Chính phủ quy định một vấn đề chưa được quy định trong Luật.

Hoạt động của đông đảo các tổ chức hội thường nảy sinh những vấn đề pháp lý nhất định nên Dự thảo Luật có quy định về chế tài xử lý đối với các vi phạm liên quan đến tổ chức, hoạt động của hội. Tuy nhiên vấn đề này trong dự thảo hiện nay chưa cụ thể, chưa rõ ràng. Trong đó đáng chú ý là chưa qui định rõ việc xử lý đối với các hội, nhóm được thành lập “bất hợp pháp” cũng như chưa có cơ chế giám sát hoạt động, thanh tra, kiểm tra đối với các tổ chức hội nói chung.

Vấn đề công nhận hoặc không công nhận tư cách của người đứng đầu hội cũng là vấn đề gây nhiều tranh cãi. Góp ý vào dự thảo luật, nhiều ý kiến trong các hội thảo do Hội luật gia Việt Nam tổ chức cho rằng: Để có cơ sở, căn cứ giải quyết mâu thuẫn nội bộ hội và tăng cường hiệu quả công tác quản lý Nhà nước về hội, dự thảo luật quy định về công nhận chức danh người đứng đầu hội đối với các tổ chức hội sử dụng kinh phí Nhà nước để đảm bảo công tác quản lý nhà nước không bị quá tải và phù hợp với thực tế hoạt động hội.

Quản lý nhà nước về Hội, thế nào cho hợp lý?

Dự thảo Luật về Hội đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIII cho ý kiến tại phiên họp thứ 41
Dự thảo Luật về Hội đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIII cho ý kiến tại phiên họp thứ 41)

Các ý kiến chung cho rằng việc thành lập hội phải xin phép cơ quan nhà nước có thẩm quyền và phải đáp ứng đủ các điều kiện như: Mục đích hoạt động không trái luật, tên hội và lĩnh vực hoạt động chính của hội không trùng với hội đã được thành lập trước đó trên cùng địa bàn lãnh thổ; có điều lệ, có trụ sở và có đủ hội viên đăng ký tham gia, là phù hợp. Quy định này nhằm bảo đảm sự quản lý nhà nước đối với các hội ngay từ khi thành lập, tránh tình trạng buông lỏng quản lý dẫn đến việc thành lập hội một cách tràn lan, không hiệu quả. Nhưng cũng có nhiều ý kiến cho rằng cần phải thay đổi quy định cấp phép trong việc thành lập tổ chức Hội bằng thủ tục đăng ký cho phù hợp với chủ trương cải cách hành chính của nhà nước ta, đơn giản hoá thủ tục, tạo điều kiện thuận tiện, thông thoáng cho nhân dân khi tiến hành thủ tục thành lập hội, đồng thời còn đề cao tinh thần tự giác, tự chịu trách nhiệm trước pháp luật, kích thích tính năng động, sáng tạo của công dân khi thực hiện quyền lập hội.

Sở Tài chính Hà Nội là đơn vị chủ yếu quản lý những tổ chức Hội có sự hỗ trợ kinh phí hoạt động từ ngân sách nhà nước, họ thấy rằng nên đơn giản hoá quá trình xét duyệt hồ sơ hành lập hội, nhất là việc phê duyệt điều lệ Hội. Đồng thời việc quản lý hoạt động của hội chỉ nên tập trung vào một đầu mối, tránh nhiều “cửa” gây phiền hà cho các hội; nhà nước nên mở rộng cho hội kết nạp hội viên có yếu tố nước ngoài vì như vậy sẽ tiếp thu được kinh nghiệm quản lý, trình độ khoa học kỹ thuật, mở rộng hợp tác và giao lưu của hội với các đối tác nước ngoài; thậm chí có thể thu hút được cả sức mạnh kinh tế của họ…

Quản lý hoạt động của hội được xác định là một trong những nội dung quan trọng của quản lý nhà nước đối với xã hội. Riêng chính sách quản lý hội chủ yếu là: Ban hành các văn bản quy phạm pháp luật theo thẩm quyền có liên quan đến các hội, hướng dẫn, theo dõi và kiểm tra việc thực hiện các văn bản đó; thực hiện việc cấp đăng ký, phê duyệt điều lệ hội, chấp thuận việc chia tách, sáp nhập, giải thể hội, chấm dứt hoạt động; xử lý vi phạm; giải quyết các khiếu nại, tố cáo liên quan đến hội... hướng dẫn, bồi dưỡng nghiệp vụ cho cán bộ làm công tác hội; theo dõi hoạt động của các hội và yêu cầu các hội có báo cáo cho các cơ quan có thẩm quyền.

Cần quan tâm đến cơ chế, chính sách dành cho một số Hội đặc biệt

Thực hiện nhiệm vụ tham gia góp ý kiến xây dựng chính sách, pháp luật được quy định tại Điều lệ Hội Luật gia Việt Nam, sau khi nghiên cứu Dự án Luật về Hội, Trung ương Hội Luật gia Việt Nam có một số ý kiến như sau: Hội Luật gia Việt Nam đề nghị Ban soạn thảo quán triệt và thể chế hóa đầy đủ các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đối với các tổ chức hội quần chúng, nhất là các tổ chức hội được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Điều lệ như quy định tại Điều 18 trong dự thảo Luật lần này. Trong đó, Hội Luật gia Việt Nam đề nghị dự thảo Luật về Hội tiếp tục kế thừa quan điểm của Chính phủ đã nêu tại Tờ trình số 578/TTr-CP ngày 27/10/2015 và được thể hiện tại Điều 5 dự thảo Luật về Hội đã trình tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIII.

Cụ thể là chính sách đối với hội và người làm việc tại Hội, bao gồm ban hành cơ chế, chính sách để hội tham gia xã hội hóa các hoạt động cung cấp dịch vụ, tư vấn; thực hiện chương trình, dự án, đề tài và các hoạt động khác theo quy định của pháp luật. Đối với các hội thành lập do nhu cầu của Đảng và Nhà nước thì cần được ngân sách nhà nước bảo đảm kinh phí hoạt động để hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị được Đảng và Nhà nước giao. Đối với các hội còn lại tự trang trải kinh phí hoạt động và được ngân sách nhà nước hỗ trợ kinh phí gắn với nhiệm vụ Nhà nước giao. Nhà nước khuyến khích tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài tài trợ cho hội. Người làm việc tại hội được thực hiện chế độ, chính sách theo quy định của pháp luật và theo điều lệ hội.

Minh Minh

Bạn đang đọc bài viết "Một số chế định quan trọng cần tiếp tục cân nhắc hoàn thiện" tại chuyên mục Xây dựng pháp luật. Mọi chi tiết xin liên hệ số hotline (0915.999.467) hoặc gửi email về địa chỉ (toasoan@phaply.vn).

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin