Mặt bằng lãi suất huy động ở mức thấp, gửi tiền ở ngân hàng nào lợi nhất?

09/09/2021 08:55

Từ nửa cuối tháng 8/2021 đến nay, nhiều ngân hàng đã điều chỉnh biểu lãi suất huy động theo hướng tiếp tục giảm.

Ngân hàng Nhà nước cho biết mặt bằng lãi suất tiền gửi bằng VNĐ bình quân ở các ngân hàng thương mại trong nước đang khoảng 3,3-3,5%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng; 4,2-5,7%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 6 tháng đến 12 tháng.

16-1631152470.jpg
Lãi suất huy động tại nhiều ngân hàng duy trì mức thấp. Ảnh minh họa

Mức lãi suất 5,4-6,8%/năm được áp dụng đối với tiền gửi có kỳ hạn từ trên 12 tháng đến 24 tháng và 6,1-6,9%/năm đối với kỳ hạn trên 24 tháng.

Trong đó, mức lãi suất 4%/năm cho kỳ hạn dưới 6 tháng đang ghi nhận duy nhất tại GPBank, tiếp theo sau đó là Nam Á Bank với 3,95%/năm và NCB cùng PGBank, PVcomBank ghi nhận 3,9%/năm.

Với kỳ hạn từ 6 đến dưới 12 tháng lãi suất tiền gửi dao động trong khoảng 3,7 – 6,4%/năm. Trong đó, ở kỳ hạn 6 tháng, CBBank và NCB tung ra mức lãi suất cao nhất với 6,25%/năm.

Bắc Á theo sau với lãi suất 6,1% và Nam Á Bank ghi nhận 6%/năm. Duy nhất NCB ưu đãi với 6,4%/năm đối với kỳ hạn 9 tháng.

Ở kỳ hạn trên 12 tháng, lãi suất huy động của các ngân hàng đưa ra trong khoảng 4,2 – 6,5%/năm.

Tuy nhiên, vẫn có nhà băng đưa ra mức lãi suất khá cao với 6,8%/năm cho kỳ hạn 12 tháng là SCB.

Ngoài ra, Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) đang trả lãi suất cao nhất khoảng 7 - 7,3%/năm cho tiền gửi tiết kiệm ở kỳ hạn 13 tháng; Ngân hàng TMCP Kỹ Thương (Techcombank) trả lãi suất cao nhất tới 7,1%/năm cho tiền gửi tiết kiệm thường trả lãi cuối kỳ ở kỳ hạn 12 tháng.

Ngân hàng TMCP Hàng hải Việt Nam (MSB) với lãi suất 7%/năm, niêm yết tại kỳ hạn 12 tháng và 13 tháng.

Các mức lãi suất này thường kèm theo điều kiện về số tiền gửi từ vài chục đến vài trăm tỷ đồng.

Việc nhiều ngân hàng không thể duy trì lãi suất tiết kiệm ở mức hấp dẫn như trước được cho là do áp lực giảm chi phí đầu vào để giảm lãi suất cho vay, hỗ trợ doanh nghiệp và nền kinh tế.

Tuy vậy, một lãnh đạo một ngân hàng chia sẻ, việc cho vay cũng không hề dễ dàng do ảnh hưởng tiêu cực của dịch bệnh.

Doanh nghiệp bị đứt gãy chuỗi sản xuất, tiêu thụ, dòng tiền gián đoạn không thể quay vòng vốn, khó đáp ứng đủ các yêu cầu về phương án sản xuất, dòng tiền trả nợ... để vay mới. 

Trước tình hình đó, phía ngân hàng phải cùng đồng hành tư vấn tài chính, hỗ trợ tìm kiếm các đối tác cung ứng nguồn nguyên liệu, tiêu thụ sản phẩm để giúp khách hàng duy trì và phục hồi sản xuất.

Theo doisongphapluat.com

Nguồn bài viết: https://www.doisongphapluat.com/mat-bang-lai-suat-huy-dong-o-muc-thap-gui-tien-o-ngan-hang-nao-loi-nhat-a512472.html

Bạn đang đọc bài viết "Mặt bằng lãi suất huy động ở mức thấp, gửi tiền ở ngân hàng nào lợi nhất?" tại chuyên mục Thông tin kinh doanh. Mọi chi tiết xin liên hệ số hotline (0915.999.467) hoặc gửi email về địa chỉ (toasoan@phaply.vn).

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin