Lý giải những nguyên nhân và đề xuất giải pháp khắc phục

31/07/2017 15:43

(Pháp lý) - Xử lý lại vụ án hình sự là điều cần thiết khi có những tình tiết mới xuất hiện làm thay đổi cơ bản nội dung vụ án mà các cơ quan tiến hành tố tụng (CQTHTT) không lường trước được. Tuy nhiên nếu một vụ án hình sự bị xử lý lại nhiều lần mà nguyên nhân thuộc về sự khác nhau trong nhận thức pháp luật giữa các CQTHTT hoặc do sự thiếu trách nhiệm trong hoạt động thu thập chứng cứ của các CQĐT, VKS thì rõ ràng vụ án sẽ bị kéo dài một cách không thỏa đáng. Thực trạng này cần phải được hạn chế và khắc phục.

Bài viết sau đây, Phóng viên Pháp lý sẽ cùng chuyên gia phân tích, lý giải những nguyên nhân và đề xuất giải pháp khắc phục vấn đề này. Thông tin trong bài chúng tôi bình luận dựa vào các quy định của Bộ luật Tố tụng Hình sự (BLTTHS) 2003 (vì BLTTHS 2015 đến thời điểm 1/1/2018 mới có hiệu lực).

Quyền yêu cầu xử lý lại vụ án hình sự của Tòa: khi nào được áp dụng?

Để vụ án có thể được giải quyết và xử lý đúng luật, đúng sự thật khách quan, tránh oan sai, BLTTHS 2003 cho phép Tòa án áp dụng một số quyết định nhằm xử lý lại vụ án như: trả hồ sơ để điều tra bổ sung, hủy án để điều tra lại hoặc xét xử lại. (Lưu ý: Những bản án bị hủy có thể bị hủy toàn bộ hoặc chỉ một phần). Tuy nhiên, mỗi quyết định đều phải phụ thuộc vào các giai đoạn khác nhau của vụ án và phải dựa vào các căn cứ luật định.

Để pháp luật được thượng tôn áp dụng thống nhất, trước hết bản thân các quy định của pháp luật cần tạo được cách hiểu thống nhất và duy nhất (ảnh minh họa)
Để pháp luật được thượng tôn áp dụng thống nhất, trước hết bản thân các quy định của pháp luật cần tạo được cách hiểu thống nhất và duy nhất (ảnh minh họa))

Ở giai đoạn chuẩn bị xét xử sơ thẩm hoặc tại phiên tòa xét xử sơ thẩm, Tòa án có thể ra quyết định trả hồ sơ để điều tra bổ sung trong những trường hợp: Cần xem xét thêm những chứng cứ quan trọng đối với vụ án mà không thể bổ sung tại phiên tòa được; Khi có căn cứ để cho rằng bị cáo phạm một tội khác hoặc có đồng phạm khác; Khi phát hiện có vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng (Điều 179 BLTTHS 2003).

Tuy nhiên, đến giai đoạn xét xử phúc thẩm, BLTTHS 2003 không còn trao quyền này cho Tòa án nữa mà Tòa cấp phúc thẩm chỉ có thể ra quyết định hủy bản án sơ thẩm để điều tra lại hoặc xét xử lại. Việc hủy bản án sơ thẩm để điều tra lại được áp dụng khi Tòa phúc thẩm nhận thấy việc điều tra ở cấp sơ thẩm không đầy đủ mà cấp phúc thẩm không thể bổ sung được. Còn việc hủy bản án sơ thẩm để xét xử lại được áp dụng trong hai trường hợp: Thành phần Hội đồng xét xử sơ thẩm không đúng luật định hoặc có vi phạm nghiêm trọng khác về thủ tục tố tụng; Người được Tòa án cấp sơ thẩm tuyên bố không có tội nhưng có căn cứ cho rằng người đó đã phạm tội (Điều 250 BLTTHS 2003).

Giai đoạn giám đốc thẩm hoặc tái thẩm, Tòa án cũng có thể ra quyết định hủy bản án hoặc quyết định đã có hiệu lực pháp luật để điều tra lại hoặc xét xử lại khi có một trong những căn cứ sau: Việc điều tra xét hỏi tại phiên tòa phiến diện hoặc không đầy đủ; Kết luận trong bản án hoặc quyết định không phù hợp với những tình tiết khách quan của vụ án; Có sự vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng trong điều tra, truy tố hoặc xét xử; Có những sai lầm nghiêm trọng trong việc áp dụng Bộ luật Hình sự (Điều 250 và 298 BLTTHS 2003).

Trong 3 đại án kinh tế, tham nhũng mà Phóng viên đã phản ánh ở bài trước, việc đưa ra các quyết định hủy một phần bản án để điều tra lại, trả hồ sơ để điều tra bổ sung, hủy bản án để xét xử lại đều được các cơ quan Tòa án lý giải rằng: tội danh mà CQĐT, VKS đã khởi tố, truy tố không đúng với hành vi khách quan mà bị can đã thực hiện mà có dấu hiệu của một tội khác. Lý do này đều phù hợp với một số căn cứ đã nêu ở trên như : “Cần xem xét thêm những chứng cứ quan trọng đối với vụ án mà không thể bổ sung tại phiên tòa được”; “Khi có căn cứ để cho rằng bị cáo phạm một tội khác”; “Tòa phúc thẩm nhận thấy việc điều tra ở cấp sơ thẩm không đầy đủ mà cấp phúc thẩm không thể bổ sung được”; “Kết luận trong bản án hoặc quyết định không phù hợp với những tình tiết khách quan của vụ án”.

Nhiều người sẽ thắc mắc, trong vụ Huỳnh Thị Huyền Như và vụ Hà Văn Thắm, Nguyễn Xuân Sơn tại sao khi có căn cứ cho rằng hành vi của bị cáo phạm vào tội Tham ô tài sản, Tòa sơ thẩm, phúc thẩm không thể tiếp tục xét xử bị cáo về tội danh mới này mà phải hủy án để điều tra lại hoặc trả hồ sơ để điều tra bổ sung ? Còn trong vụ Trần Ứng Thanh, cũng với căn cứ cho rằng hành vi của bị cáo có dấu hiệu của tội khác (Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản của công ty) nhưng Hội đồng giám đốc thẩm lại quyết định hủy án để xét xử lại chứ không phải hủy án để điều tra lại?

Để lý giải được những vấn đề trên, cần nghiên cứu một quy định quan trọng khác của BLTTHS 2003, đó là quy định về “Giới hạn của việc xét xử”. Theo đó, Tòa án chỉ xét xử những bị cáo và những hành vi theo tội danh mà VKS truy tố và Tòa án đã quyết định đưa ra xét xử. Đồng thời, Tòa án có thể xét xử bị cáo theo khoản khác với khoản mà VKS đã truy tố trong cùng một điều luật hoặc về một tội khác bằng hoặc nhẹ hơn tội mà VKS đã truy tố (Điều 196 BLTTHS 2003).

Với quy định này, ta thấy: Trong vụ Huỳnh Thị Huyền Như và vụ Hà Văn Thắm, Nguyễn Xuân Sơn thì tội Tham ô tài sản (hình phạt cao nhất là tử hình) là tội nặng hơn so với tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng và tội Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ (các tội này hình phạt cao nhất là tù chung thân). Cho nên, Tòa không thể xét xử ngay các bị cáo về tội danh mới – Tội tham ô. Còn tội Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản và Lừa đảo chiếm đoạt tài sản là hai tội tương đương nhau (đều có hình phạt cao nhất là tù chung thân) nên trong vụ Trần Ứng Thanh, Tòa án ở cấp giám đốc thẩm đã quyết định hủy án để xét xử lại chứ không cần phải hủy án để điều tra lại.

Trong giai đoạn 2 của vụ Huỳnh Thị Huyền Như, giả sử sau khi điều tra bổ sung, VKS vẫn truy tố Huỳnh Thị Huyền Như về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản và vụ án nếu được Tòa án đưa ra xét xử trước thời điểm ngày 1/1/2018 thì giới hạn của Tòa án không thể xét xử Huỳnh Thị Huyền Như về tội Tham ô tài sản. Vì trước thời điểm 1/1/2018, giới hạn xét xử của Tòa án vẫn phải theo quy định tại Điều 196 BLTTHS 2003, tức là Tòa án chỉ được xét xử tội danh mà VKS truy tố. Trường hợp nếu vụ án được đưa ra xét xử sau ngày 1/1/2018 thì Tòa án có thể vận dụng hướng dẫn tại Nghị quyết về việc thi hành BLHS 2015 (sửa đổi) và các Luật liên quan, Nghị quyết về việc thi hành BLTTHS 2015... và quy định mới về giới hạn xét xử tại khoản 3 Điều 298 BLTTHS 2015, để xét xử Huỳnh Thị Huyền Như về tội Tham ô tài sản. Theo đó, điều luật có nội dung: “Trường hợp xét thấy cần xét xử bị cáo về tội danh nặng hơn tội danh VKS truy tố thì Tòa án trả hồ sơ để VKS truy tố lại và thông báo rõ lý do cho bị cáo hoặc người đại diện của bị cáo, người bào chữa biết; nếu VKS vẫn giữ tội danh đã truy tố thì Tòa án có quyền xét xử bị cáo về tội danh nặng hơn đó”.

Trong trường hợp bản án bị hủy để điều tra lại thì CQĐT phải tiến hành điều tra lại, VKS truy tố lại và Tòa án cấp sơ thẩm xét xử lại (Điều 252 BLTTHS 2003). Với thủ tục trả hồ sơ để điều tra bổ sung – tức là vẫn trong cùng một vụ án, khi CQĐT tiến hành điều tra bổ sung mà có căn cứ xác định tội phạm đã khởi tố không đúng với hành vi phạm tội xảy ra hoặc còn có tội phạm khác thì CQĐT, VKS ra quyết định thay đổi hoặc bổ sung quyết định khởi tố vụ án hình sự; có căn cứ xác định hành vi phạm tội của bị can không phạm vào tội đã bị khởi tố hoặc còn hành vi phạm tội khác thì CQĐT, VKS ra quyết định thay đổi hoặc bổ sung quyết định khởi tố bị can (Điều 106 và 127 BLTTHS 2003) (quy định này đã vận dụng vào vụ Hà Văn Thắm và Nguyễn Xuân Sơn).

Trên đây là những quy định về mặt thủ tục tố tụng, người đọc có thể dễ hình dung khi đối chiếu với diễn biến của các vụ án kinh tế, tham nhũng được phản ánh thời gian qua. Tuy nhiên, vấn đề chính là xem xét về mặt nội dung bên trong của vụ án mới là điều chúng ta cần hướng đến và sẽ được trình bày ở phần tiếp theo.

Xác định tội danh không thống nhất trong các đại án kinh tế, tham nhũng: Do nhận thức của cơ quan tố tụng hay BLHS quy định gây nhầm lẫn?

Nếu trong giai đoạn xét xử vụ án xuất hiện thêm những tình tiết, những lời khai, chứng cứ mới làm cho hành vi khách quan của bị can không còn phù hợp với tội danh mà CQĐT, VKS đã khởi tố, truy tố nữa, thì lúc này sự khác nhau về quan điểm định tội giữa Tòa án với CQĐT, VKS là hoàn toàn khách quan - do chứng cứ chưa đầy đủ, toàn diện để có thể phân biệt rạch ròi giữa các tội danh và cần thiết phải điều tra bổ sung hoặc điều tra lại. (Tất nhiên nguyên nhân dẫn đến việc chứng cứ chưa đầy đủ có thể xảy ra ở cả 3 trường hợp: do sự cố ý, vô ý hoặc hoàn toàn không có lỗi – bất khả kháng từ phía CQĐT, VKS).

Tuy nhiên, nếu các tình tiết, lời khai, chứng cứ trong vụ án không có gì thay đổi từ trong kết luận điều tra của CQĐT, cáo trạng truy tố của VKS cho đến quá trình xét hỏi tại phiên tòa, thậm chí sau khi vụ án được điều tra bổ sung, điều tra lại mà vẫn không có sự thay đổi đáng kể nào (trong cả 2 vụ án Vietinbank, Oceanban ta đều thấy như vậy) nhưng Tòa án và CQĐT, VKS vẫn không thống nhất về quan điểm định tội, thì lúc này cần xem xét về vấn đề nhận thức pháp luật hình sự của các CQTT. Liệu các CQTT nhận thức chưa đúng hay BLHS quy định chưa rõ ràng gây cách hiểu không thống nhất?

Trong ấn phẩm TCPL kỳ phát hành cuối tháng 3/2017, tác giả đã có bài “3 tội danh chính được áp dụng trong 6 đại án kinh tế gần đây: Nhận diện, phân biệt và kiến nghị”, trong đó Pháp lý đã phân tích rõ các tội danh “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, “Tham ô tài sản”, “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”... là những tội danh khi áp dụng xử các bị can gây nhiều tranh cãi nhất trong các đại án kinh tế, tham nhũng.

TS. Đinh Thế Hưng (Trưởng bộ môn Pháp luật hình sự - Viện Nhà nước &  Pháp luật)
TS. Đinh Thế Hưng (Trưởng bộ môn Pháp luật hình sự - Viện Nhà nước & Pháp luật))

Cũng trong bài viết đó, TS. Đinh Thế Hưng (Trưởng bộ môn Pháp luật hình sự - Viện Nhà nước & Pháp luật) đã khẳng định: Bất kỳ ai cũng có thể trở thành chủ thể của tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Nhưng phải là người có chức vụ, quyền hạn mới có thể là chủ thể của Tham ô tài sản. Vậy nếu người có chức vụ, quyền hạn dùng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác (chính là dấu hiệu giao nhau của hai tội này), thì phạm vào tội gì? Cách giải quyết là trả lời câu hỏi: Tài sản bị chiếm đoạt có phải tài sản thuộc trách nhiệm quản lý mà người phạm tội có được từ chức vụ, quyền hạn của mình hay không? Nếu câu trả lời là có, người này phạm vào tội Tham ô tài sản. Còn nếu không, nhất định là tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Vận dụng vào vụ án Huỳnh Thị Huyền Như, đối với 1.085 tỷ mà Huỳnh Thị Huyền Như (khi đó là trưởng phòng giao dịch) đã chiếm đoạt của 5 khách hàng mở tài khoản tại Vietinbank, nếu xét riêng về hành vi chiếm đoạt, rõ ràng thỏa mãn tội Tham ô tài sản. Nhưng xét cả quá trình, ở khía cạnh nào đó cũng có thể nói có dấu hiệu của tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản (như lý giải trong kết luận điều tra lại vụ án của CQĐT), chỉ có điều, tài sản trước khi “về tay” người phạm tội thì lại qua một chu trình chuyển tiếp thành tài sản chung của cơ quan, tổ chức mà trưởng phòng giao dịch Huỳnh Thị Huyền Như có trách nhiệm quản lý – khi đó tài sản bị chiếm đoạt đã mang đặc điểm khác – đặc điểm của tài sản trong tội tham ô. Giả sử lý giải của CQĐT về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản của Huỳnh Thị Huyền Như đối với 1.085 tỷ được chấp nhận, thì sẽ tạo một tiền lệ rất đáng báo động là: Nếu tài sản mà người dân gửi về ngân hàng hoặc các cơ quan tài chính mà bị nhân viên của đơn vị đó chiếm đoạt và bỏ trốn, khi đó ngân hàng hoặc cơ quan tài chính muốn chối bỏ trách nhiệm của mình, thì chỉ việc lý giải rằng: nhân viên này đã hình thành ý thức lừa đảo chiếm đoạt tài sản ngay từ khi các khách hàng chưa gửi tiền vào ngân hàng nên đây là hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản và khách hàng phải tự tìm “kẻ lừa đảo” để đòi bồi thường.

TS. Đinh Thế Hưng cho rằng, BLHS quy định tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản và Tham ô tài sản là hoàn toàn có thể phân biệt được. Vấn đề là các CQTT cố tình hiểu sai hoặc do trình độ, năng lực kém nên hiểu sai.

Chuyển sang trường hợp Tham ô tài sản và Cố ý làm trái quy định của Nhà nước gây hậu quả nghiêm trọng, theo TS. Đinh Thế Hưng, hai tội này thật ra rất dễ phân biệt. Bởi Tham ô tài sản thu hút hết mọi hành vi có dấu hiệu “lợi dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản mà mình có trách nhiệm quản lý” về cấu thành tội phạm của nó. Cho nên, một người có chức vụ, quyền hạn “cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế” (hay bất kỳ cách nào khác) để chiếm đoạt tài sản mà mình có trách nhiệm quản lý, thì nhất định phạm vào tội Tham ô tài sản. Tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng tuyệt đối không có hành vi tự chiếm đoạt tài sản mà chỉ gây thiệt hại như làm cho tài sản bị thất thoát, lãng phí, bị người khác chiếm đoạt…

Trong vụ Hà Văn Thắm và Nguyễn Xuân Sơn, với 246,6 tỷ đồng mà Oceanbank chi lãi ngoài cho PVN và các công ty con của PVN bị Nguyễn Xuân Sơn chiếm đoạt (Hà Văn Thắm là đồng phạm), sau khi điều tra bổ sung CQĐT đã kết luận Nguyễn Xuân Sơn đã phạm hai tội Tham ô tài sản hơn 49 tỷ đồng và Lạm dụng chức vụ quyền hạn, chiếm đoạt tài sản hơn 197 tỷ đồng. Từ kết luận này, có thể nhìn nhận 49 tỷ đồng mà Nguyễn Xuân Sơn chiếm đoạt là phần lãi ngoài mà PVN được hưởng, Nguyễn Xuân Sơn khi đó giữ vị trí lãnh đạo tại PVN nên CQĐT khởi tố Nguyễn Xuân Sơn thêm về tội Tham ô tài sản là chính xác. Còn 197 tỷ đồng là thuộc về phần lãi ngoài mà Oceanbank chi trả cho các công ty con của PVN nhưng bị Nguyễn Xuân Sơn chiếm đoạt nên CQĐT đã ra quyết định thay đổi quyết định khởi tố Nguyễn Xuân Sơn từ tội Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ sang tội Lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản đối với 197 tỷ đồng, đây cũng là một quyết định chính xác bởi tội Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ không có hành vi chiếm đoạt tài sản trong cấu thành của mình. Rõ ràng, ngay từ khi vụ án được đưa ra xét xử lần đầu cho đến khi có kết luận điều tra bổ sung, các tình tiết về hành vi chiếm đoạt 246,6 tỷ đồng của Nguyễn Xuân Sơn là không hề mới, không có sự thay đổi, nhưng CQĐT và VKS đã nhận thức tội danh không chính xác ở giai đoạn trước đây của vụ án, phải đến khi Tòa án yêu cầu điều tra bổ sung thì sự nhận thức này mới được “điều chỉnh”.

Một nội dung khác liên quan đến tội Tham ô tài sản cũng cần được bàn đến, đó là hướng dẫn của TAND Tối cao về BLHS hiện hành xác định “doanh nghiệp mà Nhà nước chiếm tỷ lệ góp vốn trên 50% và giữ quyền chi phối doanh nghiệp đó thì ở đó mới có tội tham ô tài sản”. “Đối với các doanh nghiệp không có vốn góp của Nhà nước thì dứt khoát không có tội tham ô ở đó, mặc dù người phạm tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản, mà tùy trường hợp cụ thể xét xử về tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, lừa đảo chiếm đoạt tài sản hoặc tội trộm cắp tài sản”. Trong vụ Trần Ứng Thanh, Công ty Hồng Hà không thuộc doanh nghiệp có trên 50% vốn góp của Nhà nước nên không thể bàn đến tội Tham ô tài sản. Nhưng điểm mấu chốt xoay chuyển vụ án là các CQTT trước đó đã xác định không chính xác về đặc điểm của tài sản bị chiếm đoạt – khi đó đã là tài sản của công ty Hồng Hà, nên đã xử lý Trần Ứng Thanh về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản của các cá nhân chứ không phải một tội khác về chiếm đoạt tài sản của công ty. Bởi chiếm đoạt tài sản của công ty dù là Lừa đảo hay Lạm dụng tín nhiệm hay trộm cắp thì cơ quan, tổ chức đều bị xác định là bị hại và người phạm tội có trách nhiệm bồi thường số tiền đã chiếm đoạt cho cơ quan, tổ chức; các cá nhân đã gửi tiền, góp tiền vào cơ quan, tổ chức sẽ được xác định là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan và sẽ được cơ quan, tổ chức bồi thường. Theo đó, đây lại là vấn đề thuộc về nhận thức của các CQTT chứ không phải do pháp luật quy định gây nhầm lẫn. Đặc biệt, các tình tiết của vụ án đã rất rõ ràng, không cần điều tra thêm nữa, vấn đề là các CQTT đã quy chiếu các tình tiết khách quan đó với các tội danh trong BLHS không chính xác nên Hội đồng giám đốc thẩm mới quyết định hủy bản án để xét xử lại chứ không phải điều tra lại.

Để vụ án hình sự không bị xử lý lại nhiều lần: Pháp luật cần tạo cách hiểu thống nhất và CQTT cần nâng cao trách nhiệm

Như đã chỉ ra ở trên, nguyên nhân chính dẫn đến việc các vụ án kinh tế, tham nhũng bị trả hồ sơ điều tra bổ sung, hủy án để điều tra lại, hủy án để xét xử lại là do Tòa án và CQĐT, VKS có quan điểm khác nhau về tội danh đối với hành vi của bị can, bị cáo. Quan điểm khác nhau này lại xuất phát từ hai nguyên nhân: do chứng cứ chưa đầy đủ, toàn diện hoặc do mỗi CQTT lại có một cách hiểu không giống nhau về quy định của BLHS.

Nhà giáo ưu tú Trần Đức Thìn, nguyên Phó hiệu trưởng Đại học Luật Hà Nội
Nhà giáo ưu tú Trần Đức Thìn, nguyên Phó hiệu trưởng Đại học Luật Hà Nội)

Trao đổi với Phóng viên Pháp lư, chuyên gia pháp luật h́nh sự, nhà giáo ưu tú Trần Đức Thìn, nguyên Phó Hiệu trường trường Đại học Luật Hà Nội cho biết: Mặc dù nếu hiểu sâu, hiểu kỹ và hiểu có trách nhiệm thì sẽ thấy BLHS quy định không gây nhầm lẫn giữa các tội danh, trong đó có các tội về kinh tế, tham nhũng nhưng không phải người tiến hành tố tụng nào, CQTHTT nào cũng “chịu” hiểu theo cách mà BLHS hướng tới. Cho nên, các cơ quan chức năng trong ngành Tư pháp cần thiết phải có chỉ đạo để BLHS được áp dụng thống nhất, không thể một điều luật lại có 2-3 cách hiểu khác nhau. Chẳng hạn như từ vụ Huỳnh Thị Huyền Như, Bộ Công an, VKSND Tối cao và TAND Tối cao nên có một văn bản chỉ đạo chung: Dùng thủ đoạn gian dối để biến tài sản của người khác thành tài sản của cơ quan, tổ chức mà người phạm tội biết chắc chắn mình sẽ có trách nhiệm quản lý, sau đó lợi dụng chức vụ, quyền hạn của mình chiếm đoạt tài sản đó, thì cần phải xử lý về tội Tham ô tài sản chứ không còn là Lừa đảo chiếm đoạt tài sản nữa (Bởi nếu không biến tài sản của nạn nhân thành tài sản của cơ quan, tổ chức mà mình có trách nhiệm quản lý thì người phạm tội không thể chiếm đoạt được tài sản đó). Nếu sau khi có chỉ đạo áp dụng thống nhất các quy định của BLHS mà các CQTHTT vẫn áp dụng sai thì tùy trường hợp (vô ý, cố ý) mà phải bị xử lý thích đáng chứ không thể để tình trạng CQĐT, VKS cứ khởi tố, truy tố bị can về một tội nhẹ hơn so với hành vi khách quan của người phạm tội, đến giai đoạn xét xử Tòa án phát hiện ra nhưng phải trả hồ sơ điều tra bổ sung hoặc hủy án để điều tra lại, làm vụ án kéo dài mà “lỗi” của CQĐT, VKS lại không thấy “nhắc” đến.

Ngoài ra, trách nhiệm thu thập chứng cứ một cách đầy đủ, toàn diện của CQĐT, VKS cũng cần được quán triệt, nâng cao để tránh trường hợp khi vụ án được đưa ra xét xử thì những lời khai mới, chứng cứ mới mới xuất hiện mà trước đó các CQTT này hoàn toàn có thể thu thập nếu làm hết trách nhiệm và hết khả năng của mình. “Đối với những trường hợp người THTT, CQTT cố ý che giấu chứng cứ vì động cơ, mục đích nào đó thì phải nghiêm trị về các hành vi xâm phạm hoạt động tư pháp, có thể là xử lý kỷ luật hoặc truy cứu TNHS” – ông Trần Đức Thìn cho biết.

Để vụ án không bị xử lý lại quá nhiều lần, BLTTHS sửa đổi năm 2015 (sẽ có hiệu lực thi hành từ 01/01/2018) đã mở rộng phạm vi về giới hạn xét xử của Tòa án nhưng mở rộng một cách “có chừng mực”: Trong giai đoạn xét xử lần đầu, Tòa án không được xét xử ngay bị cáo về tội danh mới nặng hơn so với tội mà VKS đã truy tố mà phải trả hồ sơ để VKS truy tố lại nhưng sau đó VKS vẫn không thay đổi quan điểm truy tố của mình, thì lúc này Tòa án mới có quyền xét xử bị cáo về tội danh nặng hơn.

Lan Hương

 

Bạn đang đọc bài viết "Lý giải những nguyên nhân và đề xuất giải pháp khắc phục" tại chuyên mục Bên khung cửa tư pháp. Mọi chi tiết xin liên hệ số hotline (0915.999.467) hoặc gửi email về địa chỉ (toasoan@phaply.vn).

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin