“Lỗ hổng” thoái vốn nhà nước nhìn từ các vụ án “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát lãng phí” bị khởi tố vừa qua.

23/09/2021 14:30

(Pháp lý) – Từ các vụ “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát lãng phí” bị cơ quan điều tra phát hiện và khởi tố thời gian gần đây, trong đó đáng chú ý là vụ các doanh nghiệp bắt tay biến “đất vàng” giữa Sài Gòn về tay tư nhân tại Thành phố Hồ Chí Minh, nhiều chuyên gia cho rằng lỗi một phần là do chính sách pháp luật điều chỉnh lĩnh vực này còn nhiều bất cập, có lỗ hổng. Bài viết sau đây, PV Pháp lý sẽ phân tích chỉ rõ và kiến nghị giải pháp bịt những lỗ hổng pháp luật .

Vụ “Đất vàng” 2-4-6 Hai Bà Trưng là điển hình của chiêu trò “hô biến” đất công thành đất tư thông qua thoái vốn nhà nước

“Đất vàng” dễ dàng về tay tư nhân thông qua các thương vụ thoái vốn

Liên tục những vụ thâu tóm đất công bị phanh phui vừa qua cho thấy những chiêu trò “hô biến” đất công thành đất tư. Theo đó, những doanh nghiệp nhà nước có quỹ đất dồi dào thường bắt tay cùng doanh nghiệp tư nhân để thành lập những doanh nghiệp liên doanh (pháp nhân mới) với vốn góp là những khu đất vàng được nhà nước giao quản lý, khai thác và sử dụng. Đồng thời tận dụng chủ trương cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước đất công dần ra khỏi doanh nghiệp nhà nước bằng con đường chuyển nhượng cổ phần lòng vòng về tay tư nhân.

Điển hình như khu đất 2-4-6 Hai Bà Trưng (quận 1, TPHCM) được sắp xếp giao cho Tổng công ty Sabeco (là DNNN thuộc Bộ Công Thương, vốn nhà nước chiếm 89,59%) để quản lý, sử dụng, đầu tư, xây dựng khách sạn 6 sao… và không được thành lập pháp nhân mới. Tuy nhiên ông Vũ Huy Hoàng vẫn chấp thuận chủ trương, chỉ đạo để bộ phận quản lý vốn nhà nước tại Sabeco triển khai thực hiện việc liên doanh, liên kết thành lập Công ty Sabeco Pearl trái với quy định.

Căn cứ ý kiến phê duyệt, chỉ đạo của ông Vũ Huy Hoàng, bà Hồ Thị Kim Thoa, ông Phan Đăng Tuất (Chủ tịch hội đồng quản trị) ký công văn số 374 kèm theo các văn bản chấp thuận của Bộ Công Thương đề nghị UBND TPHCM chấp thuận cho Sabeco Pearl được làm chủ đầu tư dự án, thực hiện nghĩa vụ tài chính và chuyển quyền sử dụng đất từ Tổng công ty Sabeco sang Công ty Sabeco Pearl.

Từ đó các sở, ngành thuộc UBND TPHCM tham mưu cho bị can Nguyễn Hữu Tín ký ban hành quyết định cho Sabeco Pearl thuê đất trái các quy định pháp luật.

Tiếp đó, lợi dụng chủ trương thoái vốn của Chính phủ, sau khi nhận được hai văn bản, nhóm các cổ đông sáng lập của Sabeco Pearl đề nghị Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng chỉ đạo Tổng công ty Sabeco thoái 26% vốn góp và đề nghị được mua lại phần vốn góp này. Không lâu sau đó số cổ phần này được phê duyệt đấu giá với mức khởi điểm là 13.247 đồng/cổ phần.

Đến nay, Công ty cổ phần Đầu tư Quảng trường Mê Linh (tiền thân là Công ty Sabeco Pearl), doanh nghiệp 100% vốn tư nhân là đơn vị đứng tên quyền sử dụng đất khu đất này. Đồng thời cựu Phó chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Hữu Tín cùng các thuộc cấp ở các sở ngành của TP vướng vào lao lý.

Những sai phạm trong quản lý, sử dụng đất đai công sản khiến hàng loạt lãnh đạo các DNNN, quan chức tỉnh thành địa phương và cả cấp Bộ bị khởi tố

Hay như khu đất 8-12 Lê Duẩn (quận 1, TPHCM) cũng khiến một phó chủ tịch UBND TPHCM khác là ông Nguyễn Thành Tài bị khởi tố. Khu đất này được xác lập sở hữu Nhà nước vào năm 1994 và giao cho Công ty Quản lý kinh doanh nhà ký hợp đồng cho bốn công ty của Bộ Công Thương thuê đất, trả tiền hằng năm.

Năm 2008, UBND TPHCM ra quyết định thu hồi nhà đất số 8-12 Lê Duẩn để thực hiện dự án xây dựng khách sạn cao cấp. Tuy nhiên, bốn doanh nghiệp này nợ tiền thuê, không chịu dời đi và có nhiều văn bản kiến nghị UBND, Thành ủy TPHCM và Bộ Công Thương đề nghị được tạo điều kiện mua chỉ định hoặc tham gia thực hiện dự án.

Dù kiến nghị nói trên không được UBND TPHCM đồng ý nhưng ông Nguyễn Thành Tài vẫn ký công văn chấp thuận chủ trương cho Công ty Quản lý kinh doanh nhà làm chủ đầu tư dự án và liên doanh (góp 50% vốn điều lệ), liên kết với bốn công ty đang thuê (góp 50%).

Ngay sau đó, Công ty Quản lý kinh doanh nhà có công văn gửi UBND TP đề xuất cho sự hình thành tư cách pháp nhân mới (sau này là Công ty Lavenue) theo hình thức công ty cổ phần. Trong pháp nhân mới này bắt đầu xuất hiện thêm các nhà đầu tư mới với sự chấp thuận của ông Nguyễn Thành Tài. Trong đó, công ty Hoa Tháng Năm tham gia góp cùng Công ty Quản lý Kinh doanh nhà 30% vốn điều lệ. Sau đó, bốn công ty thuộc Bộ Công Thương bán lại 50% còn lại cho công ty Kinh Đô để cấn nợ.

Như vậy, Công ty Lavenue có tỷ lệ sở hữu cổ phần của Công ty Quản lý kinh doanh nhà 20%, Công ty Kinh Đô 50%, Công ty Hoa Tháng Năm 30%. Phần vốn góp của tư nhân đã chiếm đa số (80%) trong cơ cấu sở hữu này…

Trên đây chỉ là vài ví dụ trong hàng loạt những vụ thâu tóm đất công đã bị khởi tố, điều tra, truy tố… trong thời gian gần đây. Qua đây, có thể thấy thủ đoạn của tội phạm không có gì mới, đó là hành vi xin chủ trương, dự án khai thác đất công, sau đó mang góp vốn, hợp tác với đối tác bên ngoài và lợi dụng chủ trương thoái vốn nhà nước, để tài sản công dễ dàng sang túi tư nhân với giá rẻ.

Lỗ hổng trong thoái vốn nhà nước

Nhìn chung, các văn bản pháp luật liên quan đến thoái vốn Nhà nước tại các doanh nghiệp đều yêu cầu việc thoái vốn phải đảm bảo nguyên tắc theo đúng tiêu chí phân loại doanh nghiệp; đảm bảo nguyên tắc thị trường, công khai, minh bạch và việc chuyển nhượng vốn liên quan đến quyền sử dụng đất phải tuân thủ quy định của pháp luật về đất đai.

Phương thức thực hiện thoái vốn cũng được quy định, cụ thể, việc thoái vốn tại các công ty đã niêm yết hoặc đăng ký giao dịch trên UPCoM, việc chuyển nhượng cổ phiếu thực hiện theo phương thức giao dịch khớp lệnh hoặc thỏa thuận. Đối với công ty chưa niêm yết, thực hiện theo thứ tự đấu giá công khai, chào bán cạnh tranh, bán thỏa thuận.

Nghị định 91/2015/NĐ-CP và Nghị định 32/2018/NĐ-CP quy định, đấu giá công khai có thể thực hiện theo 2 phương thức: đấu giá thông thường và đấu giá theo lô.

Nếu giá trị chuyển nhượng từ 10 tỷ đồng trở lên phải thực hiện tại các sở giao dịch chứng khoán. Còn với khoản thoái vốn có giá trị dưới 10 tỷ đồng, doanh nghiệp có thể lựa chọn thuê tổ chức tài chính trung gian bán đấu giá, tự tổ chức đấu giá tại doanh nghiệp hoặc thực hiện đấu giá tại sở giao dịch chứng khoán.

Tuy nhiên, trên thực tế, một số doanh nghiệp thực hiện thoái vốn với giá trị trên 10 tỷ đồng không thực hiện qua sở giao dịch chứng khoán, mà lựa chọn thuê tổ chức tài chính trung gian bán đấu giá, tự tổ chức đấu giá tại doanh nghiệp hoặc thực hiện đấu giá tại sở giao dịch chứng khoán.

Bởi nếu đấu giá qua sở giao dịch chứng khoán sẽ có nhiều công ty chứng khoán tham gia làm đại lý, địa điểm đấu giá sẽ đa dạng hơn, trải dài trên nhiều địa phương, nhà đầu tư tham gia cũng thuận lợi hơn. Thành phần nhân sự tham gia đấu giá cũng nhiều hơn, đảm bảo việc đấu giá đạt kết quả tốt hoen nhưng có thế sẽ không đạt được mục đích không trong sáng của một số cá nhân. Còn nếu đấu giá thông qua tổ chức tài chính trung gian bán đấu giá, tự tổ chức đấu giá tại doanh nghiệp hoặc thực hiện đấu giá tại sở giao dịch chứng khoán, thành phần tham gia cũng như địa điểm đấu giá thường bị hạn chế sẽ dễ chi phối.

Dẫu vậy, Nghị định 91 có đối tượng áp dụng là các doanh nghiệp nhà nước, bao gồm các công ty do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ. Điều này có nghĩa các công ty đã cổ phần hóa và còn vốn nhà nước khi thoái vốn tại các doanh nghiệp khác không thuộc đối tượng áp dụng của Nghị định.

Ngoài ra, cũng không có văn bản nào quy định về việc thoái vốn Nhà nước ở các công ty con, công ty cháu như vậy. Việc thoái vốn với các công ty chỉ còn một phần vốn đầu tư của doanh nghiệp nhà nước chỉ cần tuân theo Luật Doanh nghiệp, Điều lệ công ty có thể bị lợi dụng, dẫn đến thất thoát trong quá trình thoái vốn.

Tuy nhiên, dù việc thoái vốn qua phương thức nào, trên sàn chứng khoán, đấu giá công khai, chào bán cạnh tranh hay bán thỏa thuận… thì tài sản nhà nước cũng sẽ khó thất thoát nếu không có kẽ hở từ những bất cập quy định trong thẩm định giá. Soi chiếu Điều 29 và Điều 42 Luật Giá 2012 mới thấy pháp luật đã trao quyền cho doanh nghiệp có chức năng thẩm định giá quá lớn: Được quyền cung cấp dịch vụ thẩm định giá và nhận thù lao dịch vụ thẩm định giá theo giá thỏa thuận với khách hàng đã ghi trong hợp đồng; và hoạt động theo nguyên tắc độc lập về chuyên môn nghiệp vụ và chỉ chịu trách nhiệm trước khách hàng về về tính chính xác, trung thực, khách quan của kết quả thẩm định giá.

Đáng nói ở đây là điều luật trên là không có một điều khoản nào quy định doanh nghiệp thẩm định giá phải chịu sự kiểm tra, giám sát của bất kỳ tổ chức nào trong quá trình tác nghiệp, hoặc cần phải có một cơ quan hậu kiểm đối với chứng thư thẩm định giá trước khi cung cấp cho khách hàng. Điều này khiến doanh nghiệp có thể cho ra những chứng thư thẩm định không sát với giá thực tế.

Đây là lỗ hổng đã được Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an chỉ ra trong quá trình điều tra vụ án xảy ra tại Sabeco. Thời điểm năm 2016, Sabeco lên kế hoạch thoái vốn 26% cổ phần tại Sabeco Pearl - công ty liên doanh, Sabeco góp vốn để triển khai dự án tổ hợp căn hộ, thương mại, văn phòng có tên Sài Gòn Mê Linh Tower, với tổng mức đầu tư hơn 2.423 tỷ đồng trên khu đất 6.080 m2 tại địa chỉ 2 – 4 - 6 Hai Bà Trưng, TP.HCM do Sabeco sở hữu. Khu đất này có vị trí đắc địa với 4 mặt tiền đường Hai Bà Trưng, Thi Sách, Công trường Mê Linh, Đông Du.

Khi thoái vốn, Sabeco đã mời 3 công ty thẩm định giá là Công ty Tư vấn và Thẩm định giá Đông Nam, Công ty TNHH Cushman & Wakefield và Công ty TNHH Chứng khoán ACB. Tuy nhiên, chỉ có Công ty Đông Nam có chức năng thẩm định giá theo quy định của Bộ Tài chính. Bộ Công thương phê duyệt giá khởi điểm khi thoái vốn là 13.247 đồng/cổ phiếu.

Ngày 14/6/2016, Sabeco tổ chức bán đấu giá 26% vốn điều lệ tại Công ty cổ phần Đầu tư Sabeco Pearl cho 3 cổ đông sáng lập của Sabeco Pearl gồm Công ty Atland, Công ty Mê Linh, Công ty Hà An. Kết quả là Công ty Atland đã trúng đấu giá 14.733.342 cổ phần với giá 13.347 đồng/cổ phần (cao hơn giá khởi điểm 100 đồng/cổ phần).

Sau ngày đấu giá, Sabeco đã có văn bản xin ý kiến Bộ Công thương, làm rõ việc tổ chức bán đấu giá có phù hợp với Luật Doanh nghiệp và Điều lệ Công ty không.

Ngày 26/8/2016, Phan Chí Dũng, khi đó là Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nhẹ dự thảo, tham mưu cho ông Cao Quốc Hưng, Thứ trưởng Bộ Công thương ký Công văn số 8060/BCT-CNN ngày 30/8/2016, trong đó có nêu việc thực hiện đấu giá công khai giữa các cổ đông sáng lập của Sabeco Pearl là phù hợp và đề nghị thực hiện các quy định để phê duyệt kết quả đấu giá.

Ngày 7/9/2016, Hội đồng quản trị Sabeco có Nghị quyết số 51 phê duyệt kết quả đấu giá chuyển nhượng cổ phần. Trong thương vụ này, Sabeco nhận số tiền chuyển nhượng 196,6 tỷ đồng và rút khỏi liên doanh Sabeco Pearl và khu đất vàng hơn 6.000 m2 trên đường Hai Bà Trưng, TP.HCM chính thức rơi vào tay công ty tư nhân.

Theo kết luận thẩm định, trên thực tế, năm 2015, UBND TP.HCM đã chấp thuận điều chỉnh chỉ tiêu quy hoạch kiến trúc xây dựng, bổ sung chức năng căn hộ khách sạn và căn hộ ở cho dự án và về mặt pháp lý đã làm giá trị khu đất tăng lên.

Tại thời điểm ngày 1/4/2016, giá trị 1 cổ phần của Sabeco Pearl là 31.611 đồng/cổ phiếu. Giá trị 26% vốn góp (tương đương 14.733.342 cổ phiếu) của Sabeco tại Sabeco Pearl là 465,7 tỷ đồng. Hội đồng định giá xác định, giá trị quyền sử dụng đất năm 2018 (khi có chỉ tiêu quy hoạch, kiến trúc) là 3.816 tỷ đồng.

Cơ quan tố tụng xác định, các bị cáo Vũ Huy Hoàng (cựu Bộ trưởng Bộ Công thương), Hồ Thị Kim Thoa (nguyên Thứ trưởng Bộ Công thương) và các đồng phạm đã làm trái pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước, gây thất thoát cho nhà nước 2.713 tỷ đồng.

Thay lời kết

Thiết nghĩ, chủ trương cổ phần hóa, thoái vốn là một chủ chương đúng đắn, phù hợp với định hướng xã hội chủ nghĩa của Đảng và Nhà nước ta trong sắp xếp, đổi mới, cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước nhằm nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước. Tuy nhiên, nếu không quản lý, giám sát chặt quá trình cổ phần hóa, thoái vốn thì sẽ rất dễ nảy sinh vấn đề tiêu cực, làm thất thoát vốn, tài sản nhà nuớc như trong các vụ án bị khởi tố vừa qua.

Do đó, để hạn chế thấp nhất những vấn đề tiêu cực làm thất thoát tài sản nhà nuớc, đồng thời đẩy nhanh tiến độ cổ phần hoá, thoái vốn DNNN trong giai đoạn mới cần khẩn trương rà soát, khắc phục những bất cập trong cơ chế, chính sách, khung khổ pháp lý liên quan đến cổ phần hoá, thoái vốn DNNN; các quy định trong thẩm định xác định giá trị doanh nghiệp, xác định giá trị tài sản vô hình, xác định giá trị quyền sử dụng đất… bảo đảm vốn, tài sản của Nhà nước và giá trị doanh nghiệp được định giá đầy đủ, hợp lý, công khai, minh bạch.

Cần kết hợp giữa việc phòng ngừa và phát hiện, xử lý vi phạm trong quá trình cổ phần hóa DNNN. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát trong tất cả các khâu của cổ phần hóa nhằm phát hiện những nguy cơ, biểu hiện vi phạm.

Đồng thời xử lý nghiêm minh, thích đáng lãnh đạo DNNN, người đại diện phần vốn nhà nước tại DN không nghiêm túc thực hiện, thực hiện không đúng quy định, sai mục đích, kém hiệu quả, gây thất thoát, thua lỗ vốn và tài sản của Nhà nước trong quá trình sắp xếp, cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp.

Đinh Chiến

Bạn đang đọc bài viết "“Lỗ hổng” thoái vốn nhà nước nhìn từ các vụ án “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát lãng phí” bị khởi tố vừa qua." tại chuyên mục Bên khung cửa tư pháp. Mọi chi tiết xin liên hệ số hotline (0915.999.467) hoặc gửi email về địa chỉ (toasoan@phaply.vn).

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin