Án lệ và những câu hỏi chưa được trả lời

02/12/2016 08:37

Án lệ đã được Hội đồng thẩm phán TAND tối cao ban hành để thẩm phán trong cả nước vận dụng trong xét xử. Tuy nhiên, việc áp dụng án lệ thế nào, luật sư sẽ tư vấn cho khách hàng ra sao... còn khá nhiều câu hỏi để ngỏ.

 Các luật sư Câu lạc bộ luật sư thương mại thảo luận tại hội thảo án lệ ở Việt Nam ngày 18-11--Hoàng Điệp
Các luật sư Câu lạc bộ luật sư thương mại thảo luận tại hội thảo án lệ ở Việt Nam ngày 18-11--Hoàng Điệp)

Năm 2016 có thể được coi là năm án lệ chính thức đi vào cuộc sống, sau bao nhiêu năm chuẩn bị. Đầu tiên, TAND tối cao đã công bố 6 án lệ và trong quyết định công bố án lệ, chánh án đã khẳng định “các tòa án có trách nhiệm nghiên cứu, áp dụng các án lệ trong xét xử kể từ ngày 1-6-2016”.

Theo nghị quyết số 03/2015/NQ-HĐTP, “khi xét xử, thẩm phán, hội thẩm phải nghiên cứu, áp dụng án lệ để giải quyết các vụ việc tương tự, bảo đảm những vụ việc có tình tiết, sự kiện pháp lý giống nhau phải được giải quyết như nhau.

Trường hợp áp dụng án lệ thì số bản án, quyết định của tòa án có chứa đựng án lệ, tính chất, tình tiết vụ việc tương tự được nêu trong án lệ và tính chất, tình tiết vụ việc đang được giải quyết, vấn đề pháp lý trong án lệ phải được viện dẫn, phân tích, làm rõ trong bản án, quyết định của tòa án” (khoản 2 điều 8).

Có được xem là nguồn của pháp luật?

Trong một hội thảo vừa được tổ chức ở TP.HCM, PGS.TS Đỗ Văn Đại cho rằng với những quy định như trên thì án lệ trở thành nguồn bắt buộc để nghiên cứu, áp dụng trong thực tế.

Tuy nhiên, TS Đại cũng thừa nhận trong án lệ được công bố có rất nhiều thông tin và không phải thông tin nào trong án lệ được công bố cũng có giá trị như nhau.

“Do đó, việc nhận diện giá trị của các yếu tố trong án lệ được công bố là cần thiết (cho người nghiên cứu cũng như người làm thực tiễn)” - TS Đại nói. Trong khi đó, ông Fushihara Hirota (nghiên cứu sinh khoa luật Đại học Quốc gia Hà Nội, giám đốc Công ty Uryu Itoga Việt Nam) đặt vấn đề với những quy định trong luật như vậy, án lệ có phải là nguồn của pháp luật hay không?

Theo ông Hirota, án lệ là một hình thái đặc biệt của bản án. Nó là công cụ để giải thích, tìm kiếm, khẳng định nội hàm của quy phạm pháp luật thành văn để giải thích những tranh chấp cụ thể. Và ông Hirota cũng trả lời luôn cho câu hỏi của mình rằng án lệ không phải là nguồn của pháp luật. Nó không thể có vai trò xây dựng pháp luật về mặt nguyên tắc.

Như vậy, ông Hirota cho rằng dù luật pháp có quy định, án lệ nhất định không phải là nguồn của pháp luật, mà thẩm quyền lập pháp là của Quốc hội. Do đó, nếu thừa nhận án lệ như là luật pháp nó liên quan rất nhiều đến khả năng và năng lực thực tế của thẩm phán.

Luật sư có tư vấn cho khách hàng về án lệ hay không?

Việc ban hành và quy định các thẩm phán phải nghiên cứu để áp dụng án lệ thì đã quy định cụ thể, nhưng các luật sư cho rằng vậy luật sư có buộc phải tư vấn về án lệ cho khách hàng hay không trong điều kiện hiện nay, có một số án lệ dẫn đến cách hiểu chưa thống nhất.

Chính vì sự hiểu chưa thống nhất dẫn đến luật sư không biết là sẽ tư vấn cho khách hàng thêm về án lệ hay không, nếu không tư vấn, có thể sau này khách hàng sẽ kiện nếu họ bị thiệt hại, còn nếu tư vấn, mà án lệ đó không được vận dụng trong xét xử thì khách hàng cũng có thể phản ứng với luật sư. Như vậy, nếu coi án lệ và buộc thẩm phán phải vận dụng trong xét xử, đối với luật sư, sẽ được vận dụng như thế nào?

Lấy ví dụ về những quy định còn nhiều cách hiểu khác nhau, như việc xử lý lãi suất chậm trả đã được hội đồng thẩm phán nhận định trong một bản án lệ là “lãi suất quá hạn trung bình của ba ngân hàng tại địa phương” để tính ra mức lãi suất chung. Với quy định này, luật sư Phan Trung Hoài cho rằng đó là cụm từ rất dễ hiểu theo hướng tiêu cực. Ba ngân hàng địa phương là ngân hàng nào? Ai là người lựa chọn các ngân hàng này?

Ông Trần Văn Sự, nguyên thẩm phán TAND TP.HCM, cho rằng riêng quy định về mức lãi suất trung bình của một ngân hàng đã khó tính rồi bởi mỗi ngân hàng đều có mức lãi suất áp dụng khác nhau. Do đó, ông Sự nói đây là bản án lệ nửa vời, khó áp dụng vào thực tiễn.

Có mặt tại buổi hội thảo, đại diện TAND tối cao cho biết sẽ ghi nhận và tiếp thu toàn bộ những đóng góp của các đại biểu đối với các án lệ. Việc các luật sư, chuyên gia góp ý cụ thể cho từng bản án lệ thì sẽ góp phần hoàn thiện hơn đối với các bản án lệ sắp được đề xuất. Đồng thời, đại diện TAND tối cao cũng cho biết tiếp tục nhận các đề xuất về các bản án để có thể xem xét, công nhận làm án lệ.

Theo Bizlive

Bạn đang đọc bài viết "Án lệ và những câu hỏi chưa được trả lời" tại chuyên mục Trao đổi - Góp ý. Mọi chi tiết xin liên hệ số hotline (0915.999.467) hoặc gửi email về địa chỉ (toasoan@phaply.vn).

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin