Kỳ án 2 ha đất ở Đồng Nai: Liệu Chánh án Tòa án tối cao có phải kháng nghị lần 3?

30/10/2018 10:51

Tạp chí Pháp lý từ nhiều năm nay cùng với các cơ quan báo chí khác đã có nhiều bài phản ánh về vụ khiếu nại của ông bà Nguyễn Xuân Phong, Trần Thị Lan ở ấp Vĩnh Tuy, xã Long Tân, huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai. Ông Phong, bà Lan là bị đơn oan ức trong một vụ tranh chấp hy hữu, khiến Chánh án TANDTC hai khóa liên tiếp phải kháng nghị hủy án… Điều đáng quan tâm là phiên tòa phúc thẩm lần 3 chuẩn bị xét xử có thông tin bất thường, khiến bị đơn lo lắng về hành trình đề nghị kháng nghị lần thứ 3.

Vụ án đơn giản, Tòa án địa phương làm cho phức tạp

Theo đơn của vợ chồng ông Phong và Quyết định giám đốc thẩm số 205/2017/DS-GĐT ngày 25/9/2017 của TANDCC tại TP HCM thì năm 1991, ông Nguyễn Thanh Quang, cán bộ địa chính xã Long Tân sang nhượng cho vợ chồng ông Phong 4 ha đất tại bãi phá hủy bom mìn Bàu Sen, xã Vĩnh Thanh, nay thuộc xã Long Tân, với giá 360.000đ/ha. Năm 1992 xuất hiện tranh chấp giữa bà Mỹ với ông Quang. Bà Mỹ cho rằng tháng 6/1989, bà Mỹ có nhờ ông Quang mua giúp 2 ha đất thuộc khu vực bãi phá hủy bom mìn Bàu Sen với giá 160.000đ/ha.

Bà Mỹ có đơn kiện ông Quang đến VKSND huyện Long Thành. Tại phiên giải quyết ngày 19/5/1992 do ông Phan Văn Lương, Kiểm sát viên chủ trì, hai bên đã đối trừ phần mà bà Mỹ nợ ông Quang và thỏa thuận rằng ông Quang phải trả cho bà Mỹ 5,5 chỉ vàng 24K. Hai bên thỏa thuận không liên quan đến vợ chồng ông Phong. Như vậy, việc đòi nợ giữa bà Mỹ và ông Quang đã được giải quyết xong. Vì thế, năm 1997, gia đình ông Phong đã được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất 55.453 m2, trong đó có 2 ha chuyển nhượng từ ông Quang, không có ai khiếu nại, tranh chấp.

 Ông Phong, bà Lan - Ảnh PV
Ông Phong, bà Lan - Ảnh PV)

Sau đó do ông Quang không trả được nợ nên bà Mỹ đòi vợ chồng ông Phong với lý do “tranh chấp quyền sử dụng đất”, dù hai bên không có bất kỳ quan hệ mua bán, vay mượn nào. Phi lý như vậy nhưng hai cấp Tòa án huyện Nhơn Trạch và Tòa án tỉnh Đồng Nai chấp nhận yêu cầu của nguyên đơn. Bản án dân sự phúc thẩm số 152/DSPT ngày 28/11/2002 của TAND tỉnh Đồng Nai buộc vợ chồng ông Phong trả cho bà Mỹ giá trị 2ha đất là 900 triệu đồng.

Bản án trái pháp luật như vậy không chỉ gây uất ức cho bị đơn, ngay sau đó, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai đã có văn bản gửi đến Chánh án TANDTC, Viện trưởng VKSNDTC đề nghị kháng nghị vì bản án đã xác định nhầm bị đơn, không thế thi hành án. Ủy ban Tư pháp, Ủy ban Pháp luật rồi Ban Dân nguyện của Quốc hội cũng có nhiều văn bản tương tự. Dư luận báo chí cũng đồng loạt lên tiếng trong nhiều năm về vụ án bất thường này …

Do đó, Chánh án TANDTC ( khi đó là đồng chí Trương Hòa Bình) đã kháng nghị tái thẩm. Quyết định số 10/2012/DS-TT ngày 26/12/2012 của Tòa Dân sự TANDTC đã hủy toàn bộ bản án dân sự phúc thẩm số 152/DSPT ngày 28/11/2002 của TAND tỉnh Đồng Nai và bản án sơ thẩm số 58/DSST ngày 18/6/2002 của TAND huyện Nhơn Trạch giữa nguyên đơn Lê Thị Mỹ, bị đơn Nguyễn Xuân Phong, Trần Thị Lan; Giao hồ sơ vụ án cho TAND huyện Nhơn Trạch xét xử lại sơ thẩm theo đúng quy định của pháp luật.

Quyết định kháng nghị và Quyết định tái thẩm đều nhận định rằng các bản án nêu trên trái pháp luật ở chỗ buộc ông Phong, bà Lan trả tiền cho bà Mỹ trong khi ông Phong, bà Lan đã trả tiền cho ông Quang.

Bản án sơ thẩm lần 2 số 35/DS-ST ngày 11/7/2014 của TAND huyện Nhơn Trạch đã làm rõ nội dung vụ án, và bác yêu cầu của bà Mỹ đối với ông Phong, bà Lan. Bản án được dư luận đồng tình, ủng hộ, niềm tin vào pháp luật của người dân được củng cố.

Nguyên đơn kháng cáo. Ngày 15/10/2015, HĐXX phúc thẩm của TAND tỉnh Đồng Nai do Thẩm phán Phan Thị Thu Hương làm chủ tọa đã xét xử và ban hành Bản án số 247/2015/DS-PT, với kết quả như bản án đã bị hủy bỏ 13 năm trước, chỉ khác ở số tiền Tòa buộc bị đơn trả cho bà Mỹ giảm xuống còn 700 triệu đồng.

Ủy ban Tư pháp của Quốc hội lại tiếp tục có công văn đề nghị Chánh án TANDTC, Viện trưởng VKSNDTC xem xét kháng nghị bản án oan sai số 247/2015/DS-PT của TAND tỉnh Đồng Nai. Do đó, ngày 12/7/2017, Chánh án TANDTC đã ban hành Quyết định kháng nghị giám đốc thẩm số 50/2017/KN-DS, yêu cầu TANDCC tại Tp Hồ Chí Minh xét xử giám đốc thẩm hủy bỏ bản án phúc thẩm số 247/2015/DS-PT của TAND tỉnh Đồng Nai. Ủy ban Thẩm phán TANDCC tại TPHCM đã chấp nhận kháng nghị; giao hồ sơ vụ án cho TAND tỉnh Đồng Nai xét xử phúc thẩm lại.

Dấu hiệu bất thường trước phiên phúc thẩm lần 3

Theo dõi hành trình tố tụng vụ án, dư luận đặt nghi vấn có thế lực nào đó, luôn tìm mọi cách ủng hộ nguyên đơn, dù yêu cầu của nguyên đơn không có căn cứ pháp lý.

 Trang cuối Quyết định Giám đốc thẩm số 205/2017/DS-GĐT ngày 25/9/2017
Trang cuối Quyết định Giám đốc thẩm số 205/2017/DS-GĐT ngày 25/9/2017)

Thứ nhất, bà Mỹ không giấy tờ pháp lý nào chứng minh quyền sử dụng 2 ha đất trong thửa đất của ông Phong, bà Lan.

Thứ hai, việc gửi tiền mua đất của bà Mỹ với ông Quang đã được giải quyết bằng thỏa thuận có văn bản trước cơ quan tư pháp là VKSND huyện Long Thành, được lưu trong hồ sơ vụ án. Việc ông Quang không thực hiện thỏa thuận thì bà Mỹ có quyền khởi kiện ra Tòa án buộc ông Quang thực hiện nghĩa vụ trả nợ. Nghĩa vụ này không liên quan đến ông Phong, bà Lan.

Thứ ba, quyết định kháng nghị và quyết định tái thẩm, giám đốc thẩm của Tòa án cấp cao nhất đều đã nhận định, ông Phong, bà Lan nhận sang nhượng đất từ ông Quang, đã thanh toán tiền cho ông Quang nên không thể buộc họ trả tiền lần 2 cho bà Mỹ.

Thứ tư, giữa bà Lê Thị Mỹ và ông bà Nguyễn Xuân Phong, Trần Thị Lan không có bất kỳ quan hệ mua bán, vay mượn nào, nên đương nhiên họ không có nghĩa vụ trả tiền cho bà Mỹ.

Thứ năm, lần kháng nghị thứ hai, Chánh án TANDTC chỉ kháng nghị bản án phúc thẩm số 247/2015/DS-PT của TAND tỉnh Đồng Nai và Quyết định giám đốc thẩm số 205/2017/DS-GĐT ngày 25/9/2017 của TANDCC tại TP HCM cũng chỉ hủy bản án phúc thẩm (khác với lần kháng nghị trước là hủy cả hai bản án sơ thẩm và phúc thẩm) như vậy là bản án sơ thẩm đã xét xử đúng pháp luật.

Với bản án sơ thẩm được xác định đúng pháp luật thì cấp phúc thẩm tuyên giữ nguyên bản án sơ thẩm là điều hiển nhiên, nhưng vì sao suốt 1 năm trôi qua, TAND tỉnh Đồng Nai không đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm? Đó là vấn đề cần được xem xét, đối chiếu với quy định của pháp luật cũng như quy tắc đạo đức, ứng xử của Thẩm phán mới được ban hành để xử lý.

Theo đơn khẩn cấp mới đây của ông bà Nguyễn Xuân Phong, Trần Thị Lan thì : “điều chúng tôi lo lắng là một Thẩm phán Tòa án tỉnh cho chúng tôi biết là họ dự định phiên tòa phúc thẩm tới đây sẽ lại “hủy bản án sơ thẩm” với lý do là tôi đang thế chấp sổ đỏ vay tiền ngân hàng, nên ngân hàng là người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan mà Tòa án cấp sơ thẩm không đưa vào tham gia tố tụng”. Nếu thông tin bà Lan được cảnh báo là đúng thì hành trình vụ kiện e sẽ lại trở về vạch xuất phát. Bị đơn cho rằng: “Đó là cái cớ rất vô lý, vì bản án sơ thẩm lần 2 số 35/DS-ST ban hành ngày 11/7/2014 thì đến 2016 chúng tôi mới vay tiền ngân hàng.”

Là bị đơn trong vụ án “tranh chấp quyền sự dụng đất” rồi đổi là “tranh chấp đòi tài sản”, kéo dài đã 16 năm qua, với biết bao cay đắng, mệt mỏi, ông Phong, bà Lan đang lo lắng, gửi đơn kêu cứu đến các cơ quan chức năng và báo chí vì nguy cơ tiếp tục đội đơn đi khiếu nại để Chánh án TANDTC kháng nghị lần thứ ba dường như có thể thấy trước.

Huỳnh Thanh Hòa

Bạn đang đọc bài viết "Kỳ án 2 ha đất ở Đồng Nai: Liệu Chánh án Tòa án tối cao có phải kháng nghị lần 3?" tại chuyên mục Bên khung cửa tư pháp. Mọi chi tiết xin liên hệ số hotline (0915.999.467) hoặc gửi email về địa chỉ (toasoan@phaply.vn).

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin