Kiểm soát hoạt động tập trung kinh tế theo pháp luật cạnh tranh

20/09/2021 17:29

Trong 6 tháng đầu năm 2021, hoạt động M&A toàn cầu tăng trưởng kỷ lục nhờ sự phục hồi kinh tế mạnh mẽ của Hoa Kỳ và một số quốc gia khu vực Tây Âu, đạt tổng giá trị khoảng 2.600 tỷ USD so với giá trị trung bình 926 tỷ USD cùng kỳ trong giai đoạn 2015 – 2019. Công nghệ được coi là lĩnh vực nổi bật với các thương vụ M&A lớn trong thời gian qua vẫn tiếp tục dẫn đầu về giá trị M&A, đạt khoảng 1.000 tỷ USD trong nửa đầu năm 2021.

Hoạt động mua bán và sáp nhập doanh nghiệp (M&A) trên thế giới

Kể từ cuối năm 2019, đầu năm 2020, thế giới chứng kiến một bước ngoặt lớn trong lịch sử một trăm năm gần đây của nhân loại khi đại dịch Covid-19 gây ra những tác hại vô cùng lớn đối với nền kinh tế toàn cầu. Tuy nhiên, trong khi nhiều khu vực và nền kinh tế trên thế giới phải tạm thời đóng cửa và giãn cách, hoạt động M&A trên toàn cầu vẫn tiếp tục diễn ra bất chấp những khó khăn đến từ đại dịch.

Nửa đầu năm 2020, chịu sự tác động tiêu cực bởi đại dịch Covid-19, tình hình hoạt động M&A trên toàn cầu diễn ra tương đối ảm đạm, với tổng giá trị giao dịch đạt khoảng 971 tỷ USD, so với 1.500 tỷ USD 6 tháng cuối năm 2019[1].

 Nửa cuối năm 2020, khi thế giới dần quen với bối cảnh mới, các giao dịch M&A bị hoãn bắt đầu được khởi động lại, thêm vào đó, các gói hỗ trợ tín dụng với lãi suất thấp của Chính phủ các nước cũng thúc đẩy hoạt động M&A trở nên sôi động, đà phục hồi ngoạn mục bắt đầu từ tháng 7/2020 đã giúp giá trị các thương vụ M&A trong nửa cuối năm đạt khoảng 2.200 tỷ USD, tăng 127% so với 6 tháng đầu năm 2020[2].

Trong 6 tháng đầu năm 2021, hoạt động M&A toàn cầu tăng trưởng kỷ lục nhờ sự phục hồi kinh tế mạnh mẽ của Hoa Kỳ và một số quốc gia khu vực Tây Âu, đạt tổng giá trị khoảng 2.600 tỷ USD[3] so với giá trị trung bình 926 tỷ USD cùng kỳ trong giai đoạn 2015 – 2019. Công nghệ được coi là lĩnh vực nổi bật với các thương vụ M&A lớn trong thời gian qua vẫn tiếp tục dẫn đầu về giá trị M&A, đạt khoảng 1.000 tỷ USD[4] trong nửa đầu năm 2021.

Hoạt động tập trung kinh tế tại thị trường Việt Nam

Năm 2019, tổng giá trị các thương vụ tập trung kinh tế (TTKT) tại Việt Nam đạt 7,2 tỷ USD, bằng 94,7% so với năm 2018. Nhìn vào hoạt động TTKT năm 2019, tuy giá trị giảm, nhưng vẫn có những yếu tố tích cực. Trong 6 tháng cuối năm 2019, nhiều thương vụ lớn với sự tham gia của nhà đầu tư nước ngoài và các tập đoàn trong nước đã xuất hiện. Điển hình là thương vụ hợp nhất, hoán đổi cổ phần giữa VinCommerce và VinEco với Masan Comsumer (Masan Group), KEB Hana Bank (Hàn Quốc) mua lại 15% vốn điều lệ của BIDV...

Đầu năm 2020, đại dịch Covid-19 bất ngờ lan rộng trên toàn cầu đã và đang tác động rất lớn đến kinh tế thế giới nói chung, cũng như hoạt động TTKT nói riêng. Hoạt động TTKT tại Việt Nam cũng như trên toàn cầu trong giai đoạn nửa đầu năm 2020 đều giảm mạnh do các nhà đầu tư có những phản ứng thận trọng. Đồng thời, những điều kiện về giãn cách xã hội trên toàn cầu gây trở ngại cho việc tìm hiểu, đánh giá và ra quyết định TTKT. Giá trị TTKT tại Việt Nam năm 2020 tiếp tục suy giảm, đạt 3,5 tỷ USD (bằng 48,6% so với năm 2019).

Trong giai đoạn 2019-2020, có một số thương vụ TTKT nổi bật, có giá trị giao dịch lớn, điển hình như thương vụ KEB Hana Bank mua lại một phần vốn điều lệ của BIDV với giá trị 878 triệu USD; KKR&Temasek mua lại cổ phần của Vinhomes với giá trị 652 triệu USD... hoặc có liên quan đến các tập đoàn lớn của Việt Nam, điển hình như Masan, Thaco, Gelex, Vinamilk... 

Các ngành, lĩnh vực chủ yếu thu hút lượng lớn vốn đầu tư thông qua TTKT tại Việt Nam thời gian qua bao gồm bất động sản, tài chính- ngân hàng, công nghiệp và bán lẻ. Bên cạnh đó, một số thương vụ TTKT đáng chú ý cũng được thực hiện trong lĩnh vực logistics, nông nghiệp, dược phẩm - y tế và xây dựng. Ngoài ra, TTKT còn diễn ra trong các lĩnh vực khác của nền kinh tế như bia, nước giải khát, sữa, giấy, thực phẩm chế biến, bánh kẹo, thủy sản, vật liệu xây dựng... 

Tỷ trọng trong tổng giá trị TTKT tại Việt Nam của các doanh nghiệp trong nước có xu hướng tăng nhanh chóng với sự chủ động ngày càng cao của các doanh nghiệp, tập đoàn lớn. Năm 2018, giá trị giao dịch của các thương vụ TTKT do doanh nghiệp Việt Nam là bên mua chỉ chiếm tỷ trọng 11,8% trong khi các nhà đầu tư nước ngoài chiếm tới 88,2% trong tổng giá trị giao dịch TTKT tại Việt Nam. Tuy nhiên, giai đoạn 2019-2020, giá trị các thương vụ TTKT do doanh nghiệp Việt Nam đóng vai trò bên mua đã tăng lên, chiếm trên 30% tổng giá trị giao dịch TTKT được thực hiện tại Việt Nam.

2-1631672709.jpeg
Biểu đồ 1: Tỷ trọng giá trị giao dịch TTKT tại Việt Nam giai đoạn 2019-2020 theo doanh nghiệp bên mua.

Một số thương vụ TTKT điển hình do doanh nghiệp Việt Nam thực hiện trong giai đoạn 2019 - 2020 có liên quan đến các tập đoàn lớn như Masan, Vingroup, Vinamilk, Gelex, REE, Thaco, PAN Group... Bên cạnh các thương vụ thành công, nhiều kế hoạch TTKT cũng được định hình và dự kiến được thực hiện trong thời gian tới như Kido Group lên kế hoạch sáp nhập các công ty thành viên, Thadi tiếp tục đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp...

Có thể thấy rằng, hoạt động TTKT trong thời gian qua tại thị trường Việt Nam, tuy chịu sự tác động tiêu cực bởi đại dịch Covid-19, nhưng vẫn diễn ra tương đối sôi động. Theo đó, hoạt động TTKT vẫn là một kênh đầu tư hiệu quả và cũng là cách thức để các tập đoàn, doanh nghiệp lớn thực hiện tái cấu trúc nội bộ, nâng cao năng lực cạnh tranh trong bối cảnh vừa đấu tranh đẩy lùi dịch bệnh Covid-19, vừa phục hồi kinh tế, thích ứng với trạng thái bình thường mới như hiện nay. Thông qua hoạt động TTKT, các tập đoàn, doanh nghiệp lớn của Việt Nam ngày càng củng cố vị trí và vai trò của mình để đóng góp cho sự phát triển kinh tế của Việt Nam.

Bên cạnh đó, sự tham gia của các nhà đầu tư, doanh nghiệp nước ngoài trong các giao dịch TTKT tại Việt Nam vẫn chiếm tỷ trọng khá lớn do xu hướng chuyển dịch đầu tư hậu Covid-19 sang các nước ASEAN, trong đó có Việt Nam. 

Dự báo hoạt động tập trung kinh tế trong thời gian tới

Theo một số chuyên gia đánh giá, giá trị các giao dịch TTKT của Việt Nam năm 2021 sẽ ở quy mô 4,5 - 5 tỷ USD và năm 2022 có thể đạt được mốc 7 tỷ USD.

21-1631672709.jpeg
 

Các lĩnh vực hàng tiêu dùng, bán lẻ, bất động sản, công nghiệp và nông nghiệp có thể vẫn sẽ là tâm điểm thu hút TTKT trong năm 2021 và 2022. Ngoài ra, các lĩnh vực viễn thông, năng lượng, hạ tầng, dược phẩm và giáo dục được kỳ vọng sẽ đóng góp giá trị đáng kể cho hoạt động TTKT tại Việt Nam trong giai đoạn nửa cuối năm 2021 và trong một số năm tới.

Về chủ thể, các nhà đầu tư từ châu Á, gồm Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái Lan và Singapore sẽ tiếp tục chiếm ưu thế. Các tập đoàn lớn trong nước tiếp tục là động lực đóng góp vào sự hồi phục của hoạt động TTKT tại Việt Nam trong năm 2021 và những năm tiếp theo.

Với xu hướng hoạt động TTKT trên thị trường giai đoạn hai năm tiếp theo, dự báo số hồ sơ thông báo gửi đến Bộ Công Thương trong thời gian tới sẽ tăng mạnh. Trong đó, khoảng 30% đến 40% số hồ sơ sẽ liên quan đến các giao dịch được thực hiện ngoài lãnh thổ Việt Nam do xu hướng hồi phục và tăng tốc của hoạt động M&A trên thế giới sẽ lan tỏa đến thị trường trong nước và các hoạt động kinh doanh theo chuỗi giá trị toàn cầu ngày càng gia tăng, trong đó Việt Nam là một mắt xích không thể thiếu trong chuỗi giá trị này.

Đặc biệt, trong bối cảnh kinh tế thế giới còn tiếp tục diễn biến phức tạp dưới tác động của đại dịch Covid-19, làn sóng các doanh nghiệp nước ngoài gia tăng mua lại và đầu tư gián tiếp vào các nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam sẽ diễn ra mạnh mẽ trong thời gian tới. Theo đó, các giao dịch TTKT dưới hình thức mua lại giữa các doanh nghiệp có yếu tố nước ngoài và doanh nghiệp trong nước cũng sẽ gia tăng, được dự báo sẽ tiếp tục chiếm tỷ lệ lớn trong số hồ sơ thông báo TTKT trong nửa cuối năm 2021 và cả năm 2022.

Công tác kiểm soát tập trung kinh tế theo Luật Cạnh tranh

Trong hai năm qua, kể từ khi Luật Cạnh tranh năm 2018 có hiệu lực, Bộ Công Thương đã tiếp nhận 125 hồ sơ thông báo TTKT. 

Về các chủ thể tham gia tập trung kinh tế: các bên tham gia TTKT tại Việt Nam là các doanh nghiệp với loại hình đa dạng, trong đó, phổ biến là công ty cổ phần và công ty trách nhiệm hữu hạn. Một trong các bên của thương vụ TTKT có thể là doanh nghiệp nước ngoài (được thành lập và hoạt động theo pháp luật nước ngoài).

Trong giai đoạn từ tháng 7/2019 đến hết tháng 6/2021, căn cứ 125 hồ sơ thông báo TTKT do Bộ Công Thương tiếp nhận, có 258 doanh nghiệp là chủ thể của các thương vụ TTKT này, trong đó có 131 doanh nghiệp nước ngoài (chiếm 51%) và 127 doanh nghiệp Việt Nam (chiếm 49%).

22-1631672709.jpeg
 

Về khu vực địa lý diễn ra giao dịch tập trung kinh tế: Trong số 125 giao dịch TTKT được thông báo tới Bộ Công Thương, có 39 giao dịch được thực hiện bên ngoài lãnh thổ Việt Nam, chiếm tỷ lệ khoảng 30%. Sở dĩ các giao dịch này được thực hiện ở nước ngoài nhưng vẫn phải thực hiện thông báo TTKT tới Cục CT&BVNTD là do các doanh nghiệp tham gia TTKT thuộc các trường hợp sau đây: (i) có hoạt động kinh doanh tại Việt Nam (trong trường hợp không có hiện diện thương mại tại Việt Nam) thông qua hoạt động xuất khẩu hàng hóa hoặc cung cấp dịch vụ xuyên biên giới vào Việt Nam; (ii) doanh nghiệp tham gia TTKT có hiện diện thương mại tại Việt Nam (có công ty con, chi nhánh, đại lý ủy quyền... tại Việt Nam).

23-1631672709.jpeg
 

Về hình thức tập trung kinh tế: Trong số 125 giao dịch TTKT được thông báo, có 100 giao dịch được thực hiện dưới hình thức mua lại (chiếm 80%); 14 giao dịch dưới hình thức sáp nhập (chiếm 11%) và 11 giao dịch dưới hình thức liên doanh (chiếm 9%). Trong hai năm qua, Bộ Công Thương chưa tiếp nhận được các hồ sơ thông báo TTKT có hình thức TTKT là hợp nhất hay các hình thức khác theo quy định của pháp luật cạnh tranh.

24-1631672709.jpeg
 

Về các dạng tập trung kinh tế (chiều ngang, chiều dọc và hỗn hợp): Trong số 125 giao dịch TTKT được thông báo, phổ biến nhất là các giao dịch theo chiều ngang (giao dịch TTKT giữa các doanh nghiệp hoạt động trên cùng thị trường liên quan) với 56 giao dịch, chiếm tỷ lệ 45%, tiếp đến là các giao dịch dạng hỗn hợp (giao dịch TTKT giữa các doanh nghiệp hoạt động trên các thị trường liên quan khác nhau) với 45 giao dịch, chiếm tỷ lệ 36%. Các giao dịch theo chiều dọc (giao dịch TTKT giữa các doanh nghiệp hoạt động trên các thị trường hàng hóa, dịch vụ là đầu vào của nhau hoặc bổ trợ cho nhau) chiếm tỷ lệ thấp nhất 19% với 24 giao dịch.

26-1631672709.jpeg
Biểu đồ 6: Các dạng tập trung kinh tế.

Các lĩnh vực thực hiện tập trung kinh tế: Trong hai năm qua, các giao dịch TTKT tại Việt Nam diễn ra ở nhiều ngành, lĩnh vực của nền kinh tế, từ sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ đến khai thác, sử dụng tài nguyên. Trong đó, một số lĩnh vực hàng hóa, dịch vụ có hoạt động TTKT diễn ra sôi động hơn với giá trị giao dịch TTKT lớn hoặc số lượng giao dịch nhiều, điển hình như: bất động sản; dịch vụ; sản xuất, kinh doanh ô tô, xe máy và linh kiện, phụ tùng; vật liệu xây dựng; điện, điện tử; nhựa, thiết bị công nghiệp và y tế; thực phẩm, đồ uống (bia, nước giải khát); năng lượng (năng lượng truyền thống và năng lượng tái tạo).

Thẩm định việc tập trung kinh tế: Trong giai đoạn từ tháng 7/2019 đến hết tháng 6/2021, Cục CT&BVNTD với vai trò là cơ quan giúp Bộ trưởng Bộ Công Thương thực hiện quản lý nhà nước về cạnh tranh đã tiến hành thẩm định 125 giao dịch TTKT theo đúng quy định của pháp luật.

Trong số 125 giao dịch TTKT được tiếp nhận và thẩm định sơ bộ có 112 giao dịch được phép thực hiện sau khi kết thúc thẩm định sơ bộ (chiếm khoảng 90%)[5] và 13 giao dịch thuộc trường hợp phải thẩm định chính thức (chiếm khoảng 10%)[6].

Trong quá trình thẩm định (sơ bộ và chính thức) việc TTKT, Cục CT&BVNTD đã phối hợp, tham vấn với các cơ quan, đơn vị hữu quan và các bên có liên quan để thu thập ý kiến, thông tin, tài liệu nhằm đánh giá khả năng, các yếu tố tiềm ẩn gây tác động hạn chế cạnh tranh một cách đáng kể của việc TTKT, giúp thẩm định một cách toàn diện và khách quan.

Đối với các giao dịch TTKT được thực hiện ngoài lãnh thổ Việt Nam, Cục CT&BVNTD đã tham vấn ý kiến một số cơ quan cạnh tranh các quốc gia có liên quan tới giao dịch trên để trao đổi, chia sẻ các thông tin có liên quan đến giao dịch, phục vụ việc đánh giá tác động hoặc khả năng gây tác động hạn chế cạnh tranh của việc TTKT đến thị trường Việt Nam.

Một số đánh giá

Thứ nhất, không phải tất cả các giao dịch TTKT đều thuộc trường hợp phải kiểm soát theo quy định của pháp luật về cạnh tranh.

Luật Cạnh tranh chỉ kiểm soát những giao dịch TTKT thuộc phạm vi điều chỉnh và có đối tượng áp dụng theo luật định, có tác động hoặc khả năng gây tác động hạn chế cạnh tranh một cách đáng kể đến thị trường Việt Nam, đặc biệt là những giao dịch có khả năng hình thành doanh nghiệp thống lĩnh, độc quyền dẫn tới nguy cơ lạm dụng vị trí này để gây tổn hại tới môi trường cạnh tranh tại Việt Nam.

Thứ hai, các giao dịch TTKT thuộc ngưỡng thông báo TTKT và được kiểm soát tại Việt Nam trong hai năm qua hầu hết đều được thực hiện bởi các doanh nghiệp, tập đoàn lớn.

Thứ ba, trong số các hồ sơ thông báo TTKT được Bộ Công Thương tiếp nhận, các giao dịch TTKT có yếu tố nước ngoài có xu hướng gia tăng.

Thứ tư, một số giao dịch TTKT được thực hiện bên ngoài lãnh thổ Việt Nam có tính chất phức tạp với nhiều bước, giai đoạn và kết hợp nhiều hình thức trong một giao dịch. Do đó, việc TTKT cần được xem xét, đánh giá ở phạm vi rộng hơn, bao gồm tổng thể các bước, giai đoạn, các hình thức trong một giao dịch cụ thể, không đơn thuần chỉ xem xét ở một bước, giai đoạn, hình thức đơn lẻ trong giao dịch đó.

Thứ năm, tính đến thời điểm hiện nay, lĩnh vực có nhiều giao dịch TTKT nhất được thông báo tới Bộ Công Thương là lĩnh vực bất động sản, bao gồm cả bất động sản để ở và bất động sản không để ở.

Doanh nghiệp muốn nộp hồ sơ thông báo TTKT theo quy định của Luật Cạnh tranh năm 2018 có thể tham khảo biểu mẫu.

Theo doanhnghiephoinhap.vn

Nguồn bài viết: https://doanhnghiephoinhap.vn/kiem-soat-hoat-dong-tap-trung-kinh-te-theo-phap-luat-canh-tranh.html

Bạn đang đọc bài viết "Kiểm soát hoạt động tập trung kinh tế theo pháp luật cạnh tranh" tại chuyên mục Diễn đàn - Luật gia. Mọi chi tiết xin liên hệ số hotline (0915.999.467) hoặc gửi email về địa chỉ (toasoan@phaply.vn).

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin