Kì vọng sức mạnh “ vũ khí” mới chống “ giặc” tham nhũng

19/08/2019 06:54

(Pháp lý) - Luật Phòng, chống tham nhũng (PCTN) sửa đổi năm 2018 có hiệu lực từ 1/7, cùng với Nghị định số 59 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật PCTN có hiệu lực từ 15/8…được kì vọng là những vũ khí mới, sắc bén hơn để chống “giặc” tham nhũng.

8 điểm mới đáng chú ý của Luật PCTN năm 2018

So với Luật PCTN 2005, Luật PCTN 2018 có nhiều điểm mới, trong đó, có một số điểm mới đáng chú ý, đó là:

Thứ nhất, Luật qui định cụ thể nhiều việc cán bộ công chức (CBCC) không được làm như: Người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan Nhà nước không được góp vốn vào DN hoạt động trong phạm vi ngành nghề mà người đó trực tiếp thực hiện việc quản lý Nhà nước; không được để vợ, chồng , bố mẹ, con kinh doanh trong phạm vi ngành nghề mà người đó trực tiếp thực hiện việc quản lý Nhà nước; Người có chức vụ quyền hạn trong cơ quan tổ chức đơn vị không được thành lập, tham gia quản lý, điều hành DNTN, Công ty TNHH, Công ty CP, Công ty hợp danh, HTX, trừ trường hợp Luật có qui định khác; Không được sử dụng trái phép thông tin của cơ quan, đơn vị, tổ chức…;

Thứ hai, mở rộng bốn đối tượng phải kê khai tài sản, thu nhập bao gồm: Cán bộ, công chức; sĩ quan Công an nhân dân; sĩ quan Quân đội nhân dân, quân nhân chuyên nghiệp; người giữ chức vụ từ Phó Trưởng phòng và tương đương trở lên công tác tại đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp nhà nước, người được cử làm đại diện phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp; người ứng cử đại biểu Quốc hội, người ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân.

Thứ ba, bổ sung ba loại tài sản, thu nhập phải kê khai. Theo đó, ngoài việc phải kê khai các loại tài sản, thu nhập như quy định trước đây (nhà, quyền sử dụng đất; kim khí quý, đá quý, tiền, giấy tờ có giá và các loại tài sản khác mà giá trị của mỗi loại từ năm mươi triệu đồng trở lên; tài sản, tài khoản ở nước ngoài; thu nhập phải chịu thuế theo quy định của pháp luật), Luật mới quy định bổ sung tài sản, thu nhập phải kê khai bao gồm: công trình xây dựng và tài sản khác gắn liền với đất, nhà ở, công trình xây dựng; đồng thời, các đối tượng kê khai phải kê khai tổng thu nhập giữa 2 lần kê khai.

Thứ tư, quy định cụ thể về phương thức, thời điểm kê khai tài sản, thu nhập và bổ sung quy định về kê khai bổ sung. Đồng thời, Khoản 2 Điều 36 quy định kê khai bổ sung được thực hiện khi người có nghĩa vụ kê khai có biến động về tài sản, thu nhập trong năm có giá trị từ 300.000.000 đồng trở lên.

image001 Thứ năm, quy định cụ thể việc công khai Bản kê khai tài sản, thu nhập. Theo đó, Bản kê khai của người có nghĩa vụ kê khai phải được công khai tại cơ quan, tổ chức, đơn vị nơi người đó thường xuyên làm việc. Luật cũng quy định cụ thể việc công khai đối với Bản kê khai của người dự kiến được bổ nhiệm giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý; Bản kê khai của người ứng cử đại biểu Quốc hội, người ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân; Bản kê khai của người dự kiến bầu, phê chuẩn tại Quốc hội, Hội đồng nhân dân; Bản kê khai của người dự kiến bầu giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý tại doanh nghiệp nhà nước.

Thứ sáu, quy định cụ thể hơn về việc xử lý đối với trường hợp kê khai không trung thực. Theo đó, ngoài việc kế thừa quy định xử lý đối với người ứng cử đại biểu Quốc hội, người ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân và người được dự kiến bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, phê chuẩn, cử giữ chức vụ mà kê khai tài sản, thu nhập không trung thực, giải trình nguồn gốc của tài sản, thu nhập tăng thêm không trung thực; Luật mới quy định người có nghĩa vụ kê khai không thuộc trường hợp nêu trên mà kê khai tài sản, thu nhập không trung thực, giải trình nguồn gốc của tài sản, thu nhập tăng thêm không trung thực thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, bị xử lý kỷ luật bằng một trong các hình thức: cảnh cáo, hạ bậc lương, giáng chức, cách chức, buộc thôi việc hoặc bãi nhiệm; nếu được quy hoạch vào các chức danh lãnh đạo, quản lý thì còn bị đưa ra khỏi danh sách quy hoạch.

Thứ bảy, Điều 72 của Luật này quy định về trách nhiệm của người đứng đầu và cấp phó khi để xảy ra tham nhũng trong cơ quan, tổ chức do mình quản lý, phụ trách như sau: Người đứng đầu phải chịu trách nhiệm trực tiếp nếu người do mình trực tiếp quản lý, giao nhiệm vụ tham nhũng; Cấp phó phải chịu trách nhiệm trực tiếp nếu xảy ra tham nhũng trong lĩnh vực công tác và trong đơn vị do mình được giao trực tiếp phụ trách; người đứng đầu phải chịu trách nhiệm liên đới.

Thứ tám, Luật quy định một chương riêng về PCTN trong doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài nhà nước. Nội dung này được quy định cụ thể tại Chương VI gồm các điều từ Điều 78 đến Điều 82, bao gồm các quy định về quy tắc đạo đức nghề nghiệp, quy tắc đạo đức kinh doanh; xây dựng quy tắc ứng xử, cơ chế kiểm soát nội bộ nhằm phòng ngừa tham nhũng; áp dụng các biện pháp phòng, chống tham nhũng trong doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài nhà nước; thanh tra việc thực hiện pháp luật về PCTN đối với doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài nhà nước; phát hiện tham nhũng trong doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài nhà nước…

Thủ tướng được quyền tạm đình chỉ công tác chủ tịch tỉnh, thứ trưởng

Thủ tướng có quyền quyết định tạm đình chỉ công tác đối với Chủ tịch, Phó Chủ tịch tỉnh; trình Quốc hội phê chuẩn đề nghị tạm đình chỉ công tác đối với Phó Thủ tướng, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ. Trong thời gian Quốc hội không họp, trình Chủ tịch nước quyết định tạm đình chỉ công tác đối với Phó Thủ tướng, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ. Thủ tướng cũng có quyền quyết định tạm đình chỉ công tác, tạm thời chuyển vị trí công tác khác đối với Thứ trưởng và các chức vụ tương đương, người có chức vụ, quyền hạn do Thủ tướng bổ nhiệm.

Đây là một trong những nội dung được cụ thể hóa trong Nghị định 59 hướng dẫn thực hiện Luật PCTN có hiệu lực từ 15/8/2019.

Nghị định này quy định cụ thể danh mục vị trí công tác và thời hạn định kỳ chuyển đổi. Theo đó, người có chức vụ quyền hạn có hành vi liên quan đến tham nhũng sẽ bị tạm đình chỉ công tác, tạm thời chuyển sang vị trí công tác khác.

Chủ tịch UBND tỉnh có quyền ra quyết định với Chủ tịch, Phó Chủ tịch huyện; với người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh và người có chức vụ, quyền hạn do mình bổ nhiệm, quản lý trực tiếp.

Bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ quyết định hoặc kiến nghị người có thẩm quyền quyết định tạm đình chỉ hoặc tạm chuyển vị trí công tác khác đối với người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan, đơn vị thuộc bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và người có chức vụ, quyền hạn do mình bổ nhiệm, quản lý trực tiếp.

“Vũ khí” xử lý tình trạng “sân sau, lợi ích nhóm”

Khái niệm doanh nghiệp "sân sau" không còn xa lạ với dư luận trong nhiều năm qua. Đây là hình thức để các quan chức trong bộ máy nhà nước trục lợi, thông qua việc nắm giữ cổ phần sở hữu được che giấu hoặc có quan hệ chi phối, tác động hỗ trợ để được chia lợi nhuận một cách thường xuyên từ hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp nhằm "moi" tiền ngân sách... Đa số người đứng đầu những doanh nghiệp này là người thân, ruột thịt của người đứng đầu địa phương, cơ quan, doanh nghiệp.

Nguyên Thứ trưởng Bộ Công thương Hồ Thị Kim Thoa là một ví dụ điển hình trong việc lợi dụng chức quyền nhằm trục lợi cá nhân thông qua việc thành lập Công ty để người thân quản lý. Theo Kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, tại Kỳ họp thứ 15, bà Thoa đã có các vi phạm, khuyết điểm nghiêm trọng trong việc thực hiện cổ phần hóa doanh nghiệp, chậm báo cáo, chưa tổ chức bàn giao giữa doanh nghiệp nhà nước và công ty cổ phần theo quy định của pháp luật trong thời gian giữ các chức Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Bóng đèn Điện Quang.

Bà Thoa cũng được xác định thực hiện mua cổ phần vượt mức quy định; chuyển nhượng cổ phần không đúng quy định theo Điều lệ của Công ty; chuyển nhượng phần vốn góp của Nhà nước vào Công ty TNHH Đầu tư và Thương mại Điện Quang (nơi gia đình bà Hồ Thị Kim Thoa nắm giữ tới gần 35% vốn điều lệ doanh nghiệp) mà không báo cáo, xin ý kiến chủ sở hữu, vi phạm quy định về quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp.

Với những sai phạm trên, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã quyết định miễn nhiệm chức vụ Ủy viên Ban cán sự đảng Bộ Công thương; Thủ tướng Chính phủ đã miễn nhiệm chức vụ Thứ trưởng Bộ Công thương đối với bà Hồ Thị Kim Thoa.
Với những sai phạm trên, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã quyết định miễn nhiệm chức vụ Ủy viên Ban cán sự đảng Bộ Công thương; Thủ tướng Chính phủ đã miễn nhiệm chức vụ Thứ trưởng Bộ Công thương đối với bà Hồ Thị Kim Thoa.)

Tương tự trường hợp bà Thoa, nguyên Phó Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai Phan Thị Mỹ Thanh cũng đã bị cách hết chức vụ trong Đảng vì tạo điều kiện cho Công ty do chồng là cổ đông sáng lập. Trong thời gian là Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Công thương, Bí thư Huyện ủy Nhơn Trạch, bà Phan Thị Mỹ Thanh tham gia điều hành Công ty TNHH Cường Hưng do chồng mình là cổ đông sáng lập, Chủ tịch Hội đồng thành viên.

Hành vi của bà Thanh là vi phạm Luật PCTN. Đến khi trở thành Ủy viên Ban Thường vụ, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Đồng Nai, bà Thanh tiếp tục có vi phạm khi ký các văn bản của Ủy ban Nhân dân tỉnh chấp thuận cho Công ty TNHH Cường Hưng (Công ty Cường Hưng) đầu tư dự án Khu dân cư thương mại xã Phước Tân, vi phạm Luật PCTN và quy định về những điều đảng viên không được làm.

Ban Bí thư đã quyết định thi hành kỷ luật bà Phan Thị Mỹ Thanh bằng hình thức: "Cách chức tất cả các chức vụ trong Đảng; đề nghị Đảng đoàn Quốc hội chỉ đạo thực hiện các quy trình, thủ tục xem xét bãi nhiệm đại biểu Quốc hội đối với bà Phan Thị Mỹ Thanh theo quy định của pháp luật."

Trường hợp của bà Phan Thị Mỹ Thanh, bà Hồ Thị Kim Thoa không hiếm trên thực tế, chẳng qua hai bà không thể giấu diếm. Trên thực tế, tình trạng này vẫn đang "âm thầm" tồn tại, gây nhiều hệ lụy tiêu cực, khiến xã hội bức xúc.

Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã quyết định thi hành kỷ luật bằng hình thức cách chức tất cả các chức vụ trong Đảng đối với bà Phan Thị Mỹ Thanh (bên trái) - nguyên Phó Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai và miễn chức vụ đối với bà Hồ Thị Kim Thoa (nguyên Thứ trưởng Bộ Công thương)

Việc bổ nhiệm người thân giữ chức vụ quan trọng dưới sự quản lý của mình, hay thành lập doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực mình quản lý trực tiếp đã và đang tạo ra sự bất bình đẳng, thiếu công bằng trong cạnh tranh giữa các doanh nghiệp, bởi “doanh nghiệp sân sau” đương nhiên được hưởng sự ưu ái về cả thương quyền, chính sách từ phía nhà nước hơn các doanh nghiệp thông thường.

Nhiều Luật gia, Luật sư nhận định, hình thức trục lợi trên không khác gì hành vi tham nhũng nhưng lại "lách" được luật, nên từ trước tới nay vẫn chưa có bản án hình sự nào dành cho các vị lãnh đạo có doanh nghiệp "sân sau”. Bởi trước đây, Điều 37 Luật PCTN năm 2005 chỉ quy định: "Người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan không được để vợ hoặc chồng, bố, mẹ, con kinh doanh trong phạm vi do mình quản lý trực tiếp," chứ chưa quy định hình thức xử lý.

Để xử lý nghiêm khắc những vị lãnh đạo đang sử dụng “sân sau” làm bình phong đục khoét ngân khố quốc gia, Nghị định 59/2019/NĐ-CP đã quy định rõ tại Điều 83:"Cách chức đối với người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị có hành vi bố trí vợ hoặc chồng, bố, mẹ, con, anh, chị, em ruột của mình giữ chức vụ quản lý về tổ chức nhân sự, kế toán, làm thủ quỹ, thủ kho trong cơ quan, tổ chức, đơn vị hoặc giao dịch, mua bán hàng hóa, dịch vụ, ký kết hợp đồng cho cơ quan, tổ chức, đơn vị đó mà đã bị xử lý bằng hình thức cảnh cáo; người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan nhà nước góp vốn vào doanh nghiệp hoạt động trong phạm vi ngành, nghề mà người đó trực tiếp thực hiện việc quản lý nhà nước hoặc để vợ hoặc chồng, bố, mẹ, con kinh doanh trong phạm vi ngành, nghề do người đó trực tiếp thực hiện việc quản lý nhà nước."

Trong bối cảnh hàng loạt các vụ vi phạm, đặc biệt trong lĩnh vực cổ phần hóa nhà, đất công được phanh phui thời gian qua đã được xác định có sự tiếp tay của người có chức vụ quyền hạn, qua đó lộ diện tình trạng “sân sau”, lợi ích nhóm, công ty gia đình…, Nghị định 59 được kỳ vọng sẽ là loại “vũ khí” lợi hại để dẹp bỏ tình trạng sân sau, lợi ích nhóm.

Việc ban hành Nghị định 59/2019/NĐ-CP không chỉ thể hiện quyết tâm PCTN, mà còn tạo thêm cơ sở pháp lý, trở thành công cụ hữu hiệu để PCTN. Kỳ vọng tới đây, những trường hợp như nguyên Phó Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai Phan Thị Mỹ Thanh hay nguyên Thứ trưởng Bộ Công thương Hồ Thị Kim Thoa sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự chứ không chỉ bị xử lý về mặt Đảng như trước đây.

Cấm Bộ trưởng lập công ty ngay sau khi về hưu

Sau khi thôi chức, trong thời hạn nhất định, người đứng đầu các Bộ, ngành không được lập, giữ chức vụ quản lý, điều hành doanh nghiệp tư nhân, Công ty TNHH, cổ phần...

Trong chương IV về thực hiện quy tắc ứng xử của người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức, Nghị định 59 nêu rõ thời hạn những đối tượng này không được thành lập, giữ chức danh, chức vụ quản lý, điều hành doanh nghiệp tư nhân, Công ty TNHH, Công ty cổ phần, Công ty hợp danh, hợp tác xã sau khi thôi chức.

Theo đó, Nghị định chia các lĩnh vực thực hiện quy định này thành 4 nhóm tương ứng với 4 thời hạn khác nhau.

Nhóm 1 gồm các lĩnh vực quản lý của 14 Bộ và cơ quan ngang bộ gồm: Công thương; Giao thông Vận tải; Kế hoạch và Đầu tư; Lao động, Thương binh và Xã hội; Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Tài chính; Tài nguyên và Môi trường; Thông tin và Truyền thông; Xây dựng; Ngân hàng Nhà nước; Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp; Tư pháp; Thanh tra Chính phủ và Văn phòng Chính phủ. Thời hạn những người về hưu không được kinh doanh trong lĩnh vực này là 12-24 tháng.

Nhóm 2 gồm các lĩnh vực quản lý của 6 Bộ, cơ quan ngang bộ, gồm: Giáo dục và Đào tạo; Khoa học và Công nghệ; Văn hoá, Thể thao và Du lịch; Y tế; Bảo hiểm Xã hội Việt Nam và Ủy ban Dân tộc. Thời hạn những người về hưu không được kinh doanh trong nhóm lĩnh vực này là từ 6-12 tháng.

Nhóm 3 gồm các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý của 3 Bộ: Ngoại giao, Quốc phòng và Công an. Bộ trưởng các Bộ này ban hành thời hạn không được kinh doanh đối với người thôi giữ chức vụ thuộc lĩnh vực đặc thù.

Nhóm 4 gồm chương trình, dự án, đề án do người thôi giữ chức vụ khi đang là cán bộ, công chức, viên chức trực tiếp nghiên cứu, xây dựng hoặc thẩm định, phê duyệt.

Danh mục các lĩnh vực sẽ do Bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ quy định cụ thể. Thời hạn được áp dụng trong nhóm này chính là thời gian thực hiện xong chương trình, dự án, đề án.

Biện pháp PCTN trong doanh nghiệp

Các biện pháp PCTN trong doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài Nhà nước cũng được quy định cụ thể tại Nghị định số 59/2019/NĐ-CP của Chính phủ.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa)

Một trong những biện pháp PCTN là thực hiện công khai, minh bạch trong tổ chức và hoạt động của doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài Nhà nước.

Căn cứ vào quy định của Luật PCTN, Nghị định 59 và pháp luật khác có liên quan, công ty đại chúng, tổ chức tín dụng và tổ chức xã hội do Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Nội vụ hoặc Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định thành lập hoặc phê duyệt điều lệ có huy động các khoản đóng góp của Nhân dân để hoạt động từ thiện, trên cơ sở phù hợp với đặc thù trong tổ chức, hoạt động của mình, có trách nhiệm quy định cụ thể hình thức công khai, nội dung, trách nhiệm thực hiện việc công khai, minh bạch trong doanh nghiệp, tổ chức mình.

Nội dung công khai, minh bạch bao gồm: Việc thực hiện chính sách, pháp luật có nội dung liên quan đến quyền, lợi ích hợp pháp của người lao động, thành viên; chế độ lương, thưởng; thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi và các chế độ phúc lợi xã hội khác; quy tắc ứng xử, điều lệ doanh nghiệp, tổ chức; công tác tổ chức, bố trí nhân sự và các nội dung khác phải công khai, minh bạch theo quy định của pháp luật có liên quan.

Nghị định số 59/2019/NĐ-CP cũng quy định cụ thể việc kiểm soát xung đột lợi ích trong doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài nhà nước. Căn cứ vào quy định của Luật Phòng, chống tham nhũng, Nghị định này và pháp luật khác có liên quan, công ty đại chúng, tổ chức tín dụng và tổ chức xã hội do Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Nội vụ hoặc Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định thành lập hoặc phê duyệt điều lệ có huy động các khoản đóng góp của Nhân dân để hoạt động từ thiện, trên cơ sở phù hợp với đặc thù trong tổ chức, hoạt động của mình, thực hiện việc kiểm soát xung đột lợi ích như sau:

Quy định cụ thể các trường hợp xung đột lợi ích, trách nhiệm thông tin, báo cáo về các trường hợp xung đột lợi ích và công khai, phổ biến, tập huấn cho toàn thể người lao động, thành viên của doanh nghiệp, tổ chức; Quy định và thiết lập cơ chế tiếp nhận, xử lý thông tin, báo cáo về xung đột lợi ích trong doanh nghiệp, tổ chức, bao gồm việc giám sát và áp dụng các biện pháp phù hợp khác theo thẩm quyền để kiểm soát xung đột lợi ích; Có biện pháp bảo vệ kịp thời quyền, lợi ích hợp pháp của người lao động đã thông tin, báo cáo về xung đột lợi ích trong doanh nghiệp, tổ chức khi bị thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại; Báo cáo cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật trong trường hợp xung đột lợi ích dẫn đến các hành vi vi phạm pháp luật cần phải ngăn chặn, xử lý kịp thời.

Nghị định cũng quy định rõ trách nhiệm, xử lý trách nhiệm của người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu trong doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài nhà nước khi để xảy ra tham nhũng trong doanh nghiệp, tổ chức do mình quản lý.

Lê Phúc

Bạn đang đọc bài viết "Kì vọng sức mạnh “ vũ khí” mới chống “ giặc” tham nhũng" tại chuyên mục Diễn đàn - Luật gia. Mọi chi tiết xin liên hệ số hotline (0915.999.467) hoặc gửi email về địa chỉ (toasoan@phaply.vn).

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin