Khó khăn, vướng mắc trong bảo quản, xử lý vật chứng trong các vụ án kinh tế và một số giải pháp nâng cao hiệu quả

18/03/2024 16:02

(Pháp Lý - Thời gian qua, trong quá trình điều tra các vụ án về kinh tế, cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng các cấp đã tiến hành thu giữ, niêm phong, bảo quản và xử lý vật chứng theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự và các văn bản có liên quan, đảm bảo giá trị chứng minh của chứng cứ.

h1-1655100749.jpg

Điều tra viên Cơ quan điều tra VKSND tối cao khám xét phòng làm việc của 1 bị can ( ảnh minh họa)

Tuy nhiên, thực tiễn công tác này còn có một số khó khăn, vướng mắc, ảnh hưởng đến tiến độ, kết quả công tác điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án, ảnh hưởng tới quyền, lợi ích hợp pháp của đương sự và những người có liên quan; thậm chí dẫn đến làm hư hỏng tài sản, gây ra những ảnh hưởng tiêu cực đến sản xuất, kinh doanh; gây lãng phí, thiệt hại đến tài sản của Nhà nước, của tổ chức, cá nhân.

Khó khăn, vướng mắc trong bảo quản vật chứng

Quá trình điều tra vụ án, cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng có quyền tiếp nhận, tạm giữ, thu giữ vật chứng; tài sản, đồ vật, tài liệu có liên quan trực tiếp đến vụ án theo quy định tại Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 (Điều 105, Điều 198, Điều 201...). Việc bảo quản vật chứng được thực hiện theo quy định tại Điều 90, 199 Bộ luật Tố tụng hình sự; Nghị định số 70/2013/NĐ-CP ngày 02/7/2013 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế quản lý kho vật chứng ban hành kèm theo Nghị định số 18/2002/NĐ-CP ngày 18/02/2002 của Chính phủ.

Trong các vụ án kinh tế, các loại vật chứng phổ biến là: giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (các dự án bất động sản); tiền, vàng, kim khí quý, đá quý có giá trị lớn; hàng tiêu dùng (quần áo, giày dép, cặp sách, túi da; hàng mỹ phẩm; đồ trang sức; đồ gia  dụng…); hàng lương thực, thực phẩm (đường, sữa, sản phẩm thịt cá, rau củ quả…); máy móc, thiết bị điện tử (điện thoại, máy tính, thiết bị văn phòng; thiết bị vật tư y tế, trong các ngành sản xuất…);  phương tiện vận tải (ô tô, xe máy; tàu thuyền…); thuốc, thực phẩm chức năng; sách, thiết bị giáo dục; vật phẩm văn hóa (băng, đĩa hình, phim); khoáng sản (than, quặng…); thiết bị năng lượng (các tấm pin mặt trời; máy móc liên quan…); xăng dầu; vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ; ma túy… Trong quá trình bảo quản các loại vật chứng này cho thấy một số khó khăn, vướng mắc chủ yếu đó là:

Thứ nhất, việc bảo quản phải chi trả kinh phí thuê bến bãi, kho chứa hàng, kho lạnh bảo quản…

Trong nhiều vụ án kinh tế, Cơ quan điều tra phải thu giữ, tạm giữ, thuê kho, bến bãi, nhà lạnh, kho lạnh có đủ điều kiện để bảo quản vật chứng (là những vật chứng đòi hỏi điều kiện bảo quản đặt biệt), số tiền thuê phải trả hàng tháng là rất lớn, kéo dài nhiều năm dẫn tới gây tốn kém, thiệt hại cho ngân sách nhà nước. Nhiều vụ án, mặc dù mất nhiều chi phí để thuê kho, bãi quản lý với chi phí rất lớn nhưng sau khi kết thúc hoạt động tố tụng việc tiến hành xử lý vật chứng (bán, tiêu hủy) thì số tiền thu được không tương xứng so với tiền thuê, quản lý vật chứng gây lãng phí lớn cho ngân sách nhà nước.

Điển hình, trong vụ án Lâm Đình Hưng và đồng phạm buôn lậu thuốc bắc xảy ra tại Lạng Sơn, Bắc Ninh, Hà Nội, Cơ quan điều tra đã thu giữ hơn 160 tấn thuốc bắc các loại là vật chứng của vụ án. Do số lượng vật chứng lớn, kho vật chứng của cơ quan điều tra không đủ điều kiện để lưu giữ bảo quản nên phải thuê kho lạnh 200m2 của một doanh nghiệp với điều kiện tiêu chuẩn là: nhiệt độ thấp hơn hoặc bằng 200; độ ẩm thấp hơn hoặc bằng 70% với chi phí là hơn 90 triệu đồng/tháng. Kể từ tháng 12/2019 đến nay, chi phí thuê kho ước tính lên tới hơn 2 tỷ đồng, chưa kể các chi phí vận tải, bốc xếp, nâng hạ, kiểm đếm, phân loại.

Thứ hai, thời gian điều tra kéo dài (thậm chí có vụ án kéo dài nhiều năm) nên vật chứng dễ bị hư hỏng, xuống cấp, hết thời hạn sử dụng, mất giá trị

Thực tế có nhiều vụ án buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hoá tiền tệ qua biên giới do lực lượng Hải quan phát hiện bắt giữ, khởi tố vụ án, đối tượng đã bỏ lại hàng hóa tại cảng, không ra nhận dẫn đến hàng hóa vô chủ, sau đó bàn giao cho Cơ quan điều tra phải tiến hành tạm giữ, bảo quản. Tuy nhiên, việc giám định, định giá và xử lý vật chứng trong các vụ án gặp nhiều khó khăn, kéo dài do nhiều nguyên nhân. Trong số các vật chứng nêu trên, có nhiều loại là hàng lương thực, thực phẩm thuộc loại mau hỏng, thời hạn sử dụng ngắn, gây khó khăn cho Cơ quan điều tra trong quá trình bảo quản.

Quá trình điều tra mỗi vụ án có nhiều tình huống khác nhau, không vụ án nào giống vụ án nào; nhiều vụ phải trải qua quá trình tố tụng kéo dài hàng nhiều năm, hồ sơ trả đi trả lại giữa các cơ quan tiến hành tố tụng (điển hình như vụ buôn lậu gỗ cẩm lai, gỗ trắc xuất xứ Lào xảy ra ngày 11/8/2021 tại Cửa khẩu quốc tế La Lay (xã A Ngo, huyện Đakrông, tỉnh Quảng Trị); nên việc xử lý vật chứng phải được cân nhắc, tính toán, trao đổi, đánh giá rất thận trọng, cẩn thận, kỹ lưỡng của cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng trước khi ra quyết định.

2. Khó khăn, vướng mắc trong xử lý vật chứng

Việc xử lý vật chứng được thực hiện theo quy định tại Điều 106 của Bộ luật Tố tụng hình sự, cụ thể như sau: vụ án đình chỉ điều tra (xử lý vật chứng theo quy định tại khoản 1, 2 Điều 106); vụ án tạm đình chỉ điều tra, sau đó phải đình chỉ điều tra do hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự (xử lý vật chứng theo quy định tại khoản 1, 2 Điều 106); vụ án đang trong giai đoạn điều tra (xử lý vật chứng theo quy định tại khoản 3 Điều 106). Việc xử lý vật chứng trong giai đoạn điều tra, truy tố, xét xử được quy định tại khoản 3 Điều 106 của Bộ luật Tố tụng hình sự. Trong đó, điểm c khoản 3 Điều 106 của Bộ luật Tố tụng hình sự quy định: “Vật chứng thuộc loại mau hỏng hoặc khó bảo quản thì có thể được bán theo quy định của pháp luật; trường hợp không bán được thì tiêu hủy”. Thực tế quá trình xử lý vật chứng cho thấy một số khó khăn, vướng mắc đó là:

Thứ nhất, việc xác định hàng hóa, vật phẩm dễ bị hư hỏng hoặc khó bảo quản chưa có quy định cụ thể

Theo quy định trên hàng hóa, vật phẩm dễ bị hư hỏng hoặc khó bảo quản có thể hiểu bao gồm: thực phẩm tươi sống, dễ bị ôi thiu, khó bảo quản; hàng hóa dễ cháy, nổ (xăng, dầu, khí hóa lỏng hoặc các chất dễ cháy, nổ khác); hàng hóa là thuốc, thực phẩm chức năng hoặc là các loại hóa chất… Việc xác định vật chứng có thuộc loại mau hỏng hay không phải tùy thuộc tính chất, đặc điểm, đặc tính của hàng hóa. Trong trường hợp hàng hóa bình thường, không phức tạp, mắt thường có thể nhận biết được thì cơ quan tiến hành tố tụng xác định. Trường hợp hàng hóa có tính chất phức tạp, phải tiến hành thử nghiệm hoặc lấy mẫu để giám định như hóa chất, các loại thuốc bảo vệ thực vật… thì cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng cần yêu cầu cơ quan chuyên ngành có chuyên môn nghiệp vụ xác định theo quy định của pháp luật chuyên ngành.

Tuy nhiên, cũng có nhiều trường hợp còn ý kiến trái chiều giữa các cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng về cơ sở xác định vật chứng là hàng hoá mau hỏng. Điển hình, trong vụ án Lâm Đình Hưng và đồng phạm buôn lậu thuốc lá xảy ra tại Lạng Sơn, Bắc Ninh, Hà Nội, sau khi thực hiện xong hoạt động giám định, định giá tài sản trong tố tụng hình sự và phân loại chứng cứ, cơ quan điều tra xác định đây là hàng hoá mau hỏng, cần thiết phải tiến hành xử lý bằng hình thức bán đấu giá xung công quỹ. Tuy nhiên, quan điểm Viện kiểm sát nhân dân tối cao là để xác định hàng thuốc bắc nêu trên là hàng mau hỏng thì phải xác định được hạn sử dụng của hàng hoá và cần phải có hướng dẫn của Bộ Y tế về việc xác định hàng hoá mau hỏng. Về phía Bộ Y tế thì cho rằng số lượng hàng thuốc bắc nhập lậu không xác định được hạn sử dụng, nguồn gốc xuất xứ nên không có cơ sở để xác định đây là hàng hoá mau hỏng. Kết quả là cơ quan điều tra không thể xử lý vật chứng đối với hàng thuốc bắc trong giai đoạn điều tra mà phải tiếp tục bảo quản bằng kho lạnh cho đến khi Toà án có bản án.

Thứ hai, việc bán vật chứng thuộc loại mau hỏng, khó bảo quản cũng chưa có những quy định cụ thể

Đối với những hàng hoá thuộc loại mau hỏng, khó bảo quản, chưa có quy định hình thức bán đó là bán thông thường hay bán đấu giá theo thủ tục bán đấu giá tài sản. Trong thực tiễn giải quyết vụ án đối với loại vật chứng này có trường hợp cơ quan tiến hành tố tụng thực hiện việc tự mình đánh giá hàng hóa đó là mau hỏng để tiến hành bán, có trường hợp sẽ yêu cầu các cơ quan chuyên ngành đánh giá và thực hiện việc bán, từ đó dẫn tới việc xử lý vật chứng không thống nhất, có lúc dẫn tới sai sót do đánh giá không chính xác vật có phải là mau hỏng hoặc khó bảo quản hay không. Như vậy, đến nay vẫn chưa có quy định thống nhất về vật chứng như thế nào thì được gọi là mau hỏng hoặc khó bảo quản, cơ quan nào có thẩm quyền xác định vấn đề này, cơ quan nào có thẩm quyền ra quyết định bán vật chứng mau hỏng hoặc khó bảo quản và quy trình thực hiện như thế nào.

Bên cạnh đó còn phát sinh vấn đề khó khăn, vướng mắc trong xử lý ngay cả đối với các loại vật chứng không thuộc diện mau hỏng. Ví dụ, trong vụ án buôn lậu xảy ra tại cửa khẩu Bắc Phong Sinh (huyện Hải Hà, tỉnh Quảng Ninh) năm 2020 do Đào Văn Chấp cầm đầu, do số lượng hàng hoá thu giữ rất lớn, lại là hàng tạp hoá, quần áo, đồ chơi trẻ em… hiện đang bảo quản tại kho thuê của một doanh nghiệp trên địa bàn thành phố Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh. Hàng hoá trên không thuộc diện mau hỏng nên theo quy định tại Điều 106 Bộ luật Tố tụng hình sự chưa xử lý được, từ đó dẫn đến phát sinh chi phí thuê kho cao (trên 170 triệu đồng/tháng).

3. Một số giải pháp nâng cao hiệu quả bảo quản, xử lý vật chứng trong điều tra các vụ án kinh tế

Thứ nhất, Điều tra viên cần nắm chắc quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự về vật chứng, đặc tính của từng loại vật chứng cụ thể và trình tự, thủ tục thực hiện các hoạt động thu thập, bảo quản, xử lý vật chứng. Trước khi tiến hành các hoạt động bắt quả tang, khám xét hay thu giữ đồ vật, tài liệu, Điều tra viên cần nắm rõ tình tiết của vụ án, vụ việc, xác định rõ những nhóm đồ vật, tài liệu có ý nghĩa trong việc giải quyết vụ án, vụ việc để từ đó tập trung truy tìm khi tiến hành khám xét, bắt quả tang; đồng thời sàng lọc các đồ vật, tài liệu khác không liên quan; tránh việc thu giữ tràn lan, không có trọng tâm, trọng điểm.

Thứ hai, sau khi thu giữ cần phải tiến hành phân loại, xác định rõ nhóm vật chứng, đồ vật, tài liệu nào cần phải có điều kiện bảo quản đặc biệt để thực hiện việc bảo quản theo quy định, tránh để hư hỏng, hao mòn tự nhiên, làm mất giá trị hoặc thay đổi kết cấu, tính chất của vật chứng.

Thứ ba, cần tập trung phân loại, khai thác triệt để vật chứng theo nhóm hành vi của các đối tượng, tiến hành việc giám định, định giá tài sản. Trong trường hợp nếu thấy đồ vật, tài liệu không liên quan thì đề xuất xử lý ngay trong giai đoạn điều tra.

Thứ tư, đối với những vật chứng mau hỏng, khó bảo quản, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa Điều tra viên với Kiểm sát viên, đồng thời trưng cầu cơ quan chuyên môn, các chuyên gia để trao đổi phương pháp bảo quản, xử lý phù hợp; đảm bảo đáp ứng yêu cầu, tiến độ điều tra và đúng quy định của pháp luật. Thời gian tới, các cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng cần phối hợp trong đề xuất cấp có thẩm quyền nghiên cứu xây dựng, ban hành văn bản hướng dẫn áp dụng thống nhất về vật chứng mau hỏng trong điều tra vụ án kinh tế, trong đó nêu rõ, cụ thể tiêu chí xác định vật chứng mau hỏng hoặc khó bảo quản, quy định cơ quan nào có thẩm quyền xác định vấn đề này, cơ quan nào có thẩm quyền ra quyết định bán vật chứng mau hỏng hoặc khó bảo quản, đặc biệt là xây dựng quy trình thực hiện thống nhất, khoa học.

Thứ năm, tăng cường phối hợp giữa Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát nhân dân, Toà án nhân dân, Cơ quan thi hành án dân sự (Tổng cục Thi hành án dân sự, Cục Thi hành án dân sự), các Bộ, ngành, cơ quan giám định chuyên môn trong từng lĩnh vực trong giải quyết những vấn đề phát sinh trong bảo quản, xử lý vật chứng trong các vụ án kinh tế./.

TS. Lê Văn Sáng ( Học viện Cảnh sát nhân dân)

Bạn đang đọc bài viết "Khó khăn, vướng mắc trong bảo quản, xử lý vật chứng trong các vụ án kinh tế và một số giải pháp nâng cao hiệu quả" tại chuyên mục Bên khung cửa tư pháp. Mọi chi tiết xin liên hệ số hotline (0915.999.467) hoặc gửi email về địa chỉ (toasoan@phaply.vn).

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin