Khái niệm doanh nghiệp Nhà nước và vấn đề cổ phần, vốn góp chi phối

31/10/2019 09:00

Trong dự thảo Luật Doanh nghiệp sửa đổi, quy định khái niệm Doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) đã được sửa đổi theo yêu cầu của Nghị quyết số 12-NQ/TW ngày 03/6/2017 về tiếp tục cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả DNNN. Mặc dù vậy, vẫn còn khá nhiều ý kiến khác nhau về khái niệm DNNN, trong đó đáng chú ý là ý kiến cho rằng để làm rõ khái niệm DNNN cần có điều khoản giải thích rõ về cổ phần, vốn góp chi phối.

Làm rõ khái nhiệm về DNNN để có cơ chế điều chỉnh, quản lý thích hợp
Làm rõ khái nhiệm về DNNN để có cơ chế điều chỉnh, quản lý thích hợp)

Những điểm hợp lý của Nghị quyết 12-NQ/TW

Tại Mục 1 Phần II Nghị quyết số 12/NQ-TW xác định khái niệm DNNN: "DNNN là doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ hoặc cổ phần, vốn góp chi phối, được tổ chức hoạt động dưới hình thức Công ty cổ phần hoặc Công ty trách nhiệm hữu hạn".

Dự án Luật sửa đổi, bổ sung Luật Doanh nghiệp đã tiếp thu khái niệm DNNN của Nghị quyết 12-NQ/TW. Theo đó, phạm vi bao quát của DNNN không chỉ ở doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ, mà còn bao gồm số lượng lớn doanh nghiệp do nhà nước nắm giữ cổ phần, vốn góp chi phối. Khái niệm DNNN theo Nghị quyết 12-NQ-TW đã bổ sung đối tượng “doanh nghiệp mà Nhà nước có cổ phần, vốn góp chi phối”.

Theo bà Tăng Thị Bích Diễm, Khoa Luật Thương mại – Đại học Luật TP.HCM, quy định khái niệm DNNN trong Nghị quyết 12-NQ/TW rất phù hợp với thực tế hiện nay.
Thứ nhất, Nghị quyết 12-NQ/TW quy định khái niệm về DNNN phù hợp với chiến lược cải cách DNNN. Khái niệm DNNN tại Nghị quyết 12-NQ/TW đã kế thừa từ Nghị quyết Trung ương 3 (khóa IX) Ban Chấp hành Trung ương Đảng về tiếp tục sắp xếp, đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả của DNNN. Sự thay đổi khái niệm DNNN không chỉ ở số lượng vốn Nhà nước sở hữu tại doanh nghiệp là 100% vốn điều lệ hay trên 50% vốn điều lệ, mà ở quy mô và tầm ảnh hưởng của khu vực kinh tế nhà nước trong nền kinh tế quốc dân ở nước ta chưa được thu hẹp đáng kể, giới chức hành chính vẫn chưa bị ép phải thoái lui khỏi khu vực kinh doanh này.

Thứ hai, Nghị quyết 12-NQ/TW quy định khái niệm DNNN phù hợp với thông lệ quốc tế. Hiệp định thương mại CPTPP mà Việt Nam ký kết quy định "DNNN là doanh nghiệp có Nhà nước sở hữu hơn 50% vốn cổ phần hoặc kiểm soát, thông qua những ích lợi sở hữu, hơn 50% quyền bỏ phiếu hoặc có quyền bổ nhiệm đa số thành viên của ban giám đốc hoặc bất kỳ cơ quan quản lý tương đương khác". Việt Nam là thành viên của Hiệp định CPTPP, nên pháp luật Việt Nam phải điều chỉnh khái niệm DNNN để phù hợp với các điều khoản của thỏa thuận này.

Cần có điều khoản giải thích rõ về cổ phần, vốn góp chi phối

Bình luận về quy định khái niệm DNNN được quy định trong các văn bản pháp luật hiện nay, bà Diễm cho biết: Sau khi Luật Doanh nghiệp 2014 có hiệu lực một thời gian, một số văn bản dưới luật ra đời, tạo nên sự nhập nhằng, không thống nhất khi đề cập đến khái niệm DNNN.

Theo bà Diễm, từ năm 1992 đến nay, Việt Nam thực hiện nhiều chính sách khu vực kinh tế Nhà nước, nhất là cải cách DNNN, song các chính sách này không thành công như mong đợi. Nhà nước thực hiện cổ phần hóa DNNN, bán một phần cổ phần cho khu vực tư nhân, song về tổng thể vẫn duy trì một cổ phần vốn đáng kể, chiếm trên 76%, thậm chí còn nhiều doanh nghiệp mà Nhà nước sở hữu tới 96%. Chính vì vậy, việc thay đổi khái niệm DNNN là bước khởi đầu để tiếp tục thực hiện các chủ trương sâu, rộng hơn của Đảng, Nhà nước.

Cần có điều khoản giải thích rõ về cổ phần, vốn góp chi phối về quy định DNNN trong Luật Doanh nghiệp
Cần có điều khoản giải thích rõ về cổ phần, vốn góp chi phối về quy định DNNN trong Luật Doanh nghiệp)

Thực tế, vốn và tài sản nhà nước tại các doanh nghiệp có cổ phần, vốn góp chi phối của Nhà nước còn khá lớn và Nhà nước phải tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong định hướng phát triển các doanh nghiệp này. Do đó, sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước đối với doanh nghiệp có cổ phần, vốn góp chi phối của Nhà nước là vô cùng cấp thiết.

Hiện nay, pháp luật về DNNN xác định rõ hai đối tượng điều chỉnh là doanh nghiệp có 100% vốn nhà nước (gọi là DNNN) và doanh nghiệp có trên 50% vốn Nhà nước.
Nhìn chung, pháp luật về DNNN hiện hành đều tiếp cận theo nguyên tắc chỉ coi DNNN là doanh nghiệp mà nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ: bao gồm công ty mẹ, DNNN độc lập. Đây là chủ trương lớn về cải cách DNNN, tạo sự bình đẳng giữa DNNN và doanh nghiệp khác, thúc đẩy cổ phần hóa. Nhà nước chỉ cần can thiệp trực tiếp vào DNNN mà nhà nước sở hữu 100% vốn. Đối với doanh nghiệp mà nhà nước sở hữu dưới 100% vốn thì Nhà nước chỉ can thiệp thông qua người đại diện phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp và Nhà nước đóng vai trò là cổ đông, thành viên như các cổ đông thành viên khác.

Một vấn đề hiện nay được quan tâm nhiều, đó là Nghị quyết 12-NQ/TW căn cứ vào "cổ phần, vốn góp chi phối" để xác định DNNN. Tuy nhiên tỷ lệ bao nhiêu được coi là chi phối, để từ đó xác định rõ quyền, trách nhiệm của chủ sở hữu nhà nước và các cổ đông khác? Tại dự án Luật sửa đổi, bổ sung Luật Doanh nghiệp đã sửa đổi khoản 8 Điều 4 Luật Doanh nghiệp 2014, đã đưa ra khái niệm DNNN hoàn toàn giống Nghị quyết 12/NQ-TW, nhưng không có sự giải thích nào thêm về "cổ phần, vốn góp chi phối".

Theo bà Diễm, cụm từ "cổ phần, vốn góp chi phối" có những cách hiểu sau: Nhà nước sở hữu trên 65% vốn điều lệ, tổng số cổ phần; Nhà nước sở hữu trên 50% vốn điều lệ, tổng số cổ phần; Nhà nước sở hữu trên 36% vốn điều lệ, tổng số cổ phần.

Từ thực tế trên, bà Diễm cho rằng, cụm từ "cổ phần, vốn góp chi phối" nên được hiểu Nhà nước sở hữu trên 50% vốn điều lệ, tổng số cổ phần. Nếu "cổ phần, vốn góp chi phối" được hiểu là Nhà nước sở hũu trên 65% vốn điều lệ, tổng số cổ phần thì tỷ lệ này đảm bảo Nhà nước nắm quyền chi phối tuyệt đối. Tuy nhiên, cách quy định này khác biệt hoàn toàn trong hệ thống pháp luật về DNNN hiện nay. Nếu "cổ phần, vốn góp chi phối" được hiểu Nhà nước sở hữu trên 36% vốn điều lệ, tổng số cổ phần thì tỷ lệ này sẽ gây bất lợi đến quá trình cổ phần hóa cơ cấu lại DNNN. Cụ thể là các nhà đầu tư khác sẽ có tâm lý không an tâm, không muốn mua vốn của Nhà nước vì họ đã sở hữu đến đa số mà doanh nghiệp vẫn bị coi là DNNN. Thực tế cổ phần hóa giai đoạn vừa qua cho thấy, doanh nghiệp nào có phương án giảm tỷ lệ vốn nhà nước xuống dưới 50% vốn điều lệ thường thu hút đầu tư bên ngoài. Cách hiểu "cổ phần, vốn góp chi phối" là Nhà nước sở hữu trên 50% vốn điều lệ, tổng số cổ phần và đây là tỷ lệ cổ phần này phù hợp với cách phân loại doanh nghiệp có vốn nhà nước hiện nay.

Từ những lập luận trên, bà Diễm kiến nghị tại Điều 4 phần giải thích từ ngữ của Luật Doanh nghiệp cần có điều khoản giải thích rõ về cổ phần, vốn góp chi phối, không nên bỏ trống để tự suy diễn. Cụ thể: "Doanh nghiệp có cổ phần, vốn góp chi phối của Nhà nước là doanh nghiệp mà cổ phần hoặc vốn góp của Nhà nước chiếm trên 50% vốn điều lệ".

Theo bà Tăng Thị Bích Diễm, việc thay đổi khái niệm DNNN tại Luật Doanh nghiệp 2014 dẫn đến hệ quả tất yếu, làm giảm số lượng DNNN về mặt pháp lý. Cụ thể, năm 2012, tổng số DNNN là 3.29365 thì đến cuối năm 2015, tổng số DNNN là 65266. Cùng khoảng thời gian trên, việc đàm phán Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (Hiệp định CPTPP) bước vào vòng đàm phán cấp Bộ trưởng. Các Hiệp định thương mại tự do với đối tác châu Âu như Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU, Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-EFTA cũng đang được tiến hành. Hiệp định CPTPP cũng dành riêng Chương 17 quy định về DNNN với quy định về cạnh tranh bình đẳng, không ưu đãi. Hiệp định thương mại tự do với EU cũng có quy định tương tự về DNNN. Vì khái niệm DNNN thay đổi nên số lượng DNNN chịu ràng buộc của Hiệp định giảm xuống đáng kể. Bên cạnh đó, về mặt thực tế và pháp lý, số lượng DNNN giảm sẽ giúp Việt Nam tự tin thuyết phục nước ngoài về nền kinh tế thị trường Việt Nam đang thực hiện.

Giang Nguyễn

 

 

Bạn đang đọc bài viết "Khái niệm doanh nghiệp Nhà nước và vấn đề cổ phần, vốn góp chi phối" tại chuyên mục Diễn đàn - Luật gia. Mọi chi tiết xin liên hệ số hotline (0915.999.467) hoặc gửi email về địa chỉ (toasoan@phaply.vn).

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin