Hiệu lực hồi tố của Nghị quyết về phòng chống dịch COVID-19

12/08/2021 10:38

Điểm đáng chú ý trong Nghị quyết 86/NQ-CP của Chính phủ về các giải pháp cấp bách phòng chống dịch COVID-19 là hiệu lực hồi tố của văn bản này.

Trong Nghị quyết 30 về kỳ họp thứ nhất, Quốc hội (QH) khóa XV đã có đề cập đến nội dung phòng chống dịch COVID-19. Mới đây, Ủy ban Thường vụ QH cũng đã ban hành Nghị quyết 268 về việc cho phép Chính phủ (CP) ban hành nghị quyết có một số nội dung khác với quy định của luật để đáp ứng yêu cầu phòng chống dịch COVID-19.

Và sáng qua, 10-8, Văn phòng CP đã phát hành Nghị quyết 86/NQ-CP của CP về các giải pháp cấp bách phòng chống dịch COVID-19 (do Thủ tướng Phạm Minh Chính vừa ký ban hành). Đây là văn bản điều chỉnh trực tiếp, chi tiết nhất tới công tác phòng chống dịch COVID-19 từ khi xuất hiện ở Việt Nam đầu năm 2020 đến nay, bao gồm cả những biện pháp mà phần nào hạn chế quyền công dân so với điều kiện bình thường.

151-1628739392.jpg
Lực lượng chức năng kiểm soát người dân ra đường sau 18 giờ để phòng chống dịch COVID-19 tại TP.HCM. Ảnh: HOÀNG GIANG

Khẳng định hiệu lực pháp lý của Chỉ thị 15, Chỉ thị 16

Với 16 trang A4, đầu tiên Nghị quyết 86 khẳng định giá trị thực tiễn của các văn bản trước đây, bao gồm cả các văn bản chỉ đạo của Đảng và Nhà nước. Trong số này không thể không nhắc đến là Chỉ thị 15, ngày 27-3-2020 và Chỉ thị 16, ngày 31-3-2020.

Đây là hai văn bản mà dựa vào đó, 63 tỉnh, thành trên cả nước đã cụ thể hóa thành chỉ thị của chủ tịch UBND cấp tỉnh của mình, hoặc áp dụng trực tiếp, điều chỉnh trực tiếp tới hoạt động của các tổ chức, cá nhân. Nhiều trường hợp, quyền tự do đi lại, quyền tự do kinh doanh và các quyền cơ bản khác đã bị hạn chế vì một nhiệm vụ chung: “Chống dịch như chống giặc”.

Nhắc lại Chỉ thị 15, Chỉ thị 16 của Thủ tướng, Nghị quyết 86 của CP yêu cầu chủ tịch các tỉnh, thành chủ động chỉ đạo áp dụng trên địa bàn các giải pháp tương ứng với mức độ nguy cơ dịch. Phương châm là “Có thể áp dụng sớm hơn, cao hơn nhưng không được chậm hơn, thấp hơn”.

Giải pháp như trong tình trạng khẩn cấp

Đáng chú ý, Nghị quyết 86 bổ sung một số biện pháp thuộc về tình trạng khẩn cấp, như chủ tịch UBND cấp tỉnh có thể triển khai biện pháp đặc biệt về thông tin liên lạc và sử dụng các phương tiện thông tin liên lạc; kêu gọi, thuyết phục, huy động, trưng dụng tài sản, phương tiện, trang thiết bị và các biện pháp khác để ngăn chặn kịp thời dịch bệnh lây lan trong phạm vi thẩm quyền quản lý.

“Trường hợp cần thiết, chủ tịch UBND cấp tỉnh báo cáo Thủ tướng CP trước khi áp dụng” - Nghị quyết 86 lưu ý.

Một số giải pháp thời gian qua được Thủ tướng, Ban chỉ đạo quốc gia, Bộ Y tế chỉ đạo triển khai bằng văn bản cá biệt, nay được đưa vào văn bản quy phạm pháp luật này. Chẳng hạn, “ngoại giao vaccine”; tổ chức cơ sở thu dung người nhiễm COVID-19; đẩy mạnh thành lập, tổ chức các trung tâm, tổ, nhóm hỗ trợ, cứu trợ kịp thời đáp ứng nhu cầu, chăm lo cuộc sống của người dân trên địa bàn.

Nghị quyết 86 dành riêng một điều dài về các cơ chế, chính sách đặc thù khác với quy định trong các luật hiện hành, tập trung nhiều vào cấp giấy đăng ký lưu hành, thông quan thuốc điều trị, vaccine phòng COVID-19 và công tác tổ chức mua sắm thuốc, hóa chất, vật tư, trang thiết bị phòng chống dịch vốn rất khác so với điều kiện bình thường.

Ngoài các định hướng chỉ đạo, giải pháp dự liệu được, Nghị quyết 86 của CP cũng đặt ra tình huống nếu cần thiết phải bổ sung các quy định phòng chống dịch khác vượt luật thì các bộ, cơ quan trung ương đề xuất, gửi Bộ Y tế tổng hợp để trình CP báo cáo Ủy ban Thường vụ QH xem xét, quyết định theo trình tự, thủ tục rút gọn. Với các đề xuất thuộc mảng an sinh xã hội thì Bộ LĐ-TB&XH là đầu mối chủ trì.

Hiệu lực hồi tố và chùm văn bản 6-8

Nghị quyết 86/NQ-CP được Văn phòng CP lấy số văn thư, phát hành ngày 10-8 nhưng lấy ngày 6-8, tức cùng ngày với cuộc họp của Ủy ban Thường vụ QH cũng như Nghị quyết 268 của cơ quan này về cho phép CP ban hành nghị quyết có một số nội dung khác với quy định luật hiện hành.

Đáng chú ý, Nghị quyết 86/NQ-CP có nhiều hiệu lực hồi tố khác nhau. Cụ thể:

Về tổng thể, Nghị quyết 86 có hiệu lực thi hành từ ngày 28-7, trùng với ngày ban hành Nghị quyết 30 của QH.

Quy định về miễn phiếu kiểm nghiệm cho thuốc, vaccine phòng COVID-19 có hiệu lực từ ngày 1-2-2021, liên quan đến lô vaccine phòng COVID-19 đầu tiên được đưa vào Việt Nam.

Quy định về dùng ngân sách thanh toán chi phí khám chữa bệnh tại các cơ sở thu dung, điều trị người nhiễm COVID-19 được áp dụng từ ngày thành lập các cơ sở thu dung.Quy định về cơ chế, hình thức mua sắm có hiệu lực thay thế cho quy định tương ứng trong Nghị quyết 79/NQ-CP của CP ban hành ngày 22-7 và lấy mốc thời gian này để xác định hiệu lực hồi tố.•

Một văn bản quy phạm pháp luật ngoại lệ

Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật không coi nghị quyết của CP là văn bản quy phạm pháp luật. Tuy nhiên, Nghị quyết 30 của QH khóa XV cho phép CP trong quá trình thực hiện Nghị quyết 30 “được sử dụng các hình thức nghị quyết, chỉ thị, công điện, công văn và các hình thức văn bản khác thuộc thẩm quyền để quy định, tổ chức triển khai các biện pháp cấp bách phục vụ công tác phòng chống dịch COVID-19”.

Hiệu lực trở về trước của văn bản quy phạm pháp luật

Chỉ trong trường hợp thật cần thiết để bảo đảm lợi ích chung của xã hội, thực hiện các quyền, lợi ích của tổ chức, cá nhân được quy định trong luật, nghị quyết của QH, văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan trung ương mới được quy định hiệu lực trở về trước…

(Trích Điều 152 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật)

Theo plo.vn

Nguồn bài viết: https://plo.vn/phap-luat/hieu-luc-hoi-to-cua-nghi-quyet-ve-phong-chong-dich-covid19-1007318.html

Bạn đang đọc bài viết "Hiệu lực hồi tố của Nghị quyết về phòng chống dịch COVID-19" tại chuyên mục Lăng kính Luật gia. Mọi chi tiết xin liên hệ số hotline (0915.999.467) hoặc gửi email về địa chỉ (toasoan@phaply.vn).

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin