Hai vấn đề hệ trọng của đất nước và tiêu chí chọn lựa Đại biểu Quốc hội

26/04/2016 05:46

(Pháp lý) - Quốc hội (QH) khóa XIII đã kết thúc, để lại nhiều dấu son trong lòng cử tri. Một nhiệm kì QH có nhiều đổi mới mạnh mẽ trong nhiều hoạt động. Một nhiệm kì có số đạo luật được thông qua nhiều nhất (hơn 100 đạo luật). Tuy vậy, trong chia sẻ cuối nhiệm kì, không ít đại biểu QH trước khi nghỉ thể hiện sự mắc nợ với cử tri. Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng cũng tâm tư: “Quốc hội nhận rõ phần trách nhiệm trước những tồn tại, yếu kém của đất nước”. Không mắc nợ, không tâm tư sao được khi vẫn còn đó những vấn đề hệ trọng của đất nước chưa được QH quan tâm đúng mức hoặc có quan tâm nhưng chưa có biện pháp cơ chế để giải quyết rốt ráo...

Đó là quốc nạn tham nhũng, lãng phí vẫn hành hoành rất phức tạp, nhiều địa chỉ lãng phí tiền tỉ được điểm tên nhưng vẫn không qui được trách nhiệm cá nhân, các biện pháp chống tham nhũng xem ra chưa đủ mạnh, nợ công tăng nhanh, có hay không lợi ích nhóm “ đục khoét” tiền ngân sách làm nghèo đất nước vẫn chưa được làm rõ.... Trong khi đó ở một diễn biến ngược lại, nghèo đói, phân hóa giàu nghèo không có chiều hướng giảm....

[caption id="attachment_139306" align="aligncenter" width="410"]Hội nghị tổng kết công tác Ủy ban Tư pháp của Quốc hội khóa XIII (ngày 3/3/2016) Hội nghị tổng kết công tác Ủy ban Tư pháp của Quốc hội khóa XIII (ngày 3/3/2016)[/caption]

Tại Diễn đàn “Thực hiện mục tiêu phát triển bền vững” tổ chức ngày 7/4, bà Pratibh Mehta, Điều phối viên thường trú của Liên hợp quốc tại Việt Nam cho biết năng suất lao động, năng lực cạnh tranh của Việt Nam đang đứng trước áp lực lớn. Mặc dù Việt Nam đã có nhiều cố gắng trong việc xóa đói giảm nghèo nhưng vẫn còn đến 66% dân số là người nghèo và cận nghèo, làm việc trong khu vực phi chính thức.

Theo Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, 30 năm vừa qua Việt Nam đã cố gắng rất nhiều, có tốc độ tăng trưởng cao nhưng chỉ đủ để ra khỏi ngưỡng nghèo và bước vào ngưỡng trung bình thấp. Xóa đói ở Việt Nam, năm nay ra khỏi nghèo, năm sau lại vào. Có những nơi chia nhau để năm này gia đình này được hưởng, năm sau lại đến lượt gia đình khác. Nếu không có sự công bằng sẽ có sự phân hóa giàu nghèo, vùng miền ngày càng lớn.

Theo bà Lan, mô hình phát triển của Việt Nam trong những năm vừa qua dựa nhiều vào vốn, tài nguyên thiên nhiên, lao động giá rẻ, doanh nghiệp nhà nước là động lực chính cho sự phát triển thì không thể có sự phát triển cao và bền vững được.

[caption id="attachment_139307" align="aligncenter" width="410"]Đ/c Trương Tấn Sang (khi còn là Chủ tịch Nước) trao tặng bò cho đồng bào tỉnh Cao Bằng Đ/c Trương Tấn Sang (khi còn là Chủ tịch Nước) trao tặng bò cho đồng bào tỉnh Cao Bằng[/caption]

Bà Lan đề xuất, muốn giải quyết được những vấn đề trên phải cải cách thể chế. Trong thể chế cần nhấn mạnh đến năng lực dẫn dắt đất nước phát triển lên. Nhà nước phải có trách nhiệm giải trình trước dân. Có nghĩa là phải có ai đó, có tên tuổi, có đơn vị chịu trách nhiệm về quyết định của mình gây ra những vấn đề cho đất nước. 30 năm vừa qua có rất nhiều vấn đề, ví dụ như môi trường, ai chịu trách nhiệm? Bộ Tài nguyên Môi trường ư? Đây là một khái niệm chung chung. Hay cả những vụ tham nhũng, nhưng ai là người chịu trách nhiệm, phần nhiều xử lý chỉ ở cấp thấp, nhưng những vấn đề nghiêm trọng phải xử lý ở cấp cao hơn…. Nhà nước phải có trách nhiệm giải trình. Có nghĩa là phải có ai đó, có tên tuổi, có đơn vị chịu trách nhiệm về quyết định của mình gây ra…”.

Đói nghèo không có chiều hướng giảm. Trong khi đó, tham nhũng tiêu cực vẫn diễn ra nhức nhối. Theo khảo sát của Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) năm 2015 cho thấy, có khoảng 44% số người đã làm thủ tục liên quan đến giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trong năm 2015 phải đưa hối lộ mới làm xong được thủ tục. Con số này tăng gần gấp đôi so với tỷ lệ ước tính 24% năm 2014.

Về bồi thường thu hồi đất, khảo sát chỉ ra phần lớn những người cho biết họ hoặc gia đình họ bị thu hồi đất trong năm vừa qua đã nhận bồi thường bằng tiền mặt để tự lo nơi ở mới. Tỷ lệ người dân cho biết gia đình họ không nhận được bồi thường tăng từ gần 24% (năm 2014) lên 27,5% (năm 2015), và tỷ lệ này vẫn còn khá cao. Về mức độ hài lòng với bồi thường đất đai, đa số những người trả lời bị thu hồi đất không hài lòng với việc thực hiện chính sách bồi thường ở địa phương.

Phân tích kết quả của công trình khảo sát PAPI 2015 (Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh ở VN) đã cho thấy một sự bất ngờ: “18% người dân chọn đói nghèo là vấn đề hệ trọng nhất của đất nước mà Nhà nước cần tập trung giải quyết”. Quả là rất đáng lo ngại.

[caption id="attachment_139308" align="aligncenter" width="410"]Hội nghị lấy ý kiến và tín nhiệm của cử tri nơi cư trú với người ứng cử Đại biểu Quốc hội tại Bình Dương Hội nghị lấy ý kiến và tín nhiệm của cử tri nơi cư trú với người ứng cử Đại biểu Quốc hội tại Bình Dương[/caption]

Mối lo ấy lại lớn thêm bằng những tin tức cập nhật: nợ công sắp đụng trần, lạm phát dự báo tăng kèm các loại thuế, viện phí, học phí..., thực tiễn hạn mặn ngày càng gay gắt và biến đổi khí hậu rất gần...Bức tranh mưu sinh của người dân mỗi ngày mỗi khốc liệt khiến cho công tác quản trị, điều hành, lãnh đạo ở các địa phương đứng trước những thách thức không dễ giải quyết.

Theo tuoitre.vn, còn một kết quả nữa của PAPI cũng không ít bất ngờ: “Tham nhũng tồn tại dai dẳng và có xu hướng gia tăng ở cấp tỉnh. Quyết tâm chống tham nhũng của chính quyền và người dân suy giảm qua thời gian. Năm 2015, chỉ 3% trong số người tham gia khảo sát cho biết sẽ tố cáo hành vi đòi hối lộ của cán bộ với số tiền lên tới gần 25 triệu đồng”.

Những con số và kết luận trên rất đáng để tất cả mọi người phải suy nghĩ, trong hoàn cảnh quyết tâm chống tham nhũng đã nhiều lần được các cấp lãnh đạo tuyên bố với những ngôn từ mạnh mẽ nhất. Đói nghèo cũng là một trong những hệ quả trực tiếp của tham nhũng. Vậy nên, khi thỏa hiệp với tham nhũng, chính quyền và người dân đã trực tiếp gia tăng nguy cơ đói nghèo cho đất nước, cho chính mình.

Trong một diễn biến khác đang gây rúng động cả thế giới thời gian này là vụ Hồ sơ Panama . Hồ sơ này đã phanh phui một “thiên đường” rửa tiền, trốn thuế chấn động cả thế giới được 400 Nhà báo dũng cảm điều tra cho bung ra ánh sáng. Một số nước đã vào cuộc điều tra, nhưng chắc sẽ gặp nhiều khó khăn. Hậu hồ sơ Panama sẽ còn nhiều diễn biến bất ngờ phía trước, tuy nhiên bước đầu nó đã cho cả thế giới biết được đường đi của dòng tiền bẩn , mánh khóe thủ đoạn “rửa tiền bẩn thành tiền sạch” của không ít quan tham. Và một “ thông điệp” quan trọng mà “ Hồ sơ Panama” đã cho thấy đó là người nghèo trên toàn thế giới mới là nạn nhân thật sự của những “thiên đường” rửa tiền, trốn thuế. Một quan chức đã phát biểu với Newsweek rằng: “Nguồn thuế dành cho việc cải thiện dịch vụ công cộng ở Malawi và nhiều nước nghèo khác đang biến mất ở mức báo động. Hơn 30% các khoản tài chính của châu Phi được các tổ chức nước ngoài che dấu bên trong thiên đường thuế, ước tính khoảng 14 tỉ USD nguồn thu thuế bị thất thu mỗi năm. khoản tiền này đủ dùng cho việc thanh toán y tế, chăm sóc sức khỏe cho những bà mẹ và trẻ em. Ngoài ra, còn có thể cứu sống 4 triệu trẻ em mỗi năm và trả lương cho giáo viên để mọi trẻ em châu Phi có điều kiện đến trường”.

“Nigeria, đất nước giàu mỏ với 140 triệu dân, nhưng 70% dân số tương ứng với 100 triệu người đang có mức thu nhập 1-2 USD mỗi ngày. Nhiều khoản tài chính được chuyển ra nước ngoài thông qua các dòng tiền bất hợp pháp, chiếm một phần trong tổng sản phẩm nội địa của Nigeria. Trong khi đó, Congo cũng đối mặt với tình trạng tương tự, kéo dài trong 2 thế kỷ qua” - ông Raymond Baker, Giám đốc Tổ chức Liêm chính Tài chính Toàn cầu (GFI) có trụ sở tại Washington cho biết.

Chống tham nhũng và xóa đói nghèo là hai vấn đề luôn được các quốc gia trên thế giới quan tâm giải quyết. Với riêng VN, trong tình hình mới hiện nay xem ra chống tham nhũng và xóa đói nghèo phải được lựa chọn là hai vấn đề ưu tiên tập trung giải quyết hàng đầu, hai vấn đề cốt tử, hệ trọng, cần sự vào cuộc mạnh mẽ hơn nữa, với quyết tâm cao hơn nữa của cả hệ thống chính trị và người dân. Và không ai khác các ĐBQH phải giữ trọng trách cao cả này. Chống tham nhũng và xóa đói nghèo – hai vấn đề hệ trọng của đất nước đã và sẽ tiếp tục đặt lên vai các Đại biểu Quốc hội (ĐBQH). Thực tế đã chứng minh, giải quyết được hai vấn đề hệ trọng này không hề đơn giản chút nào. Song không thể không giải quyết. Và việc cần làm ngay lúc này là mỗi cử tri hãy sáng suốt khi chọn lựa ĐBQH đại diện cho mình. ĐBQH trong tình hình hiện nay phải là người hoàn toàn trong sạch, có quyết tâm cao trong hành động chống tham nhũng và xóa đói giảm nghèo, đặt lợi ích của quốc gia, lợi ích của nhân dân lên trên hết.

Hà Trang

Bạn đang đọc bài viết "Hai vấn đề hệ trọng của đất nước và tiêu chí chọn lựa Đại biểu Quốc hội" tại chuyên mục Lăng kính Luật gia. Mọi chi tiết xin liên hệ số hotline (0915.999.467) hoặc gửi email về địa chỉ (toasoan@phaply.vn).

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin