Gom, găm, nâng giá hàng hoá, dịch vụ thiết yếu giữa mùa dịch: Cần có hướng dẫn để xử lý hình sự tội “Đầu cơ”

30/07/2021 09:46

(Pháp lý) – Trải qua 4 đợt dịch, từ năm 2020 đến nay , tình trạng nhiều cơ sở sản xuất kinh doanh lợi dụng tình hình dịch bệnh, nhu cầu đột biết, sự khan hiếm của thị trường… đã có hành vi gom, găm trữ, tăng giá gấp nhiều lần một số mặt hàng, dịch vụ thiết yếu nhằm thu lợi bất chính gây bức xúc dư luận. Cơ quan chức năng đã ban hành nhiều quyết định xử phạt hành chính. Nhưng xem ra chế tài như vậy chưa đủ sức răn đe. Tuy nhiên để xử lý hình sự các đối tượng này theo tội “ Đầu cơ” thì cần có văn bản hướng dẫn liên ngành của cơ quan bảo vệ pháp luật.

71-1627281763.jpg

Gom, găm, nâng giá hàng hoá, dịch vụ thiết yếu giữa mùa dịch: cần xử lý hình sự  tội “Đầu cơ”...?

Viện mọi lý do để tăng giá dịch vụ xét nghiệm COVID, hàng hoá…

Việc nhiều địa phương quy định người từ nơi khác đến phải có giấy xét nghiệm Covid-19 âm tính đã tạo ra “làn sóng” đổ xô đi xét nghiệm dịch vụ, khiến nhu cầu thực hiện xét nghiệm tự nguyện tại nhiều địa phương tăng đột biến.

Mặc dù Bộ Y tế đã nhiều lần ra văn bản chấn chỉnh việc thực hiện thu dịch vụ xét nghiệm COVID - 19, nhưng nhiều cơ sở y tế vẫn cố tình bằng nhiều hình thức để thu giá dịch vụ xét nghiệm dịch vụ xét nghiệm COVID -19 cao nhằm thu lợi.

Điển hình như mới đây nhất, nhiều người dân thực hiện xét nghiệm COVID – 19 tại Bệnh viện đa khoa Hồng Ngọc (Hà Nội) tố Bệnh viện này lợi dụng dịch bệnh bắt chẹt người dân. Cụ thể, theo phản anh của người dân, Bênh viện đa khoa Hồng ngọc đã thu phí dịch vụ xét nghiệm tự nguyện COVID-19 bằng kỹ thuật Realtime RT-PCR từ 1.634.000 đồng đến 1.960.800 đồng. Trong đó, phí khám sàng lọc tư vấn từ 900.000 đồng đến 1.080.000 đồng; phí xét nghiệm COVID-19 bằng kỹ thuật Realtime RT-PCR từ 734.000 đồng đến 880.800 đồng. 

72-1627281798.jpg

Phí xét nghiệm COVID-19 Bệnh viện đa khoa Hồng Ngọc có giá từ hơn 1,6 triệu đến gần 2 triệu đồng/lượt

Đáng nói, dù thu phí khám sàng lọc lên đến trên dưới 1 triệu đồng, nhưng theo phản ánh của người dân cũng là khám sàng lọc trước khi test Covid-19 nhưng giá tiền của test nhanh kháng nguyên virus COVID – 19 chỉ có 100.000 đồng, còn giá tiền của xét nghiệm sinh học phân tử realtime RT-PCR lại từ 900.000 đồng đến 1.080.000 đồng. Trong khi đó, khám sàng lọc trước Test nhanh hay xét nghiệm sinh học phân tử nhân viên y tế cũng chỉ đo huyết áp, tim mạch và phổi. Điều này khiến người dân sử dụng dich vụ xét nghiệm COVID-19 tại BV đa khoa Hồng Ngọc vô cùng bức xúc bởi không hiểu vì sao lại có hai mức giá khám sàng lọc khác nhau như vậy?

Trong trong khi đó, theo quy định của Bộ Y tế mức giá tối đa của dịch vụ xét nghiệm SARS-CoV-2 bằng kỹ thuật Realtime RT-PCR là 734.000 đồng/ 1mẫu xét nghiệm. 

Theo thông tin từ phía bệnh viện, sự việc giá gói khám sàng lọc đi kèm xét nghiệm SARS-COV-2 RT-PCR tại bệnh viện Hồng Ngọc có giá 900.000 đồng trước ngày 21/7 là thông tin chính xác. Gói khám sàng lọc bao gồm chi phí cho sàng lọc, nhân sự tại khu sàng lọc, chi phí rủi ro cho nhân viên y tế cách ly, chi phí khử khuẩn, chi phí khai báo và khám sàng lọc và kèm theo việc lấy lại mẫu để test lần 2 miễn phí nếu dương tính lần 1.

Để viện minh cho việc chi phí xét nghiệm SARS-COV-2 RT-PCR có giá thành như vậy phía Hồng Ngọc cho rằng do khối bệnh viện tư nhân phải chịu những chi phí vận hành cao cùng với mong muốn mang đến dịch vụ chất lượng cho khách hàng…

Không chỉ  bức xúc với mỗi nơi một giá trong lĩnh vực y tế, đối với lĩnh vực hàng hóa thực phẩm, câu chuyện về giá có sự “bất thường” tại chuỗi cung ứng Bách hóa Xanh cũng là một chủ đề được dư luận quan tâm trong nhiều ngày vừa qua. Đáng chú ý, hàng loạt cửa hàng của Công ty CP Thương mại Bách Hóa Xanh đã bị cơ quan chức năng xử phạt về hành vi bán một số mặt hàng cao hơn so với giá niêm yết như: cửa hàng Bách Hóa Xanh ở số 481 Trần Hưng Đạo, khóm 8, phường 3, TP Sóc Trăng; cửa hàng Bách Hóa Xanh tại địa chỉ 259-261 Ngô Quyền, phường Tân An, thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đăk Lăk…

image003-1627281834.jpg

Nhiều cửa hàng Bách Hóa Xanh đã bị cơ quan chức năng xử phạt về hành vi bán một số mặt hàng cao hơn so với giá niêm yết

Chỉ sau khi Bộ Công thương yêu cầu Bách Hóa Xanh khắc phục ngay sai phạm về giá thì người đứng đầu chuỗi cửa hàng kinh doanh này, Ông Trần Kinh Doanh - Tổng giám đốc hệ thống Bách Hóa Xanh mới thừa nhận những ngày vừa qua có sự việc thực tế về tăng giá một số mặt hàng. Nhưng ông này lại biện minh cho rằng đây là “do áp lực giá cả đầu vào, cung ứng, vận chuyển hàng hóa”… 

Hồi giữa tháng 7 vừa qua, Cục Quản lý thị trường TP.HCM còn cho biết, trong những ngày qua tình hình thị trường có phát sinh tình trạng một số cá nhân mua gom lương thực, thực phẩm thiết yếu, thực phẩm tươi sống, rau, củ, quả tại các siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện lợi hoặc mua hàng nông sản của thương lái các tỉnh, mua lại tiểu thương của chợ đầu mối sau đó bán tại lề đường, đầu hẻm, tuyến phố gần chợ truyền thống, khu dân cư với giá cao…

Có thể thấy, tình trạng nhiều cơ sở sản xuất kinh doanh lợi dụng tình hình dịch bệnh, nhu cầu đột biết, sự khan hiếm của thị trường… thu gom, găm trữ, tăng giá gấp nhiều lần một số mặt hàng, dịch vụ thiết yếu, thu lợi bất chính đã và đang làm ảnh hưởng đến tình hình giá cả thị trường, gây bức xúc cho người dân.

Theo thống kê của Tổng cục Quản lý thị trường, tính đến 16/2 qua kiểm tra, giám sát lực lượng Quản lý thị trường đã xử lý 4.495 vụ đầu cơ, nâng giá bán một số mặt hàng phòng chống như khẩu trang y tế, dung dịch sát khuẩn… hành vi vi phạm chủ yếu là găm hàng, không niêm yết giá, nâng giá bất hợp lý.

Vì sao chưa xử lý tội “Đầu cơ” ?

Mặc dù, pháp luật hình sự đã có quy định, nếu có căn cứ xác định hành vi lợi dụng tình hình khan hiếm hoặc tạo ra sự khan hiếm giả tạo trong tình hình dịch bệnh covid19 để mua vét hàng hóa là thuốc thuốc phòng bệnh, chữa bệnh cho người thuộc danh mục thuốc chữa bệnh thiết yếu sử dụng tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh theo quy định của pháp luật (là danh mục mặt hàng bình ổn giá) nhằm bán lại để thu lợi bất chính từ 100.000.000 đồng trở lên hoặc giá trị hàng hóa từ 500.000.000 đồng trở lên thì có thể truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Đầu cơ theo quy định tại Điều 196 Bộ luật hình sự năm 2015 với mức phạt tù cao nhất có thể lên đến 15 năm.

Tuy nhiên, tính từ đợt dịch đầu tiên hồi đầu năm 2020 đến nay, thực tế nhiều cơ sở kinh doanh đã bị các cơ quan chức năng xử phạt hành chính, thậm chí số cơ sở kinh doanh bị xử phạt đã lên tới hàng nghìn, nhưng chưa có vụ nào bị khởi tố tội danh này. Có lẽ vì lý do này mà nhiều đối tượng không biết sợ.

Theo nhận định của chúng tôi, trong thực tế có rất nhiều hành vi thu gom, tích trữ hàng hóa chờ giá cao để bán ra thị trường có dấu hiệu của tội “Đầu cơ”.  Đặc biệt, tình trạng nhiều cơ sở sản xuất kinh doanh lợi dụng tình hình dịch bệnh, nhu cầu đột biết, sự khan hiếm của thị trường… thu gom, găm trữ, tăng giá gấp nhiều lần một số mặt hàng, dịch vụ thiết yếu, thu lợi bất chính như vừa qua. Nhưng, để xử lý hình sự các đối tượng về tội “Đầu cơ” là cả một vấn đề, rất khó trong việc chứng minh tội phạm.

Bởi, để truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người nào đó thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội phải xác định hành vi của họ có thỏa mãn đầy đủ các dấu hiệu của một cấu thành tội phạm cụ thể (bao gồm: khách thể, mặt khách quan, chủ thể và mặt chủ quan của tội phạm) được quy định trong Bộ luật hình sự.

Cụ thể trong trường hợp này đối với tội “Đầu cơ” quy định tại Điều 196 BLHS, cơ quan chức năng phải chứng minh được hành vi thu gom, tích trữ hàng hóa sau đó bán ra với giá cao thỏa mãn các điều kiện:

Khách thể: là trật tự quản lý kinh tế, cụ thể là trật tự quản lý việc lưu thông hàng hóa, chống đầu cơ trục lợi và xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng.

Đối tượng tác động của tội phạm là hàng hóa thuộc danh mục mặt hàng bình ổn giá hoặc thuộc danh mục hàng hóa được Nhà nước định giá, trừ những hàng hóa vật phẩm là đối tượng tác động của các tội phạm khác đã được quy định thành tội phạm riêng.

Mặt khách quan: Có hành vi lợi dụng tình hình khan hiếm hoặc tạo ra sự khan hiếm hàng hóa một cách giả tạo trong tình hình thiên tai, dịch bệnh, chiến tranh hoặc tình hình khó khăn về kinh tế để mua vét hàng hóa (được coi là khan hiếm) có số lượng lớn nhằm bán lại thu lợi bất chính.

Số lượng hàng hóa phải là có số lượng lớn. Nếu số lượng không lớn thì không đủ yếu tố cấu thành tội này. Việc có bán lại hàng hóa hay chưa, có thu lợi hay chưa không phải là dấu hiệu cấu thành bắt buộc.

Gây hậu quả nghiêm trọng: Đây là dấu hiệu cấu thành cơ bản. Việc mua vét hàng hóa bán lại nhằm thu lợi bất chính như nêu trên mà không gây hậu quả nghiêm trọng thì cũng không đủ cơ sở để truy cứu trách nhiệm hình sự.

Việc gây hậu quả nghiêm trọng ở đây được thể hiện như làm rối loạn thị trường, đẩy giá cả tăng vọt dẫn đến Nhà nước không kiểm soát được; làm ảnh hưởng đến uy tín của Nhà nước, gây hoang mang lo sợ trong một bộ phận nhân dân hoặc gây chết nhiều người do không đủ điều kiện để khắc phục tình trạng dịch bệnh …

Thực tế, để chứng minh được đầy đủ các yếu tố này rất khó như đối với các trường hợp nêu trên, dù chứng minh được các đối tượng lợi dụng tình hình khan hiếm nhiều cơ sở cố tình thu gom găm hàng; đẩy giá hàng hoá, dịch vụ lên cao trái quy định nhưng không thể chứng minh được yếu tố trục lợi bởi không kiểm soát được giá hay chi phí đầu vào, đầu ra.

73-1627281929.jpg

Tội “Đầu cơ” quy định tại Điều 196 BLHS, không có quy định đối với hành vi tăng giá dịch vụ thiết yếu…

Hay, dù chứng minh được các đối tượng này lợi dụng tình hình dịch bệnh thu gom, găm hàng, tăng giá thu lợi bất chính. Nhưng các mặt hàng này lại có thuộc đối tượng hàng hóa thuộc danh mục mặt hàng bình ổn giá hoặc thuộc danh mục hàng hóa được Nhà nước định giá hay không? 

Nhiều loại hàng hoá không thuộc loại hàng hoá trong danh mục hàng hóa bình ổn giá, cũng không thuộc loại hàng hóa nhà nước định giá nên hành vi đầu cơ các loại hàng hóa này không thuộc phạm vi xử lý hình sự. Hàng hóa này chỉ là loại hàng hóa phải niêm yết giá bán tại nơi bán hàng. Hành vi không niêm yết giá hoặc bán giá không đúng niêm yết sẽ bị xử phạt hành chính.

Bên cạnh đó, tội “Đầu cơ” quy định tại Điều 196 BLHS, cũng không quy định đối với hành vi lợi dụng tình hình khan hiếm hoặc tạo ra sự khan hiếm giả tạo trong tình hình thiên tai, dịch bệnh, chiến tranh hoặc tình hình khó khăn về kinh tế… để tăng giá dịch vụ thiết yếu nhằm thu lợi bất chính. Đây là vấn đề quan trọng dẫn đến khó khăn trong việc xử lý hình sự đối với các hành vi đầu cơ các loại mặt hàng này…

Kiến nghị

Thiết nghĩ, trong tình hình dịch bệnh đang có chiều hướng phức tạp, nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ. Việc lợi dụng tình dịch bệnh để đầu cơ, tăng giá hàng hóa, dịch vụ không chỉ vi phạm đạo đức kinh doanh, mà còn vi phạm pháp luật nghiêm trọng, làm rối loạn thị trường, gây hoang mang lo sợ cho người dân; đẩy giá cả tăng vọt dẫn đến thiệt hại lớn cho người tiêu dùng…

Do đó, để ngăn chặn tình trạng các cơ sở y tế tư nhân, đơn vị kinh doanh hàng hóa thiết yếu tranh thủ lợi dụng tình hình dịch bệnh hoặc và điều kiện bất thường để nâng giá dịch vụ, hàng hoá như thời gian qua, chúng tôi cho rằng, cần phải có sự vào cuộc quyết liệt của các đơn vị, cơ quan chức năng các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về giá đối với các cơ sở y tế, đơn vị kinh doanh hàng hóa thiết yếu trên địa bàn, nhất là các cơ sở y tế tư nhân, cửa hàng thực phẩm thiết yếu… Kiến nghị xử lý nghiêm các vi phạm nếu có, không để tình trạng lợi dụng dịch bệnh để tăng giá dịch vụ. Đặc biệt, cần phải xử lý hình sự một số vụ để răn đe.

Để có cơ sở pháp lý vững chắc để xử lý hình sự về tội đầu cơ, các cơ quan có thẩm quyền nhà nước cần phải có những văn bản hướng dẫn cụ thể đối với việc áp dụng pháp luật, điều tra, truy tố, xét xử… về tội “Đầu cơ”. Cùng với đó, nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung một số văn bản pháp luật để quy định, bổ sung các loại hàng hóa, dịch vụ thiết yếu phù hợp với tình hình, nhu cầu thực tế hiện nay vào loại mặt hàng thuộc danh mục bình ổn giá hoặc quy định giá để đủ căn cứ pháp lý vững chắc để xử lý hình sự về tội đầu cơ nếu có hành vi phạm tội.

Ngoài việc củng cố, hoàn thiện các loại chế tài hành chính và hình sự để xử lý với các đối tượng vi phạm thì cơ quan chức năng có thể vận dụng các quy phạm pháp luật khác để xử lý đối với các trường hợp vi phạm như thế này.

Vũ Thuỷ - Xuân Trường

Bạn đang đọc bài viết "Gom, găm, nâng giá hàng hoá, dịch vụ thiết yếu giữa mùa dịch: Cần có hướng dẫn để xử lý hình sự tội “Đầu cơ”" tại chuyên mục Bên khung cửa tư pháp. Mọi chi tiết xin liên hệ số hotline (0915.999.467) hoặc gửi email về địa chỉ (toasoan@phaply.vn).

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin