Giải pháp để ngành Tòa án không hình sự hóa các quan hệ kinh tế

16/07/2020 20:11

(Pháp lý) - Tại Hội nghị Thủ tướng với doanh nghiệp cuối năm 2019, vấn đề hình sự hóa các quan hệ kinh tế được các doanh nhân đặt ra một cách thẳng thắn và lãnh đạo các cơ quan tư pháp đã cùng cam kết không hình sự hoá các quan hệ kinh tế, hành chính, dân sự. Để cam kết này thành hành vi tố tụng thì có rất nhiều việc phải làm, nhất là đối với ngành Tòa án.

Từ “Cà phê Xin chào” đến “Nam Á”

Hình sự hóa là những quan hệ tranh chấp dân sự, kinh tế được giải quyết bằng pháp luật hình sự bởi các cơ quan tố tụng hình sự. Đây là nỗi ám ảnh rất lớn đối với người dân nói chung và doanh nghiệp nói riêng từ nhiều năm qua nhưng chưa được giải quyết triệt để. Do đó, các kiến nghị của doanh nghiệp với Thủ tướng Chính phủ những năm gần đây, năm nào cũng đặt ra.

Ông Nguyễn Chấn, chồng đại gia Tư Hường (đã mất) tố con trai là Nguyễn Quốc Toàn (Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Nam Á) chiếm đoạt tài sản tại Đại hội cổ đông Ngân hàng Eximbank

Ngày 16/5/2016, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 35/NQ-CP về "hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020", trong đó nổi bật là mục tiêu và nguyên tắc: "Không hình sự hóa quan hệ kinh tế, dân sự, đồng thời xử lý nghiêm mọi hành vi vi phạm pháp luật".

Tuy nhiên, năm 2016 xảy ra vụ án “Cà phê Xin chào” ở huyện Bình Chánh, TP HCM xôn xao dư luận. Báo chí phản ánh rằng 5 ngày sau khi quán “Cà phê Xin chào” - đối diện trụ sở Công an huyện Bình Chánh khai trương (bán nước giải khát, thức ăn sáng, ăn trưa), ngày 13/8/2015, Công an huyện Bình Chánh kiểm tra điểm kinh doanh này. Công an kết luận ông Tấn kinh doanh khi không có giấy chứng nhận đăng kí kinh doanh và giấy chứng nhận đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm. Ngày 17/8/2015, Công an huyện Bình Chánh xác lập thêm bốn hành vi vi phạm khác.

Ngày 19/8/2015, ông Tấn được UBND huyện Bình Chánh cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hộ cá thể. Ngày 4/9/2015, ông Tấn nộp hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm. Tuy nhiên hồ sơ này chưa đủ thủ tục về diện tích, khoảng cách khu vực chế biến thực phẩm, quy trình chế biến một chiều (đầu vào, đầu ra đi theo một chiều) nên chưa được cấp. Ngày 25/9/2015, Công an huyện Bình Chánh ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can với ông Tấn về hành vi kinh doanh trái phép.

Vụ việc được báo chí phản ánh, được Thủ tướng Chính phủ quan tâm nên ông chủ quán thoát nạn sau nửa năm điêu đứng và những quan chức vi phạm đã bị xử lý kỷ luật nghiêm khắc.

Tuy nhiên cho đến cuộc gặp gỡ cuối năm 2019, không hình sự hóa các quan hệ kinh tế vẫn là kiến nghị khắc khoải và tha thiết của doanh nghiệp.

Sự kiện được nhiều người nói đến là vụ án hình sự "Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản" tại Ngân hàng TMCP Nam Á (Ngân hàng Nam Á) và các doanh nghiệp thuộc Tập đoàn Hoàn Cầu. Theo quyết định khởi tố vụ án, trước đó ông Nguyễn Chấn (96 tuổi, ngụ ở quận 3, TP.HCM) và một số cá nhân khác tố cáo là ông Nguyễn Quốc Toàn, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Nam Á, cấu kết với một số người chiếm đoạt tài sản của ông Chấn là cổ phần, cổ phiếu, vốn góp tại Ngân hàng TMCP Nam Á và các doanh nghiệp thuộc Tập đoàn Hoàn Cầu. Cơ quan điều tra xác định có dấu hiệu tội phạm "Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản", nên khởi tố vụ án. Ông Nguyễn Quốc Toàn là con của ông Nguyễn Chấn và bà Nguyễn Thị Hường (đã mất).

Vụ “Cà phê Xin chào” là vụ án nhỏ, nhưng vụ Ngân hàng Nam Á (Nam A Bank) đang diễn ra tại TP.HCM là vụ rất lớn, liên quan tác động đến nhiều người, nếu quả thật cũng là vụ việc hình sự hóa quan hệ dân sự, kinh tế như nhiều ý kiến đã phản ánh thì hậu quả tiêu cực sẽ rất phức tạp và nghiêm trọng.

Trách nhiệm nặng nề của Tòa án

Trong vụ án hình sự, Tòa án chỉ đưa bị cáo ra xét xử khi đã có cáo trạng buộc tội của Viện Kiểm sát, trong đó nêu rõ bị cáo bị cáo buộc phạm tội gì và hành vi phạm tội đã được chứng minh ra sao, kèm theo hồ sơ vụ án. Cáo trạng này lại căn cứ trên kết luận điều tra mà Cơ quan điều tra đã tiến hành điều tra và xác định bị cáo phạm tội, cần truy tố, xét xử.

Các bước tố tụng điều tra, truy tố luôn luôn phải tuân thủ quy định của pháp luật về tố tụng hình sự và các quy định có liên quan để bảo đảm điều tra, truy tố đúng người đúng tội, đúng pháp luật, không oan sai cho người không phạm tội và cũng không bỏ lọt tội phạm. Tuy nhiên, thực tế đã chứng minh, vì nhiều lý do mà vẫn có nhiều vụ án oan sai xảy ra, điều đó đặt ra cho ngành Tòa án trách nhiệm nặng nề, để những vụ án có dấu hiệu oan sai được ngăn chặn, để bản án được khách quan, đúng pháp luật.

Nhận định về vụ Nam Á, Luật sư Nguyễn Văn Hậu (Phó Chủ tịch Hội Luật gia TP.HCM), Luật sư Hồ Điệp, Luật sư Thái Đức Long (Đoàn Luật sư TP.HCM) nhìn chung đều cho rằng, diễn biến vụ việc này phức tạp khi tranh chấp tài sản giữa các thành viên gia đình, cha tố cáo con. Tuy nhiên, vụ việc này có tính chất dân sự nhiều hơn hình sự vì bản chất là tranh chấp thừa kế tài sản. Khi có lời tố cáo thì việc thụ lý giải quyết phải đúng trình tự rồi mới quyết định về khởi tố. Đây là dân sự, tranh chấp cổ phiếu có thể đưa ra tòa. Về quan hệ hình sự, công an đã khởi tố vụ án thì họ phải làm rõ và chứng minh được hành vi vi phạm pháp luật cụ thể theo BLHS.

Làm gì để Tòa xét xử không oan sai?

Để đưa ra phán quyết đúng đắn, tránh hình sự hóa quan hệ dân sự, kinh tế, chúng tôi cho rằng có nhiều yêu cầu đặt ra đối với Thẩm phán. Những yêu cầu đó không có gì xa lạ trong hoạt động tiến hành tố tụng.

Trước hết, đó là thực hiện thật nghiêm chỉnh và đầy đủ các nguyên tắc được quy định trong BLTTHS. Đó là bảo đảm pháp chế xã hội chủ nghĩa trong tố tụng hình sự, mọi hoạt động tố tụng hình sự phải được thực hiện theo quy định của BLTTHS. Không được giải quyết nguồn tin về tội phạm, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử ngoài những căn cứ và trình tự, thủ tục do luật định.

Đó là tôn trọng và bảo vệ quyền con người, quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân; Bảo đảm quyền bình đẳng trước pháp luật; Bảo đảm quyền bất khả xâm phạm về thân thể; Bảo hộ tính mạng, sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm, tài sản của cá nhân; danh dự, uy tín, tài sản của pháp nhân; Suy đoán vô tội; Xác định sự thật của vụ án; Bảo đảm quyền bào chữa của người bị buộc tội, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại, đương sự; Tuân thủ pháp luật trong hoạt động điều tra; Tranh tụng trong xét xử được bảo đảm…

Trong đó có một nguyên tắc khó đo đếm, dễ xảy ra tiêu cực, đó chính là bảo đảm sự vô tư của người có thẩm quyền tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng. Đây là một vấn đề khá nan giải, ngành Tòa án có nhiều quy định về trách nhiệm và xử lý kỷ luật nghiêm khắc cũng là để nguyên tắc này được thực hiện nghiêm chỉnh.

Sự không khách quan của người tiến hành tố tụng, của Thẩm phán khiến cho các nguyên tắc bị bóp méo, chứng cứ được xem xét không khách quan, khiến nhiều người đã bị kết án oan sai, để lại hậu quả nghiêm trọng. Một trong những nguyên nhân cơ bản của thái độ không vô tư, khách quan đó chủ yếu là do bị tác động bởi lợi ích vật chất, do tiêu cực, “chạy án” gây ra. Trong lúc thu nhập chính đáng còn eo hẹp nhưng nhu cầu ngày càng cao thì tiền hối lộ có sức hấp dẫn đặc biệt. Bên cạnh đó cũng có nguyên nhân là nể nang đồng nghiệp và chạy theo chỉ tiêu, thành tích.

Một yêu cầu lớn khác đặt ra cho đội ngũ Thẩm phán, công chức ngành Tòa án, đó là bảo đảm năng lực chuyên môn tốt. Nếu năng lực hạn chế, không nắm vững các quy định của pháp luật, không chỉ pháp luật hình sự mà các lĩnh vực pháp luật có liên quan thì dễ dẫn đến nhận định, quy kết sai lầm; phụ thuộc vào kết quả điều tra, truy tố, không có đủ bản lĩnh để đưa ra phán quyết trái chiều. Thực tế các vụ án oan sai nổi tiếng được khắc phục trong những năm qua cho thấy điều đó.

Do đó, nâng cao đời sống cho Thẩm phán, công chức ngành Tòa án và không ngừng thực hiện các giải pháp bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ là yêu cầu cấp thiết, thường xuyên và liên tục đối với ngành Toà án.

Bên cạnh đó là thực hiện công tác giám sát quyền lực giữa các cơ quan điều tra, công tố, Tòa án cần tăng cường và hiệu quả hơn nữa. Đồng thời, Việt Nam cũng cần cải cách mạnh mẽ hệ thống hình phạt theo xu hướng sử dụng đòn bẩy, lợi ích kinh tế, vật chất, cũng như hình phạt vật chất bổ sung để thay thế dần các hình phạt tù, nặng nề không cần thiết như ý kiến của Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long.

Chánh án TANDTC Nguyễn Hoà Bình cho biết, ngành Tòa án đã công khai hơn 500.000 bản án lên cổng thông tin để mọi người dân, doanh nghiệp truy cập làm tư liệu tham khảo. Đặc biệt, với việc Quốc hội thông qua Luật Hoà giải, qua đó ưu tiên giải quyết các tranh chấp xã hội, dân sự, thương mại theo hướng thân thiện, hai bên cùng thắng. Do đó, Chánh án TANDTC mong doanh nghiệp sử dụng cơ chế mới này như con đường ưu tiên để giải quyết tranh chấp, bất đồng trong hoạt động kinh doanh và cam kết ủng hộ, đồng hành và bảo vệ quyền lợi hợp pháp của doanh nghiệp. Đồng thời, Chánh án cũng mong các doanh nghiệp cùng chấp hành pháp luật để cùng về đích an toàn.

Thái Đăng

Bạn đang đọc bài viết "Giải pháp để ngành Tòa án không hình sự hóa các quan hệ kinh tế" tại chuyên mục Diễn đàn - Luật gia. Mọi chi tiết xin liên hệ số hotline (0915.999.467) hoặc gửi email về địa chỉ (toasoan@phaply.vn).

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin