Giá trị Việt trong mắt Mỹ

25/05/2016 09:52

Rất nhiều giá trị Việt được nhắc tới trong bài phát biểu đầy trang trọng của Tổng thống Mỹ trước giới trẻ Việt Nam.

Bài phát biểu của Tổng thống Mỹ Barack Obama tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia trước giới trẻ Việt ngày 24/5 không chỉ nhấn mạnh sự phát triển của mối quan hệ Việt- Mỹ mà còn thể hiện sức hiểu của người Mỹ với giá trị Việt Nam.

Giá trị tinh thần độc lập, chủ quyền quốc gia

Bài Tuyên ngôn độc lập đầu tiên của nước Đại Việt được lưu truyền do danh tướng Lý Thường Kiệt sáng tác năm 1077 trong lúc đang dẫn binh phá quân Tống xâm lược đã được vị Tổng thống Mỹ vận dụng vào bài phát biểu dành cho giới trẻ Việt.

"Sau nhiều thế kỷ, vận mệnh của Việt Nam đã bị nhiều nước can thiệp, nhưng cây tre cũng như tinh thần bất khuất của người Việt Nam như Lý Thường Kiệt đã ghi lại: Sông núi nước Nam vua Nam ở/ Rành rành đã định tại sách trời", Tổng thống Obama nói.

[caption id="attachment_141096" align="aligncenter" width="410"] Tổng thống Mỹ Barack Obama rất am hiểu những giá trị văn hóa Việt Nam.
Tổng thống Mỹ Barack Obama rất am hiểu những giá trị văn hóa Việt Nam.[/caption]

Lại nhắc tới vị Chủ tịch Hồ Chí Minh và bản tuyên ngôn được Bác trích nguyên văn từ bản tuyên ngôn độc lập của nước Mỹ, ông Obama đang thể hiện những gì trân quý đối với quốc gia Đông Nam Á từng đối mặt với quá nhiều các cuộc chiến tranh.

"Vào ngày tuyên bố độc lập của Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trích tuyên ngôn độc lập của Mỹ, rằng mọi người sinh ra đều có quyền bình đẳng và được hưởng các quyền khác nhau trong đó có quyền sống, quyền tự do, mưu cầu hạnh phúc", ông Obama nói.

Vị Tổng thống Mỹ nhấn mạnh: "Quan hệ đối tác giữa Mỹ với Việt Nam dựa trên những điều căn bản: Việt Nam là một nước có chủ quyền độc lập và không có quốc gia nào khác có thể áp đặt lên ý chí của người dân Việt Nam. Độc lập, chủ quyền ấy do người dân Việt Nam quyết định".

"Trong đất nước tự do, người dân sẽ lựa chọn lãnh đạo tốt nhất cho họ, mọi người có quyền bày tỏ sự nhân ái và chúng ta cần tăng cường hơn nữa tiếp cận hỗ trợ cho người nghèo để đời sống của họ được cải thiện. Các quyền bình đẳng người dân Việt Nam sẽ mang đến nền tẳng cho sự thịnh vượng và lợi ích cho tất cả người dân Việt Nam", ông nói.

Giá trị nhân văn, từ nay người biết thương người

Dù có rất nhiều các thành ngữ khác nhau của người Việt nói về giá trị này như thương người như thể thương thân, một con ngựa đau cả tàu bỏ cỏ... Nhưng Obama và ekip của ông chọn lối diễn đạt mới mẻ hơn qua ca từ trong ca khúc của nhạc sĩ Văn Cao.

Trước đó, tổng thống Mỹ nhấn mạnh "Chúng ta đã nhận thức được sự thật đau đớn rằng: chiến tranh dù cho thế nào đi nữa đều mang lại sự đau đớn và bi kịch cho người dân của chúng ta".

Nhanh chóng hóa giải nỗi thương đau, hận thù trong cuộc chiến tranh chống Mỹ của Việt Nam để giành được độc lập, ông Barack Obama đã nhắc tới các nỗ lực hàn gắn vết thương chiến tranh: tìm kiếm người mất tích, gỡ bỏ những bãi mìn, trẻ em nhiễm chất độc màu da cam, lời hòa giải giữa Thượng nghị sĩ John Kerry và Đại tướng Võ Nguyên Giáp cũng như các kết quả thông thương và du học.

Nhắc tới sự hóa giải này, Tổng thống Mỹ lại càng cho thấy sự thấu hiểu nét đẹp nhân văn trong tâm khảm mỗi con người Việt.

Nét đẹp về lòng vị tha, nét đẹp về sự hy sinh, nhân hậu, sự tinh thông và hồn hậu của người Việt trong mắt vị Tổng thống Mỹ được tôn vinh tới nhường nào.

[caption id="attachment_141097" align="aligncenter" width="410"] Hàn gắn vết thương chiến tranh là điều Mỹ - Việt Nam luôn hướng đến.
Hàn gắn vết thương chiến tranh là điều Mỹ - Việt Nam luôn hướng đến.[/caption]

Không chỉ nhân hậu đối với người lính Mỹ tại Việt Nam trong thời chiến, người Việt vẫn dang cánh tay đón chào những cựu binh trở lại đây tìm về đồng đội đã ngã xuống, chào đón những nghị sỹ Mỹ quay lại với cái bắt tay và nụ cười hòa giải, vồn vã đón chào đối với vị lãnh đạo tối cao của đất nước cờ hoa.

Trong con mắt của vị Tổng thống Mỹ, người Việt trong hòa bình thật tốt đẹp. Hòa bình bao giờ cũng tốt đẹp hơn chiến tranh.

Như người Việt và người Mỹ đều có thể thuộc bài hát của Văn Cao “Từ nay người biết quê người. Từ nay người biết thương người”".

Nhấn mạnh một lần nữa, ông Obama tái khẳng định: "Tôi tin tưởng rằng những bài học trong chiến tranh sẽ là những bài học cho cả thế giới. Có những cuộc xung đột tưởng như không thể kết thúc, không giải quyết được thì giờ đây quan hệ của chúng ta đã cho thấy có thể tạo ra sự thay đổi để có tương lai tốt đẹp hơn".

Giá trị phẩm giá phụ nữ Việt và đất mẹ Việt Nam

Vị Tổng thống Mỹ đặc biệt am hiểu và tinh thông về nét đặc sắc trong văn hóa lịch sử của người Việt: đó là tầm quan trọng của người phụ nữ Việt không chỉ trong lịch sử mà còn trong văn chương Việt.

"Từ thời đại Hai Bà Trưng đến nay, người phụ nữ Việt Nam luôn mạnh mẽ, tự cường và giúp cho đất nước Viêt Nam tiến lên phía trước. Khi chúng ta có một gia đình tốt, sự đóng góp của người phụ nữ, phụ nữ được đi học và có vị trí xứng đáng ở trường học, chính phủ, trong giới lãnh đạo thì chúng ta sẽ có cuộc sống tốt đẹp hơn. Điều này luôn đúng kể cả ở Mỹ cũng như Việt Nam", Tổng thống Mỹ nói.

Việc đề cập tới người phụ nữ trong bài phát biểu của mình không chỉ là sự tôn trọng của ông đối với người phụ nữ Việt Nam mà còn muốn nhấn mạnh tới mọi phụ nữ trên thế giới.

[caption id="attachment_141098" align="aligncenter" width="410"] Tôn trọng người phụ nữ đã là một nét văn hóa Việt đặc sắc.
Tôn trọng người phụ nữ đã là một nét văn hóa Việt đặc sắc.[/caption]

Nhắc tới người phụ nữ trong văn chương, ông Obama còn nhắc tới công cuộc giáo dục tại Việt Nam và ngôi trường Đại học Fullbright là mô hình mới sẽ được khai giảng vào mùa thu năm nay.

Các sinh viên, học giả, nhà nghiên cứu hai nước sẽ tập trung vào các lĩnh vực như chính sách công, quản trị doanh nghiệp, hợp tác trong các lĩnh vực máy tính, từ thơ của Nguyễn Du, triết học của Phan Chu Trinh tới lĩnh vực toán của GS Ngô Bảo Châu…

Giá trị văn hóa và kỹ thuật lẩy Kiều

Kết luận bài phát biểu của mình, Tổng thống Mỹ nói: "Nhìn vào lịch sử, thách thức mà chúng ta vượt qua, tôi lạc quan vào tương lai của quan hệ hai nước chúng ta. Niềm tin tôi là nhờ nền tảng dựa trên tình hữu nghị.

Hay như Trịnh Công Sơn viết bài “Nối vòng tay lớn” để mở tấm lòng của mình ra để thấu suốt trái tim của mình. Tương lai nằm trong tay các bạn. Mỹ luôn là đối tác và người bạn của các bạn.

Sau này, khi người Mỹ Việt Nam học cùng nhau, cùng phối hợp sáng tạo với nhau, các bạn hãy nhớ khoảnh khắc tôi đứng ở đây trước các bạn, như Nguyễn Du đã nói: "Rằng trăm năm cũng từ đây. Của tin gọi một chút này làm ghi".

Liên tục nhắc tới các tác phẩm nghệ thuật của Việt Nam, bài hát nối liền giang san nổi tiếng hay mượn lời Đại thi hào Nguyễn Du để nhắc tới một lần nữa về sự gắn kết quan hệ Việt- Mỹ đã một lần nữa cho thấy Tổng thống Mỹ rất thông thạo, am hiểu văn hóa Việt Nam, con người Việt Nam và những giá trị đặc sắc vốn đã ăn sâu vào hồn Việt.

Giá trị ẩm thực và cái làng Việt giữa Thủ đô Hà Nội

[caption id="attachment_141099" align="aligncenter" width="307"] Tổng thống Obama ghé mua cốm ở làng Mễ Trì.
Tổng thống Obama ghé mua cốm ở làng Mễ Trì.[/caption]

Chẳng nhắc tới những cao lương mỹ vị trong bữa đại yến mà Tổng thống được thưởng thức, người Việt chỉ ấn tượng với một vị lãnh đạo ở cấp cao nhất nhà nước Mỹ áo sơ mi trắng, xắn tay, quần âu, tươi cười bước vào một quán bún chả vỉa hè trên đường phố Hà Nội. Người Hà Nội nhắc tới vị Tổng thống giản dị và gần gũi bước vào một hàng quán bán loại cốm truyền thống Hà Nội.

Vị Tổng thống đứng dưới hiên quán lợp mái tôn và tươi cười nói chuyện với người dân địa phương.

Tổng thống Mỹ đã đi vào làng, ngôi làng tinh thần giản dị, đó chính là hồn Việt.

Theo Bao Datviet

Bạn đang đọc bài viết "Giá trị Việt trong mắt Mỹ" tại chuyên mục Bài nổi bật. Mọi chi tiết xin liên hệ số hotline (0915.999.467) hoặc gửi email về địa chỉ (toasoan@phaply.vn).

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin