Giá giường bệnh dịch vụ cao nhất 4 triệu/ngày: Người nghèo có bị đẩy ra khỏi bệnh viện công?

15/08/2019 06:54

Ông Nguyễn Nam Liên, Vụ trưởng vụ Kế hoạch tài chính, bộ Y tế khẳng định, việc tăng mức giá trần dịch vụ y tế không đồng nghĩa với việc tăng giá vô tội vạ tại các bệnh viện, mà là có cơ chế đủ “mở” để phục vụ những đối tượng có nhu cầu cao hơn.

Dự thảo thông tư giá dịch vụ chăm sóc sức khỏe, khám bệnh, chữa bệnh theo yêu cầu tại cơ sở y tế công lập do bộ Y tế sắp ban hành đang nhận được nhiều ý kiến tranh luận trái chiều. Bên cạnh thông tin về mức giá giường bệnh tối đa trong dự thảo thông tư mới có thể lên đến 4 triệu đồng/ngày - ngang giá phòng khách sạn 5 sao, thì câu chuyện nâng giá dịch vụ khám chữa bệnh lên cao để bệnh nhân không phải ra nước ngoài chữa bệnh, người nghèo sẽ chịu thiệt nếu không đủ tiền đóng viện phí cũng thu hút sự quan tâm lớn của dư luận.

 Ông Nguyễn Nam Liên tại buổi cung cấp thông tin báo chí ngày 12/8 về Thông tư hướng dẫn xây dựng giá dịch vụ chăm sóc sức khỏe, khám bệnh, chữa bệnh theo yêu cầu tại cơ sở y tế công lập.
Ông Nguyễn Nam Liên tại buổi cung cấp thông tin báo chí ngày 12/8 về Thông tư hướng dẫn xây dựng giá dịch vụ chăm sóc sức khỏe, khám bệnh, chữa bệnh theo yêu cầu tại cơ sở y tế công lập.)

Xoay quanh những băn khoăn của dư luận về việc chất lượng dịch vụ y tế liệu có đi đôi với việc tăng giá, PV báo điện tử Người Đưa Tin đã có cuộc trao đổi riêng với ông Nguyễn Nam Liên, Vụ trưởng vụ Kế hoạch tài chính, bộ Y tế.

Thưa ông, nhiều ý kiến đang cho rằng dự thảo thông tư mới đang "cởi trói" cho việc tăng giá dịch vụ y tế, gây khó khăn cho người dân. Cụ thể mục đích chính của thông tư sắp ban hành là gì?

Nhiều người dân cho rằng việc quy định mức giá trần đồng nghĩa với việc nâng giá dịch vụ lên cao, điều này không đúng. Mà là phải có cơ chế thu để các bệnh viện cung cấp được các dịch vụ chất lượng cao để giúp cho người dân khám chữa bệnh ngay trong nước mà không phải ra nước ngoài chữa bệnh.

Tức là, các bệnh viện đang áp dụng mức giá hiện nay thì không thể thực hiện dịch vụ chất lượng dịch vụ cao được, muốn phục vụ tốt phải có cơ sở hạ tầng, trang thiết bị, nhân lực…

Tôi khẳng định lại không phải là nâng mức giá mà là có cơ chế để các đơn vị y tế xây dựng giá chăm sóc sức khoẻ ban đầu, khám chữa bệnh theo nhu cầu bệnh nhân. Cơ chế của Nhà nước hiện nay là dịch vụ các đơn vị được quyền tự chủ, tự quyết định mức giá, bộ Y tế chỉ hướng dẫn xây dựng giá đó cho phù hợp.

Một trong những nguyên tắc của đơn vị cung ứng dịch vụ là phải đáp ứng nhu cầu đa dạng của người dân, người nào có nhu cầu cái gì thì phải có cái đó, như thế mới phục vụ được. Nếu chỉ cần thu hút được một nửa số người bệnh hàng năm đi nước ngoài chữa bệnh thì các bệnh viện trong nước sẽ có nguồn thu rất lớn.

Nếu bộ Y tế chỉ hướng dẫn xây dựng giá, liệu các bệnh viện có chủ động nâng mức giá quá cao - chỉ phù hợp với đối tượng người bệnh có thu nhập cao hay không, thưa không?

Người có thẻ BHYT đã được phục vụ theo chế độ chính sách từ BHYT, còn người có nhu cầu, có điều kiện đòi hỏi chất lượng phục vụ phải cao hơn tại các bệnh viện. Hiện nay, các cơ sở y tế ở Việt Nam chưa đáp ứng được thì nhiều người bệnh sẽ ra nước ngoài chữa trị. Vì vậy, bây giờ cần phải có cơ chế để giữ chân người bệnh, muốn có cơ chế thì phải có hướng dẫn để thực hiện.

Để bệnh viện cung cấp được dịch vụ có chất lượng thì giá cả phải tương xứng với chất lượng, người dân khi ấy được hưởng ngay trong nước mà không phải ra nước ngoài tốn kém để chữa bệnh.

Tôi lấy ví dụ: Bây giờ, trung bình một phòng bệnh có đến 8-10 người nhưng người có tiền chắc chắn không lựa chọn phòng này, khi đó họ sẽ tìm cách ra nước ngoài chữa bệnh. Vấn đề khám bệnh cũng vậy, đông người cùng chờ lâu đến lượt thì người có điều kiện cũng không thích. Những người sang nước ngoài chữa bệnh là họ có điều kiện, vậy tại sao mình không tạo ra cơ chế tốt để bệnh viện trong nước cung cấp được dịch vụ đáp ứng nhu cầu đó?

Chính vì vậy, thông tư sắp ban hành sẽ là cơ sở để các bệnh viện đáp ứng được nhu cầu của nhóm đối tượng người bệnh này.

Theo ông Nguyễn Nam Liên, phải có cơ chế thu để các bệnh viện cung cấp được các dịch vụ chất lượng tốt, đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh của người dân.
Theo ông Nguyễn Nam Liên, phải có cơ chế thu để các bệnh viện cung cấp được các dịch vụ chất lượng tốt, đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh của người dân.)

Vậy chất lượng dịch vụ y tế đối với các đối tượng chịu mức giá cao và mức giá thấp hơn có bị "phân biệt đối xử" hay không?

Ở đây, cần phải nhấn mạnh, chất lượng chuyên môn (tức bác sĩ khám), tất cả những vấn đề yếu tố thủ thuật, xét nghiệm… đều giống nhau. Người đóng nhiều tiền hay đóng ít tiền vẫn mổ như thế. Đừng hiểu rằng người không có tiền mổ lâu hơn, còn người có tiền thì được phục vụ tốt hơn và mổ tốt hơn, cái này là không có. Bởi tất cả những điều này có quy trình hết, cái thiếu nhất hiện nay là có chỗ khám bệnh phải sạch sẽ, tươm tất… có người dẫn đường đi khám…

Thêm nữa, buồng bệnh nằm cần những buồng rộng rãi, các thứ phải đủ điều kiện tiêu chuẩn để đáp ứng được nhu cầu của người có tiền.

Bộ đang muốn các bệnh viện huy động vốn để xây dựng các khu điều trị theo yêu cầu, đa dạng loại phòng bệnh để phục vụ các đối tượng bệnh nhân. Có loại 1 giường/phòng, 2 giường/phòng hay thậm chí có phòng bệnh đầy đủ mọi dịch vụ, đáp ứng nhu cầu của những người có khả năng chi trả cao nhất.

Chúng ta hình dung giống như vé máy bay vậy, có loại giá rẻ, giá bình thường nhưng cũng có loại vé VIP… Dịch vụ chăm sóc y tế cũng thế. Bây giờ, nhân lực y tế không thể đủ chăm sóc toàn diện người bệnh, nhưng nếu có cơ chế để tuyển thêm bác sĩ, điều dưỡng vào để chăm sóc 24/24h, người nhà không cần vất vả chăm sóc bệnh nhân.

 Phòng bệnh VIP có thể tăng giá dịch vụ lên tới 4 triệu đồng/ngày (Ảnh minh hoạ)
Phòng bệnh VIP có thể tăng giá dịch vụ lên tới 4 triệu đồng/ngày (Ảnh minh hoạ))

Thưa ông, một băn khoăn nữa được đưa ra là khi tạo ra những phòng bệnh chất lượng cao như vậy, có sợ rằng các bác sĩ chỉ muốn khám ở khu VIP để hưởng thù lao cao?

Điều này không đúng, tất cả là nguồn thu chung của bệnh viện, bệnh viện sẽ quản lý chi tiêu theo cơ chế nội bộ. Hiện nay, các bệnh viện đang được giao tự chủ tài chính, nguồn thu của bệnh viện gồm: Nguồn thu khám chữa bệnh BHYT, khám chữa bệnh cho người không có thẻ BHYT và khám chữa bệnh dịch vụ theo yêu cầu.

Hôm nay, điều bác sĩ A sang khám khu theo yêu cầu, ngày mai lại điều bác sĩ B sang khám. Điều này phải có sự hợp lý trong bệnh viện.

Xin cảm ơn ông!

Như đã đưa tin, ngày 12/8, bộ Y tế cho biết Dự thảo thông tư giá dịch vụ chăm sóc sức khỏe, khám bệnh, chữa bệnh theo yêu cầu tại các cơ sở y tế công lập đang được rà soát lần cuối trước khi ban hành, dự kiến có hiệu lực từ ngày 1/10.

Giá dịch vụ y tế tại các bệnh viện công sẽ được điều chỉnh tăng từ thời điểm trên. Đặc biệt, giá giường theo dạng dịch vụ được phân cấp dựa vào hạng bệnh viện và loại phòng bệnh. Giá ngày giường điều trị theo yêu cầu tại các bệnh viện hạng đặc biệt và hạng 1 cao nhất là 4 triệu đồng/ngày cho loại phòng có một giường. Phòng 2 giường một phòng giá 2,5 triệu đồng/ngày, phòng 3 giường giá 1,5 triệu đồng/ngày và phòng 4 giường 1,3 triệu đồng/ngày.

Theo nguoiduatin.vn

Nguồn bài viết: https://www.nguoiduatin.vn/gia-giuong-benh-dich-vu-cao-nhat-4-trieungay-coi-troi-cho-benh-vien-cong-a445430.html

Bạn đang đọc bài viết "Giá giường bệnh dịch vụ cao nhất 4 triệu/ngày: Người nghèo có bị đẩy ra khỏi bệnh viện công?" tại chuyên mục Diễn đàn - Luật gia. Mọi chi tiết xin liên hệ số hotline (0915.999.467) hoặc gửi email về địa chỉ (toasoan@phaply.vn).

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin