Giá đất đẩy lên trời, nhà đầu tư cần cẩn trọng

21/01/2022 12:01

Theo kế hoạch đến năm 2022, thành phố Bắc Ninh sẽ phấn đấu xây dựng trở thành thành phố trực thuộc trung ương, theo đó việc đầu tư vào cơ sở hạ tầng của Bắc Ninh sẽ được đẩy mạnh. Bởi lẽ đó, Bắc Ninh đang trở thành điểm nóng bất động sản, đặc biệt giá đất tại nhiều khu vực Thuận Thành tăng phi mã.

anh-1642741214.jpg
Ảnh: minh họa

Cơn sốt bất động sản đã và đang diễn ra ở nhiều tỉnh thành. Giá rao bán nhiều nơi được "thổi" lên chóng mặt. Những cơn sóng ảo được hình thành. Chính những cơn sốt đất gây nhiễu thị trường bất động sản và kéo theo nhiều hệ lụy khó lường cho toàn nền kinh tế. Nếu không kiểm soát được việc đẩy giá đất lên “chín tầng mây” như đang diễn ra hiện nay thì nhiều nhà đầu tư sẽ bị rơi xuống vực thẳm, nền kinh tế Việt Nam bị đảo lộn.

Theo thống kê của Bộ Xây dựng, Bộ Tài nguyên & Môi trường cuối quý I năm 2021, sốt đất xảy ra ở vùng ven Hà Nội, TP HCM, Quảng Ninh, Hải Phòng, Bắc Ninh, Bắc Giang, Hoà Bình, Phú Thọ, Đồng Nai, Bình Dương, Thái Bình, Cần Thơ, Hải Phòng, Bắc Giang. Cũng mới đây, UBND tỉnh Bắc Ninh đã tổ chức Hội nghị Triển khai xây dựng "Đề án thành lập thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh Bắc Ninh". Theo Kế hoạch phân loại đô thị toàn quốc giai đoạn 2021 - 2030, thị xã Từ Sơn dự kiến thành lập thành phố.

Ngoài ra các huyện: Yên Phong, Tiên Du, Thuận Thành và Quế Võ thành lập thị xã. Điều này càng đẩy thị trường bất động sản Thuận Thành đến một làn sóng tăng giá mới. Nhưng giá đất tăng cao, tăng nhanh theo số lần trong một khoảng thời gian ngắn là điều không thể dù thông tin dự án hay quy hoạch có hay không. Lái đất, môi giới đất tự do, thiếu chuyên nghiệp tự đẩy giá đất khu vực Thuận Thành lên cao. Nó cũng như quả bóng bị thổi phồng sẽ nổ tung khi bị thổi quá mạnh. Khi “bong bóng” đất nổ hệ lụy là gì? Hiện tượng giá đất ảo có tác động tiêu cực đến thị trường bất động sản cũng như việc triển khai các chính sách của Nhà nước ra sao?

Sốt chỉ trong thời gian ngắn, nhưng hậu quả để lại rất lớn.

  • Nhà đầu tư mắc kẹt

Giá đất sốt ảo, thời gian đỉnh điểm chỉ diễn ra trong thời gian ngắn, như vậy những nhà đầu tư cuối cùng bị mắc kẹt trong chu kỳ không giao dịch. Giá ảo bị rơi xuống, tiền đã đổ vào đất nhưng không giao dịch được do kỳ vọng về giá của nhà đầu tư và người mua không thể gặp được nhau. Dòng tiền của nhà đầu tư bị ‘chôn chân”  trong những mảnh đất nằm im. Nguồn tiền của nhà đầu tư có thể đến từ nhiều kênh. Nếu nguồn tiền từ nguồn tiền nhàn rỗi thì hậu quả ít hơn so với là tiền vay ngân hàng, vay lãi giá cao để đầu cơ vào đất kiếm lời.

  • Những người có nhu cầu về nhà ở thực sự sẽ khó thực hiện

Giá nhà đất tăng phi mã trong khi thu nhập, lương của người lao động tăng theo không kịp. Nếu một người trẻ thu nhập khoảng 15 triệu đồng/tháng, muốn mua căn nhà khoảng 1,5 tỷ đồng thì phải tích cóp trong 20 năm. Giá nhà ngày càng đắt đỏ khiến cho chênh lệch giàu nghèo ngày càng lớn. Nhưng hơn cả thế, giá nhà đất cao còn trở thành thách thức an cư cho đa số dân văn phòng, trung lưu ở các nước có trình độ phát triển cao hơn nhưng lại chính là viễn cảnh rất gần cho Việt Nam. Nhiều hộ gia đình tích cóp nhiều năm cũng không thể sở hữu được 1 căn nhà cho riêng mình.

  • Nền kinh tế nhiễu loạn, lạm phát bị tăng cao

Hệ lụy lớn nhất của việc giá đất sốt ảo, giá đất bị thổi phồng đó là làm nhiễu loạn nền kinh tế nói chung và thị trường bất động sản nói riêng. Khi những mảnh đất, thửa ruộng, những lô đất nền không được định giá đúng giá trị thực của nó thì thị trường bất động sản không thể ổn định, không thể là môi trường lành mạnh cho các nhà đầu tư. Thị trường bị bóp méo, nền kinh tế rối loạn thì sao có thể thu hút đầu tư nước ngoài, sao có thể phát triển kinh tế ổn định?

Giá đất sốt ảo cũng là một yếu tố góp phần đẩy lạm phát của nền kinh tế lên cao. Bởi nếu ngày xưa chỉ với một lượng tiền vừa phải người mua đất đã có thể sở hữu 1 mảnh đất. Nhưng cứ với tình trạng đất bị đẩy lên cao, bị thổi phồng mãi thì phải số tiền rất lớn người mua mới có thể sở hữu một đơn vị đất như vậy. Lạm phát tăng là điều mà không nhà đâu tư nào mong muốn, mà Quốc gia nào cũng phải tìm cách chống đỡ.

Dẫu biết rằng: “tấc đất, tấc vàng”.  Đất đai là nguồn tài nguyên hữu hạn không thể sinh sôi, nẩy nở. Nhưng hãy để giá trị thực sự của đất đai, bất động sản đúng giá trị của nó. Đất chỉ có giá trị thực sự khi nó tạo ra giá trị thặng dư cho nền kinh tế, cho người sở hữu. Giá đất cứ bị trao tay, lướt song, bị thổi cao không đúng giá trị thực như hiện nay ở nhiều tỉnh thành của Việt Nam nói chung và Thuận Thành - Bắc Ninh nói riêng thì nó kéo theo nhiều hệ lụy khó lường và không kể hết. Bài học từ việc bỏ cọc của ông lớn Tân Hoàng Minh mới đây là bài học đắt giá của việc bất động sản bị đẩy giá, bị thổi phồng quá cao. Các nhà đầu tư hãy đầu tư thông minh, đầu tư có chọn lọc, đừng đầu tư theo hướng nghe theo.

Theo số liệu từ một đơn vị chuyên về bất động sản, giá bất động sản tại các thành phố lớn là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh đã liên tục tăng trong những năm gần đây.

Cụ thể, từ mức trung bình 32 triệu đồng/m2 năm 2019 lên mức 34 triệu đồng/m2 năm 2021. Giá bán chung cư TP Hồ Chí Minh cũng tăng từ mức trung bình 32 triệu đồng/m2 năm 2019 lên mức 36 triệu đồng/m2 năm 2021. Giá bán nhà riêng Hà Nội cũng tăng từ 89 triệu đồng/m2 năm 2019 lên mức 103 triệu đồng/m2 năm 2021. Giá bán nhà riêng TP Hồ Chí Minh cũng tăng từ 97 triệu đồng/m2 năm 2019 lên 103 triệu đồng/m2 năm 2021.

Kể từ năm 2014 đến nay, mức tăng bình quân hàng năm của bất động sản là trên 10%/năm. Một số dự án đạt mức tăng trên 20%/năm. Riêng năm 2019 và đặc biệt là năm 2020, giá bất động sản có hiện tượng tăng mạnh và nhanh, nhất là phân khúc căn hộ. Thực trạng thiếu nguồn cung còn đẩy giá căn hộ tại TP Hồ Chí Minh tăng gần 100% so với thời điểm năm 2018.

Trong khi đó, giá đất nền có mức tăng chóng mặt hơn. Số liệu của Hội môi giới hồi đầu năm cho thấy, trung bình tăng 10% sau mỗi tháng. Cục bộ một số nơi tăng mạnh hơn, điển hình nhất là các vùng ven Hà Nội như Quốc Oai (tăng 20%), Ba Vì (45%); Hòa Bình (46%); Bắc Ninh (20%); Hưng Yên (26%)... Đến cuối năm 2021, tốc độ tăng giá rao bán đất theo thống kê có nơi tăng hơn 100% như Hòa Bình; Hưng Yên tăng 22%, Bắc Ninh 61%; Thái Nguyên tăng 57%... Đối với khu vực miền Trung, giá rao bán đất ở Huế tăng hơn 74%, Quảng Nam tăng 37%.

Cuối năm 2021, một số thị trường đã xuất hiện mức tăng gấp đôi như Kỳ Anh (Hà Tĩnh). Nhiều khu vực tại Hà Nội, theo phản ánh, cơn sốt biệt thự đã khiến giá nhiều căn tăng cao gấp đôi, thậm chí gấp 3 chỉ sau 1 - 2 năm và tăng gấp 4 - 5 lần chỉ trong 3 - 4 năm qua.

La Sơn
Bạn đang đọc bài viết "Giá đất đẩy lên trời, nhà đầu tư cần cẩn trọng" tại chuyên mục Pháp lý và Kinh doanh. Mọi chi tiết xin liên hệ số hotline (0915.999.467) hoặc gửi email về địa chỉ (toasoan@phaply.vn).

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin