EuroCham: Việt Nam có thể đón làn sóng đầu tư mới

11/09/2021 09:16

Các doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam khẳng định sẽ sát cánh cùng Việt Nam vượt qua những khó khăn trước mắt, đặt niềm tin dài hạn vào hồi phục và tăng trưởng.

Đề xuất áp dụng hộ chiếu vắc-xin điện tử, điều chỉnh chính sách “Ba tại chỗ”, nhất quán chính sách giữa trung ương và địa phương đã được các doanh nghiệp Châu Âu đề xuất lên Chính phủ nhằm tháo gỡ những thách thức trước mắt do đại dịch Covid-19 gây ra.

Phát biểu tại cuộc họp báo, ngay sau cuộc họp đối thoại kéo dài 4 tiếng với Thủ tướng Chính phủ, lãnh đạo các Bộ, ban ngành ngày 9/9/2021, Hiệp hội Doanh nghiệp Châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) đánh giá cao mục tiêu kép khó khăn mà Việt Nam đang áp dụng vừa để bảo vệ sức khoẻ người dân, vừa thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

EuroCham cùng các nhà lãnh đạo doanh nghiệp châu Âu nhấn mạnh sự cần thiết phải đẩy nhanh việc triển khai tiêm vắc-xin diện rộng của Việt Nam, đảm bảo sự lưu thông tự do của hàng hóa, đi lại thuận tiện hơn cho người lao động, rút ngắn thời gian một cách an toàn cho các chủ doanh nghiệp, nhà đầu tư, chuyên gia đã được tiêm vắc-xin trở lại Việt Nam làm việc, đảm bảo các nhà máy và công ty có thể hoạt động trở lại càng sớm càng tốt, sống chung với virus để duy trì tăng trưởng kinh tế và bảo vệ sinh kế.

Ông Alain Cany, Chủ tịch EuroCham cho biết đợt bùng phát dịch lần thứ tư này đang gây ảnh hưởng lớn đến hoạt động kinh doanh của Việt Nam và Chính phủ cần có những hành động rõ ràng, mạnh mẽ kịp thời để hỗ trợ các doanh nghiệp.

21-1631326500.jpg

Ngài Nicolas Warnery, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Cộng hòa Pháp tại Việt Nam phát biểu tại cuộc làm việc. Ảnh: VGP.

Thách thức

Kết quả khảo sát về chỉ số môi trường kinh doanh trong thời gian phong toả và giãn cách xã hội đối với doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam thực hiện trong thời gian từ 31/8 đến 6/9/2021 đưa ra cho thấy 76% số doanh nghiệp có kết quả kinh doanh không tốt trong cùng kỳ 3 tháng từ tháng 6 đến tháng 8 năm 2021. Dự đoán trong 3 tháng tới, đa số doanh nghiệp dự đoán kết quả kinh doanh của họ sẽ khá hơn một chút, tuy nhiên nhìn chung vẫn sẽ ở mức không tích cực. 

Cũng theo kết quả khảo sát các doanh nghiệp cho thấy: hạn chế về mặt vận tải và cung ứng các doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam đang gặp phải là 71%, điều kiện thị trường (51%), hạn chế bán hàng (46%), chính sách không đồng đều giữa các tỉnh (44%), không đủ vắc-xin cho người lao động (42%) là năm tác nhân chính ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh.

Theo các doanh nghiệp châu Âu thông tin tại cuộc họp báo, có 56% các doanh nghiệp đã tiêm phòng ít nhất một mũi cho phần lớn nhân viên (chủ yếu các công ty tại TP.HCM). Tuy nhiên, đối với một phần nhỏ các doanh nghiệp còn lại, phần lớn cho biết họ chưa nhận được kế hoạch cụ thể về việc tiêm phòng cho nhân viên. 

Với quy định "Ba tại chỗ", các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn do chi phí cao cũng như ảnh hưởng tới sức khỏe và tâm lí của nhân viên (ví dụ công nhân sẽ muốn về nhà sau thời gian dài làm việc tại nhà máy). 68% doanh nghiệp cho rằng cần có quy tắc tập trung của Chính phủ cho hoạt động kinh doanh vừa đảm bảo chống dịch, thay vì để các địa phương tự quyết định. 

22-1631326538.jpg
Các doanh nghiệp châu Âu đã chia sẻ về những khó khăn họ gặp phải trong làn sóng dịch lần thứ tư tại Việt nam.

Đề xuất

Ông Alain Cany cho biết: “Một trong những vấn đề cấp bách nhất bây giờ là cần có hộ chiếu vắc-xin điện tử để tạo điều kiện thuận lợi cho việc di chuyển tự do cho những người đã được tiêm chủng trong và ngoài nước”.

EuroCham cũng đề xuất, các chính sách "Ba tại chỗ" hiện tại cần được tinh chỉnh. Trong khi nó đúng về mặt nguyên tắc, quy định này trên thực tế cũng đặt ra những khó khăn lên cả các công ty và người lao động của họ. Cũng cần nhấn mạnh sự cần thiết của việc triển khai tiêm chủng, ưu tiên tiêm cho những người có nguy cơ nhiễm bệnh cao nhất để cho phép mở cửa dần dần các tỉnh và thành phố, thúc đẩy các hoạt động thương mại trở lại bình thường; thống nhất các quy định nhằm giảm bớt tâm lý hoang mang cho các công ty và đảm bảo hàng hóa lưu thông thông suốt; cùng với việc hợp lý hóa và đơn giản hóa các thủ tục hải quan. 

“Những gì các doanh nghiệp thành viên của chúng tôi cần bây giờ là một lộ trình rõ ràng cho các biện pháp hiện tại; một giải pháp giải quyết các rào cản đối với hoạt động thương mại và cung cấp cho họ một lộ trình có thể dự đoán được để lên kế hoạch khởi động trở lại các hoạt động kinh doanh,” ông Alain Cany cho biết. 

Cam kết niềm tin

Coi vắc-xin là công cụ để Việt Nam dần trở lại trạng thái kinh doanh bình thường mới, EuroCham khẳng định sẽ ưu tiên thúc đẩy các nước thành viên Liên minh Châu Âu (EU) tài trợ vắc-xin thông qua các đại sứ quán từng nước tại Việt Nam. Số liệu đưa ra cho biết EU đã cam kết tài trợ Việt Nam 10 triệu liều vắc-xin thông qua chương trình COVAX.

“3 ngày trước nhiều thoả thuận song phương và cam kết đã được đưa ra từ chính phủ các nước Đức, Pháp, Ý, Ba Lan, Séc, Hungary hỗ trợ thêm Việt Nam khoảng 3-4 triệu liều vắc-xin nữa. Việt Nam cần được ưu tiên trước châu Phi và các quốc gia khác nhằm giúp nền kinh tế Việt Nam nhanh chóng qua những khó khăn trước mắt,” ông Alain Cany chia sẻ.

Trong tuần này, EuroCham đang sát cánh cùng đoàn công tác Chủ tịch Quốc Hội Việt Nam đến Châu Âu làm việc, kết nối giữa các nhà lập pháp, Chính phủ Việt Nam và các doanh nghiệp Châu Âu nhằm thúc đẩy hơn nữa dòng đầu tư và thương mại song phương. Chuyến thăm làm việc trong bối cảnh Hiệp định thương mại tự do EU-Việt Nam (EVFTA) vừa thực thi một năm và hai bên cùng thúc đẩy thông qua và thực thi Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam – EU (EVIPA)

Ông Alain Cany cho biết: “Thương mại dựa trên nguyên tắc, công bằng và tự do sẽ là con đường hồi phục sau khi đại dịch được kiểm soát. Do đó, mặc dù đối mặt với những thách thức trước mắt vô cùng to lớn, chúng ta không thể mất đi niềm tin hướng về những cơ hội lâu dài mà EVFTA mang lại.”

23-1631326538.jpg

Các Đại sứ và đại diện lãnh đạo một số doanh nghiệp EU đánh giá cao việc tổ chức cuộc làm việc để đối thoại về các biện pháp giải quyết những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp trong bối cảnh hiện nay.

“Chúng tôi cũng đang làm việc với hãng hàng không Việt Nam Airlines hỗ trợ doanh nghiệp lấy lại những điểm đỗ quan trọng tại các sân bay châu Âu lớn. Điều này lại một lần nữa đóng vai trò thiết yếu tăng trưởng kinh tế một khi virus được kiểm soát,” ông Alain Cany cho biết thêm.

Đánh giá cao về Việt Nam là nền kinh tế mở, cạnh tranh và đầy sức hút đầu tư, EuroCham đặt niềm tin vào làn sóng mới thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài nếu Việt Nam tiếp tục những thành tựu được ghi nhận gần đây về cải cách.

“Hướng đến điều này, chúng tôi đang thảo luận với Bộ trưởng bộ Kế hoạch Đầu tư kế hoạch sát cánh thúc đẩy chương trình Việt Nam là điểm đến của các nhà đầu tư Châu Âu. Chương trình đầu tiên có thể diễn ra trong tháng tới,” ông Alain Cany tiết lộ. 

EuroCham cũng có kế hoạch phát hành Sách trắng, trong đó doanh nghiệp 18 ngành nghề sẽ đưa ra những kiến nghị chuyên sâu đưa ra cách thức Việt Nam có thể đi xa hơn và nhanh hơn trên con đường tăng trưởng kinh tế. “Nếu thực thi, chúng tôi tin rằng sẽ tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh của Việt Nam và thu hút thêm nữa dòng đầu tư nước ngoài từ Châu Âu. Điều này ngược lại sẽ giúp cả hai thị trường hồi phục và tăng tốc dựa trên thương mại công bằng, tự do và nguyên tắc,” ông Alain Cany khẳng định.

Lập quỹ hỗ trợ Việt Nam chống lại đại dịch

EuroCham cũng cập nhật thông tin về sáng kiến ​​gây quỹ “Breathe Again – Hồi sinh Nhịp thở”. Đây là chiến dịch gây quỹ lớn với mục tiêu ủng hộ trang thiết bị y tế thiết yêu nhằm hỗ trợ các bác sĩ, nhân viên y tế tuyến đầu và các bệnh viện của Việt Nam trong cuộc chiến chống lại đại dịch. Sau gần một tháng hoạt động, hiện chiến dịch đã quyên góp được hơn 1 triệu euro cho máy thở, máy theo dõi bệnh nhân và các trang thiết bị khác cho các bệnh viện ở một số tỉnh chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của đại dịch tại Việt Nam.

EuroCham sẽ làm việc với các bệnh viện và cơ quan y tế để xác định trang thiết bị đến được những nơi đang cần và có ảnh hưởng lớn nhất có thể. EuroCham cũng sẽ làm việc linh hoạt với bên đóng góp để nếu có thể khoản đóng góp đến được một tỉnh hoặc cộng đồng nhất định.

Theo nguoiduatin.vn

Nguồn bài viết: https://www.nguoiduatin.vn/eurocham-viet-nam-co-the-don-lan-song-dau-tu-moi-a527114.html

Bạn đang đọc bài viết "EuroCham: Việt Nam có thể đón làn sóng đầu tư mới" tại chuyên mục Thông tin đầu tư. Mọi chi tiết xin liên hệ số hotline (0915.999.467) hoặc gửi email về địa chỉ (toasoan@phaply.vn).

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin