Đưa - Nhận hối lộ, loại tội phạm như “tảng băng chìm”

06/06/2019 10:19

(Pháp lý) - Ở đâu có tham nhũng, tiêu cực, ở đó có đưa hối lộ, nhận hối lộ. Loại tội phạm này diễn ra phức tạp, ở nhiều cấp độ khác nhau, gây ảnh hưởng rất xấu, hậu quả rất nghiêm trọng. Tuy nhiên, thực tiễn chống tham nhũng những năm qua cho thấy số đối tượng bị xử lý về tội danh này chưa nhiều, chỉ như phần nổi của tảng băng chìm…

 Tội phạm đưa – nhận hối lộ diễn ra phức tạp, rất khó phát hiện (ảnh minh họa)
Tội phạm đưa – nhận hối lộ diễn ra phức tạp, rất khó phát hiện (ảnh minh họa))

Muôn mặt tội phạm

Liên quan đến vụ án chuyển nhượng cổ phần AVG xảy ra tại Mobifone và các đơn vị có liên quan, mới đây, cơ quan CSĐT Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam ông Phạm Nhật Vũ (cựu Chủ tịch HĐQT Công ty CP nghe nhìn Toàn Cầu - AVG) về tội Đưa hối lộ theo Điều 364 BLHS 2015. Theo điều luật này, phạm tội trong trường hợp của hối lộ là tiền, tài sản, lợi ích vật chất khác trị giá từ 500 triệu - dưới 1 tỷ đồng, thì bị phạt tù từ 7-12 năm; trường hợp của hối lộ là tiền, tài sản, lợi ích vật chất khác trị giá 1 tỷ đồng trở lên, thì bị phạt tù 12 -20 năm.

Đồng thời, cơ quan CSĐT cũng ra quyết định bổ sung quyết định khởi tố bị can đối với ông Nguyễn Bắc Son và ông Trương Minh Tuấn - hai cựu Bộ trưởng Bộ TT-TT, về tội Nhận hối lộ theo khoản 4 Điều 354 BLHS năm 2015. Cùng bị khởi tố bổ sung về tội Nhận hối lộ còn có ông Lê Nam Trà - cựu Chủ tịch HĐTV MobiFone và ông Cao Duy Hải - cựu Tổng Giám đốc MobiFone.

Trước đó, ngày 23/2, hai ông Nguyễn Bắc Son, Trương Minh Tuấn đã bị khởi tố về tội Vi phạm quy định của Nhà nước về quản lý và sử dụng vốn đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng.

Như báo chí đã phản ánh, đầu năm 2016, MobiFone công bố thương vụ mua lại 95% cổ phần của AVG với số tiền 8.890 tỷ đồng. Sau đó, Thanh tra Chính phủ chỉ ra vi phạm của các cá nhân liên quan đã gây nguy cơ hiện hữu thiệt hại nghiêm trọng vốn của nhà nước tại MobiFone khoảng 7.006 tỷ đồng, trong đó thiệt hại do mua nợ phải trả của AVG 1.134 tỷ đồng. Ngày 12/3, nhóm cổ đông AVG và Hội đồng thành viên, Ban Tổng Giám đốc MobiFone đã chấm dứt hợp đồng mua bán, hoàn trả lại số tiền và cổ phần đã giao dịch.

Vụ khởi tố về đưa hối lộ - nhận hối lộ này được dư luận cả nước quan tâm vì liên quan đến vụ án lớn, số tiền được đánh giá là có nguy cơ thất thoát lên đến nhiều ngàn tỷ và bị can là quan chức cấp Bộ trưởng.

Bị can Phạm Nhật Vũ, Nguyễn Bắc Son, Trương Minh Tuấn bị khởi tố tội danh đưa – nhận hối lộ
Bị can Phạm Nhật Vũ, Nguyễn Bắc Son, Trương Minh Tuấn bị khởi tố tội danh đưa – nhận hối lộ)

Trong thực tiễn đấu tranh phòng và chống tội phạm hiện nay, các đối tượng đưa và nhận hối lộ bị điều tra, truy tố, xét xử không ít.

Điểm qua một số vụ án gần đây có thể thấy, tháng 3/2019, Nguyễn Hồng Hà, nguyên Đội phó, Đội quản lý thị trường 7B (Q.7, TP.HCM) nhận hối lộ 40 triệu đồng với lời hứa bỏ qua sai phạm của chủ một kho hàng, đã lĩnh án 2 năm tù.

Ngày 18/12/2018, tại Đắk Nông, TANDCC tại TP.HCM xét xử phúc thẩm vụ án nguyên Phó Chánh Thanh tra Sở GTVT Đắk Nông là Lê Đình Trọng về tội Nhận hối lộ và bị cáo Nguyễn Trọng Toàn về tội Đưa hối lộ.

Ngày 1/10/2018, TANDCC tại Đà Nẵng xét xử phúc thẩm, y án sơ thẩm 1 năm tù về tội Nhận hối lộ đối với bị cáo Trương Thị Hoa, nguyên Phó Chánh án TAND H.Ea Kar, Đắk Lắk.

Ngày 3/8/2018, TAND tỉnh Bình Định xét xử sơ thẩm bị cáo Hồ Minh Khiêm, nguyên Trưởng phòng Thanh tra thuế Cục Thuế tỉnh Bình Định, phạt 8 năm tù về tội Nhận hối lộ.

Ngày 31/8/2018, TAND TP.Hà Nội đã tuyên án với các bị cáo nguyên lãnh đạo Công ty CP Hóa dầu và Xơ sợi dầu khí (PVTex) về tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng và Nhận hối lộ. Tòa đã kết luận, bị cáo Trần Trung Chí Hiếu thông qua Vũ Đình Duy nhận 3 tỉ đồng của Đỗ Văn Hồng thông qua góp cổ phần, phạm tội Nhận hối lộ.

Hay trong lĩnh vực Thanh tra giao thông, 6 cán bộ thanh tra giao thông của Sở GTVT Hà Nội đang được cơ quan điều tra xác minh do có tố cáo về Nhận hối lộ.

Gần đây nhất, ngày 23/4/2019, Cơ quan an ninh điều tra Công an tỉnh Thanh Hóa đã khởi tố hình sự 5 cán bộ Thanh tra tỉnh này vì nghi án Nhận hối lộ.

Rất nhiều những vụ án như vậy xảy ra trên khắp cả nước, nhưng nhiều ý kiến cho rằng đó chỉ là “phần nổi ít ỏi của tảng băng chìm”.

Khó khăn trong điều tra, truy tố, xét xử

Có thể thấy nhận hối lộ là loại tội phạm có chủ thể đặc biệt, đó là những người có chức vụ quyền hạn này, diễn ra rất phức tạp ở nhiều mức độ khác nhau. Hậu quả của hành vi đưa, nhận hối lộ nói riêng, tham nhũng nói chung là rất nặng nề, ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển của đất nước, làm sai lệch hoạt động bình thường của bộ máy nhà nước, làm giảm niềm tin của nhân dân vào các cơ quan công quyền.

Tuy nhiên, điều tra, truy tố, xét xử hành vi đưa, nhận hối lộ rất khó khăn. Bởi lẽ những người nhận hối lộ đều là quan chức, thậm chí là quan chức công tác tại cơ quan pháp luật, cơ quan tiến hành tố tụng nên họ nắm pháp luật rất chắc, có nhiều thủ đoạn để che giấu, xóa dấu vết phạm tội. Hơn nữa, do hành vi đưa hối lộ cũng là tội phạm nên hiếm có trường hợp người chủ động hối lộ tố cáo hay khai báo.

Trong vụ án đánh bạc ngàn tỷ, bị cáo Nguyễn Văn Dương khai đã cho tướng Phan Văn Vĩnh chiếc đồng hồ Rolex trị giá 7.000 USD, 27 tỷ đồng, 1,75 triệu USD; chi cho C50 đúng 850 triệu đồng và một phần mềm diệt virút trị giá 30.000 USD; cho tướng Nguyễn Thanh Hóa 22 tỷ đồng; chi khoảng 10 tỷ đồng tiền rượu cho các bữa tiệc của Tổng cục Cảnh sát. Tuy nhiên, bị cáo Phan Văn Vĩnh chỉ thừa nhận cầm của Dương áo sơ mi, thuốc bổ gan, rượu... và không nhận tiền.

Do đó, cơ quan điều tra chỉ khẳng định việc Dương cho C50 bộ phần mềm và 700 triệu đồng. Ngoài ra, chưa có căn cứ làm rõ việc tướng Vĩnh, tướng Hóa nhận tiền từ Nguyễn Văn Dương nên đã tách tài liệu để làm rõ, xử lý sau. Cáo trạng đã phản ánh, thực hiện chính sách khoan hồng của Nhà nước, ngày 31/8/2018, VKSND tỉnh Phú Thọ đã ra quyết định số 02/KSĐT-P2 đình chỉ, miễn trách nhiệm hình sự cho Nguyễn Văn Dương về tội Đưa hối lộ.

Tương tự như vậy, bị cáo Lưu Thị Hồng – Tổng Giám đốc Công ty CNC cũng được miễn truy cứu về tội Đưa hối lộ. Bà Hồng khai từng chi 600 triệu đồng tiền tiêu Tết cho C50, người nhận là ông Võ Tuấn Dũng - nguyên Trưởng phòng nghiên cứu, xây dựng các thủ tục thành lập công ty bình phong. Lưu Thị Hồng đã chủ động khai báo việc này tại cơ quan điều tra.

 Các bị cáo tại phiên tòa xét xử vụ đánh bạc nghìn tỉ ở Phú Thọ
Các bị cáo tại phiên tòa xét xử vụ đánh bạc nghìn tỉ ở Phú Thọ)

Tội đưa hối lộ và nhận hối lộ liên quan đến hành vi tham nhũng. Trong các tội này, người nào trực tiếp hay qua trung gian đã đưa hoặc sẽ đưa cho người có chức vụ, quyền hạn hoặc người khác hoặc tổ chức khác bất kỳ lợi ích nào để người có chức vụ, quyền hạn làm hoặc không làm một việc vì lợi ích hoặc theo yêu cầu của người đưa hối lộ, thì sẽ đủ căn cứ khởi tố tội Đưa hối lộ.

Nhận hối lộ là hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn, trực tiếp hoặc qua trung gian đã nhận, hoặc sẽ nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác dưới bất kỳ hình thức nào để làm hoặc không làm một việc vì lợi ích hoặc theo yêu cầu của người đưa hối lộ. Để phòng chống loại tội phạm này có hiệu quả, Bộ luật Hình sự 2015 đã có quy định mới, đó là ngoài đưa hay nhận hối lộ bằng vật chất như tiền, vàng, nhà đất, vật phẩm có giá trị từ 2 triệu đồng trở lên, của hối lộ còn là "lợi ích phi vật chất". Những lợi ích này thể hiện dưới dạng quan hệ tình dục, sắp xếp vị trí công tác cho người thân của chủ thể nhận hối lộ, hay tạo danh tiếng, phần thưởng…

Chủ thể nhận hối lộ có thể làm hay không làm một việc gì có lợi cho người đưa hối lộ, có thể đó là hành vi trái pháp luật, nhưng cũng có thể là hành vi đúng pháp luật, trên cơ sở lợi dụng chức vụ quyền hạn.

Tuy nhiên, mặc dù luật đã cập nhật về tình hình tội phạm, đưa ra những quy định phù hợp nhưng để chứng minh được những lợi ích vật chất, nhất là phi vật chất đó trong các vụ án đưa và nhận hối lộ, cơ quan tố tụng gặp rất nhiều khó khăn.

Ngoài khó khăn trong chứng minh tội phạm, còn có khó khăn khác chính là nhận thức của người tiến hành tố tụng, bởi lẽ cùng là hành vi nhận lợi ích vật chất (hoặc phi vật chất) nhưng đánh giá đó là nhận hối lộ hay lợi dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản, thậm chí lừa đảo chiếm đoạt tài sản… trong nhiều vụ án rất khó thống nhất.
Một trong những điểm nóng của dư luận cả nước hiện nay là xử lý các đối tượng nâng điểm khống cho thí sinh trong kỳ thi tuyển sinh năm 2018 như thế nào cho thỏa đáng.

Theo kết quả điều tra của Cơ quan An ninh điều tra (Bộ Công an) về gian lận thi cử tại Hòa Bình, bị can Đỗ Mạnh Tuấn khai đã nhận 550 triệu đồng để sửa điểm thi. Như vậy, chiểu theo quy định tại Điều 354 BLHS, hành vi của đối tượng này và các đồng phạm khác đã đủ yếu tố cấu thành tội Nhận hối lộ. Có người nhận hối lộ thì đương nhiên phải có người đưa hối lộ. Do đó, cần xem xét để khởi tố các đối tượng thực hiện hành vi nâng điểm về tội Nhận hối lộ, đồng thời làm rõ những ai đã đưa hối lộ để khởi tố về tội Đưa hối lộ. Vụ án này sẽ được xử lý thế nào, đang là mối quan tâm của xã hội.

Để cuộc đấu tranh chống tham nhũng có hiệu quả thì phải chống được tội phạm đưa và nhận hối lộ, đây là hành vi điển hình, mấu chốt của các vụ án tham nhũng. Có thể nói, không có đưa, nhận hối lộ thì không có vụ án tham nhũng. Do đó, việc khởi tố Phạm Nhật Vũ tội Đưa hối lộ, hai cựu Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son, Trương Minh Tuấn… tội Nhận hối lộ là một chỉ dấu cho thấy quyết tâm chống tham nhũng, nghiêm minh, không có vùng cấm.

Minh Khuê

Bạn đang đọc bài viết "Đưa - Nhận hối lộ, loại tội phạm như “tảng băng chìm”" tại chuyên mục Diễn đàn - Luật gia. Mọi chi tiết xin liên hệ số hotline (0915.999.467) hoặc gửi email về địa chỉ (toasoan@phaply.vn).

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin