“Điểm danh” những qui định bất cập trong 29 Luật đang gây khó hoạt động sản xuất, kinh doanh ( kì 1)

20/10/2021 14:20

(Pháp lý) – 29 Luật cần được ưu tiên nghiên cứu sửa đổi, bổ sung để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, khơi thông các “điểm nghẽn”, huy động mọi nguồn lực xã hội, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh trong bối cảnh tình hình đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp. Đó là nội dung chính của Công điện số 1079/CĐ-TTg vừa được Thủ tướng Chính phủ ký ban hành ngày 14/8/2021 gửi đến 10 Bộ trưởng có chức năng liên quan đến các bộ luật được cho còn nhiều qui định bất cập, vướng mắc theo kiến nghị của 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Qua nghiên cứu từ thực tiễn, bài viết sau đây của Nhóm PV  thuộc Tạp chí Pháp lý sẽ chỉ ra những qui định bất cập trong 29 Luật đang cản trở hoạt động sản xuất, kinh doanh…

image001-1629386714.jpg
Ảnh minh họa

Những “nút thắt” cần tháo gỡ trong Luật Đầu tư công 

Mặc dù được kỳ vọng sẽ tháo được nút thắt trong việc giải ngân đầu tư công, song vừa mới ban hành, Luật Đầu tư công 2019 đã bộc lộ sự bất cập. Đến cuối tháng 7/2021, kết quả giải ngân vốn đầu tư công mới đạt 36,71% so với kế hoạch năm 2021, thấp hơn so với cùng kỳ năm 2020 (40,67%); đặc biệt tỷ lệ giải ngân vốn ODA và vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài rất thấp (7,52%); thậm chí còn nhiều cơ quan chưa giải ngân (0%)…

Tỉ lệ giải ngân thấp làm giảm hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công, gây lãng phí nguồn lực, ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế, việc triển khai các chính sách tài khoá, tiền tệ, nhất là trong bối cảnh nền kinh tế nước ta đang chịu tác động của đại dịch COVID-19. 
Không thể phủ nhận 2 nguyên nhân khách quan tác động, đó là đại dịch Covid -19 và vai trò người đứng đầu chưa được phát huy đầy đủ. Các chuyên gia cho rằng, vướng mắc còn là do các nội dung điều luật điều chỉnh trong Luật Đầu tư công 2019 chưa theo kịp với tình hình thực tiễn.

29 luật yêu cầu nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung ngay, gồm: Bộ KH&ĐT 7 luật (Luật đầu tư, Luật đầu tư công, Luật quy hoạch, Luật doanh nghiệp, Luật đấu thầu, Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, Luật PPP); Bộ Tài chính 6 luật (Luật NSNN, Luật phí, lệ phí, Luật quản lý sử dụng tài sản công, Luật quản lý vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh, Luật thuế TNDN, Luật dự trữ quốc gia); Bộ Công Thương 1 luật (Luật điện lực); Bộ TN&MT 2 luật (Luật khoáng sản, Luật bảo vệ môi trường); Bộ Xây dựng 5 luật (Luật xây dựng, Luật nhà ở, Luật quy hoạch đô thị, Luật kinh doanh bất động sản, Luật kiến trúc); Bộ GTVT 2 luật (Luật đường sắt, Luật hàng không VN); Bộ NN&PTNT 1 luật (Luật lâm nghiệp), Bộ TTTT 1 luật (Luật giao dịch điện tử); Bộ Tư pháp 2 luật (Luật công chứng, Luật đấu giá tài sản); Bộ Nội vụ 2 luật (Luật tổ chức chính quyền địa phương, Luật Tổ chức Chính phủ).

Trước hết về thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư (khoản 1 Điều 8 Mục I Chương II) và thẩm quyền quyết định đầu tư (Điều 35 Mục II Chương II). Được hiểu là phần lớn nguồn vốn đầu tư công phụ thuộc vào thẩm quyền quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Trong khi đó các dự án có nhu cầu giải ngân mạnh nguồn vốn đầu tư công thời gian qua chủ yếu Chương trình mục tiêu quốc gia, dự án quan trọng quốc gia đã được Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư và nguồn vốn sử dụng chủ yếu là vốn ODA. 

Báo cáo Quốc hội (5/2021) về kết quả triển khai các công trình, dự án trọng điểm, Bộ Giao thông vận tải (GTVT) cho biết, bên cạnh các kết quả đạt được, tại một số công trình, dự án trọng điểm đang triển khai vẫn còn khó khăn. Nguyên nhân chủ yếu là do vốn đầu tư không đáp ứng yêu cầu, cơ chế giải ngân phức tạp. Bộ GTVT viện dẫn, một số dự án lớn hơn 10.000 tỷ đồng khi điều chỉnh tổng mức đầu tư cần báo cáo Quốc hội thông qua do hình thành yếu tố quan trọng quốc gia... nên đã ảnh hưởng đến tiến độ chung của nhiều dự án đang và sắp triển khai.

221-1629386936.jpg
Bộ GTVT cho biết, bên cạnh các kết quả đạt được, tại một số công trình, dự án trọng điểm đang triển khai vẫn còn khó khăn…

Tại điểm c, khoản 7, Điều 67, quy định: “HĐND các cấp điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn và hằng năm vốn ngân sách địa phương do thay đổi nhu cầu sử dụng hoặc khả năng triển khai thực hiện vốn kế hoạch hằng năm giữa các cơ quan, đơn vị của địa phương”. Điều đó có nghĩa việc điều chỉnh kế hoạch vốn kế hoạch hằng năm giữa các cơ quan, đơn vị phải chờ đến kỳ họp HĐND. Đây cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến tỷ lệ giải ngân thấp do không thể điều chuyển vốn từ những dự án ít hoặc không có khả năng giải ngân sang những dự án đang cần vốn.

Điều 27 quy định: “Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp có trách nhiệm giao cơ quan chuyên môn hoặc Ủy ban nhân dân cấp dưới trực tiếp lập báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư”. Tuy nhiên đối với dự án do các đơn vị không phải là cơ quan chuyên môn trực thuộc UBND các cấp làm chủ đầu tư, thì việc giao cho cơ quan chuyên môn trực thuộc UBND các cấp lập báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư chưa thực sự phù hợp, không đủ năng lực, không nắm rõ dự án...

Có ý kiến cho rằng những tồn tại hiện nay trong đầu tư công (như giải ngân chậm, hiệu quả thấp) còn là do không chọn được dự án tốt. Nói cách khác, luật đang đưa ra một quy trình ngược: chia vốn trước, chọn dự án sau. Trong khi lẽ ra nên làm ngược lại? Nhưng chi phí để chuẩn bị dự án ở đâu? Hiện nay phải ghi vốn mới có tiền chuẩn bị dự án, rồi mới thẩm định, phê duyệt và thực hiện.

Một số ý kiến chuyên gia luật cho rằng, để tháo gỡ điểm nghẽn trong đầu tư công, cần nâng mức vốn dự án nhóm A để giảm số dự án thuộc thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư của Thủ tướng Chính phủ. Đồng thời phân cấp quyết định chủ trương đầu tư Chương trình, dự án đầu tư sử dụng vốn vay ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài cho cơ quan chủ quản (trừ các dự án tác động đến cân đối vĩ mô); Cùng với đó là sửa đổi các điều luật điều chỉnh về thẩm quyền theo hướng phân cấp mạnh, giao quyền quyết định đầu tư chương trình, dự án theo ngành, lĩnh vực thuộc thẩm quyền cho người đứng đầu các bộ, cơ quan ngang bộ và địa phương quyết định đầu tư; và tự chịu trách nhiệm về hiệu quả đầu tư các chương trình, dự án được phê duyệt. 

 Bất cập qui định về “vốn nhà nước tại DN” và vai trò cơ quan đại diện chủ sở hữu

Vốn nhà nước tại doanh nghiệp theo xác định của Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp năm 2014 ( Luật QLSDVNNTDN): “… bao gồm vốn từ ngân sách nhà nước, vốn tiếp nhận có nguồn gốc từ ngân sách nhà nước; vốn từ quỹ đầu tư phát triển tại doanh nghiệp, quỹ hỗ trợ sắp xếp doanh nghiệp; vốn tín dụng do Chính phủ bảo lãnh, vốn tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước và vốn khác được Nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp” (Điều 3)

Cách giải thích như trên dễ ngộ nhận làm sai lệch về xác định các loại vốn, tài sản, sở hữu tài sản thuộc sở hữu nhà nước và tài sản của doanh nghiệp. Hay nói cách khác, rất khó tách bạch và xác định được ranh giới pháp lý đâu là tài sản của doanh nghiệp và đâu là tài sản nhà nước. Trong khi đó, theo Luật DN, một khi vốn nhà nước đã góp vào công ty thì tài sản của nhà nước trở thành tài sản của doanh nghiệp (nếu là công ty TNHH MTV), khi đó người đại diện phần vốn góp của nhà nước cũng là một cổ đông bình đẳng như các cổ đông khác (nếu đó là công ty cổ phần).

Nhiều ý kiến tại Hội thảo Luật QLSDVNNTDN về kết quả 5 năm triển khai và định hướng sửa đổi, bổ sung do Bộ Tài chính phối hợp với WB tổ chức (4/2021), đã cho rằng khái niệm “vốn nhà nước”, là nguyên nhân dẫn đến áp dụng sai trình tự, thủ tục pháp lý, vốn tài sản nhà nước trong đánh giá hiệu quả hoạt động của DN; gây khó khăn trong việc tính đúng, tính đủ giá thị trường khi định giá DNNN để cổ phẩn phần hóa, đặc biệt là cơ chế định giá trị quyền sử dụng đất trong giá trị DN chưa phù hợp với thị trường... 

image003-1629386976.jpg
Sự can thiệp quá sâu của cơ quan đại diện chủ sở hữu nhà nước sẽ làm triệt tiêu sự năng động của bộ máy trực tiếp quản trị DNNN

Cũng theo Luật QLSDVNNTDN, các quyết định của HĐTV và Chủ tịch công ty tại công ty (người đại diện chủ sở hữu trực tiếp tại công ty): Từ chiến lược, kế hoạch đầu tư kinh doanh, huy động vốn đầu tư, phân phối lợi nhuận, cho đến bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, miễn nhiệm, khen thưởng, kỷ luật Tổng giám đốc hoặc Giám đốc (kể cả đối với Chủ tịch HĐTV, Chủ tịch công ty)… đều bắt buộc phải thông qua và chỉ được phép thực hiện, sau khi được cơ quan đại diện chủ sở hữu phê duyệt (Điều 42 và Điều 44). Tương tự như vậy, người đại diện phần vốn nhà nước được cử tham gia tại DN (có vốn điều lệ chi phối), trước khi tham gia ý kiến, biểu quyết và quyết định các vấn đề tại công ty trước đại hội cổ đông, HĐQT, HĐTV cũng phải báo cáo và xin ý kiến của cơ quan đại diện chủ sở hữu…(Điều 48).

Sự can thiệp quá sâu của cơ quan đại diện chủ sở hữu nhà nước là điều kiện cần để kiểm soát chặt chẽ nguồn vốn nhà nước đầu tư tại các DN; nhưng vô hình trung làm triệt tiêu động lực, sự năng động sáng tạo của bộ máy quản trị trực tiếp hàng ngày tại công ty, không mạnh dạn quyết đoán trong sử dụng đồng vốn của nhà nước vào đầu tư, sản xuất kinh doanh, bỏ lỡ các cơ hội kinh doanh mười mươi... dẫn tới nguồn vốn không những không sinh sôi nảy nở mà trái lại. 

Vì vậy để giải quyết bài toán kinh doanh thua lỗ triền miên, gây thất thoát nghiêm trọng nguồn vốn nhà nước, cùng với nhiều giải pháp phải thực hiện, trong đó không thể không xem xét sửa đổi hoặc bổ sung điều khoản quy định về trách nhiệm của cơ quan đại diện chủ sở hữu. Đồng thời có biện pháp chế tài nghiêm khắc, không loại trừ trách nhiệm hình sự, để người đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước phải thận trọng và chặt chẽ, trước mỗi quyết định phê duyệt, để việc điều hành, quản lý tại các DNNN có hiệu quả, giảm thiểu rủi ro và thất thoát nguồn vốn nhà nước.

Tăng cường quyền hạn đối với người đại diện chủ sở hữu, từng bước hạn chế quyền của cơ quan đại diện chủ sở hữu. Bởi HĐTV và Chủ tịch công ty là những người trực tiếp quản lý và giám sát mọi hoạt động hàng ngày của Công ty. Theo đó mọi quyết định, chỉ đạo của HĐTV, Chủ tịch công ty đối với hoạt động kinh doanh của DN thông qua người quản lý doanh nghiệp sẽ kịp thời và đáp ứng được nhu cầu của DN. Tăng cường chế tài, xử lý nghiêm minh đối với người đại diện chủ sở hữu, nếu những nội dung, vấn đề do mình đề xuất lên cơ quan đại diện chủ sở hữu phê duyệt không phù hợp dẫn tới DNNN kinh doanh không hiệu quả, nguồn vốn nhà nước bị thất thoát.

Luật Đầu tư 2020: Chưa khơi thông hết “điểm nghẽn” điều kiện kinh doanh

Theo Hội thảo công bố Báo cáo “Chương trình cải cách môi trường kinh doanh Việt Nam: Góc nhìn từ doanh nghiệp”, diễn ra tại Hà Nội (20/4/2021), VCCI cho biết, chương trình cắt giảm, đơn giản hoá điều kiện đầu tư kinh doanh theo Nghị quyết của Chính phủ để đạt mục tiêu cắt giảm 50%, đã đạt được kết quả đáng kể. Theo đó, tỷ lệ doanh nghiệp xin giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh có xu hướng tăng trở lại lên 52% trong năm 2019 và 59% trong năm 2020. Trong khi đó, tỷ lệ doanh nghiệp gặp khó khăn khi xin giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh tiếp tục có xu hướng giảm xuống chỉ còn 32% trong năm 2020.

Dù vậy, với tỷ lệ 32% doanh nghiệp gặp khó khăn khi xin giấy chứng nhận đủ điều kiện đầu tư kinh doanh cho thấy dư địa cải cách trong lĩnh vực này vẫn còn rất lớn. Các điều kiện đầu tư kinh doanh không minh bạch, định tính, có thể hiểu theo nhiều cách khác nhau vẫn còn tồn tại trong nhiều văn bản pháp luật. Cũng về vấn đề này, phát biểu tại Hội thảo trên, ông Phan Đức Hiếu - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), dẫn lại bài học thực tế giấy phép con đã từng bãi bỏ (2002 – 2003) nhưng xuất hiện lại sau 10 năm. Từ đó, ông Hiếu nêu thách thức: “Chúng ta đã dễ dàng bãi bỏ 50% điều kiện đầu tư kinh doanh, nhưng để tiếp tục bãi bỏ thêm 10% điều kiện nữa là cả một vấn đề” 

image004-1629387011.jpg
Một trong những nguyên nhân đó là, hoạt động cắt giảm điều kiện kinh doanh mới chỉ được tiến hành ở các văn bản cấp nghị định.

Một trong những nguyên nhân đó là, hoạt động cắt giảm điều kiện kinh doanh mới chỉ được tiến hành ở các văn bản cấp nghị định. Trong khi đó, rất nhiều điều kiện kinh doanh chưa phù hợp khác đang nằm tại Luật Đầu tư sửa đổi 2020 vẫn chưa được “đụng tới” (khoản 2 Điều 7). Chính vì giới hạn này mà theo các chuyên gia pháp lý, việc rà soát, cắt bỏ điều kiện kinh doanh chưa được triệt để. 

Nhiều ngành nghề đã được các Bộ có chức năng cắt giảm, không cần “áp” điều kiện kinh doanh nhưng trong Luật này vẫn còn xác định đây là các ngành, nghề kinh doanh có điều kiện. Cụ thể, như: Ngành “kinh doanh dịch vụ làm thủ tục hải quan” (số thứ tự 21 Phục lục IV Danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện kèm theo); ngành “kinh doanh dịch vụ kế toán” (số 18 Phụ lục IV); ngành “kinh doanh dịch vụ làm thủ tục về thuế” (số 20 Phụ lục IV)…. Do đó, dù đã chỉ ra những điểm vướng, bất cập trong việc kiểm soát các ngành nghề này bằng điều kiện kinh doanh nhưng các nghị định cũng không thể giải quyết được vấn đề.

Luật Đầu thầu, Luật Nhà ở, Luật Đất đai… “đá nhau” làm chậm việc giao đất cho nhà đầu tư

Theo khoản 3 Điều 1 Luật Đấu thầu năm 2013 quy định: “Lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP), dự án đầu tư có sử dụng đất” và khoản 1 Điều 1 Nghị định số 25/2020/NĐ-CP ngày 28 tháng 02 năm 2020 của Chính phủ quy định dự án sử dụng đất thuộc trường hợp đấu thầu để lựa chọn nhà đầu tư: “Dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP); và dự án đầu tư có sử dụng đất để xây dựng nhà ở thương mại; công trình thương mại, dịch vụ: công trình đa năng, tổ hợp đa năng cho mục đích kinh doanh”. Có nghĩa các dự án đầu tư có sử dụng đất bắt buộc phải đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư.

Trong khi đó tại Điều 118 Luật Đất đai năm 2013, việc đầu tư xây dựng nhà ở để bán hoặc cho thuê hoặc cho thuê mua (tức nhà ở thương mại); đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng để chuyển nhượng hoặc cho thuê… chỉ quy định việc giao đất, cho thuê đất thông qua đấu giá quyền sử dụng đất mà không quy định trường hợp giao đất, cho thuê đất thông qua đấu thầu dự án có sử dụng đất.

Tương tự, tại điểm b khoản 1 Điều 119 Luật Đất đai năm 2013 quy định: Điều kiện để tổ chức thực hiện đấu giá quyền sử sụng đất khi Nhà nước giao đất, cho thuê đất là khi “đất đã được giải phóng mặt bằng”. Trong khi đó theo quy định tại khoản 3 Điều 1 Luật Đấu thầu 2013 và Điều 22 Luật Nhà ở 2013 quy định đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án nhà ở thương mại có sử dụng đất được thực hiện thông qua 2 hình thức: đấu giá quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đất đai và đấu thầu dự án. Có nghĩa áp dụng đấu giá và đấu thầu kể cả đối với đất chưa thực hiện bồi thường, giải phóng mặt bằng. 

 

image005-1629387052.jpg
Dự án đường cao tốc Bến Lức - Long Thành triển khai chậm tiến độ, theo Bộ GTVT là do chủ đầu tư chậm giải phóng mặt bằng, thiếu mặt bằng sạch bàn giao cho nhà thầu thi công…

Luật “đá” luật là nguyên nhân khiến cho nhiều địa phương lúng túng, gặp khó khăn trong việc áp dụng hai hình thức đấu giá và đấu thầu. Cùng với giá bồi thường GPMB còn bất cập là nguyên nhân dẫn tới chủ đầu tư không giao đất kịp thời cho nhà đầu tư, nhất là đối với trường hợp đất hỗn hợp gồm đất chưa thực hiện bồi thường, giải phóng mặt bằng và đất do Nhà nước quản lý (đất sạch) khi thực hiện dự án. Hệ lụy kéo theo, nhà thầu phải gánh thiệt hại: lãng phí máy móc, nhân lực, phát sinh chi phí, chậm tiến độ công trình…Ai cũng biết lỗi thuộc về chủ đầu tư là không thể chối cãi nhưng các nhà thầu (chủ yếu là nhà thầu nội) thường lựa chọn giải pháp “ngậm bồ hòn làm ngọt”, để “mua đường dài” hoặc còn là vì mối quan hệ dích dắc với chủ đầu tư.

Báo cáo trước Quốc hội (5/2021) về lý do 6 dự án trọng điểm (gồm dự án đường cao tốc Bến Lức - Long Thành và 5 dự án đường sắt đô thị) đang triển khai chậm tiến độ; hay công tác triển khai một số dự án mới cũng còn rất chậm như dự án xây dựng nhà ga T3 Cảng hàng không Tân Sơn Nhất, Cảng hàng không quốc tế Long Thành, các dự án thuộc cao tốc Bắc - Nam theo hình thức PPP... ; Bộ GTVT cho biết, nguyên nhân chủ yếu là do chủ đầu tư chậm giải phóng mặt bằng, thiếu mặt bằng sạch bàn giao cho nhà thầu thi công…
Từ những bất cập trên, theo chúng tôi, Bộ Kế hoạch & Đầu tư nghiên cứu đề xuất sửa đổi, bổ sung Điều 29 Luật Đầu tư theo hướng: Chỉ áp dụng đấu giá quyền sử dụng đất đối với các DA thuộc trường hợp quỹ đất đã giải phóng mặt bằng thuộc quyền quản lý, sử dụng của Nhà nước và việc thực hiện chấp thuận chủ trương đầu tư (để quản lý dự án) thực hiện sau khi Nhà đầu tư đã trúng đấu giá quyền sử dụng đất. Tương tự, hình thức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư, chỉ áp dụng đối với các DA đã có quỹ đất thuộc quyền quản lý, sử dụng của nhà nước; việc thực hiện chấp thuận chủ trương đầu tư (để quản lý dự án) thực hiện sau khi Nhà đầu tư trúng thầu dự án được lựa chọn; Theo đó, đối với tất cả các DA khác có quỹ đất thuộc quyền quản lý, sử dụng của nhà đầu tư do đã hoàn thành việc nhận chuyển nhượng đất nông nghiệp, đất khác (trừ đất thuộc quyền sử dụng của Nhà nước), dự án sản xuất kinh doanh phi thương mại chuyển thành dự án nhà ở, khu đô thị... thực hiện thủ tục chấp thuận chủ trương, giao đất, cho thuê đất không thông qua đấu giá, đấu thầu.

Luật Hỗ trợ DNVVN: Tiêu chí và điều kiện mập mờ chưa tạo ra động lực thúc đẩy phát triển

Tại khoản 2 Điều 3 Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa năm 2017: “Doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo là doanh nghiệp nhỏ và vừa được thành lập để thực hiện ý tưởng trên cơ sở khai thác tài sản trí tuệ, công nghệ, mô hình kinh doanh mới và có khả năng tăng trưởng nhanh”.

Cách giải thích như trên là rất trừu tượng, đặc biệt là cụm từ: “có khả năng tăng trưởng nhanh”. Thế nào là DN đó “có khả năng tăng trưởng nhanh”, hiện Luật này và kể cả Nghị định 39/2018/NĐ-CP về quy định chi tiết một số điều của Luật HTDNVVN cũng chưa có quy định tiêu chí cụ thể để xác định thế nào là doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo “có khả năng tăng trưởng nhanh”. Khó xác định được là đồng nghĩa với không có cơ sở để áp dụng thực hiện các chính sách hỗ trợ đối với loại hình DNVVN khởi nghiệp sáng tạo (theo quy định tại Điều 16 – Điều 19).

Một bất cập khác, tại điểm b khoản 1 Điều 16 quy định điều kiện để doanh nghiệp nhỏ và vừa chuyển đổi từ hộ kinh doanh được hỗ trợ về các nội dung tại khoản 2 Điều 16 (miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp có thời hạn theo quy định của pháp luật về thuế thu nhập doanh nghiệp; miễn, giảm tiền sử dụng đất có thời hạn theo quy định của pháp luật về đất đai; miễn lệ phí đăng ký doanh nghiệp và phí cung cấp thông tin doanh nghiệp lần đầu; miễn phí thẩm định, phí, lệ phí cấp phép kinh doanh lần đầu đối với ngành, nghề kinh doanh có điều kiện; miễn lệ phí môn bài trong thời hạn 03 năm kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp lần đầu…), là “hộ kinh doanh có hoạt động sản xuất, kinh doanh liên tục ít nhất là 01 năm tính đến ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp lần đầu”. 

Trong khi đó trên thực tế (nhất là trong bối cảnh đại dịch Covid -19 đã và đang diễn ra), số lượng hộ kinh doanh cá thể đảm bảo có duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh liên tục ít nhất 01 năm là rất ít; đa số duy trì theo phương thức trong quá trình hoạt động, hộ kinh doanh khó khăn phải tạm nghỉ một thời gian ngắn, khi có điều kiện và cơ hội kinh doanh đến thì đăng ký hoạt động lại. Vậy nên để tiếp cận được các chính sách hỗ trợ của Nhà nước theo quy định tại khoản 2 Điều 16 là rất xa vời và đó cũng là lý do vì sao các hộ kinh doanh không muốn chuyển đổi thành doanh nghiệp.

25-1629387181.jpg
Số lượng DNNVV tiếp cận được chính sách hỗ trợ rất ít, đặc biệt là DNNVV khởi nghiệp sáng tạo

Trong năm 2020, bên cạch các gói cứu trợ kinh tế, Chính phủ đã triển khai nhiều giải pháp chính sách thuế linh hoạt như miễn giảm, giãn thuế, phí và lệ phí, tiền thuê đất với gần 124.000 tỉ đồng, hỗ trợ kịp thời cho doanh nghiệp, hộ kinh doanh vượt qua khó khăn do đại dịch Covid-19. Tuy nhiên số lượng DNNVV tiếp cận được chính sách hỗ trợ rất ít, đặc biệt là DNNVV khởi nghiệp sáng tạo. Trong đó khó tiếp cận nhất là chính sách giảm 30% số thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) phải nộp theo quy định tại Nghị định 114/2020/NĐ-CP của Chính phủ ban hành hồi tháng 09/2020. Bỡi điều kiện để được giảm thuế TNDN phải nộp của kỳ tính thuế TNDN năm 2020, khi DN có tổng doanh thu năm 2020 không quá 200 tỉ đồng.

Sáng 15/6, tại Phiên họp 57 Ủy ban Thường vụ Quốc hội, báo cáo thẩm tra về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2021, Chủ nhiệm UBKT Vũ Hồng Thanh cho biết, việc triển khai chính sách các gói hỗ trợ người lao động, doanh nghiệp vá các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19 chưa tiếp cận được nhiều nhóm đối tượng dễ bị tổn thương và khó khăn, đặc biệt là người lao động trong khu vực phi chính thức, công nhân và các hộ kinh doanh, doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ.

Ngoài các qui định luật đang cản trở hoạt động sản xuất kinh doanh nêu trên, hiện còn rất nhiều qui định bất cập khác trong các luật sau cũng cần nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung ngay:  Luật quy hoạch, Luật doanh nghiệp, Luật đấu thầu, Luật PPP; Luật NSNN, Luật phí, lệ phí, Luật quản lý sử dụng tài sản công, Luật thuế TNDN, Luật khoáng sản, Luật bảo vệ môi trường; Luật xây dựng, Luật quy hoạch đô thị, Luật kinh doanh bất động sản; Luật giao dịch điện tử; Luật công chứng, Luật đấu giá tài sản; Luật tổ chức chính quyền địa phương; Luật Tổ chức Chính phủ…..

Theo các địa phương, các quy định trong các văn bản luật nói trên còn chồng chéo, mâu thuẫn, chưa thống nhất, chưa phù hợp với thực tế thuộc các lĩnh vực quan trọng, làm phát sinh những vướng mắc, khó khăn, theo đó gây ảnh hưởng trực tiếp đến đầu tư, sản xuất, kinh doanh của người dân và doanh nghiệp liên quan.

( Còn nữa…….)

                                                                                         Vũ Lê Minh 
 

Bạn đang đọc bài viết "“Điểm danh” những qui định bất cập trong 29 Luật đang gây khó hoạt động sản xuất, kinh doanh ( kì 1)" tại chuyên mục Diễn đàn - Luật gia. Mọi chi tiết xin liên hệ số hotline (0915.999.467) hoặc gửi email về địa chỉ (toasoan@phaply.vn).

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin