Đại án VN Pharma: Hủy toàn bộ án sơ thẩm để điều tra xét xử lại – một Quyết định sáng suốt của TAND Cấp cao

05/11/2017 09:01

(Pháp lý) - Từ một công ty sinh sau đẻ muộn, nhưng trúng các gói thầu tiền tỷ với Sở Y tế TP. HCM và các bệnh viện lớn góp phần đưa công ty này trở thành "công ty nghìn tỷ" trong ngành dược chỉ sau 3 năm thành lập. VN Pharma chỉ thực sự sụp đổ sau khi Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty VN Pharma Nguyễn Minh Hùng bị bắt và truy tố vì tội làm giả giấy tờ để nhập khẩu lô thuốc H-Capita chữa ung thư. Từ đó, hàng loạt những “góc khuất” về tội danh, về "hoa hồng" cho bác sĩ và quy trình quản lý dược cũng như trách nhiệm pháp lý của nhiều cán bộ thuộc Bộ Y tế dần hé lộ trong tiến trình tố tụng vụ án.

Đó cũng là những nguyên do mà Hội đồng xét xử (HĐXX) cấp phúc thẩm mới đây (ngày 30/10) đã quyết định tuyên hủy toàn bộ án sơ thẩm để điều tra xét xử lại - một quyết định được giới chuyên gia và dư luận đánh giá là rất sáng suốt của TAND Cấp cao.

Liên tục trúng những gói thầu tiền tỷ trong cung cấp thuốc

Công ty VN Pharma thành lập năm 2011, khi đó vị Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Nguyễn Minh Hùng chỉ mới 33 tuổi. Dù vậy, VN Pharma có kỳ tích phát triển thần tốc hơn mọi công ty dược khác khi lần lượt trúng các gói thầu tiền tỷ. Không chỉ hình thành các chân rết và chiếm lĩnh thị trường TP.HCM, công ty VN Pharma nhanh chóng mở rộng phạm vi ảnh hưởng xuống miền Tây, thậm chí ra miền Bắc, khi thành lập chi nhánh phân phối tại Hà Nội.

Khi mới thành lập mức vốn điều lệ chỉ 10 tỷ đồng, sau hai năm liên tục trúng những gói thấu lớn cung cấp thuốc cho các bệnh viện tại TP. HCM, Nguyễn Minh Hùng đã trở thành một “thế lực lớn” trong ngành dược. Kết quả kinh doanh của công ty này cũng trở nên đáng kinh ngạc, từ 7,4 tỷ đồng doanh thu trong năm đầu tiên, đến năm 2012, doanh thu của VN Pharma đã đạt 328 tỷ đồng. Năm 2013, doanh thu tăng lên 779 tỷ đồng. Năm 2014, doanh thu của VN Pharma dự kiến cán mốc 1.077 tỷ đồng.

Mặc dù chỉ mới thành lập được mấy tháng nhưng Công ty VN Pharma liên tiếp thành lập các Công ty con ở An Giang, Cà Mau, Hà Nội...

Cùng với đó, công ty VNPharma đã chiếm lĩnh thị trường dược phẩm rất nhanh, trúng thầu nhiều hợp đồng cung ứng thuốc cho các bệnh viện với giá trị hợp đồng lên đến hàng trăm tỷ đồng. Điển hình vào năm 2014, trong đợt tham gia đấu thầu tập trung của Sở Y tế TP. Hồ Chí Minh, Công ty VN Pharma đã trúng thầu 46 mặt hàng thuốc với trị giá lên tới hơn 267,8 tỉ đồng vào gói thầu thuốc. Đồng thời, Công ty Dược Nam Anh cũng do Nguyễn Minh Hùng làm Phó Tổng Giám đốc cũng trúng thầu cung ứng 17 mặt hàng thuốc trị giá hơn 208,4 tỉ đồng cho gói thầu thuốc tập trung của Sở Y tế TP. Hồ Chí Minh. Tổng cộng, hai công ty nói trên đã trúng thầu cung ứng thuốc cho Sở Y tế TP. Hồ Chí Minh 63 mặt hàng thuốc với tổng trị giá hơn 476 tỉ đồng. Có thể nói, với một công ty chỉ mới thành lập chưa lâu, các lần trúng thầu với tổng số tiền lên tới gần 500 tỷ đồng khiến nhiều người nghi ngờ có người đứng sau... “chống lưng”.

Đầu năm 2013, sau khi "bành trướng" thế lực phân phối dược phẩm tại miền Tây và miền Bắc, Nguyễn Minh Hùng đặt Võ Mạnh Cường (Giám đốc Công ty TNHH Thương mại hàng hải quốc tế H&C) mua thuốc tân dược có nhãn mác ghi tên Công ty Helix Pharmaceuticals Inc. trụ sở ở Canada, trong đó có thuốc H-Capita 500 mg Caplet (thuốc chứa hoạt chất Capecitabine có tác dụng làm chậm hoặc ngừng tăng trưởng tế bào ung thư và làm giảm kích thước khối u).

Do không có hồ sơ kỹ thuật thuốc cũng như tiêu chuẩn và phương pháp kiểm nghiệm thuốc để nộp cho Cục Quản lý dược thẩm định theo quy định của Bộ Y tế, Nguyễn Minh Hùng đã chỉ đạo hai nhân viên viết hồ sơ kỹ thuật thuốc H-Capita 500 mg để hợp thức hồ sơ nộp cho Cục quản lý dược cấp giấy phép nhập khẩu và đăng ký lưu hành thuốc. Đến tháng 10/2013, VN Pharma đã đề nghị Cục Quản lý dược cấp phép nhập khẩu hơn 200.000 hộp thuốc H-Capita. Tổ thẩm định đã đánh giá hồ sơ thuốc đạt yêu cầu dù không thống nhất tên thuốc, hạn dùng và một số thông tin khác.

Trên cơ sở hồ sơ của Công ty VN Pharma cung cấp, Cục Quản lý dược duyệt nhập đối với đơn hàng trên. Ngày 30/12/2013, Cục trưởng Cục quản lý dược khi đó là ông Trương Quốc Cường ký công văn cho phép VN Pharma nhập 200.000 hộp thuốc H-Capita, trong đó 9.300 hộp về Việt Nam. Tuy nhiên, sau khi cấp phép, do nghi ngờ về nguồn gốc nên Cục Quản lý dược đã yêu cầu Nguyễn Minh Hùng giải trình, đồng thời kiểm tra đột xuất. Kết quả kiểm nghiệm cho thấy hơn 9.000 hộp thuốc H-Capita 500 mg đều không rõ nguồn gốc, mã vạch trên bao bì không thể hiện được thuốc sản xuất ở đâu, thuốc không được dùng để chữa bệnh cho người.

Tháng 9/2014, Nguyễn Minh Hùng và các đồng phạm bị bắt và bị khởi tố vì tội làm giả giấy tờ, con dấu của cơ quan tổ chức để nhập khẩu thuốc trị ung thư H-Capita.

Ngày 21-25/8/2017, TAND TP. HCM đưa 9 bị cáo trong vụ VN Pharma ra xét xử tội Buôn lậu và Làm giả con dấu, tài liệu. Kết thúc phiên tòa sơ thẩm, Hội đồng xét xử đã tuyên phạt Nguyễn Minh Hùng lĩnh 12 năm tù. Các đồng phạm khác bị xử từ 2 năm tù đến 12 năm tù giam.

Thuốc H-Capita của VN Pharma từng đấu thầu thành công, nhưng bị niêm phong ngay sau khi nhập khẩu (ảnh minh họa)
Thuốc H-Capita của VN Pharma từng đấu thầu thành công, nhưng bị niêm phong ngay sau khi nhập khẩu (ảnh minh họa))

“Hậu” phiên xử sơ thẩm: Những “góc khuất” liên quan đến VN Pharma cần phải làm rõ

Sau khi HĐXX sơ thẩm tuyên án, xử các đối tượng về tội Buôn lậu và Làm giả con dấu, dư luận xã hội và không ít Luật gia, Luật sư cho rằng còn khá nhiều “góc khuất” trong vụ án chưa được làm rõ, đặc biệt vấn đề áp dụng tội danh buôn lậu để xử các bị cáo có đúng không? Hay là phải xử tội buôn bán thuốc giả mới thỏa đáng? Câu hỏi đặt ra tại sao một số lượng thuốc giả lớn như thế với khá nhiều “khuất tất” trong hồ sơ nhập thuốc lại được cấp phép dễ dàng và trách nhiệm quản lý của Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế ở đâu trong vụ án này?

Đặc biệt, điều gì đã khiến một công ty chỉ mới thành lập chưa lâu như VN Pharma lại được trúng thầu nhiều gói cung cấp thuốc hàng trăm tỷ đồng cho nhiều bệnh viện như vậy? Và còn một số thông tin khác gây nhiều chú ý của dư luận như vấn đề nâng giá thuốc cao ngất hay chuyện chi "hoa hồng" tiền tỉ cho bác sĩ…

Theo kết luận điều tra của cơ quan An ninh điều tra, Bộ Công an, ông Nguyễn Tất Đạt (khi đó là Trưởng phòng Quản lý kinh doanh dược, hiện là Phó Cục trưởng Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế), ông Phan Công Chiến (khi ấy là Phó Trưởng phòng Quản lý kinh doanh dược, hiện là Trưởng phòng Quản lý kinh doanh Dược, Trưởng phòng Pháp chế), bà Lê Thúy Hương (chuyên viên) là những người trong tổ thẩm định, có trách nhiệm thẩm định tính pháp lý của hồ sơ, đơn hàng nhập khẩu thuốc H-Capita 500mg Caplet của Công ty VN Pharma. Điều đáng nói là sau khi nhận được các giấy tờ, hồ sơ xin cấp phép nhập khẩu của Công ty VN Pharma, tổ thẩm định lại không phát hiện Công ty Austin (Hồng Kông) - đơn vị bán thuốc cho Công ty VN Pharma đã hết hạn giấy phép hoạt động, một số nội dung không thống nhất với hồ sơ như: màu sắc tiêu chuẩn của lô thuốc phải là màu đỏ nhưng viên thuốc thành phẩm lại có màu hồng.

Trong khi tờ hướng dẫn sử dụng, nhãn vỉ thuốc, nhãn hộp thuốc trên thực tế có nội dung không đúng với thiết kế trong hồ sơ xin nhập khẩu thuốc vẫn được tổ thẩm định bỏ qua. Lô thuốc H-Capita 500mg Caplet trên thực tế, có hộp chứa 2 tờ hướng dẫn sử dụng, có hộp không có hướng dẫn sử dụng, có hộp chứa vỉ rỗng không có viên thuốc nào, quy cách đóng 3 vỉ/hộp nhưng thực tế có hộp đóng 4 vỉ… Với nhiều sai phạm nghiêm trọng như vậy nhưng tổ thẩm định vẫn đề xuất Cục trưởng Cục Quản lý Dược ký duyệt, cấp phép cho Công ty VN Pharma nhập hàng.

Trong quá trình điều tra vụ án, cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an đã phát hiện những sơ hở, thiếu sót trong việc quản lý, kinh doanh dược phẩm của Bộ Y tế; trong đó có việc thẩm định, cấp phép, quản lý, kiểm tra, kiểm soát hoạt động đối với các công ty nước ngoài và các công ty kinh doanh, nhập khẩu thuốc, nguyên liệu làm thuốc tại Việt Nam.

Về vấn đề trách nhiệm của Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế, theo tìm hiểu, ngay trong quá trình thụ lý vụ án xảy ra tại Công ty VN Pharma, TAND TP Hồ Chí Minh từng đề nghị cơ quan điều tra làm rõ trách nhiệm của Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế trong việc cấp phép cho Công ty VN Pharma nhập 9.300 hộp thuốc trị ung thư kém chất lượng về Việt Nam. Và những nghi vấn đặt ra cần làm rõ cũng đã được Hội đồng xét xử nhấn mạnh trong phiên xét xử sơ thẩm ngày 25/8/2017 là sẽ tiếp tục kiến nghị với cơ quan có thẩm quyền làm rõ hành vi của một số đối tượng là cán bộ Cục Quản lý Dược, nếu có sai phạm sẽ khởi tố thành một vụ án khác.

Bên cạnh đó, Tòa cũng kiến nghị cơ quan điều tra Bộ Công an, Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao làm rõ việc chi, nhận hoa hồng của Công ty VN Pharma cho bác sĩ tại các bệnh viện, tổng cộng gần 7,5 tỷ đồng.

Từ kết quả điều tra cũng như những gì diễn ra ở phiên tòa sơ thẩm đã cho thấy sự quản lý lỏng lẻo, đó là chưa nói có thể đã có sự tiếp tay của cơ quan quản lý nhà nước cho những hành vi vi phạm pháp luật của Công ty VN Pharma.

PGS.TS Phạm Khánh Phong Lan - đại biểu Quốc hội, nguyên Phó Giám đốc Sở Y tế TP Hồ Chí Minh khi trao đổi với báo chí xung quanh vụ án này cũng bức xúc cho rằng, cơ chế đấu thầu tập trung đã lộ ra những “lỗ hổng” lớn. Vì sao Công ty VN Pharma chiếm lĩnh thị trường dược nhanh chóng và được ưu ái trúng thầu số lượng lớn đến vậy? Có hay không sự "chống lưng"? Vì sao "lý lịch" thuốc H-Capita 500mg caplet và một số mặt hàng khác của công ty này có những điểm không rõ ràng, mâu thuẫn... nhưng vẫn qua mặt được các chuyên gia thẩm định của Cục Quản lý Dược? Những câu hỏi này khiến dư luận rất quan tâm cần được cơ quan điều tra làm rõ.

Ngoài ra, sự góp mặt của ông Hoàng Quốc Dũng (em trai chồng Bộ trưởng Tiến) với vai trò Phó Tổng Giám đốc phụ trách về xây dựng và đầu tư cho VN Pharma từ năm 2013-2014, khiến dư luận đặt những dấu hỏi lớn. Trả lời báo chí, Bộ trưởng Tiến khẳng định VN Pharma không liên quan đến người thân của bà; đồng thời, Bộ trưởng cương quyết cho hay bà không can thiệp, ưu ái trong đấu thầu như tin đồn.

Nhận xét về vụ án đình đám VN Pharma, ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa - Xã hội của Quốc hội nêu quan điểm việc Công ty VN Pharma buôn bán thuốc ung thư giả để chữa bệnh là một tội ác. Hành vi phạm tội buôn bán hàng giả đã rõ. “Đây là vụ việc gây bất bình trong nhân dân, đáng lý phải xử tội hàng giả thì lại xử tội buôn lậu. Vì vậy, các cơ quan tố tụng phải điều tra làm rõ các vấn đề bị cáo khai trước tòa. Nếu có sai phạm phải truy cứu trách nhiệm người có liên quan đến việc thẩm định cấp phép nhập khẩu 9.300 hộp thuốc chữa ung thư không nguồn gốc, giả nhãn hiệu... ĐBQH Nhưỡng cũng cho rằng cần làm rõ vấn đề vì sao công ty trúng thầu liên tục; hồ sơ năng lực thế nào; những cá nhân, đơn vị nào tiếp tay cho Công ty VN Pharma để lô thuốc giả được cấp phép nhập khẩu. Theo ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng, phải làm thật rõ các ngóc ngách “còn khuất” của vụ án, vì nếu không thì sai chồng sai dẫn đến vi phạm pháp luật.

Thiếu tướng Nguyễn Huy Mạ, nguyên Cục trưởng Cục Hồ sơ nghiệp vụ cảnh sát, nguyên Cục phó Cục Cảnh sát kinh tế (Bộ Công an), nhận định: “Các hành vi phạm tội của VN Pharma không thể là tội buôn lậu. Cần phải xem xét hành vi của Công ty VN Pharma và đơn vị cấp phép là hành vi buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, cụ thể ở đây là thuốc chữa ung thư. Thuốc giả, không nguồn gốc, xuất xứ, vậy mà Cục Quản lý dược vẫn cấp phép cho nhập vào là vô cùng nguy hiểm. Vụ việc đã được Thủ tướng chỉ đạo nên các cơ quan tố tụng cần xem xét khởi tố, truy tố, xét xử đúng tội danh ở cấp phúc thẩm.

Các bị cáo trong đại án VN Pharma tại phiên tòa phúc thẩm sáng ngày 23/10
Các bị cáo trong đại án VN Pharma tại phiên tòa phúc thẩm sáng ngày 23/10)

Hủy toàn bộ án sơ thẩm để điều tra xét xử lại – một Quyết định rất sáng suốt của TAND Cấp cao.

Một diễn biến bất ngờ ngay tại Tòa ngày 23/10, lực lượng công an đến phiên tòa xét xử phúc thẩm vụ án nhập lậu thuốc của Công ty Cổ phần VN Pharma và công bố lệnh bắt Nguyễn Minh Hùng - nguyên Tổng Giám đốc VN Pharma và bị cáo Võ Mạnh Cường - người môi giới cho VN Pharma mua lô thuốc H-Capita). Việc bắt hai bị cáo Hùng và Cường tại toà được cho là thực hiện theo quyết định của toà án để đảm bảo việc điều tra, xét xử. Với chức danh tổng giám đốc VN Pharma, Nguyễn Minh Hùng được xác định là người cầm đầu, tổ chức vụ án này. Khi bị khởi tố bị can năm 2014, bị cáo Hùng đã bị bắt tạm giam để điều tra. Sau khi bị tạm giam 3 năm, đến năm 2017, bị cáo Hùng được cho tại ngoại đến nay.

Liên quan tới vụ án VN Pharma, Viện KSND Cấp cao tại TPHCM đã ký kháng nghị đề nghị TAND cùng cấp xử phúc thẩm vụ án theo hướng hủy án sơ thẩm để điều tra, xét xử lại vì vụ án chưa được điều tra một cách toàn diện, có dấu hiệu bỏ lọt người, lọt tội, ngoài ra còn phải giám định lại và xử lý vật chứng. Kháng nghị của Viện KSND Cấp cao tại TPHCM yêu cầu làm rõ trách nhiệm của các cá nhân trong Cục quản lý Dược - Bộ Y tế liên quan đến việc thẩm định hồ sơ và cấp phép nhập khẩu lô thuốc H-Capita 500mg.

Theo Viện KSND cấp cao, cấp sơ thẩm chưa làm rõ trách nhiệm trong quá trình cấp phép nhập khẩu lô thuốc trên và 3 lô thuốc khác đã nhập khẩu vào Việt Nam của Cục quản lý Dược Bộ Y tế. Chính việc làm tắc trách của Cục quản lý Dược Bộ Y tế đã tạo điều kiện thuận lợi cho các bị cáo thực hiện hành vi phạm tội. Vì vậy, cần điều tra làm rõ hành vi thiếu trách nhiệm của tổ thẩm định và lãnh đạo Cục quản lý Dược - Bộ Y tế để xử lý theo pháp luật.

Kháng nghị của Viện KSND Cấp cao còn cho rằng ngoài lô thuốc H-Capita 500mg Caplet nói trên, Nguyễn Minh Hùng và các đồng phạm còn thực hiện hành vi tương tự đối với 7 bộ hồ sơ của 7 loại thuốc khác lấy tên Helix Canada và đã được Cục quản lý Dược cấp giấy phép nhập khẩu, cấp sổ đăng ký lưu hành.

Viện KSND Cấp cao cho rằng cần phải điều tra làm rõ để xử lý chung trong một vụ án để đảm bảo tính khách quan, toàn diện, nhằm đánh giá đúng quy mô, tính chất của vụ án.

Trong đó, những góc khuất như vai trò của cán bộ Cục Quản lý Dược của Bộ Y tế trong việc cấp phép cho VN Pharma nhập khẩu H-Capita, lập hội đồng thẩm định sản phẩm cũng như dòng tiền của VN Pharma chưa được làm rõ tại phiên tòa sơ thẩm trước đó. Đối với việc giám định của Bộ Y tế, kháng nghị cho rằng tại quyết định số 5197/QĐ-BYT ngày 17/12/2014 của Bộ Y tế thành lập Hội đồng giám định lô hàng có nhãn mác thuốc H-Capita 500mg với thành phần Hội đồng giám định gồm 10 người.

Cục quản lý Dược là đơn vị cấp phép nhập khẩu, quá trình cấp phép có nhiều thiếu sót, sai phạm nên là đối tượng cần xem xét trong vụ án này nhưng lại tham gia giám định chuyên môn lô hàng do chính mình cấp phép. Mặt khác, Cục quản lý Dược đã tham gia tố tụng với tư cách là người phát hiện và tố giác tội phạm – tham gia tố tụng theo Điều 25, 26 BLTTHS. Sau đó, Cục này lại tham gia giám định tư pháp chính lô hàng mà mình cấp phép nhập khẩu (tham gia tố tụng với tư cách giám định viên tư pháp theo Điều 60 BLTTHS) là chưa đảm bảo tính khách quan.

Kết luận giám định của Bộ Y tế cũng chứa nhiều mâu thuẫn. Giám định cho rằng thuốc này: “…không được sử dụng làm thuốc chữa bệnh cho người”, trong khi các bị cáo nhập về với mục đích chữa bệnh ung thư cho người. Nhưng cũng chính kết luận lại cho rằng là thuốc kém chất lượng mà không kết luận là thuốc giả.

Vì vậy, cần thiết phải trưng cầu giám định lại với thành phần Hội đồng giám định khác để đảm bảo tính khách quan và chính xác. Kết luận giám định là một trong những chứng cứ quan trọng làm cơ sở cho việc xác định tội danh đối với các bị cáo được chính xác, đúng pháp luật.

Trong phần trình bày, Luật sư Khưu Thanh Tâm, bào chữa cho bị cáo Võ Mạnh Cường (Giám đốc Công ty TNHH thương mại và hàng hải H&C) cũng đồng tình với kháng nghị của VKS trả hồ sơ điều tra lại. Luật sư nêu bị cáo Cường đã cung cấp chứng cứ mới là Giấy phép hoạt động của Công ty Helix tại Việt Nam do Bộ Y tế cấp với thời hạn đến năm 2019. Đáng chú ý, thời điểm Bộ Y tế cấp phép được thực hiện trước khi khởi tố vụ án tại VN Pharma. Luật sư Tâm nêu cơ quan công an vi phạm nghiêm trọng về tố tụng khi biết có sự tồn tại của giấy phép hoạt động của Công ty Helix nhưng lại không đưa vào hồ sơ vụ án. Ông cho biết thêm, để được cấp giấy phép hoạt động tại Việt Nam, Công ty Helix phải làm hồ sơ rất kỹ theo các trình tự thủ tục thì Bộ Y tế mới cấp phép. Cũng vì lý do này, ông cho rằng cần trả hồ sơ điều tra lại.

Một Luật sư tham gia phiên tòa nhìn nhận, thông thường sau phần xét hỏi, phần tranh luận thì các vấn đề về vụ án dần dần sáng tỏ. Tuy nhiên, trong vụ xử VN Pharma không thấy điều đó, mà dần hé lộ ra nhiều tình tiết mới, chẳng hạn như công ty “ma” Helix Canada được cho là không tồn tại nhưng lại xuất hiện giấy phép hoạt động tại Việt Nam đến năm 2019 do Bộ Y tế cấp. Đây là các tình tiết mới, rất cần lời giải đáp từ các cơ quan chức năng và các cơ quan bảo vệ pháp luật cần điều tra làm rõ, làm sáng tỏ chân tướng vụ án, không để lọt tội phạm và cần xử lý nghiêm minh đúng tội danh.

Các bị cáo nghe HĐXX phúc thẩm công bố Quyết định hủy án để điều tra xét xử lại ( ngày 30/10)
Các bị cáo nghe HĐXX phúc thẩm công bố Quyết định hủy án để điều tra xét xử lại ( ngày 30/10))

Kết mở

Chính vì những “góc khuất” trong đại án cần phải điều tra làm rõ để chân tướng sự việc phơi bày, để không thể lọt lưới tội phạm còn “ẩn khuất” trong bóng tối, ngày 30/10/2017, sau một thời gian xét hỏi, tranh tụng tại Tòa, TAND cấp cao đã chấp nhận kháng nghị của VKSND, tuyên hủy toàn bộ bản án sơ thẩm để điều tra xét xử lại. Quyết định của TAND Cấp cao được các chuyên gia pháp luật hình sự và dư luận đánh giá là quyết định hoàn toàn sáng suốt.

9 “góc khuất” trong đại án VN Pharma dần hé lộ...

1. Bộ Y tế cấp phép cho công ty “ma”;

2. Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) sai phạm khi cấp phép nhập khẩu thuốc H-Capita;

3. Làm rõ chứng cứ 7,5 tỉ đồng chi cho bác sĩ;

4. Cựu Chủ tịch VN Pharma có dấu hiệu tội buôn thuốc chữa bệnh giả;

5. VN Pharma nâng khống giá thuốc gấp 3 lần;

6. VN Pharma sử dụng con dấu giả của Công ty Helix Canada;

7. Nhân viên VN Pharma xóa dữ liệu, cản trở điều tra;

8. Hải quan sân bay Tân Sơn Nhất bị truy trách nhiệm;

9. Bộ Công thương liên quan thế nào đến vụ án?

Thành Chung

 

Bạn đang đọc bài viết "Đại án VN Pharma: Hủy toàn bộ án sơ thẩm để điều tra xét xử lại – một Quyết định sáng suốt của TAND Cấp cao" tại chuyên mục Bên khung cửa tư pháp. Mọi chi tiết xin liên hệ số hotline (0915.999.467) hoặc gửi email về địa chỉ (toasoan@phaply.vn).

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin