COP26: Gian nan tìm tiếng nói chung về thỏa thuận thích ứng biến đổi khí hậu toàn cầu

02/11/2021 18:21

(Pháp lý) – Hội nghị Thượng đỉnh Liên Hợp Quốc (COP26) về chống biến đổi khí hậu ( BĐKH) chính thức diễn ra tại Glasgow (Vương quốc Anh) từ ngày 31/10 và dự kiến kéo dài đến 12/11/2021, với sự tham dự của nhiều nguyên thủ quốc gia và đại diện 197 bên tham gia Công ước. Mục tiêu chính của COP26 là thúc giục các nước thực hiện các cam kết cắt giảm khí thải đã đưa ra tại hội nghị COP21 ở Paris từ sáu năm trước. 

image001-1635851324.jpg
 Quang cảnh lễ khai mạc Hội nghị COP26 tại Glasgow (Vương quốc Anh) ngày 31/10

Từ COP21 và văn bản pháp lý toàn cầu đầu tiên về thích ứng BĐKH 

Thỏa thuận chung Paris (quản lý các phương thức giảm biến đổi khí hậu từ năm 2020) được thông qua tại COP21 được tổ chức tại Paris (Pháp) từ 30/11-12/12/2015. Thỏa thuận đã đạt được ngưỡng thông qua với hơn 55 quốc gia đại diện cho ít nhất 55% lượng phát thải khí hậu kính của thế giới đã phê chuẩn tại Thỏa thuận.  Đây là văn bản pháp lý toàn cầu đầu tiên ràng buộc trách nhiệm của tất cả các nước trong vấn đề thích ứng biến đổi khí hậu (BĐKH), giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, tăng cường năng lực và cung cấp tài chính hỗ trợ cho ứng phó BĐKH toàn cầu.

Trước khi có Thỏa thuận Paris, Công ước khung của Liên hợp quốc về BĐKH được thông qua năm 1992, có hiệu lực từ năm 1994 và Nghị định thư Kyoto được thông qua năm 1997, có hiệu lực từ năm 2005. Tuy nhiên, những văn bản này mới chỉ ràng buộc trách nhiệm của các nước phát triển. Còn với những nước đang phát triển như Việt Nam, thời điểm đó chúng ta ứng phó với BĐKH toàn cầu theo tinh thần tự nguyện, tức là khi có nguồn lực, khi có lợi ích thì chúng ta thực hiện. Sự khác biệt của Thỏa thuận Paris so với các quy định trước đây, là tất cả các quốc gia đều có trách nhiệm giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và thích ứng với BĐKH, đây là ràng buộc pháp lý. 

6 năm qua, Thỏa thuận Paris về khí hậu hầu như giẫm chân tại chỗ, gần như mỗi nước đều không thực hiện được các nỗ lực chống BĐKH mà mình đã hứa hẹn. Thực tế cho thấy bất chấp các cam kết cắt giảm từ các nước tại Hội nghị Paris 2015, lượng khí thải toàn cầu vẫn tiếp tục tăng và tràn vào khí quyển với tốc độ cao. Báo cáo của Ủy ban liên chính phủ về khí hậu tháng 8/2021 chỉ ra, biến đổi khí hậu toàn cầu là phổ biến, ngày càng gia tăng và mạnh mẽ. Với các thành phố lớn ở vĩ độ ôn đới, điều này có nghĩa là họ sẽ có nhiều đợt nóng hơn và mùa lạnh ngắn hơn. Ở vĩ độ cận nhiệt đới và nhiệt đới, mùa mưa mưa nhiều hơn và mùa khô nóng hơn. Hầu hết các thành phố ven biển sẽ bị đe dọa bởi nước biển dâng.

Nhưng thời tiết cực đoan không phải là quan ngại duy nhất. Một nghiên cứu năm 2019 với 520 thành phố trên khắp thế giới dự đoán ngay cả khi các quốc gia giới hạn nhiệt độ toàn cầu chỉ tăng ở mức 2 độ C so với thời tiền công nghiệp (1850 - 1900), khí hậu quanh năm của 77% các thành phố trong nghiên cứu sẽ có thay đổi lớn. Chẳng hạn, khí hậu của London sẽ giống với khí hậu của Barcelona ngày nay, của Seattle sẽ giống  San Francisco. Tóm lại, trong chưa đầy 30 năm, cứ 4 thành phố lớn trên thế giới thì có 3 thành phố có khí hậu hoàn toàn khác với khí hậu mà đô thị và cơ sở hạ tầng của nó đã được thiết kế.

- COP (Conference of Parties) là từ viết tắt của Hội nghị các Bên tham gia Công ước Khung của Liên Hợp Quốc về Biến đổi khí hậu

- sự kiện diễn ra hàng năm. Số 26 biểu thị đây là hội nghị lần thứ 26. 

- Mục tiêu chính của COP26:

+ Giữ nhiệt độ Trái đất không tăng quá 1,5 độ C.

+ Đặt ngày chấm dứt việc sử dụng than “không suy giảm”: Thuật ngữ ám chỉ việc sử dụng than mà không có bất kỳ công nghệ nào.

+ Cung cấp 100 tỉ USD tài trợ khí hậu hàng năm, để giúp các nước đang phát triển giảm phát thải khí nhà kính và thích ứng với các tác động.

+ Gia tăng doanh số các loại ôtô không phát thải (ví dụ như ôtô điện).

+ Chấm dứt nạn phá rừng vào cuối thập kỷ này.

+ Giảm lượng khí thải từ methane.

+ “Net zero” là khi lượng khí nhà kính thải ra không lớn hơn lượng khí thải thoát ra khỏi khí quyển. Để đạt được “net zero”, các quốc gia và công ty sẽ cần dựa vào các phương pháp tự nhiên - như rừng - để loại bỏ cùng một lượng carbon thải ra, hoặc sử dụng công nghệ được gọi là thu giữ và lưu trữ carbon, bao gồm việc loại bỏ carbon tại nguồn phát thải trước khi nó có thể đi vào khí quyển. Sau đó, carbon sẽ được lưu trữ hoặc chôn vùi dưới lòng đất. Nếu thế giới đạt được “net zero” vào giữa thế kỷ, thì sự nóng lên toàn cầu có thể được kiềm chế ở mức khoảng 1,5 độ C. 

+ COP1 đầu tiên đươc tổ chức vào năm 1995 tại Berlin (Đức), từ ngày 28/3 đến 7/4, thảo luận những mối lo ngại và những biện pháp chung tay đầu tiên trong hành động chống lại BĐKH quốc tế.

Đến nay đã có hơn 100 quốc gia cam kết sẽ đạt mức trung hòa lượng phát thải CO2 bằng 0 vào năm 2050 nhưng điều này là chưa đủ để ngăn chặn thảm họa khí hậu. Nhiều cam kết đã đưa ra còn mơ hồ. Tại Hội nghị COP26 lần này, các quốc gia sẽ cùng kiểm điểm tất cả các kế hoạch, hành động từ năm 2015 đến nay xem còn thiếu gì về quy định cũng như nguồn lực để ứng phó BĐKH. 

32-1635851809.jpg
Bức tranh cổ động do các họa sĩ thực hiện trên tường gần Trung tâm sự kiện Scotland ở Glasgow, nơi diễn ra Hội nghị thượng đỉnh về khí hậu COP26.

Đến COP26, áp lực về BĐKH gia tăng đòi hỏi phải có hành động tập thể

COP26 diễn ra trong bối cảnh thế giới hứng chịu hậu quả khủng khiếp từ đại dịch Covid-19 và Trái Đất đang nóng quá 1,5 độ C, thiên tai xảy ra với tần suất nhiều hơn và nghiêm trọng hơn. Liên Hợp Quốc (LHQ) cảnh báo, ngay từ bây giờ, con người cần phải làm mọi giá để nhanh chóng cắt giảm lượng lớn khí thải nhà kính toàn cầu (tức giảm lượng khí CO2 thải vào bầu khí quyển)ít nhất 45% đưa mức khí thải về 0 trong vòng 30 năm, nếu không Trái Đất sẽ nóng lên tới 2,7 độ C vào 2050. Áp lực đang gia tăng đòi hỏi phải có hành động nhanh, mạnh, tập thể từ các nước.

Trước thềm COP26, Chính quyền Biden đưa ra lời cam kết ở mức chưa có tiền lệ, giảm giảm xả khí thải một nửa vào năm 2030 và đưa về mức 0 trước năm 2050, đồng thời hứa sẽ tăng gấp đôi tiền hỗ trợ cho các nước nghèo. Vương quốc Anh đặt mục tiêu cắt giảm 78% lượng khí thải vào năm 2035, so với mức năm 1990. Ngược lại với sự quyết liệt của Mỹ và Anh, các cường quốc khác lại tỏ ra thờ ơ, không mặn mà. Đặc biệt là Trung Quốc (quốc gia có lượng khí CO2 thải ra đứng đầu thế giới) đã đưa ra mục tiêu sẽ đẩy mạnh cắt giảm khí thải từ năm 2030 và tiến tới trung hòa khí thải vào năm 2060. Ấn Độ sẽ đưa mức xả khí thải về 0 vào năm 2050 và Nga đặt ra mục tiêu đạt được sự trung hòa khí thải vào năm 2060… 

Theo tính toán của Cơ quan Năng lượng Quốc tế, nếu tất cả các nước thực hiện đúng các cam kết hiện tại của mình thì tốc độ xả khí thải sẽ dần chậm lại. Thủ tướng Anh Boris Johnson, người chủ trì hội nghị, đang tìm kiếm sự hỗ trợ từ các lãnh đạo khác của thế giới để có thể thông qua một kế hoạch hành động hiệu quả. Tuy nhiên, theo giới quan sát, khó có thể lạc quan khi COP26 diễn ra trong bối cảnh thế giới đang chịu đựng cuộc khủng hoảng năng lượng và các hậu quả khủng khiếp từ đại dịch COVID-19.

Thậm chí còn bi quan, khả năng COP26 sẽ không thu được gì đáng kể vì nguyên thủ nhiều nước vắng mặt, trong đó có hai nhân vật quan trọng là Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Nga Vladimir Putin. Trong khi Trung Quốc là nước xả khí thải nhiều số một thế giới (28% toàn cầu) và Nga là nước đứng thứ tư (5% toàn cầu). Mặc dù Chính quyền Biden đưa ra cam kết mạnh mẽ nhưng nước Mỹ được xếp thứ hai về xả khí thải (15% toàn cầu) và đứng thứ ba là Ấn Độ (7% toàn cầu).  Chưa kể, Mỹ hiện vẫn là nước đứng số một thế giới về sản xuất nhiên liệu hóa thạch mà một khi đốt lên sẽ tạo ra carbon dioxide (CO2), một trong những nguyên nhân chính gây ra hiện tượng nóng lên của Trái Đất…

Một số tờ báo Phương Tây cho rằng Trung Quốc “giáng một đòn vào COP26” và khiến quốc tế khó đạt được mục tiêu giữ nhiệt độ bầu khí quyển của Trái Đất không tăng thêm quá 1,5 độ C, theo thỏa thuận Paris 2015. Theo báo Business Insider, sự vắng mặt của ông Tập và ông Putin sẽ ảnh hưởng đặc biệt lớn đến kết quả hội nghị. Không có hai nhân vật này, các lãnh đạo khác sẽ khó khăn hơn nhiều để có thể thống nhất được một thỏa thuận đủ nặng ký để ngăn chặn BĐKH.

Những diễn biến trên cho thấy, COP26 rất khó tìm được tiếng nói chung về những mục tiêu mà Thoả thuận chung Paris đặt ra hồi năm 2015, để theo đó có hành động nhanh, mạnh, tập thể từ các nước chống lại sự BĐKH ngày càng gia tăng.

31-1635851844.jpg
Các chuyên gia năng lượng trên toàn thế giới đều thừa nhận than là nhiên liệu hóa thạch gây ô nhiễm nhất. Khí thải CO2 từ các nhà máy nhiệt điện than được xem là “tòng phạm” gây hiệu ứng nhà kính, khiến nhiệt độ bầu khí quyển ngày càng gia tăng.

Việt Nam quyết chung tay để Trái Đất không bị tan chảy

Ngay sau khi Thỏa thuận Paris được thông qua  năm 2015, Chính phủ Việt Nam đã thông qua Nghị quyết về gia nhập Thỏa thuận Paris và giao cho Bộ TN&MT chủ trì xây dựng kế hoạch thực hiện Thỏa thuận Paris (từ năm 2016 đến năm 2030). Có thể nói đây là điểm rất khác biệt của Việt Nam so với các nước khác, vì có kế hoạch thực hiện ngay khi Thỏa thuận Paris có hiệu lực.

Ngoài kế hoạch triển khai, Việt Nam cũng đã đưa nội dung cam kết thực hiện Thỏa thuận Paris vào trong Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi), đã được Quốc hội thông qua tháng 11/2020. Trong Luật có 1 chương về ứng phó với BĐKH, chỉ rõ thích ứng với BĐKH phải làm gì, làm thế nào để thu hút nguồn lực xã hội và huy động toàn bộ hệ thống chính trị tham gia và ứng phó BĐKH. Đây cũng là điểm sáng thứ 2 của Việt Nam đối với việc thực hiện Thỏa thuận Paris.

Vì vậy tại COP26, Việt Nam có quyền tự hào là một trong các nước đang phát triển đầu tiên đưa quy định thực hiện Thỏa thuận Paris vào quy định pháp luật để toàn dân thực hiện. Mặc dù vậy, COP26 là cơ hội cho Việt Nam tranh thủ sự ủng hộ quốc tế, nguồn lực về công nghệ và tài chính nhằm hiện thực hóa chuyển đổi sang nền kinh tế xanh phục phục vụ cho “mục tiêu kép”: ứng phó với biến đổi khí hậu, vừa phục hồi kinh tế bị ảnh hưởng nặng nề vì dịch COVID-19.

33-1635851902.jpg
Với lợi thế về năng lượng tái tạo, Việt Nam là một trong những nước tích cực, chủ động trong ứng phó với BĐKH với các công trình thân thiện với môi trường

Trong bài phát biểu tại Hội nghị COP26 (01/11), Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Phạm Minh Chính nhấn mạnh:  BĐKH đã thực sự trở thành thách thức lớn nhất đối với nhân loại, đe doạ sự tồn vong của nhiều quốc gia và cộng đồng dân cư, buộc chúng ta phải hành động mạnh mẽ, có trách nhiệm và không chậm trễ trên phạm vi toàn cầu. Thủ tướng kêu gọi tất cả các quốc gia cần cam kết mạnh mẽ hơn nữa về giảm phát thải khí nhà kính trên nguyên tắc trách nhiệm chung nhưng có khác biệt, phù hợp điều kiện, hoàn cảnh và năng lực của từng quốc gia. 

Với lợi thế về năng lượng tái tạo, Thủ tướng cam kết mạnh mẽ, Việt Nam sẽ xây dựng và triển khai các biện pháp giảm phát thải khí nhà kính mạnh mẽ bằng nguồn lực của mình, cùng với sự hợp tác và hỗ trợ của cộng đồng quốc tế, nhất là các nước phát triển, cả về tài chính và chuyển giao công nghệ, trong đó có thực hiện các cơ chế theo Thỏa thuận Paris 2015, để đạt mức phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050…

Việt Nam là một trong những nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất thế giới, ảnh hưởng đáng kể trong nhóm các nước đang phát triển và là nước có phát thải khí nhà kính hàng năm đứng thứ 21 trên thế giới. Là nền kinh tế rất năng động ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương và đang từng bước trở thành một “công xưởng sản xuất mới” của thế giới, Việt Nam đang có nhiều chính sách mạnh mẽ, linh hoạt nhằm thu hút đầu tư và đón đầu sự chuyển dịch chuỗi cung ứng. Vì thế, giới quan sát cho rằng cam kết của Việt Nam tại COP26 được xem là sẽ có tác động quan trọng cho nỗ lực ứng phó BĐKH./.

Kỳ vọng COP26 sẽ tạo đột phá trong thích ứng BĐKH

Mặc dù còn nhiều hoài nghi về kết quả của Hội nghị không như mong đợi. Tuy nhiên theo ông Phạm Văn Tấn, Phó Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu (Bộ TN&MT), Phó Trưởng đoàn đàm phán về BĐKH của Việt Nam, cho rằng COP26 có thể tạo đột phá trong thích ứng với BĐKH toàn cầu vì 3 lý do.

Thứ nhất, COP 26 đã phải lùi lại 1 năm do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19. Có thể nói, một năm qua thế giới không ngừng nghỉ trong nỗ lực ứng phó BĐKH toàn cầu, đã có rất nhiều đợt vận động để các quốc gia nâng cao các cam kết trong việc giảm nhẹ phát thải khí nhà kính cũng như nâng cao khả năng chống chịu trước tác động của BĐKH. Do có sự chuẩn bị kỹ như vậy cho nên có thể thấy tại COP26, các quốc gia sẽ mang đến những hành động mạnh mẽ hơn trong ứng phó BĐKH toàn cầu.

Điểm thứ hai có thể làm nên thành công của COP26 là Hội nghị đã thu hút được sự quan tâm của toàn thế giới. Hơn 130 nguyên thủ quốc gia đã công bố, khẳng định sẽ tham gia và phát biểu tại Hội nghị. Nhiều nước cũng đã tuyên bố đưa mức phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050, tăng mức cam kết hỗ trợ tài chính.

Thứ ba, đại dịch COVID-19 đã tác động rất lớn đến thế giới và khiến các nước nhận ra tầm quan trọng của việc sống xanh, sống khỏe. Các quốc gia dù giàu, dù nghèo đều bị ảnh hưởng bởi BĐKH. Nếu không có những ứng xử phù hợp và khẩn cấp thì ảnh hưởng của BĐKH đối với toàn cầu chắc chắn còn nặng nề hơn so với ảnh hưởng của dịch COVID19. Vì vậy, COP 26 chính là thời điểm để các quốc gia hướng chương trình phục hồi sau đại dịch theo hướng ứng phó với BĐKH, thân thiện với môi trường”

VŨ LÊ MINH

                
 

Bạn đang đọc bài viết "COP26: Gian nan tìm tiếng nói chung về thỏa thuận thích ứng biến đổi khí hậu toàn cầu" tại chuyên mục Đọc chuyên sâu. Mọi chi tiết xin liên hệ số hotline (0915.999.467) hoặc gửi email về địa chỉ (toasoan@phaply.vn).

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin