Công tác thu hồi tài sản tham nhũng, kinh tế trên địa bàn Thủ đô

17/01/2019 08:56

Ngày 15-01, Đoàn công tác số 2 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng đã có buổi làm việc với Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội để thông báo kết luận về công tác thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế trên địa bàn Thủ đô (giai đoạn từ 01-01-2013 đến 30-9-2018). Đồng chí Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an, Phó trưởng Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng làm Trưởng đoàn. Tham gia Đoàn công tác có các đồng chí Võ Văn Dũng, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Nội chính Trung ương, Ủy viên Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, Phó trưởng Đoàn công tác và đại diện lãnh đạo một số vụ, đơn vị chức năng thuộc Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Ban Nội chính Trung ương, Bộ Công an, Bộ Tư Pháp, Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao.

Quang cảnh buổi làm việc
Quang cảnh buổi làm việc)

Làm việc với Đoàn công tác có đồng chí Hoàng Trung Hải, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội; đồng chí Nguyễn Đức Trung, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội; đồng chí Nguyễn Thị Bích Ngọc, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch Hội đông nhân dân Thành phố Hà Nội và các đồng chí trong Ban Thường vụ Thành ủy, đại diện các cơ quan trong khối nội chính Thành phố.

Theo dự thảo kết luận, trong giai đoạn 2013 - 2018, Thành ủy Hà Nội đã ban hành nhiều văn bản lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan Công an, Viện Kiểm sát, Tòa án Thành phố phối hợp chặt chẽ trong việc phát hiện, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử hành vi tham nhũng, bảo đảm việc xử lý được nhanh chóng, đúng người, đúng tội, đúng quy định của pháp luật. Các cơ quan tiến hành tố tụng và các sở, ngành: Thanh tra, Cục Hải quan, Cục Thuế, Sở Xây dựng, Sở Tài nguyên và Môi trường, Chi cục Kiểm Lâm, Chi cục Quản lý thị trường đã ký quy chế phối hợp trong việc cung cấp thông tin tiếp nhận, giải quyết tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố trên địa bàn Thành phố Hà Nội, nhằm tăng cường công tác phối hợp xử lý tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố đối với các loại tội phạm nói chung và tội phạm về tham nhũng, kinh tế nới riêng.

Về kết quả thu hồi tài sản: Cơ quan điều tra - Công an Thành phố thụ lý, điều tra 152 vụ/452 bị can trong các vụ án tham nhũng, kinh tế; tổng số tài sản bị chiếm đoạt là 1.825 tỷ đồng, sai phạm về đất là 21.970 m2; số tài sản đã áp dụng biện pháp tịch thu, thu giữ, phong tỏa là 226,1 tỷ đồng, diện tích đất đề nghị thu hồi 10.507m2. Tòa án nhân dân Thành phố đã thụ lý theo trình tự sơ thẩm trong các vụ án tham nhũng, kinh tế là 157 vụ/613 bị cáo, đã thu hồi tài sản được 1.617 tỷ đồng; theo trình tự phúc thẩm 46 vụ/171 bị cáo, thu hồi tài sản được 42,8 tỷ đồng và nhiều tài sản khác. Tòa án nhân dân hai cấp của Thành phố đã tuyên buộc các bị cáo phải bồi thường số tiền 8.967,1 tỷ đồng. Cục Thi hành án dân sự Thành phố phải thi hành 446 việc, với số tiền 6.984,6 tỷ đồng; trong đó, có điều kiện thi hành là 409 việc, với số tiền 3.436,4 tỷ đồng; đã thi hành xong 337/409 việc, với số tiền 1.457,6 tỷ đồng. Nếu như năm 2013, tổng giá trị thi hành được là 2,4 tỷ đồng thì năm 2018 (tính đến ngày 30-9-2018), tổng giá trị tiền thi hành, giải quyết xong là 368,4 tỷ đồng.

Đồng chí Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an, Phó trưởng Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng phát biểu kết luận
Đồng chí Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an, Phó trưởng Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng phát biểu kết luận)

Phát biểu kết luận, đồng chí Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an, Phó trưởng Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng đánh giá cao Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo và ban hành nhiều văn bản chỉ đạo chuyên đề các cơ quan nội chính cũng như các sở, ban, ngành, địa phương trong việc thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế trên địa bàn Thủ đô; sự phối hợp của các cơ quan tố tụng và thi hành án ngày càng chặt chẽ, có hiệu quả nên tỷ lệ thu hồi tài sản đã tăng lên rõ rệt qua từng năm.

Tuy nhiên, đồng chí Trưởng đoàn công tác số 2 cũng lưu ý, Hà Nội là địa phương đứng đầu cả nước về số vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế nhưng tỷ lệ thu hồi tài sản vẫn còn thấp; vẫn còn để xảy ra sai sót trong quá trình thi hành án dẫn đến khiếu nại, tố cáo. Đồng chí yêu cầu Thành ủy Hà Nội trong thời gian tới cần chú trọng hơn nữa công tác thu hồi tài sản trong các vụ án tham nhũng, kinh tế để hạn chế thấp nhất việc thất thoát tài sản của Nhà nước; thường xuyên theo dõi, đôn đốc, tháo gỡ những khó khăn trong quá trình thu hồi tài sản, đồng thời xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm trong này. Đối với các vụ án cụ thể, cần tuân thủ chặt chẽ các quy định của pháp luật để chỉ đạo; kiểm tra các tổ chức, cá nhân có liên quan trong các vụ án tham nhũng, kinh tế, không để các đối tượng chuyển dịch, tẩu tán tài sản trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử.

Theo noichinh.vn

Nguồn bài viết: http://noichinh.vn/cong-tac-phong-chong-tham-nhung/201901/cong-tac-thu-hoi-tai-san-tham-nhung-kinh-te-tren-dia-ban-thu-do-304967/

Bạn đang đọc bài viết "Công tác thu hồi tài sản tham nhũng, kinh tế trên địa bàn Thủ đô" tại chuyên mục Diễn đàn - Luật gia. Mọi chi tiết xin liên hệ số hotline (0915.999.467) hoặc gửi email về địa chỉ (toasoan@phaply.vn).

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin