Chuyển đổi số và sứ mệnh của báo chí

21/06/2022 08:01

Bộ Thông tin và Truyền thông trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chiến lược chuyển đổi số báo chí đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 được xem là một trong những giải pháp quan trọng, góp phần định hướng, hỗ trợ, gỡ vướng cho các cơ quan báo chí trong quá trình thực hiện.

mvu-baeng-2020-q4-skyscraper-the-rise-of-digital-journalism-past-future-present-header1-1655712747-1655776642.jpg
Ảnh: minh họa

Trong công cuộc chuyển đổi số, báo chí truyền thông đóng vai trò quan trọng, với sứ mệnh tuyên truyền đúng đắn, đầy đủ, kịp thời về chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, tạo sự đồng thuận, niềm tin xã hội, tạo nội lực để thực hiện thành công chuyển đổi số quốc gia. Đồng thời, báo chí cũng là một lĩnh vực trong xã hội, sẽ phải tiến hành chuyển đổi số theo xu thế phát triển chung, thậm chí sẽ phát triển thành một ngành kinh tế truyền thông số.

Ngày 3/6/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 749/QĐ-TTg phê duyệt “Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”. Việt Nam là một trong những quốc gia đầu tiên trên thế giới ban hành Chương trình Chuyển đổi số quốc gia, xác định rõ chuyển đổi số là quá tình tất yếu của Việt Nam.

Một trong những lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng nề bởi sự bùng nổ của công nghệ kỹ thuật số là báo chí, truyền thông. Nhiều cơ quan báo chí, công ty truyền thông trên thế giới đã nhận thức được tầm quan trọng của chuyển đổi số trong việc gia tăng hiệu quả hoạt động và đảm bảo sự phát triển bền vững của tờ báo, đã bước vào một “cuộc đua” mới trong việc áp dụng chuyển đổi số, thay đổi mô hình, cách thức hoạt động, kinh doanh để vượt qua “khủng hoảng” thành công.

Internet băng thông rộng thế hệ mới với công nghệ số và đổi mới sáng tạo đã làm bùng nổ cuộc cách mạng phân phối nội dung, mở ra cách thức, phương tiện truyền thông mới làm thay đổi hoàn toàn thói quen tiếp nhận thông tin của con người. Mạng xã hội ngày càng chiếm ưu thế và là phương tiện truyền thông rộng rãi và nhanh nhất thế giới hiện nay trong môi trường số hóa với lượng người dùng đông đảo, tính tương tác cao. Cá thể hóa nội dung, ứng dụng công nghệ số để cải thiện trải nghiệm của người dùng sẽ là xu thế chủ đạo.

Các nền tảng công nghệ, truyền thông xuyên biên giới (Big Tech) sở hữu các nền tảng lớn về nội dung và phân phối, sở hữu kho dữ liệu khổng lồ mang tính chi phối, triệt để thu thập, khai thác dữ liệu, độc quyền và liên kết dữ liệu giữa các nền tảng công nghệ, truyền thông xuyên biên giới (Big Tech) tạo nên quyền chi phối thị trường/người dùng, quyền quyết định kiểm soát việc phân phối, gợi ý nội dung thông tin trên không gian mạng, bao gồm cả thông tin báo chí.

Hiện nay, một số cơ quan báo chí đã đi tiên phong trong chuyển đổi số với các công nghệ số tiêu biểu là trí tuệ nhân tạo (AI), IoT, Cloud, Bigdata… Những công nghệ số này đã và đang tạo ra môi trường cho báo chí phát triển theo các xu hướng báo chí: Cá nhân hóa nội dung; Đa nền tảng; Báo chí di động; Báo chí xã hội; Báo chí dữ liệu; Báo chí sáng tạo; Siêu tác phẩm báo chí.

Một số cơ quan báo chí đã có nhiều đổi mới trong việc áp dụng khoa học công nghệ, phát triển dịch vụ nhưng chuyển đổi số báo chí toàn diện còn chưa rõ nét, manh mún, do đó chưa đủ sức cạnh tranh với các dịch vụ mới xuyên biên giới. Trong thị trường cạnh tranh hiện nay, nội dung hay chưa đủ, cơ quan báo chí cần phải tích hợp với trải nghiệm cao cấp của người dùng. Công nghệ đã trang bị cho báo chí những khả năng mới, thay vì phục vụ đại bộ phận công chúng một sản phẩm đồng nhất thì nay hướng tới tùy chỉnh, chuyên biệt hóa theo những nhu cầu riêng biệt, chinh phục các nhóm độc giả mới, phân phối nội dung hiệu quả hơn và tạo được doanh thu lớn hơn.

Mục tiêu của dự thảo Chiến lược Chuyển đổi số báo chí

Trước những biến động mạnh mẽ trong hệ sinh thái truyền thông, báo chí không thể đứng ngoài cuộc mà phải chủ động tìm lời giải cho những thách thức khốc liệt để tồn tại và phát triển, thực hiện tốt hơn sứ mệnh của mình.

Chuyển đổi số sẽ giúp các cơ quan báo chí thay đổi toàn diện phương thức vận hành, quản lý, áp dụng công nghệ trong quy trình sản xuất và phân phối nội dung, thực hiện hiệu quả các mô hình kinh doanh báo chí để đa dạng hóa nguồn thu, không bị lệ thuộc vào doanh thu quảng cáo, từ đó phát triển nền báo chí dữ liệu, có chất lượng, đảm bảo đúng giá trị nguyên bản của báo chí. Việc hỗ trợ của nhà nước giúp cơ quan báo chí chuyển đổi số bước đầu chọn lựa ra 20% cơ quan báo chí gây ảnh hưởng 80% độc giả, sau đó hỗ trợ 80% cơ quan báo chí còn lại.

Từ các cơ sở pháp lý, căn cứ thực tiễn nêu trên, dự thảo Chiến lược chuyển đổi số báo chí đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 xác định mục tiêu chung, mục tiêu đến năm 2025, mục tiêu đến năm 2030. Theo đó, báo chí phát triển theo hướng đa nền tảng, đa phương tiện, đa dịch vụ; Phát triển các sản phẩm báo chí số, các nền tảng phân phối nội dung số, làm chủ nền tảng phân phối nội dung trên không gian mạng. Người dân, tổ chức, doanh nghiệp được tiếp cận thông tin trên môi trường số theo nhu cầu, mọi lúc, mọi nơi, không bị hạn chế về không gian, thời gian, vị trí địa lý.

Với mục tiêu đến năm 2025 có được 70% cơ quan báo chí thực hiện số hóa nội dung báo chí trên các nền tảng sẵn có (trang web, mạng xã hội uy tín và các nền tảng công nghệ số trong nước). 80% cơ quan báo chí điện tử chuyển đổi cơ chế hoạt động theo mô hình tòa soạn hội tụ, đa phương tiện. 50% cơ quan báo chí có nền tảng phân tích, xử lý dữ liệu tổng hợp tập trung, ứng dụng trí tuệ nhân tạo để tối ưu hóa hoạt động. 50% cơ quan báo chí đổi mới toàn diện hệ thống sản xuất nội dung theo các xu hướng báo chí số: cá nhân hóa nội dung, đa nền tảng, báo chí di động, báo chí xã hội, báo chí dữ liệu, báo chí sáng tạo, siêu tác phẩm báo chí… 30% cơ quan báo chí điện tử có ảnh hưởng lớn trong xã hội áp dụng mô hình thu phí với những nội dung trải nghiệm được cá nhân hóa; quyền lựa chọn nguồn tin để theo dõi, giới thiệu tin tức theo thị hiếu cá nhân. Các cơ quan báo chí có ảnh hưởng lớn trong xã hội tăng lượng truy cập trực tiếp vào trang web lên mức tối thiểu 50% tổng lưu lượng truy cập. Các báo Đảng địa phương tăng lượng truy cập trực tiếp vào trang web lên mức tối thiểu 30% tổng lưu lượng truy cập. 50% các cơ sở giáo dục đại học chuyên ngành báo chí hoặc có khoa báo chí hoàn thành chương trình cải cách giáo trình đào tạo cho sinh viên, bổ sung các kiến thức, kỹ năng tác nghiệp trong môi trường báo chí số. 50% lãnh đạo, cán bộ, phóng viên, biên tập viên các cơ quan báo chí được đào tạo, cập nhật kiến thức, kỹ năng quản lý số, tổ chức sản xuất và phát hành nội dung báo chí trên nền tảng số.

Và năm 2030 có đến 90% cơ quan báo chí điện tử chuyển đổi cơ chế hoạt động theo mô hình tòa soạn hội tụ, đa phương tiện. 90% cơ quan báo chí có nền tảng phân tích, xử lý dữ liệu tổng hợp tập trung, ứng dụng trí tuệ nhân tạo để tối ưu hóa hoạt động. 90% cơ quan báo chí đổi mới toàn diện hệ thống sản xuất nội dung theo các xu hướng báo chí số: cá nhân hóa nội dung, đa nền tảng, báo chí di động, báo chí xã hội, báo chí dữ liệu, báo chí sáng tạo, siêu tác phẩm báo chí… 50% cơ quan báo chí điện tử có ảnh hưởng lớn trong xã hội áp dụng mô hình thu phí với những nội dung trải nghiệm được cá nhân hóa; quyền lựa chọn nguồn tin để theo dõi, giới thiệu tin tức theo thị hiếu cá nhân. Các cơ quan báo chí có ảnh hưởng lớn trong xã hội tăng lượng truy cập trực tiếp của người dùng vào trang web chính thức lên mức tối thiểu 70% tổng lưu lượng truy cập, giảm lượng truy cập từ các nền tảng tìm kiếm và mạng xã hội xuống 30%. 90% các cơ sở giáo dục đại học chuyên ngành báo chí hoặc có khoa báo chí hoàn thành chương trình cải cách giáo trình đào tạo cho sinh viên, bổ sung các kiến thức, kỹ năng tác nghiệp trong môi trường báo chí số. 90% lãnh đạo, cán bộ, phóng viên, biên tập viên các cơ quan báo chí được đào tạo, cập nhật kiến thức, kỹ năng quản lý số, tổ chức sản xuất và phát hành nội dung báo chí trên nền tảng số.

7 nhiệm vụ, giải pháp thực hiện Chiến lược

Để thực hiện các mục tiêu Chiến lược, dự thảo xác định 7 nhóm nhiệm vụ, giải pháp, trong đó báo gồm những nhiệm vụ, giải pháp cụ thể và có mối liên hệ chặt chẽ với nhau trong quá trình triển khai Chiến lược.

Thứ nhất, nâng cao nhận thức, tăng cường tuyên truyền

Cần nâng cao nhận thức cán bộ quản lý thông tin, truyền thông; lãnh đạo, phóng viên, biên tập viên các cơ quan báo chí từ Trung ương đến địa phương về vai trò quan trọng và sự cấp thiết phải triển khai chuyển đổi số báo chí đồng bộ với chương trình chuyển đổi số quốc gia. Bên cạnh đó, tăng cường tuyên truyền, biểu dương, tôn vinh những tổ chức, cá nhân đạt thành tích cực trong quá trình chuyển đổi số báo chí để chia sẻ kinh nghiệm, lan tỏa, nhân rộng.

Thứ hai, hoàn thiện cơ chế, chính sách và các quy định pháp luật

Rà soát, đề xuất sửa đổi, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về báo chí để đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số báo chí. Rà soát, đề xuất sửa đổi, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật có liên quan nhằm thúc đẩy chuyển đổi số báo chí,...

Thứ ba, phát triển các sản phẩm báo chí số

Theo đó, ứng dụng các thành tựu khoa học công nghệ trong việc tự động hóa để thúc đẩy quá trình sản xuất nội dung; thiết kế, sáng tạo các mô hình sản phẩm thông tin mới trên các nền tảng khác nhau để tăng độ tương tác với độc giả, phân phối nội dung thông tin nhanh hơn, rộng hơn và chính xác theo nhu cầu của độc giả,...

Thứ tư, phát triển nền tảng số

Cần xây dựng công cụ/nền tảng thu thập, xử lý dữ liệu, đánh giá, dự báo, theo dõi, giám sát chất lượng báo chí, xây dựng chỉ số đánh giá truyền thông xã hội dựa trên tác động của các thông tin báo chí trên không gian mạng, xây dựng nền tảng chia sẻ dữ liệu báo chí,...

Thứ năm, bảo đảm an toàn thông tin mạng cho các hệ thống, ứng dụng và nền tảng phục vụ chuyển đổi số báo chí

Triển khai các giải pháp đảm bảo an toàn thông tin mạng cho các hệ thống, ứng dụng và nền tảng phục vụ chuyển đổi số báo chí; quản lý và giám sát an toàn thông tin; bảo mật dữ liệu, có khả năng tự sàng lọc, phát hiện mã độc tấn công,...

Thứ sáu, phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực

Theo đó, cần xây dựng và ban hành chuẩn chương trình đào tạo lĩnh vực báo chí và thông tin các trình độ của giáo dục đại học, đáp ứng yêu cầu của chuyển đổi số; xây dựng các mã ngành đào tạo mới và rà soát, cập nhật nội dung chương trình đào tạo các ngành thuộc lĩnh vực báo chí và thông tin các nội dung liên quan đến báo chí số.

Thứ bảy, đẩy mạnh hợp tác quốc tế

Dự thảo kiến nghị cần tăng cường hợp tác quốc tế, học tập kinh nghiệm của các quốc gia có nền báo chí số phát triển mạnh.

Chuyển đổi số rõ ràng là con đường mà báo chí cần phải bước đi, thậm chí là đi nhanh và quyết liệt, nếu không muốn bị tụt hậu, mất đi độc giả, khán thính giả và hậu quả đương nhiên là sự sống còn của chính cơ quan báo chí. Nhưng dù đang trong kỷ nguyên số, các tòa soạn vẫn phải luôn ghi nhớ những giá trị cơ bản của báo chí. Tin cậy, chính xác, công bằng và cân bằng trong mỗi bài viết là những giá trị vô cùng quan trọng và giờ đây càng quan trọng hơn bao giờ hết, như ông Lê Quốc Minh - Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân dân, Phó trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam khẳng định.

Bạn đang đọc bài viết "Chuyển đổi số và sứ mệnh của báo chí" tại chuyên mục Sự kiện - Chính sách. Mọi chi tiết xin liên hệ số hotline (0915.999.467) hoặc gửi email về địa chỉ (toasoan@phaply.vn).

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin