Chung tay hoàn thiện chính sách, pháp luật cũng là cách Báo chí phòng, chống tham nhũng

22/06/2019 09:42

(Pháp lý) - Báo chí có vai trò quan trọng trong công tác phòng, chống tham nhũng (PCTN). Thực tế đã chứng minh và ghi nhận. Có nhiều cách để báo chí tham gia PCTN. Báo chí tác nghiệp, phát hiện điều tra đưa vụ việc tiêu cực ra ánh sáng. Đó là cách trực tiếp tuyên chiến với “giặc” tham nhũng. Nhưng còn một cách khác, mà chúng tôi gọi là gián tiếp – đó là báo chí tham gia phản biện, kiến nghị, góp ý để cơ quan chức năng sửa đổi, bổ sung những bất cập, những lỗ hổng chính sách pháp luật về PCTN để có được công cụ pháp lý sắc bén giúp PCTN hiệu quả hơn.

Đóng góp này của báo chí thường âm thầm và không dễ thấy, nhưng lại vô cùng quan trọng. Vì một trong những nguyên nhân căn bản “giúp” tội phạm tham nhũng lộng hành đó là lỗ hổng cơ chế, lỗ hổng chính sách pháp luật. Cho nên phải phát hiện kịp thời và khẩn trương bít lỗ hổng chính sách pháp luật.

Để phần nào làm rõ vai trò đặc biệt nêu trên của báo chí, Phóng viên Pháp lý có cuộc trao đổi chuyên sâu với ông Dương Đình Khuyến (Trưởng ban Tư vấn Pháp luật và Trợ giúp Pháp lý – Hội Luật gia Việt Nam); ĐBQH Đỗ Đức Hồng Hà (Ủy viên Ủy ban Tư pháp của Quốc hội); ông Trần Ngọc Vinh (Chủ tịch HLG Hải Phòng, ĐBQH khóa XIII).

Miệt mài chung tay hoàn thiện chính sách pháp luật PCTN

Giải báo chí toàn quốc "Báo chí với công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí" được tổ chức lần thứ nhất vào năm 2018 đã khẳng định vai trò quan trọng và tiên phong của các cơ quan báo chí trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng (PCTN) lãng phí. Được biết, trong lần trao giải báo chí đầu tiên, có hai giải A dành cho nhóm tác giả Thu Hà, Quang Hưng, Hoàng Anh, Ngọc Long, Ngô Quang Dũng, Ðặng Giang, Thanh Phong (Báo Nhân Dân), với tác phẩm thuộc thể loại báo in "Cuộc đại phẫu những "khối u" nghìn tỷ…" (3 bài); tác giả Nguyễn Hòa Văn (Tạp chí Người làm báo), với tác phẩm thuộc thể loại báo điện tử "Chống được "chạy" sẽ thành công" (8 bài). Điều đáng nói, đây là những bài báo nêu lên thực tiễn, chỉ ra những tồn tại của chính sách pháp luật khi áp dụng trong thực tế, từ đó kiến nghị các giải pháp để cơ quan chức năng sửa đổi hoàn thiện chính sách pháp luật về PCTN, lãng phí.

Trong thời gian gần đây, Tạp chí Pháp lý – cơ quan ngôn luận của Hội Luật gia Việt Nam cũng thực hiện nhiều chuyên đề dài kỳ, đặc biệt chuyên đề dài 10 kỳ về chung tay hoàn thiện chính sách pháp luật để PCTN hiệu quả.

Nhiều năm nay, Tạp chí Pháp lý đã thực hiện nhiều tuyến bài dài kỳ góp ý hoàn thiện hệ thống chính sách pháp luật về phòng, chống tham nhũng
Nhiều năm nay, Tạp chí Pháp lý đã thực hiện nhiều tuyến bài dài kỳ góp ý hoàn thiện hệ thống chính sách pháp luật về phòng, chống tham nhũng)

Trước đó, từ thực tế tác nghiệp của Phóng viên báo cáo về Tòa soạn, Ban Biên tập Tạp chí Pháp lý nhận thấy đất đai công sản là lĩnh vực tội phạm tham nhũng “nhòm ngó” “hoành hành” nhiều nhất, nhưng chính sách pháp luật về đất đai còn nhiều lỗ hổng. Do đó, Pháp lý đã dành nhiều thời lượng đăng tải hàng chục bài điều tra, phân tích, bình luận, đặc biệt các bài đối thoại với các chuyên gia luật, nhà quản lý, Đại biểu Quốc hội, từ đó kiến nghị nhiều vấn đề. Có thể kể ra những bài viết “nặng ký” mà Ban Biên tập, Phóng viên TCPL cùng các ĐBQH, các chuyên gia pháp luật đã phân tích, mổ xẻ: Tham nhũng có thể nảy sinh từ những “kẻ hở” nào của Luật Đất đai; Cần có giải pháp pháp luật nâng cao vai trò của HĐND trong quản lý nguồn lợi đất đai; Kiến nghị loạt giải pháp chặn nguy cơ tham nhũng trong công tác thu hồi, đền bù đất; Từ thực tế chuyển nhượng giá rẻ, sử dụng lãng phí, thất thoát nhà – đất công”: “soi” vai trò giám sát của HĐND và những “lỗ hổng” của Luật Đất đai; Chặn tình trạng trục lợi từ chuyển nhượng nhà – đất công: Phải khẩn trương sửa Luật; Từ vụ án Vũ “nhôm”: Bàn giải pháp luật để phòng ngừa hành vi tham nhũng, trục lợi tài sản công; Kiến nghị loạt giải pháp pháp luật để chặn thất thoát đất đai công sản; Chặn tham nhũng đất đai bằng quy định của pháp luật hình sự, đã hiệu quả?; Chỉ ra nhiều “kẽ hở” của Luật Đất đai: Đại biểu Quốc hội và chuyên gia kiến nghị gì; Cần tăng hình phạt đối với hành vi vi phạm pháp luật trong quản lý tài sản công;…

Chỉ riêng 2 năm gần đây, Tạp chí Pháp lý đã đăng tải hơn 50 bài viết phân tích bình luận, ghi chép, đối thoại nhằm thông tin phản ánh những ý kiến của các Đại biểu Quốc hội, Luật gia, chuyên gia... về những bất cập của hệ thống chính sách pháp luật có liên quan tới công tác phòng, chống tham nhũng (PCTN), từ đó đề xuất kiến nghị các giải pháp sửa đổi, bổ sung hàng loạt Luật liên quan như: Luật Đất đai, Luật Phòng, chống tham nhũng, Bộ luật Hình sự, Bộ luật Tố tụng Hình sự, Luật Thanh tra, Luật Đấu thầu, Luật Đầu tư công, Luật Quy hoạch, Luật Doanh nghiệp, Luật Tổ chức HĐND & UBND….

Từ hoạt động thực tiễn, Tạp chí Pháp lý nhận thấy để PCTN hiệu quả, các cơ quan chức năng không chỉ sửa và hoàn thiện Luật PCTN, BLHS và tăng cường hoạt động của cơ quan dân cử, cơ quan thanh tra và các cơ quan bảo vệ pháp luật, mà còn cần tập trung sửa đổi, bổ sung hoàn thiện các chính sách pháp luật về công tác cán bộ, về hệ thống pháp luật kinh tế. Đây cũng là kiến nghị đề xuất của nhiều ĐBQH và chuyên gia luật.

Chung tay hoàn thiện chính sách pháp luật cũng là cách báo chí tham gia PCTN

Ông Dương Đình Khuyến là chuyên gia pháp luật (hiện ông Khuyến là Ủy viên Ban Thường vụ Hội Luật gia Việt Nam) thường xuyên có những đóng góp để xây dựng văn bản chính sách, pháp luật. Đánh giá về những tác động, hỗ trợ của báo chí đối với hoạt động lập pháp, ông nói: Báo chí là kênh thông tin quan trọng giúp đại biểu Quốc hội và các chuyên gia pháp luật cập nhật, nắm bắt được những bất cập từ đời sống xã hội. Báo chí phản ánh những vấn đề của đời sống để đưa cuộc sống vào pháp luật và tuyên truyền thực thi chính sách để đưa pháp luật vào cuộc sống.

Ông Dương Đình Khuyến đánh giá cao báo chí trong việc phát hiện những nguồn tin, những vụ việc tham nhũng, lãng phí trong đời sống từ đó đấu tranh trực diện với hiện tượng tham nhũng. Nhưng một việc cũng rất quan trọng mà báo chí đã làm thời gian qua, đó là qua thực tế thông tin tuyên truyền pháp luật, báo chí còn phát hiện những kẽ hở về mặt pháp luật, từ đó kiến nghị hoàn thiện pháp luật về phòng chống tham nhũng hiệu quả hơn.

Ông Dương Đình Khuyến (Ủy viên Ban Thường vụ Hội Luật gia VN) cho rằng báo chí cần tỉnh táo trong việc lựa chọn nguồn tin, chuyên gia pháp luật để đưa ý kiến đóng góp xây dựng chính sách pháp luật
Ông Dương Đình Khuyến (Ủy viên Ban Thường vụ Hội Luật gia VN) cho rằng báo chí cần tỉnh táo trong việc lựa chọn nguồn tin, chuyên gia pháp luật để đưa ý kiến đóng góp xây dựng chính sách pháp luật)

Ông Trần Ngọc Vinh từng là ĐBQH khóa XII và XIII. Sau khi nghỉ hưu, ông tiếp tục gắn bó với hoạt động của Hội Luật gia Hải Phòng, hiện ông là Ủy viên Ban Thường vụ Hội Luật gia Việt Nam. Khi còn hoạt động ở nghị trường, ông được biết đến là người thường xuyên phát biểu, góp ý để hoàn thiện các dự án Luật mà các cơ quan Chính phủ đưa trình Quốc hội. Khi nghỉ hưu, trên cương vị Chủ tịch HLG Hải Phòng, ông vẫn tâm huyết, gắn bó với hoạt động xây dựng chính sách, pháp luật. Ông là người thường xuyên có những chia sẻ trên báo chí về công tác xây dựng chính sách pháp luật. Đánh giá cao vai trò của báo chí, ông nói: Báo chí phản ánh ý kiến của người dân, cơ quan hành pháp là đối tượng chịu tác động từ Luật… Từ nhịp cầu tích cực ấy, đại biểu có được những ý kiến sát cuộc sống góp ý vào xây dựng văn bản pháp luật.

Nói về tham nhũng, ông Vinh có quan điểm rất kiên quyết: “Tham nhũng về hưu cũng phải xử lý hình sự”, “Xử tham nhũng vặt mới ngăn chặn được tham nhũng lớn”… Ông nhận thấy cử tri thường bức xúc về những vụ tham nhũng lớn được dư luận xã hội nêu ra như tham nhũng do chạy quyền, chạy chức, tham nhũng chính sách; Tiếp đến là nạn tham nhũng vặt như tham nhũng thời gian, xe công, lợi dụng chức vụ để ban phát rồi chờ người trả ơn; Tham nhũng diễn biến ngày càng phức tạp, nhức nhối. Người dân biết có những vụ tham nhũng nhưng không dám tố cáo vì sợ bị trả thù, sợ bị mất việc; Người tố cáo tham nhũng còn ở thế yếu chưa được bảo vệ và khen thưởng đúng mức.

Khi phát hiện tham nhũng, có nhiều vụ chỉ xử lý kỉ luật, chế tài còn nhẹ nên không đủ sức răn đe. Khi phát hiện tham nhũng, tài sản tham nhũng thường kịp tẩu tán muôn nơi, muôn hình vạn trạng nên thu hồi được là rất gian nan. Đặc biệt, ông Vinh thẳng thắn, trong tình hình hiện nay sự lớn mạnh của lợi ích nhóm – tự nhóm đó bảo vệ, bênh vực nhau là nguyên nhân khiến hoạt động PCTN chưa hiệu quả. Nhiều chế định của Luật PCTN còn hạn chế như quy định về kê khai tài sản (kê khai nhiều, kiểm tra, xác minh còn hạn chế); về thu hồi tài sản tham nhũng (hạn chế của luật dẫn đến tỉ lệ thu hồi tài sản còn thấp); Một số cơ quan, cán bộ được giao nhiệm vụ PCTN hoạt động chưa hiệu quả, có tiêu cực, tham nhũng trong chính cơ quan này, một số quy định về PCTN của nước ta chưa tương thích với các quy định PCTN của thế giới… Từ những thực tế đó, ông Vinh cho rằng, tới đây Quốc hội cần tiếp tục sửa đổi luật triệt để hơn. Theo ông Vinh, báo chí tới đây, cần tiếp tục đóng góp nhiều hơn nữa cho công tác này, góp phần đưa những ý kiến của những đại biểu, chuyên gia pháp luật tâm huyết để hoàn thiện hơn pháp luật về PCTN.

 ĐBQH Đỗ Đức Hồng Hà (Ủy viên Ủy ban Tư pháp của Quốc hội) cho rằng, từ kênh thông tin trên báo chí và từ ý kiến của cử tri, ông đã có rất nhiều tư liệu quý để góp ý xây dựng các văn bản pháp luật về PCTN sắc bén hơn.
ĐBQH Đỗ Đức Hồng Hà (Ủy viên Ủy ban Tư pháp của Quốc hội) cho rằng, từ kênh thông tin trên báo chí và từ ý kiến của cử tri, ông đã có rất nhiều tư liệu quý để góp ý xây dựng các văn bản pháp luật về PCTN sắc bén hơn.)

Nói về những hỗ trợ thiết thực của báo chí với đại biểu trong quá trình xây dựng chính sách, ĐBQH Đỗ Đức Hồng Hà cho biết khi thực hiện các chức năng, nhiệm vụ của mình, báo chí đã hỗ trợ rất nhiều cho hoạt động đại biểu. “Tôi có thể tham khảo được nhiều ý kiến của cử tri qua báo chí. Ví dụ, khi góp ý dự thảo Luật Đầu tư công (sửa đổi), tôi đã tham khảo ý kiến cử tri để góp ý vào nhiều quy định của Luật này nhằm góp phần hạn chế những tiêu cực, lãng phí trong đầu tư công”, đại biểu này cho hay.

Tham khảo ý kiến của cử tri, tôi góp ý vào dự luật để làm rõ nội dung công khai, minh bạch trong đầu tư công ngay từ khâu lập, thẩm định, quyết định chủ trương đầu tư; lập, thẩm định, quyết định chương trình, dự án đầu tư công và lập, thẩm định, phê duyệt, giao, triển khai thực hiện và kế hoạch đầu tư công.

Tôi cũng góp ý bổ sung, làm rõ khoản 2 Điều 14 của dự thảo Luật quy định về trách nhiệm của người đứng đầu trong việc công khai nội dung đầu tư công. Cơ quan, tổ chức, đơn vị phải thực hiện việc công khai các nội dung đầu tư công theo quy định của pháp luật. Vì những hạn chế của dự thảo Luật khi đưa trình nên tôi đề nghị bổ sung và làm rõ khoản 2 Điều 14 của dự thảo Luật quy định về trách nhiệm của người đứng đầu trong việc công khai nội dung đầu tư công, nhất là phải làm rõ 08 vấn đề đặc thù bảo đảm hiệu quả công khai nội dung đầu tư công như đã nêu trên.

Đồng thời, tôi cũng nêu ý kiến để bổ sung, làm rõ vào dự thảo Luật về tiêu chí để được coi là dự án đầu tư công khẩn cấp và người có thẩm quyền quyết định dự án đầu tư công khẩn cấp. Theo đó, để tránh các nguy cơ này và để bảo đảm tính đầy đủ, minh bạch, khả thi, tiết kiệm, hiệu quả của dự án Luật và tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật. Đồng thời rà soát, để bảo đảm tính thống nhất của hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, nhất là thống nhất với Luật Quy hoạch. Từ thực tiễn thời gian qua cho thấy, không ít dự án đầu tư kém hiệu quả đã gây thất thoát, lãng phí, gây bức xúc trong xã hội; ảnh hưởng đến an cư, sinh kế và làm suy giảm niềm tin của cử tri và nhân dân vùng dự án; tiềm ẩn nguy cơ phát sinh tham nhũng… Từ ý kiến của cử tri, tôi cũng làm rõ để bổ sung vào dự thảo Luật 01 điều quy định tiêu chí và phương pháp đánh giá hiệu quả đầu tư về kinh tế - xã hội của dự án đầu tư công...

Để đồng hành tốt hơn nữa…

Chia sẻ với báo chí nhân ngày 21/6 năm nay, cựu ĐBQH Trần Ngọc Vinh cho rằng: Để có thể đồng hành cùng các ĐBQH, hỗ trợ các ĐBQH tốt hơn trong công tác xây dựng pháp luật, báo chí cần chuyên sâu hơn trong các phản ánh, ghi chép của mình. Cần lấy ý kiến của các luật sư, luật gia, các chuyên gia pháp luật khi thực hiện các bài viết. Thông tin báo chí phải chính xác, xác thực để trở thành kênh thông tin tin cậy của đại biểu và những người xây dựng pháp luật.

 Ông Trần Ngọc Vinh (ĐBQH khóa XIII, Ủy viên Ban Thường vụ Hội Luật gia VN): Báo chí đã góp phần quan trọng, đồng hành cùng các ĐBQH góp ý hoàn thiện hơn pháp luật về PCTN trong thời gian qua.
Ông Trần Ngọc Vinh (ĐBQH khóa XIII, Ủy viên Ban Thường vụ Hội Luật gia VN): Báo chí đã góp phần quan trọng, đồng hành cùng các ĐBQH góp ý hoàn thiện hơn pháp luật về PCTN trong thời gian qua.)

Theo ĐBQH Đỗ Đức Hồng Hà, báo chí cần có những cải tiến để cùng đồng hành với các ĐBQH đóng góp tốt hơn cho hoạt động lập pháp. “Khi lấy ý kiến chuyên gia về các vấn đề mà pháp luật điều chỉnh thì cần chọn được chuyên gia đúng lĩnh vực để phỏng vấn. Đối với phóng viên cần nắm chắc mảng pháp luật mà mình phụ trách.”

Luật gia Dương Đình Khuyến thì lưu ý: Báo chí hoạt động trong hoàn cảnh thông tin bùng nổ, đa chiều hiện nay cần hết sức lưu tâm về lựa chọn thông tin. Nội dung báo chí thông tin để góp ý, xây dựng chính sách phải là có tính thực tế, phổ quát, tránh những thông tin phiến diện, chủ quan, gây sốc. Bởi việc xây dựng chính sách là phục vụ cho nhiều đối tượng. Đồng thời báo chí cũng cần lựa chọn những nguồn tin, chuyên gia pháp luật uy tín để có những ý kiến có tính định hướng nhằm xây dựng chính sách có sức sống lâu bền hơn.

Luật gia Khuyến cũng góp ý: trong hoàn cảnh hiện nay, Tạp chí Pháp lý đứng trước cơ hội và thách thức không hề nhỏ. Trước nhiệm vụ là kênh thông tin tuyên truyền phổ biến pháp luật, đăng tải các ý kiến góp ý, xây dựng chính sách pháp luật, cũng là nhiệm vụ chính trị pháp lý của Hội Luật gia Việt Nam, Tạp chí Pháp lý cần tiếp tục đăng tải các tuyến chuyên đề dài kỳ như đã làm đồng thời tăng cường các bài viết của các chuyên gia pháp luật chuyên sâu, để thực sự tạo dấu ấn, bản sắc riêng.

Ủy ban Tư Pháp là cơ quan Thẩm tra dự án Luật Phòng Chống tham nhũng (sửa đổi), các báo cáo của Chính phủ về PCTN. Trong suốt quá trình là đại biểu của Ủy ban này tôi thấy nhận định trong báo chí và thông tin của báo chí có ý nghĩa minh chứng hoặc là cơ sở để Ủy ban xem xét và đưa vào báo cáo thẩm tra - ĐBQH Đỗ Đức Hồng Hà cho biết.

Phan Tĩnh

Bạn đang đọc bài viết "Chung tay hoàn thiện chính sách, pháp luật cũng là cách Báo chí phòng, chống tham nhũng" tại chuyên mục Diễn đàn - Luật gia. Mọi chi tiết xin liên hệ số hotline (0915.999.467) hoặc gửi email về địa chỉ (toasoan@phaply.vn).

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin