Chống nhận hối lộ - vấn đề mấu chốt trong cuộc chiến chống tham nhũng

05/08/2019 15:42

(Pháp lý) - Công cuộc đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực ngày càng quyết liệt, nhưng thực trạng tham nhũng tiêu cực của một bộ phận cán bộ tại các cơ quan bảo vệ pháp luật như Thanh tra, Công an, Kiểm sát, Tòa án… vẫn rất phức tạp. Nguyên nhân do đâu và có thể tham khảo gì từ kinh nghiệm quốc tế cho cuộc đấu tranh này?

Đi tìm nguyên nhân

Trưởng đoàn Thanh tra Bộ Xây dựng bị khởi tố và tạm giam để điều tra về hành vi nhận hối lộ trong khi đi thanh tra các dự án xây dựng tại Vĩnh Phúc, hay mới đây, ngày 1/7, Cơ quan điều tra VKSNDTC đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can và thực hiện Lệnh bắt bị can để tạm giam đối với Phan Quang Huy, nguyên Kiểm sát viên sơ cấp VKSND TP.Sông Công, tỉnh Thái Nguyên về tội "Nhận hối lộ”… là những dẫn chứng mới nhất về một thực trạng đã cũ là cán bộ bảo vệ pháp luật trắng trợn vi phạm pháp luật. Lâu nay, cán bộ ngành Công an, Kiểm sát, Tòa án, Thanh tra… bị xử lý kỷ luật thậm chí truy tố về hành vi vi phạm pháp luật để trục lợi trong khi thực thi quyền hạn của mình không hiếm.

 Trưởng đoàn Thanh tra Bộ Xây dựng bị bắt giữ ở Vĩnh Phúc do có hành vi nhận hối lộ
Trưởng đoàn Thanh tra Bộ Xây dựng bị bắt giữ ở Vĩnh Phúc do có hành vi nhận hối lộ)

Thật ra nguyên nhân dẫn đến tham nhũng, tiêu cực, trục lợi khi thi hành công vụ như vậy đã được nghiên cứu, phân tích kỹ qua nhiều diễn đàn. Khái quát lại, như Thanh tra Chính phủ đã đúc kết, có một số nguyên nhân và điều kiện cơ bản sau đây:

Thứ nhất, phẩm chất đạo đức của một bộ phận cán bộ, đảng viên bị suy thoái; công tác quản lý, giáo dục cán bộ, đảng viên còn yếu kém. Tháng 6/1996, Đại hội Đảng lần thứ VIII nhận định: “Một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên thiếu tu dưỡng bản thân, phai nhạt lý tưởng, mất cảnh giác, giảm ý chí, kém ý thức tổ chức kỷ luật, sa đọa về đạo đức lối sống”. 10 năm sau, ngày 21/8/2006, Nghị quyết Hội nghị lần thứ ba Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá X nhận định: “Một bộ phận không nhỏ đảng viên, cán bộ, công chức suy thoái về tư tưởng chính trị, phẩm chất, đạo đức, lối sống. Không ít cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp, các ngành, kể cả cán bộ lãnh đạo cao cấp, còn thiếu gương mẫu trong việc giữ gìn phẩm chất đạo đức; chưa đi đầu trong cuộc đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí và thực hành tiết kiệm”. Có thể nói tình trạng ngày càng trầm trọng hơn.

Thứ hai, chính sách pháp luật chưa đầy đủ, thiếu đồng bộ. Cơ chế, chính sách, pháp luật có nhiều sơ hở và thậm chí có những vấn đề thiếu nhất quán. Việc phân cấp quản lý giữa Trung ương và địa phương, phân biệt quản lý nhà nước và quản lý sản xuất, kinh doanh có phần chưa rõ. Quá trình cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước diễn ra chậm chạp và thiếu sự kiểm soát chặt chẽ. Cơ chế quản lý tài sản công, quản lý vốn và tài sản trong doanh nghiệp nhà nước còn lỏng lẻo.

Thứ ba, cải cách hành chính vẫn còn chậm và lúng túng, cơ chế “xin - cho” trong hoạt động công vụ còn phổ biến; thủ tục hành chính phiền hà, nặng nề, bất hợp lý.

Thứ tư, việc kiểm soát và minh bạch hoá thu nhập và tài sản của cán bộ, công chức còn gặp nhiều khó khăn. Chế định kê khai tài sản đối với cán bộ, công chức đã được áp dụng nhưng chỉ mang tính hình thức, một phần là do chế độ quản lý tiền tệ và thanh toán qua ngân hàng còn chưa hiệu quả; mặt khác, việc quản lý tài sản, đặc biệt là nhà đất ở nước ta, vì nhiều lý do, hầu như không thực hiện được. Bên cạnh đó, việc không có cơ quan chủ trì, tổng hợp, kiểm tra, xử lý, và không có các quy định về trách nhiệm của cán bộ, công chức trong vấn đề kê khai tài sản đã dẫn đến sự thực thi không triệt để các quy định về kê khai tài sản. Do đó, quan chức không sợ lộ tài sản bất minh.

Thứ năm, sự lãnh đạo, chỉ đạo đối với công tác phòng, chống tham nhũng trong một số trường hợp chưa chặt chẽ, sâu sát, thường xuyên; xử lý chưa nghiêm đối với hành vi tham nhũng.

Thứ sáu, chức năng, nhiệm vụ của nhiều cơ quan nhà nước trong đấu tranh chống tham nhũng chưa rõ ràng, thậm chí chồng chéo, thiếu một cơ chế phối hợp cụ thể, hữu hiệu.

Thứ bảy, thiếu các công cụ phát hiện và xử lý tham nhũng hữu hiệu. Về pháp luật, chúng ta chưa có những quy định cho phép các cơ quan chức năng áp dụng các biện pháp đặc biệt để có thể phát hiện các hành vi tham nhũng. Tham nhũng là một loại tội phạm đặc biệt, chủ thể của nó là những người có chức vụ, quyền hạn, có trình độ, thực hiện hành vi tham nhũng rất tinh vi, khó phát hiện và trong nhiều trường hợp kẻ vi phạm dùng nhiều thủ đoạn, kể cả dưới danh nghĩa nhà nước để cản trở việc điều tra và truy cứu trách nhiệm. Đặc biệt, việc thu thập chứng cứ để chứng minh hành vi phạm tội tham nhũng là cực kỳ khó khăn, nhất là đối với hành vi nhận hối lộ. Các cơ quan tiến hành tố tụng khó khăn trong việc quy trách nhiệm hoặc buộc phải kết luận hành vi sai phạm của họ là “cố ý làm trái…” hoặc “thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”. Đó là những hành vi không bị coi là tham nhũng và có mức xử lý nhẹ hơn hành vi tham nhũng.

Cuối cùng, việc huy động lực lượng đông đảo của nhân dân cũng như sự tham gia của lực lượng báo chí vào cuộc đấu tranh chống tham nhũng còn chưa được quan tâm đúng mức.

Kinh nghiệm quốc tế

Đã nhận thấy rõ nguyên nhân và đi kèm theo các nghiên cứu đó là các giải pháp được đề ra, tuy nhiên rõ ràng kết quả còn rất hạn chế. Nhìn ra nước ngoài thì thấy, ở đâu cũng có tham nhũng, nhưng mức độ khác nhau, có những quốc gia mức độ tham nhũng rất thấp, hầu như không đáng kể như: Đan Mạch, Iceland, New Zealand, Phần Lan, Singapore. Để có một bộ máy công chức trong sạch như vậy do rất nhiều nguyên nhân, điều kiện, trong đó đặc biệt là biện pháp phòng chống tham nhũng rất hiệu quả.

Tổ chức Minh bạch Quốc tế (TI), hàng năm khảo sát khoảng hơn 150 nền kinh tế thế giới, đã nêu lên 3 bài học kinh nghiệm lớn, Việt Nam đương nhiên có thể tham khảo để áp dụng.

Trước hết, chống nhận hối lộ, đây là một vấn đề mấu chốt. TS. Peiter Eigen, nguyên Giám đốc TI khẳng định: “Cuộc đấu tranh chống tham nhũng không nhằm mục tiêu chống đối Chính phủ. Phần nhiều công việc trong chống tham nhũng là chống việc ăn hối lộ của các nhân viên bộ máy công quyền, vì đây là loài sâu mọt và rác rưởi của xã hội”.

Tổ chức TI khuyến cáo: Chống tham nhũng phải hết sức coi trọng chống tệ nạn hối lộ, đặt lên hàng đầu và là nhiệm vụ trung tâm thường xuyên. Hệ thống bộ máy chính quyền từ cơ sở đến Trung ương đạt chỉ số cảm nhận ăn hối lộ ít nhất, triệt tiêu được hối lộ là cơ bản hoàn thành phần lớn nhiệm vụ chống tham nhũng.

Tiếp đến, thực hiện nguyên tắc công khai, minh bạch, liêm khiết giữa chính quyền - doanh nghiệp - cộng đồng xã hội. Chống tham nhũng, nhất là vấn nạn hối lộ, phải được tiến hành và giám sát chặt chẽ trên một lĩnh vực rộng lớn bao gồm cả chính quyền - doanh nghiệp - cộng đồng xã hội. Bởi vì, chính quyền ra quyết định và hưởng bổng lộc. Doanh nghiệp làm ăn phi pháp và đưa hối lộ. Cộng đồng xã hội cũng phải chịu trách nhiệm về thái độ thờ ơ, lãnh đạm hoặc tiếp tay.

Tạo ra bầu không khí xã hội, mà trong đó tất cả dân chúng đều quan tâm đến quyết tâm chính trị cao của chính phủ, hoạt động công minh của các cơ quan thi hành pháp luật. Đây cũng là nguyên tắc “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” của Việt Nam nhưng phải thực hiện cụ thể và thực tế hơn.

Bà Huguette Labelle - Chủ tịch Tổ chức T.I khuyến cáo: Các nước vẫn đang phải đối mặt với hiểm họa tham nhũng ở mọi cấp của Chính phủ, từ việc cấp giấy phép ở địa phương cho đến thi hành các luật và quy định. Tham nhũng trong khu vực công vẫn còn là một trong những thách thức lớn nhất trên thế giới. Những lỗ hổng pháp lý và thiếu quyết tâm chính trị cao đang tạo điều kiện cho tham nhũng tồn tại trong mỗi quốc gia và xuyên biên giới.

Nhiều quan chức trong ngành bảo vệ pháp luật bị xử lý nghiêm minh, nhưng hình như chưa đủ sức răn đe các quan tham khác…?
Nhiều quan chức trong ngành bảo vệ pháp luật bị xử lý nghiêm minh, nhưng hình như chưa đủ sức răn đe các quan tham khác…?)

Hay ở các nước châu Âu, kê khai tài sản rất chặt chẽ. Đó là, các nhân viên của bộ máy cầm quyền, đặc biệt là các nhà lãnh đạo chủ chốt, cấp cao của Chính phủ và địa phương, bắt buộc phải kê khai tài sản một cách rõ ràng, đầy đủ nhất, nhất thiết không được “quên”, không được “sót” như tiền bạc, bất động sản, cổ phiếu… ở trong nước và nước ngoài, kể cả những người thân thiết trong gia đình như cha, mẹ, vợ, con…

Nhà nước hoàn toàn công nhận tài sản hợp pháp của cá nhân, nhưng ủy ban công tố của Nhà nước giám sát rất chặt chẽ những tài sản phát sinh bất minh do tham nhũng. Nhờ đó, xử đúng tội, đúng người, bắt bồi thường và thu hồi được số lượng lớn tài sản tham nhũng.

Láng giềng của Việt Nam, thành viên ASEAN Indonesia thì khuyến khích thành lập công ty tư nhân, tổ chức phi Chính phủ chống tham nhũng đạt hiệu quả cao. Do đó, như Asia for Kroll Associates là một công ty thám tử nổi tiếng khắp châu Á, chuyên điều tra về giá trị tài sản của các nhà độc tài lừng danh trên thế giới. Công ty này phối hợp chặt chẽ với giới truyền thông đã phát hiện nhiều sự kiện tham nhũng làm chấn động dư luận toàn cầu, điển hình như vụ tham nhũng lớn chưa từng có trong lịch sử cận đại của Indonesia. Công ty này đã điều tra Tổng thống độc tài Suharto cùng với tập đoàn thống trị gia đình trị của mình, đã tham nhũng một lượng tiền, tài sản lớn lên tới 15 tỷ USD. Sau mỗi cuộc chống tham nhũng thành công, công ty này được thưởng 5-10% số lượng tài sản tham nhũng bằng tiền để nuôi dưỡng bộ máy tiếp tục hoạt động.

Ở Hàn Quốc, người dân chống tham nhũng đúng, được cơ quan chống tham nhũng bảo vệ rất tốt. Cơ quan chống tham nhũng của Hàn Quốc có uy lực và quyền uy rất lớn. Người dân Hàn Quốc chống tham nhũng đúng nhưng bị trù dập, gây khó dễ, mất việc làm… cơ quan chống tham nhũng ngay lập tức vào cuộc, yêu cầu doanh nghiệp và cơ quan nhà nước trong vòng 30 ngày phải phục hồi công việc cho người tố cáo. Chưa có một trường hợp nào doanh nghiệp hoặc cơ quan nhà nước không chấp hành quyết định của cơ quan chống tham nhũng.

Singapore là quốc gia nằm trong tốp 5 trong sạch nhất thế giới. Họ thành công vì thực hiện cơ chế không cần tham nhũng, không thể tham nhũng và không dám tham nhũng. Theo đó, các viên chức nhà nước, nhất là cán bộ lãnh đạo cấp cao, các chuyên gia, người lao động làm công ăn lương… đều được trả lương cao, đủ nuôi sống gia đình, còn có của ăn của để, hơn nữa, phúc lợi xã hội công cộng rất ưu việt. Các quy định, điều khoản trong hành lang pháp lý chống tham nhũng đối với nhân viên bộ máy công quyền, nhất là cán bộ cấp cao được xác lập rất đầy đủ, xác thực: Phải kê khai tài sản rõ ràng về tiền bạc, bất động sản, cổ phiếu… của cá nhân và người thân thiết trong gia đình như cha mẹ, vợ con, anh em ruột; Các Bộ trưởng chỉ làm nhiệm vụ quản lý Nhà nước, không được trực tiếp tham gia điều hành các đơn vị sản xuất, kinh doanh… thuộc quyền. Đặc biệt là người phạm tội tham nhũng, không chỉ bị bãi nhiệm, tịch thu tài sản, bồi thường, đi tù… mà khi nghỉ hưu thì mọi ưu đãi của Nhà nước đều bị cắt bỏ, sống như mọi thường dân. Không có ngoại lệ, vùng cấm, đặc ân cho bất kỳ một ai, kể cả người lãnh đạo cao nhất nếu phạm tội tham nhũng.

**

Từ thực tế đất nước, cũng như tham khảo kinh nghiệm quốc tế, rõ ràng yêu cầu thực hành cơ chế kiểm soát quyền lực nhà nước đang được đặt ra một cách cấp thiết. Để các thiết chế quyền lực thực hiện đúng chức năng cần hệ thống pháp luật tốt, sự nhạy cảm nhận thức chức năng liên quan đến các nhiệm vụ thực thi của các chủ thể. Đặc biệt, không thể bỏ qua năng lực, phẩm chất đạo đức công vụ, đạo đức chính trị của con người trong thực thi công quyền.

Ngoài ra, yêu cầu thực hành cơ chế kiểm soát quyền lực thông qua các mối quan hệ khác như sự tác động lẫn nhau, gây ảnh hưởng đến nhau giữa các tổ chức, giữa các cấp quyền lực trong một tổ chức. Và để bảo đảm hiệu lực, hiệu quả của việc thực hành cơ chế kiểm soát quyền lực cần bảo đảm quyền của người dân một cách rộng rãi./.

Minh Khôi

Bạn đang đọc bài viết "Chống nhận hối lộ - vấn đề mấu chốt trong cuộc chiến chống tham nhũng" tại chuyên mục Diễn đàn - Luật gia. Mọi chi tiết xin liên hệ số hotline (0915.999.467) hoặc gửi email về địa chỉ (toasoan@phaply.vn).

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin