Chính sách thuế hỗ trợ Doanh nghiệp vừa và nhỏ trong đại dịch của Việt Nam so với một số nước

30/08/2021 09:20

(Pháp lý) – Trong bối cảnh tình hình dịch bệnh lại tiếp tục bùng phát khiến doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ (DNVVN) gặp vô cùng khó khăn. Việt Nam cơ bản cũng đã ban hành nhiều chính sách, đặc biệt là các giải pháp về thuế, để hỗ trợ các doanh nghiệp vượt qua khó khăn do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Tuy nhiên, ý kiến một số chuyên gia cho rằng, nếu so với các nước trên thế giới, chính sách giãn, giảm 30% thuế TNDN của chúng ta vẫn là chưa đủ.

Do đó, để vừa hỗ trợ doanh nghiệp, vừa cân bằng lợi ích nhà nước với lợi ích của doanh nghiệp, Chính phủ và các cơ quan chức năng cần tham khảo, nghiên cứu kinh nghiệm một số quốc gia trên thế giới đang làm như: miễn, giảm thuế, kéo dài thời gian chuyển lỗ hoặc giảm trừ chi phí khi tính thuế; miễn và hoàn thuế GTGT…

Doanh nghiệp tạm thời đóng cửa, ngừng hoạt động trong 4 tháng đầu năm 2021 vẫn tăng gần 30% so với cùng kỳ năm trước.

DNVVN chiếm hơn 90% số doanh nghiệp tạm thời đóng cửa, ngừng hoạt động trong 4 tháng đầu năm 2021

Theo thông tin từ cục quản lý kinh doanh về tình hình đăng ký doanh nghiệp tháng 4 và 4 tháng đâu năm 2021 đăng tải trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp mới đây, số lượng doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh trong 4 tháng đầu năm 2021 là 28.349 doanh nghiệp, tăng 24,9% so với cùng kỳ năm 2020.

Theo đó, số lượng doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh trong 4 tháng đầu năm 2021 tăng ở tất cả 17 lĩnh vực. Trong đó: Sản xuất phân phối, điện, nước, gas (269 doanh nghiệp, tăng 128%); Y tế và hoạt động trợ giúp xã hội (89 doanh nghiệp, tăng 56,1%); Giáo dục và đào tạo (606 doanh nghiệp, tăng 49,6%); Khai khoáng (181 doanh nghiệp, tăng 40,3%); Kinh doanh bất động sản (842 doanh nghiệp, tăng 35,2%); Khoa học, công nghệ; dịch vụ tư vấn, thiết kế; quảng cáo và chuyên môn khác (1.878 doanh nghiệp, tăng 34,5%); Dịch vụ việc làm; du lịch; cho thuê máy móc thiết bị, đồ dùng và các dịch vụ hỗ trợ khác (1.752 doanh nghiệp, tăng 32,6%) và Thông tin và truyền thông (627 doanh nghiệp, tăng 30,1%).

Đáng chú ý, Doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh tập trung chủ yếu là DNVVN với quy mô vốn từ 0 – 10 tỷ đồng với 25.919 doanh nghiệp (chiếm 91,4%, tăng 24,1% so với cùng kỳ năm 2020). Ở quy mô từ 10 - 20 tỷ đồng có 1.366 doanh nghiệp (chiếm 4,8%, tăng 39,2% so với cùng kỳ năm 2020); từ 20 - 50 tỷ đồng có 664 doanh nghiệp (chiếm 2,3%, tăng 29,2% so với cùng kỳ năm 2020); từ 50 - 100 tỷ đồng có 230 doanh nghiệp (chiếm 0,8%, tăng 13,9% so với cùng kỳ năm 2020) và quy mô trên 100 tỷ đồng có 170 doanh nghiệp (chiếm 0,6%, tăng 49,1% so với cùng kỳ năm 2020).

Theo báo cáo của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) công bố mới đây cho thấy, hơn 87% doanh nghiệp, gồm cả doanh nghiệp tư nhân trong nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), trong năm 2020 bị ảnh hưởng bởi Covid-19. Tỷ lệ doanh nghiệp cho biết ảnh hưởng của Covid-19 là “hoàn toàn tiêu cực” lần lượt là 15% với doanh nghiệp tư nhân trong nước và 13% với doanh nghiệp FDI.

Chính sách thuế hỗ trợ DNVVN của Việt Nam (?)

Để hỗ trợ các doanh nghiệp, đặc biệt các DNVVN bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, chính phủ cũng đã tung ra nhiều gói cứu trợ kinh tế lên tới hàng trăm nghìn tỷ đồng. Đáng chú ý, bên cạch các gói cứu trợ kinh tế, trong năm 2020, Chính phủ đã triển khai nhiều giải pháp chính sách thuế linh hoạt như miễn giảm, giãn thuế, phí và lệ phí, tiền thuê đất với gần 124.000 tỉ đồng, hỗ trợ kịp thời cho doanh nghiệp, hộ kinh doanh vượt qua khó khăn do đại dịch COVID-19.

DNVVN đang rất cần được hỗ trợ miễn, giảm thuế TNDN, thuế GTGT…

Cụ thể, hồi tháng 09/2020 Chính phủ ban hành Nghị định 114/2020/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành Nghị quyết số 116/2020/QH14 của Quốc hội về giảm thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) phải nộp của năm 2020 đối với doanh nghiệp, hợp tác xã, đơn vị sự nghiệp và tổ chức khác.

Theo đó, Nghị định nêu rõ, giảm 30% số thuế TNDN phải nộp của kỳ tính thuế TNDN năm 2020 đối với trường hợp doanh nghiệp có tổng doanh thu năm 2020 không quá 200 tỷ đồng.

Trước đó, hồi tháng 4/2020, Chính phủ đã ban hành Nghị định 41/2020/NĐ-CP gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất nhằm tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân…bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

Mới đây nhất, ngày 19/4/2021, Chính phủ ban hành Nghị định 52/2021/NĐ-CP ngày 19/4/2021 về gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất trong năm 2021.

Nghị định nêu rõ, gia hạn thời hạn nộp thuế đối với số thuế giá trị gia tăng phát sinh phải nộp (bao gồm cả số thuế phân bổ cho các địa phương cấp tỉnh khác nơi người nộp thuế có trụ sở chính, số thuế nộp theo từng lần phát sinh) của kỳ tính thuế từ tháng 3 đến tháng 8 năm 2021 (đối với trường hợp kê khai thuế giá trị gia tăng theo tháng) và kỳ tính thuế quý 1, quý 2 năm 2021 (đối với trường hợp kê khai thuế giá trị gia tăng theo quý) của các doanh nghiệp, tổ chức.

Thời gian gia hạn là 05 tháng đối với số thuế giá trị gia tăng từ tháng 3 đến tháng 6 năm 2021 và quý 1, quý 2 năm 2021, thời gian gia hạn là 04 tháng đối với số thuế giá trị gia tăng của tháng 7 năm 2021, thời gian gia hạn là 03 tháng đối với số thuế giá trị gia tăng của tháng 8 năm 2021…

Cụ thể, đối với thuế thu nhập doanh nghiệp: Gia hạn thời hạn nộp thuế đối với số thuế thu nhập doanh nghiệp tạm nộp của quý 1, quý 2 kỳ tính thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2021 của doanh nghiệp, tổ chức thuộc đối tượng nêu trên. Thời gian gia hạn là 03 tháng, kể từ ngày kết thúc thời hạn nộp thuế thu nhập doanh nghiệp theo quy định của pháp luật về quản lý thuế.

Đối với thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập cá nhân của hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh: Gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập cá nhân đối với số tiền thuế phát sinh phải nộp năm 2021 của hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh hoạt động trong một số ngành kinh tế, lĩnh vực cụ thể được gia hạn chậm nhất đến ngày 31/12/2021.

Đối với tiền thuê đất: Gia hạn thời hạn nộp tiền thuê đất là 6 tháng kể từ ngày 31/5/2021 đối với số tiền thuê đất phải nộp kỳ đầu năm 2021 của doanh nghiệp, tổ chức, hộ kinh doanh, cá nhân thuộc đối tượng quy định nêu trên đang được Nhà nước cho thuê đất trực tiếp theo Quyết định hoặc Hợp đồng của cơ quan nhà nước có thẩm quyền dưới hình thức trả tiền thuê đất hàng năm…

Có thể thấy, thời gian qua, Việt Nam cơ bản cũng đã ban hành nhiều chính sách, đặc biệt là các giải pháp về thuế, để hỗ trợ các doanh nghiệp vượt qua khó khăn do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Các giải pháp nêu trên sẽ góp phần quan trọng giúp các doanh nghiệp vượt qua khó khăn trong giai đoạn dịch bệnh hiện nay. Đặc biệt, việc gia hạn nộp thuế sẽ giúp các doanh nghiệp giải quyết được bài toán về dòng tiền, dành nguồn lực tập trung duy trì và phục hồi sản xuất - kinh doanh.

Nhiều DN cho biết, dù QH đã có nghị quyết giảm 30% thuế thu nhập cho doanh nghiệp từ ngày 19/6/2020, nhưng do ảnh hưởng của dịch COVID-19, phần lớn doanh nghiệp nhỏ và vừa không thể có doanh thu cũng như phát sinh lãi nên giảm thuế thu nhập doanh nghiệp hầu như không có tác dụng đối với doanh nghiệp.

Tuy nhiên, theo một số chuyên gia, với diễn biến dịch bệnh COVID-19 khá phức tạp thời gian qua, doanh nghiệp thuộc nhiều ngành, lĩnh vực gặp khó khăn, đình trệ sản xuất và sụt giảm doanh số, nhiều doanh nghiệp có quy mô nhỏ đã phải thu hẹp sản xuất hoặc tạm ngừng hoạt động, nếu chỉ giãn, hoãn thuế thì cũng chỉ như cho vay không lãi suất.

Thậm chí, Bà Nguyễn Thị Khánh (chủ tịch Hiệp hội Du lịch TP.HCM) có ý kiến cho rằng, dù Chính phủ đã có nghị quyết giảm 30% thuế thu nhập cho doanh nghiệp từ ngày 19/6/2020 nhưng do ảnh hưởng của dịch COVID-19, phần lớn doanh nghiệp nhỏ và vừa không thể có doanh thu cũng như phát sinh lãi nên giảm thuế thu nhập doanh nghiệp hầu như không có tác dụng đối với doanh nghiệp.

Bà Khánh đề xuất xem xét hỗ trợ giảm 50% tiền thuê đất của các cơ sở lưu trú trong hai năm 2021-2022. Hỗ trợ áp dụng mức giá điện theo đơn giá điện sản xuất cho các cơ sở kinh doanh nhà hàng, dịch vụ lưu trú du lịch trong năm 2021. Xem xét giảm thuế VAT từ 10% xuống 5% trong năm 2021…

Trong khi đó, theo Ông Nguyễn Văn Được, tổng giám đốc Công ty TNHH kế toán và tư vấn thuế Trọng Tín, Luật hỗ trợ DN vừa và nhỏ có hiệu lực từ năm 2018, các DN vừa và nhỏ, DN siêu nhỏ được hưởng mức thuế suất 15-17% nhưng đến nay chính sách này vẫn chưa áp dụng. Do vậy, cần sớm thực hiện giảm thuế cho các DN vừa và nhỏ, siêu nhỏ theo lộ trình của luật.

Ngoài ra, với một số lĩnh vực đặc biệt, bên cạnh việc đề nghị thời gian gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng thêm 5 tháng, cũng nên nghiên cứu giảm 50% thuế này để kích cầu.

"Đặc biệt, cần kế thừa chính sách giảm 30% tiền thuế thu nhập DN phải nộp của năm 2021 như đã áp dụng trong năm 2020", ông Được nói.

Chính sách thuế mạnh mẽ hỗ trợ DNVVN trong đại dịch của một số nước

Là quốc gia đầu tiên trên thế giới ghi nhận ca mắc COVID-19, như bao nước khác, Trung Quốc không thể tránh khỏi những tác động tiêu cực của đại dịch đến nền kinh tế. Để cứu nền kinh tế trước sự khủng hoảng trầm trọng do tác động của dịch Covid-19, Trung Quốc đã liên tiếp tung ra các gói cứu trợ lên tới 500 tỷ USD nhằm giúp đỡ các nhà máy và doanh nghiệp Trung Quốc gặp khó khăn vì dịch bệnh.

Đáng chú ý, bên cạnh việc đưa ra các gói kính thích kinh tế, Trung quốc còn đưa ra nhiều chính sách kinh tế khác, trong đó có các chính sách thuế nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp. Tính từ ngày 1/1 đến ngày 17/ 3/2020, Trung Quốc đã ban hành 14 văn bản quy phạm pháp luật để hỗ trợ doanh nghiệp cắt giảm thuế và phí. Đặc biệt, đối với các DNVVN, có 3 văn bản của Bộ Tài chính và Tổng cục Thuế về gia hạn thời gian quyết toán thuế, kéo dài thời gian chuyển lỗ, miễn thuế GTGT cho DNVVN …

Để hỗ trợ doanh nghiệp tư nhân phục hồi sản xuất kinh doanh, Trung Quốc cho phép miễn thuế GTGT cho người nộp thuế quy mô nhỏ ở tỉnh Hồ Bắc, giảm thuế từ 3% xuống 1% cho người nộp thuế bên ngoài tỉnh Hồ Bắc (tính từ ngày 1/3/2020 đến 31/3/2020), cắt giảm hoặc miễn thuế sử dụng đất. Thời hạn thu thuế TNCN, thuế TNDN sẽ được chuyển từ ngày 30/3/2020 đến ngày 30/5/2020. Doanh nghiệp bị ảnh hưởng nặng nề của đại dịch có thể chuyển lỗ của năm 2020 đến 8 năm (thay vì 5 năm như quy định hiện tại), doanh nghiệp nhỏ được miễn nộp thuế GTGT trong 1 giai đoạn nhất định.

Đối với Doanh nghiệp sản xuất những hàng hóa và vật tư quan trọng để phòng chống dịch bệnh có thể được khấu trừ luôn toàn bộ giá trị tài sản cố định trong kỳ tính thuế TNDN năm 2020. Doanh nghiệp nộp thuế GTGT theo tháng cũng có thể được hoàn thuế ngay theo tháng. Doanh thu từ việc chuyên chở hàng hóa cấp thiết, quan trọng phục vụ phòng chống dịch có thể được miễn thuế GTGT…

Tại Thái Lan, doanh nghiệp được gia nộp thuế TNDN đến tháng 9, gia hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt của các doanh nghiệp dịch vụ thêm một tháng, các nhà sản xuất gia hạn đến ngày 15 của tháng tiếp theo trong 3 tháng tới. Miễn thuế nhập khẩu đối với các sản phẩm liên quan đến phòng ngừa và điều trị Covid-19. Miễn thuế và giảm phí cho tái cơ cấu nợ với các chủ nợ của tổ chức phi tài chính.

Các DNNVV đủ điều kiện có thể yêu cầu khấu trừ 150% chi phí lãi vay cho các khoản vay có được theo sáng kiến tài trợ của Chính phủ để cung cấp 150 tỷ baht cho các doanh nghiệp nhỏ với lãi suất 2% trong hai năm đầu. DNNVV có thể khấu trừ 300% chi phí tiền lương trả cho người lao động trong khoảng thời gian từ tháng 4 đến tháng 7/2020 khi tính thuế TNDN.

Để đủ điều kiện khấu trừ, doanh nghiệp phải đáp ứng các điều kiện: Doanh thu hàng năm của DNNVV không vượt quá 500 triệu baht (gần 400 tỷ đồng); tổng số nhân viên không quá 200 người; mức lương đủ điều kiện khấu trừ 300% không vượt quá 15.000 baht mỗi tháng cho mỗi nhân viên; nhân viên phải được bảo hiểm theo quỹ an sinh xã hội; số lượng nhân viên được bảo hiểm trong giai đoạn nói trên không được thấp hơn số lượng nhân viên được bảo hiểm tại ngày 31/12/2019.

Doanh nghiệp xuất khẩu sẽ nhận được tiền hoàn thuế GTGT nhanh hơn thông thường. Nếu khai thuế GTGT qua hệ thống điện tử, việc hoàn thuế GTGT sẽ được giải quyết trong vòng 15 ngày (so với thời hạn thông thường là 30 ngày). Nếu khai thuế qua hồ sơ giấy, việc hoàn thuế GTGT được giải quyết trong vòng 45 ngày (so với thời hạn 60 ngày thông thường). Các khoản quyên góp của doanh nghiệp để hỗ trợ phòng chống dịch được miễn thuế GTGT.

Còn ở Hàn Quốc, Chính phủ cũng giảm thuế GTGT với doanh nghiệp có doanh thu hàng năm ít hơn 60 triệu won. Giảm thuế cho những doanh nghiệp cư trú tại vùng thảm họa đặc biệt bao gồm Daegu, Gyeongsan, Bonghwa và Cheongdo, cụ thể: giảm thuế doanh nghiệp lên tới 60% cho các công ty nhỏ bị ảnh hưởng và lên đến 30% cho các công ty vừa bị ảnh hưởng, mức giảm tối đa 200 triệu won/doanh nghiệp. Thời hạn kê khai và nộp thuế có thể kéo dài thêm 9 tháng cho các công ty bị ảnh hưởng đặc biệt do Covid-19.

Hỗ trợ thuế có thể được cung cấp cho các công ty nước ngoài mà mở rộng hoạt động đầu tư trong nước, bao gồm giảm thuế 100% trong 3 hoặc 5 năm, cùng với giảm 50% trong 2 năm tiếp theo. Miễn thuế GTGT cho người nộp thuế có doanh thu dưới 40 triệu won trong năm 2020 (mức cũ là 30 triệu won). Hạn mức khấu trừ chi phí giải trí trong tổng chi phí của doanh nghiệp năm 2020 được tăng lên 0,35% doanh thu.

Chính quyền liên bang Bỉ hồi tháng 3/2020 đã công bố một loạt các biện pháp giảm thuế nhằm ứng phó với đại dịch COVID-19 như giảm 50% thuế GTGT phải nộp cho những doanh nghiệp gặp khó khăn vì dịch bệnh…

Thay lời kết

Thiết nghĩ, dù thuế là nguồn thu chủ yếu của ngân sách nhà nước và hiện ngân sách cũng gặp nhiều khó khan, nhưng trong tình hình dịch bệnh lại tiếp tục bùng phát khiến doanh nghiệp, đặc biệt là DNVVN đang vô cùng khó khăn. Chúng ta vẫn cần xem xét miễn giảm thuế và tiền thuê đất, thay vì gia hạn thời gian nộp thêm 3-5 tháng để hỗ trợ sản xuất. Bởi, sản xuất có phát triển thì ngân sách nhà nước mới có nguồn thu.

Do đó, theo chúng tôi, để vừa đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sản xuất kinh doanh, vừa cân bằng lợi ích nhà nước với lợi ích của doanh nghiệp, Chính phủ và các cơ quan chức năng cần tham khảo, học tập kinh nghiệm mà nhiều quốc gia trên thế giới như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Thái Lan, Đức, Bỉ… đang làm. Họ đã thực hiện việc miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, kéo dài thời gian chuyển lỗ hoặc giảm trừ chi phí khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp; miễn và hoàn thuế giá trị gia tăng đối với một số hàng hoá, dịch vụ phục vụ phòng chống dịch bệnh; gia hạn thời hạn kê khai, nộp thuế…

Thái Dương – Xuân Trường

Bạn đang đọc bài viết "Chính sách thuế hỗ trợ Doanh nghiệp vừa và nhỏ trong đại dịch của Việt Nam so với một số nước" tại chuyên mục Diễn đàn - Luật gia. Mọi chi tiết xin liên hệ số hotline (0915.999.467) hoặc gửi email về địa chỉ (toasoan@phaply.vn).

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin