Chặn tham nhũng đất đai bằng quy định của pháp luật hình sự, đã hiệu quả chưa?

08/12/2018 13:35

(Pháp lý) - Thời gian gần đây, đã có rất nhiều quan chức bị xử lý hình sự vì có hành vi làm trái các quy định về quản lý đất đai, tiếp tay cho tư nhân trục lợi. Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng để chống tham nhũng trong lĩnh vực đất đai hiệu quả thì cần tiếp tục hoàn thiện những quy định và chế tài của pháp luật hình sự để xử lý đúng tội, không bỏ lọt tội và trừng trị thật nghiêm các quan tham “ăn đất”, trục lợi từ đất.

Hệ thống tội danh đã rõ ràng

Dưới góc nhìn của Luật sư Vũ Lợi (Đoàn Luật sư TP. Hà Nội) thì các quy định trong Bộ luật Hình sự 2015 liên quan đến các chế tài xử lý các đối tượng có hành vi vi phạm các quy định của Luật Đất đai khá rõ ràng.

Về phía người sử dụng đất vi phạm, Bộ luật Hình sự quy định tại Điều 228, tội vi phạm các quy định về sử dụng đất đai. Chủ thể của tội này là người có hành vi lấn chiếm đất, chuyển quyền sử dụng đất hoặc sử dụng đất trái với các quy định của pháp luật về quản lý và sử dụng đất đai, nếu đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm…

Các cựu quan chức ở Đồng Tâm (Mỹ Đức) hầu tòa vì đất.
Các cựu quan chức ở Đồng Tâm (Mỹ Đức) hầu tòa vì đất.)

Liên quan đến việc quản lý đất đai, hành vi vi phạm của người quản lý (thường là người có chức vụ quyền hạn có thể bị xử lý bằng các tội danh khác nhau như: Tội nhận hối lộ (điều 354); tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng (điều 360). Tội vi phạm các quy định về quản lý đất đai (điều 229); Tội vi phạm quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất (điều 230). Theo đó, tùy vào mục đích, mức độ, hành vi, hậu quả của tội phạm mà bị xem xét ở các tội danh khác nhau.

Theo đó, nhóm đối tượng quản lý đất đai, thường sẽ phải đối diện với tội danh Tội vi phạm các quy định về quản lý đất đai. Cụ thể: Người nào lợi dụng hoặc lạm dụng chức vụ, quyền hạn giao đất, thu hồi, cho thuê, cho phép chuyển quyền sử dụng, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất trái quy định của pháp luật thuộc một trong các trường hợp với định lượng thiệt hại khác nhau thì có thể bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm; Khoản 2 có khung hình phạt từ 02 năm đến 07 năm; Khoản 3 có khung hình phạt từ 05 năm đến 12 năm: Hình phạt bổ sung là Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 150.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

Cũng trong hoạt động quản lý đất đai thì người nào có hành vi vi phạm quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất; Vi phạm quy định của pháp luật về bồi thường về tài sản, về sản xuất kinh doanh thì bị phạt tù đến 3 năm. Khoản 2 có khung hình phạt từ 03 năm đến 12 năm; Khoản 3 có khung hình phạt từ 10 năm đến 20 năm. Hình phạt bổ sung là người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

Nhiều quan chức vì đất mà vướng vòng lao lý

image001Thực tế thì đã có những vụ án, mà quan chức vì đất mà vướng vòng lao lý. Cụ thể gần đây, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố bị can và lệnh bắt bị can để tạm giam đối với Trần Văn Minh - nguyên Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng và ra quyết định khởi tố bị can và áp dụng lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú đối với Văn Hữu Chiến - nguyên Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng về các hành vi “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí” quy định Điều 219 Bộ luật Hình sự năm 2015 và “Vi phạm các quy định của nhà nước về quản lý đất đai” quy định tại Điều 229 Bộ luật Hình sự năm 2015. Cơ quan này cũng đã ra quyết định khởi tố bị can và áp dụng lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú đối với nhiều người nguyên là cán bộ quản lý đất đai như ông Nguyễn Điểu- nguyên Giám đốc Sở Tài nguyên Môi trường TP. Đà Nẵng, Trần Văn Toán - nguyên Phó Giám đốc Sở Tài nguyên Môi trường TP. Đà Nẵng; Lê Cảnh Dương - Giám đốc Ban xúc tiến và hỗ trợ đầu tư TP. Đà Nẵng cùng về hành vi “Vi phạm các quy định của nhà nước về quản lý đất đai” quy định tại Điều 229 Bộ luật Hình sự năm 2015.

Trước đó, tại tỉnh Sơn La, liên quan đến bồi thường và giải phóng mặt bằng khi nhà nước thu hồi đất, Công an tỉnh Sơn La cũng ra quyết định khởi 17 bị can liên quan tới việc đền bù Dự án Thủy điện Sơn La. Theo đó, từ năm 2015 đến nay, trong quá trình thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ đất nông nghiệp khu vực mặt bằng công trường Nhà máy thủy điện Sơn La, các đối tượng đã có nhiều sai phạm ở các khâu: đo đạc, lập bản đồ địa chính, thẩm định, thu hồi và bồi thường hỗ trợ không đúng quy định, gây thiệt hại cho Nhà nước. Lúc này, các quy định mới của BLHS 2015 (sửa đổi 2017) chưa có hiệu lực nên 15 bị can trong vụ án bị xem xét về tội danh “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng và Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”.

Tại Hà Nội, một vụ án nóng ở Đồng Tâm (Mỹ Đức) cũng liên quan đến đất và hàng loạt quan xã, quan huyện đã bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Theo cáo buộc của nhà chức trách, trước năm 1995, UBND xã Đồng Tâm (huyện Mỹ Đức, Hà Nội) quy hoạch khu vực Rộc Già, thôn Đồng Mít xây dựng chợ đầu mối nông sản, ra thông báo mỗi hộ kinh doanh được mua một suất đất với giá 200.000 đồng/60m2. Đến năm 2002 khi UBND xã đo đạc, điều chỉnh bản đồ đất thổ cư, các cán bộ của xã này đã tự chia cho nhau mỗi người một suất đất mặt đường. Vào cuối năm 1996, UBND tỉnh Hà Tây cũ ra quyết định số 868 thu hồi diện tích 5.400 m2 đất do xã Đồng Tâm quản lý, giao cho 49 hộ dân làm nhà ở theo diện cấp đất giãn dân. Sau lần cấp đất giãn dân nêu trên, một số "quan xã" Đồng Tâm tiếp tục tổ chức đấu thầu đất trái phép, giao đất không đúng đối tượng, sau đó tìm cách hợp thức hóa. Nhà chức trách phát hiện, quá trình đấu thầu, xét cấp giãn dân, đổi đất... có 63 hộ không đủ điều kiện vẫn được nhận đất với tổng diện tích hơn 6.000 m2. Các quan xã ở Đồng Tâm đã bị truy cứu tội “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong thi hành công vụ”. Bản án sơ thẩm đã tuyên các quan xã Đồng Tâm từ 18 đến 42 tháng tù.

Trong vụ án trên, một số cán bộ huyện Mỹ Đức cũng bị truy cứu trách nhiệm hình sự và bị xử tù về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”. Cụ thể: Phạm Hữu Sách (nguyên Trưởng phòng Tài nguyên - Môi trường huyện) 24 tháng tù, cho hưởng án treo; Đinh Văn Dũng (nguyên Giám đốc Văn phòng đăng ký đất đai huyện) 36 tháng tù; Bạch Văn Đông (nguyên Phó Giám đốc Văn phòng đăng ký đất đai huyện) 30 tháng tù; Trần Trung Tấn (nguyên cán bộ Văn phòng đăng ký đất đai huyện) 24 tháng tù, cho hưởng án treo.

Vài băn khoăn về xử lý hình sự trong lĩnh vực quản lý đất đai

Là Luật sư thường xuyên hỗ trợ người dân đòi quyền lợi hợp pháp về đất đai, Luật sư Vũ Lợi bày tỏ quan điểm, thực tế khiếu kiện về đất đai là hoạt động khiếu kiện nóng bỏng nhất. Người dân khiếu kiện về đất đai rất khổ do những hạn chế lớn từ công tác quản lý đất đai. Thường thì, người đi khiếu kiện phải đối diện với thời gian khiếu kiện kéo dài thì công lý mới được thực thi. Trong những vụ việc như vậy, cán bộ quản lý đất đai vừa làm sai lại vừa cố tình không nhận sai. Tuy nhiên có không ít vụ việc, các quyết định hành chính liên quan bị hủy do cán bộ làm sai, do không nhận sai, các hành vi hành chính sai của cán bộ làm dân khiếu kiện khổ sở… nhưng rất hiếm khi trách nhiệm hình sự được đặt ra.

Luật sư Vũ Lợi cho rằng, chế tài xử lý đối với các hành vi vi phạm các quy định về quản lý đất đai, bồi thường, hỗ trợ tái định cư còn chưa đủ sức răn đe
Luật sư Vũ Lợi cho rằng, chế tài xử lý đối với các hành vi vi phạm các quy định về quản lý đất đai, bồi thường, hỗ trợ tái định cư còn chưa đủ sức răn đe)

Luật sư Lợi cũng bày tỏ băn khoăn, trong cấu thành hành vi phạm tội liên quan đến quản lý đất đai, cụ thể là tội danh quy định tại Điều 229 BLHS 2015 thì định lượng hậu quả dẫn đến phải chịu trách nhiệm hình sự còn bất cập. Cụ thể, Luật định phải có hành vi lợi dụng hoặc lạm dụng chức vụ, quyền hạn giao đất, thu hồi, cho thuê, cho phép chuyển quyền sử dụng, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất trái quy định của pháp luật thuộc một trong các trường hợp sau đây “Đất trồng lúa có diện tích từ 5.000 mét vuông (m2) đến dưới 30.000 mét vuông (m2); đất rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, rừng sản xuất có diện tích từ 10.000 mét vuông (m2) đến dưới 50.000 mét vuông (m2); đất nông nghiệp khác và đất phi nông nghiệp có diện tích từ 10.000 mét vuông (m2) đến dưới 40.000 mét vuông (m2); Đất có giá trị quyền dụng đất được quy thành tiền từ 500.000.000 đồng đến dưới 2.000.000.000 đồng đối với đất nông nghiệp hoặc từ 1.000.000.000 đồng đến dưới 5.000.000.000 đồng đối với đất phi nông nghiệp; Đã bị kỷ luật mà còn vi phạm”... thì mới bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Điều luật định lượng hậu quả thiệt hại quá lớn, dẫn đến khó xử lý hình sự cán bộ có vi phạm vừa và nhỏ. Quan chức quản lý đất đai là người hiểu biết, nên họ có thể dễ dàng nắm được và biết cách lách qua điều luật này.

Tương tự, đối với tội danh “Tội vi phạm quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất” thì phải “gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng hoặc dưới 100.000.000 đồng nhưng đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm” thì mới bị xử lý hình sự … Theo Luật sư Vũ Lợi: Quy định và chế tài như vậy không đủ sức răn đe và không thể làm giảm tội phạm liên quan đến lĩnh vực quản lý đất đai.

Gần đây, các quan chức bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “Vi phạm các quy định về quản lý đất đai” khá nhiều. Tuy nhiên, trong cấu thành tội danh này, không có yếu tố vụ lợi. Dư luận cho rằng truy tố họ về tội danh này liệu có đúng thực tế không, bởi khó ai tin được các quan chức này cố tình vi phạm các quy định về quản lý đất đai để giúp, làm lợi cho các doanh nghiệp và cá nhân mà họ (các quan chức – PV) lại không được “trả công” và không được tí “lợi lộc” nào??? Đây là một thực tế mà dư luận đòi hỏi các cơ quan bảo vệ pháp luật cần làm rõ.

Phan Phan

Bạn đang đọc bài viết "Chặn tham nhũng đất đai bằng quy định của pháp luật hình sự, đã hiệu quả chưa?" tại chuyên mục Diễn đàn - Luật gia. Mọi chi tiết xin liên hệ số hotline (0915.999.467) hoặc gửi email về địa chỉ (toasoan@phaply.vn).

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin