Chặn gian lận khấu trừ, hoàn thuế GTGT: Kinh nghiệm từ một số quốc gia trên thế giới

23/11/2022 12:40

Nghiên cứu kinh nghiệm của các nước trên thế giới trong việc quản lý và hạn chế gian lận hoàn thuế GTGT cho thấy mỗi nước đều có phương thức quản lý thuế khác nhau. Từ đó rút ra bài học kinh nghiệm hữu ích cho Việt Nam trong ngăn chặn gian lận khấu trừ, hoàn thuế GTGT trong thời gian tới.

(Pháp lý) - Thuế GTGT có ưu điểm là đánh vào giá trị tăng thêm của hàng hóa, dịch vụ ở từng khâu sản xuất và lưu thông cho đến tiêu dùng, cho phép người nộp thuế được khấu trừ thuế ở các giai đoạn trước và người nộp thuế được hoàn lại số thuế đã nộp mà chưa được khấu trừ hết, do đó tránh được trùng lặp thuế. Tuy nhiên, thuế GTGT cũng có nhược điểm là dễ bị gian lận, nhất là ở khâu hoàn thuế.

Cục Thuế TP.HCM đang thực hiện truy thu tiền hoàn thuế GTGT với Thuduc House

Hơn 70 doanh nghiệp liên quan đến vụ án chiếm đoạt hàng trăm tỉ đồng tiền hoàn thuế
Mới đây, Tổng cục Thuế đã gửi công văn yêu cầu Cục thuế Tây Ninh, Long An, Đồng Nai và TPHCM thực hiện một số nội dung quản lý rủi ro về hoàn thuế giá trị gia tăng (GTGT) đối với Công ty CP thương mại Sài Gòn Tây Nam, Công ty TNHH quốc tế Hoàng Nam Anh và các công ty có liên quan. Đồng thời, yêu cầu 4 Cục thuế nêu trên báo cáo kết quả thực hiện trước ngày 25/11/2020. Tuy nhiên, đến nay mới chỉ có báo cáo của Cục thuế tỉnh Đồng Nai.

Về nội dung hoàn thuế GTGT đối với mặt hàng linh kiện điện tử, Tổng cục Thuế nhận được được báo cáo của Tổng cục Hải quan gửi Bộ Tài chính về kết quả đấu tranh với hành vi chiếm đoạt tiền hoàn thuế GTGT, buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hoá qua biên giới của một số doanh nghiệp (DN) tại địa bàn khu vực phía Nam. Tại báo cáo nêu kết quả điều tra xác định Công ty CP Phát triển Nhà Thủ Đức (ThuDuc House) và Công ty CP thương mại Sài Gòn Tây Nam đã có hành vi chiếm đoạt tiền hoàn thuế GTGT.

Theo xác minh của Tổng cục Hải quan, Thuduc House đăng ký kinh doanh tại phường Nguyễn Thái Bình, quận 1, TPHCM. Từ 17/2/2017 đến 2/8/2019, DN này mở 501 tờ khai xuất khẩu, trị giá tính thuế 5.286 tỉ đồng. Mặt hàng xuất khẩu chính của Thuduc House gồm: Linh kiện điện tử (Bộ máy tính mini, bộ nhớ IC, bộ nhớ RAM, thẻ nhớ, bộ vi xử lý Chip, CPU…), xuất xứ chủ yếu từ Trung Quốc, Malaysia, Nhật Bản, Đài Loan, Hàn Quốc, Hong Kong.

Qua rà soát của Hải quan cho thấy, tháng 11/2012, Thuduc House thành lập công ty con là Cty CP Thuduc House Wood Trading, đồng thời mua các mặt hàng linh kiện điện tử từ công ty này để xuất khẩu. Cty CP Thuduc House Wood Trading chỉ ký hợp đồng mua các mặt hàng linh kiện điện tử từ 1 DN là Cty TNHH An Lành Phát (mã số thuế 0314846682). Hàng hóa bán cho Thuduc House Wood Trading được An Lành Phát mua từ 4 công ty trong nước.

Các hàng hóa này được công ty xuất khẩu cho các đối tác nước ngoài, không trải qua bất kỳ công đoạn sản xuất nào. Sau khi hoàn tất thủ tục xuất khẩu, Thuduc House làm thủ tục hoàn thuế GTGT tại Cục Thuế TPHCM. Từ tháng 2/2018 đến tháng 8/2019, DN này được hoàn thuế GTGT 17 lần với số tiền gần 261 tỉ đồng.

Trong khi đó, đối với Cty CP thương mại Sài Gòn Tây Nam (đăng ký kinh doanh tại xã Lợi Thuận, huyện Bến Cầu, Tây Ninh). Theo xác minh của hải quan, từ 26/3/2018 đến 29/5/2020, DN này mở 141 tờ khai xuất khẩu, trị giá tính thuế 1.645 tỉ đồng. Mặt hàng xuất khẩu chủ yếu là linh kiện điện tử, xuất xứ từ Trung Quốc, Malaysia.

Sài Gòn Tây Nam có ký hợp đồng mua các mặt hàng linh kiện điện tử từ 4 công ty trong nước, xuất khẩu cho các đối tác nước ngoài, không trải qua bất kỳ công đoạn sản xuất nào. Sau khi hoàn tất thủ tục xuất khẩu, Sài Gòn Tây Nam làm thủ tục hoàn thuế GTGT tại Cục Thuế tỉnh Tây Ninh với số tiền 75,5 tỉ đồng

Trong văn bản do ông Vũ Chí Hùng - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế (Bộ Tài chính) gửi một số Cục thuế địa phương thể hiện rõ: Trên cơ sở số liệu của Tổng cục Hải quan và tài liệu thu giữ của các đối tượng, DN có liên quan, Tổng cục Thuế xác định có hơn 70 DN liên quan đến vụ án, trong đó có một số DN ma (không có thật), một số DN do đối tượng thuê hoặc mua lại… để thực hiện hành vi phạm tội.

Quản lý hoạt động hoàn thuế còn kẽ hở

Tổng cục Thuế cho biết, ngày 30/12/2020, Cục Điều tra chống buôn lậu (Tổng cục Hải quan) và C03 - Bộ Công an đã họp và thống nhất với Viện Kiểm sát nhân dân tối cao khởi tố vụ án về các tội: Tội buôn lậu (Điều 188); tội vận chuyển trái phép hàng hóa, tiền tệ qua biên giới (Điều 189); tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức; tội sử dụng con dấu, tài liệu giả của cơ quan, tổ chức (Điều 341).

Theo Tổng cục Hải quan, đây là vụ án lớn, có tính chất phức tạp, đặc biệt nghiêm trọng liên quan đến nhiều DN. Thủ đoạn chính là thành lập công ty con trong nước, mua bán hàng hóa với giá thấp, sau đó nâng giá lên hàng trăm lần, làm giả hồ sơ để xuất khẩu, làm thủ tục hoàn thuế để chiếm đoạt số tiền hàng trăm tỉ đồng, gây thất thu lớn cho ngân sách Nhà nước.

“Vụ án liên quan đến 70 DN, thời gian hoạt động kéo dài từ 2017 đến nay với nhiều đối tượng tham gia, có sự câu kết, chỉ đạo chặt chẽ giữa đối tượng chủ mưu cầm đầu và các đối tượng giúp sức, lợi dụng sự thông thoáng của cơ chế chính sách để buôn lậu, chiếm đoạt tiền hoàn thuế GTGT” - Tổng cục Hải quan cho hay.

Trước đó, Tổng cục Thuế đã chỉ đạo các cục thuế địa phương rà soát, thu hồi số tiền hoàn thuế với DN. Trong trường hợp xác định các công ty có rủi ro cao về hoàn thuế vi phạm pháp luật với mục đích trốn thuế cần kịp thời hoàn chỉnh hồ sơ để cung cấp thông tin bổ sung hoặc chuyển hồ sơ sang cơ quan công an theo quy định.

Ngoài ra, Tổng cục Thuế yêu cầu Cục thuế một số tỉnh, chủ động rà soát các trường hợp tương tự đối với các mặt hàng có rủi ro cao về hoàn thuế GTGT; đồng thời công khai thông tin về các công ty vi phạm pháp luật về thuế, các công ty có hành vi mua bán hóa đơn bất hợp pháp đến người nộp thuế để kịp thời ngăn chặn.

Theo các chuyên gia về thuế nhận định, để xảy ra tình trạng như trên là do công tác quản lý còn nhiều kẽ hở. Cụ thể, trong quá trình kiểm tra thì đâu đó vẫn còn có một vài cán bộ trong ngành của thuế, hải quan móc nối với DN để làm chuyện hoàn thuế không công minh. Ngoài ra, liên quan đến hoạt động này, việc quản lý các DN có liên quan đến hoạt động xuất nhập khẩu cũng chưa được làm tốt. Việc nhập về và xuất đi, tiêu thụ trong nước còn nhiều kẽ hở…

Từ kinh nghiệm quốc tế: Tăng các biện pháp quản lý hiệu quả, tăng cường kiểm tra sau thông quan

Thuế GTGT có ưu điểm là đánh vào giá trị tăng thêm của hàng hóa, dịch vụ ở từng khâu sản xuất và lưu thông cho đến tiêu dùng, cho phép người nộp thuế được khấu trừ thuế ở các giai đoạn trước và người nộp thuế được hoàn lại số thuế đã nộp mà chưa được khấu trừ hết, do đó tránh được trùng lặp thuế. Tuy nhiên, thuế GTGT cũng có nhược điểm là dễ bị gian lận, nhất là ở khâu hoàn thuế. Vì vậy, để quản lý và hạn chế gian lận trong hoàn thuế GTGT, các nước trên thế giới đã áp dụng nhiều phương thức khác nhau như:

1. Chuyển số thuế GTGT chưa khấu trừ hết sang các kỳ tiếp theo

Một số nước có quy định là số thuế GTGT đầu vào chưa được khấu trừ hết trong một kỳ bắt buộc phải được chuyển sang kỳ tính thuế tiếp theo như tại Thái Lan, Bungari, Ba Lan, Chi Lê… Tuy nhiên, hầu hết các nước có quy định này thường không được áp dụng đối với DN xuất khẩu. Theo phương thức đó, người nộp thuế chỉ được hoàn thuế GTGT khi vẫn còn số thuế GTGT đầu vào chưa khấu trừ hết vào cuối kỳ, kỳ chuyển có thể từ 30 ngày đến hơn 1 năm, tuy nhiên thường là sau từ 3 đến 6 tháng. Thậm chí một số nước như Thổ Nhĩ Kỳ, Maroc, Panama còn không cho phép hoàn thuế GTGT bằng tiền mà chỉ cho phép chuyển sang bù trừ ở các kỳ tiếp theo (trừ trường hợp xuất khẩu).

2. Bù trừ vào các nghĩa vụ thuế khác

Tại một số nước đưa ra quy định cho phép số thuế GTGT không được khấu trừ hết sẽ dùng để bù trừ vào các nghĩa vụ thuế khác đến hạn thanh toán. Tuy nhiên, cũng có quốc gia cho phép được bù trừ vào các nghĩa vụ thuế chưa đến hạn phải nộp. Một số quốc gia (các nước thuộc Liên Xô cũ) cho phép người nộp thuế được bù trừ vào các khoản nợ ngân sách khác. Việc bù trừ này có thể được quy định trong luật hoặc theo quyết định của cơ quan thuế.

3. Yêu cầu kiểm toán trước khi hoàn thuế

Ở Indonesia chỉ thực hiện hoàn thuế GTGT sau khi kiểm toán. Bungari áp dụng cơ chế tài khoản thuế GTGT để quản lý việc nộp và hoàn thuế GTGT. Tại Kenya, yêu cầu hoàn thuế khi vượt một ngưỡng nhất định phải được một công ty kiểm toán độc lập có đăng ký hành nghề xác nhận.

4. Kiểm tra chéo hóa đơn, phân loại đối tượng nộp thuế

Nhiều quốc gia như Pakistan, Hàn Quốc, Trung Quốc… chống gian lận trong hoàn thuế GTGT bằng cơ chế kiểm tra chéo đối với các giao dịch hàng hóa có quy mô lớn và phân loại đối tượng nộp thuế. Cơ chế kiểm tra chéo hóa đơn ở Hàn Quốc và Trung Quốc được áp dụng khá triệt để, theo đó hóa đơn bán hàng của những người nộp thuế sẽ được soát xét và đối chiếu thông qua hệ thống máy tính, nhằm phát hiện các sai sót, mâu thuẫn giữa doanh số mua vào và bán ra.

5.Quy định ngưỡng thuế GTGT đầu vào để được hoàn thuế

Để hạn chế gian lận thuế GTGT cũng như giảm thiểu công việc cho cơ quan thuế trong việc xử lý các quyết định hoàn thuế, một số nước quy định để được hoàn thuế, số thuế GTGT đầu vào chưa được khấu trừ hết (sau khi đã bù trừ với nghĩa vụ thuế phải nộp) phải vượt một ngưỡng nhất định trong kỳ hoàn thuế thì mới được hoàn (trường hợp Singapore, Pháp, Ba Lan hay Nam Phi).

6. Hoàn thuế ở mức thấp hơn

Trung Quốc quy định tỷ lệ số thuế GTGT đầu ra được hoàn thấp hơn số thuế GTGT đầu vào và tỷ lệ này được xác định theo từng nhóm hàng hóa khác nhau. Đây là một trong những đặc thù trong chính sách thuế GTGT của Trung Quốc. Chẳng hạn, một số nhóm hàng nông sản có mức thuế suất áp dụng đầu vào là 17%, song chỉ được khấu trừ ở mức 13%. Trung Quốc cũng sử dụng chính sách này như một công cụ để điều tiết hoạt động thương mại (tăng tỷ lệ khấu trừ trong trường hợp xuất khẩu khó khăn) cũng như tăng chủ động trong điều hành ngân sách…

Các nước trên thế giới đã áp dụng nhiều phương thức khác nhau để quản lý và hạn chế gian lận trong hoàn thuế GTGT

Ngoài ra để quản lý và hạn chế gian lận trong hoàn thuế GTGT đối với DN xuất nhập khẩu nhiều nước còn lập ra những cơ quan giám sát chuyên biệt để hỗ trợ cho hoạt động quản lý thuế của Hải quan. Điển hình như tại Malaysia, trong Tổng cục Hải quan Malaysia có Cục Ngăn chặn và Điều tra là đơn vị chịu trách nhiệm toàn bộ thông tin tình báo và tiến hành điều tra những vụ việc ở mức độ quốc gia; Cục Kiểm tra sau thông quan là đơn vị quản lý công tác kiểm tra sau thông quan. Hai đơn vị này cùng với Cục Nghiệp vụ phối hợp chia sẻ thông tin và hướng dẫn Hải quan địa phương thực hiện các biện pháp nhằm ngăn chặn gian lận thương mại, chống thất thu thuế nhập khẩu.

Đặc biệt, tại các đơn vị hải quan vùng ở Malaysia có những bộ phận quản lý thông tin tình báo, tiến hành điều tra và kiểm tra sau thông quan. Các đơn vị này sẽ nhận thông tin tình báo từ Tổng cục Hải quan và xây dựng, thực hiện kế hoạch hành động để đấu tranh chống các hành vi gian lận trong khu vực quản lý của Hải quan vùng và thực hiện kiểm tra sau thông quan. Tại các đơn vị hải quan cửa khẩu, các bộ phận quản lý giá là những chuyên gia về nhập khẩu, điều tra hoặc tình báo. Tất cả các khâu nghiệp vụ trên đều hướng tới chia sẻ thông tin và thực hiện các biện pháp ngăn chặn gian lận, gây thất thu thuế liên quan đến xuất khẩu, nhập khẩu…

Bài học kinh nghiệm cho Việt Nam

Qua nghiên cứu kinh nghiệm của các nước trên thế giới trong việc quản lý và hạn chế gian lận hoàn thuế GTGT, có thể thấy mỗi nước đều có phương thức quản lý thuế khác nhau và đều đã gặt hái được những thành công bước đầu. Những phương thức này cũng là bài học kinh nghiệm hữu ích cho Việt Nam trong ngăn chặn gian lận khấu trừ, hoàn thuế GTGT trong thời gian tới.

Thứ nhất, hoàn thiện hành lang pháp lý và chính sách về thuế. Hoàn thiện các quy định của pháp luật và các chính sách về thuế của Nhà nước, đảm bảo khoa học, chặt chẽ và có tính ổn định lâu dài; tránh thay đổi quá nhanh và nhiều làm cho các nhà quản lý thuế và người nộp thuế rơi vào tình trạng lúng túng trong thi hành.

Thứ hai, hoàn thiện phương thức quản lý thu thuế. Thống nhất sử dụng đồng bộ công nghệ thông tin vào việc quản lý thu thuế, nối mạng internet trên toàn quốc nhằm thực hiện tốt việc kiểm tra đối chiếu hoá đơn, chứng từ đầu vào, đầu ra. Đồng thời, hoàn thiện quy trình quản lý thu thuế theo hướng đơn giản, khoa học và hiệu quả trên cơ sở kết quả rà soát lại các sơ hở trong công tác hoàn thuế.

Thứ ba, tập tăng cường công tác thanh, kiểm tra các DN có rủi ro cao về thuế: Đặc biệt, tăng cường hoạt động kiểm tra sau thông quan đối với DN xuất nhập khẩu …

Văn Chiến

Bạn đang đọc bài viết "Chặn gian lận khấu trừ, hoàn thuế GTGT: Kinh nghiệm từ một số quốc gia trên thế giới" tại chuyên mục Pháp lý và Kinh doanh. Mọi chi tiết xin liên hệ số hotline (0915.999.467) hoặc gửi email về địa chỉ (toasoan@phaply.vn).

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin