Chấn động Hồ sơ thiên đường: Bí mật tài sản giới chóp bu toàn cầu

08/11/2017 06:47

Hồ sơ Paradise, ám chỉ "thiên đường trốn thuế" của những người giàu có, tiết lộ các hoạt động trốn thuế ở nước ngoài của hơn 120 chính trị gia và các tập đoàn hàng đầu thế giới.

Hơn một năm sau "Hồ sơ Panama", vụ rò rỉ thông tin lớn nhất lịch sử cung cấp 11,5 triệu tài liệu mật, "Hồ sơ thiên đường" tiếp tục gây chấn động thế giới khi phơi trần trước ánh sáng bí mật tài sản của nhiều nhân vật nổi tiếng.

Theo Guardian, khối tài liệu đồ sộ do Hiệp hội Nhà báo Điều tra Quốc tế (ICIJ) công bố hôm 5/11 đã hé lộ những khu vực trên thế giới đang "dung túng" người trốn thuế, và cả những chiêu trò tinh vi, phức tạp của các tập đoàn đa quốc gia giàu có nhất nhằm lách luật, bảo vệ tài sản của họ.

Lớn hơn cả "bom tấn" Hồ sơ Panama

Hồ sơ thiên đường có quy mô lớn hơn cả Hồ sơ Panama với 13,4 triệu tài liệu, tiết lộ các hoạt động trốn thuế ở nước ngoài của hơn 120 chính khách, doanh nghiệp hàng đầu, người nổi tiếng thế giới.

Toàn bộ những hồ sơ thuế bị rò rỉ được tập hợp trong kho tài liệu này là thành quả điều tra của báo Đức Süddeutsche Zeitung cùng ICIJ, đơn vị chủ trì cuộc điều tra với sự tham gia của 380 nhà báo thuộc 96 cơ quan truyền thông ở 67 quốc gia trên khắp thế giới, trong đó có New York Times (Mỹ), Guardian (Anh), BBC (Anh) và NBC News (Mỹ). Các phóng viên đã dành 1 năm để phân tích số dữ liệu được thu thập trong giai đoạn 1950-2016.

 Hồ sơ Thiên đường do Hiệp hội Nhà báo Điều tra Quốc tế (ICIJ) công bố hôm 5/11. Ảnh: indianexpress.com.
Hồ sơ Thiên đường do Hiệp hội Nhà báo Điều tra Quốc tế (ICIJ) công bố hôm 5/11. Ảnh: indianexpress.com.)

Hầu hết tài liệu trong Hồ sơ thiên đường thuộc về hãng luật Appleby (Bermuda) và Công ty Nghiên cứu và Đầu tư thông tin Asiaciti Trust (Singapore). Website của Appleby giới thiệu họ chuyên cung cấp các dịch vụ pháp lý ở nước ngoài cho các công ty, cơ quan tài chính và cá nhân giàu có trên toàn cầu. Trong khi đó, Asiaciti Trust xác nhận là nhà cung cấp dịch vụ doanh nghiệp quốc tế.

Hồ sơ Paradise điểm danh những tên tuổi lớn như Nữ hoàng Anh Elizabeth II, cố vấn hàng đầu của Thủ tướng Canada Justin Trudeau, các công ty đa quốc gia như Nike, Apple và Uber... Bộ trưởng Thương mại Mỹ Wilbur Ross và nhiều quan chức cấp cao khác trong chính phủ của Tổng thống Donald Trump cũng được nhắc tới.

Chính trị gia, tài phiệt, minh tinh Hollywood: Khi "thiên đường" gọi tên

Theo BBC, tài liệu bị rò rỉ cho thấy, khoảng 10 triệu bảng Anh (13 triệu USD) tiền riêng của Nữ hoàng Anh đã được đầu tư vào một quỹ ở Cayman Islands chưa từng được công bố. Một phần tiền của bà cũng đã đầu tư cho một doanh nghiệp bán lẻ bị cáo buộc đã bóc lột các gia đình nghèo và những đối tượng dễ bị tổn thương.

Hồ sơ Paradise còn nhắc tới Stephen Bronfman, một người bạn, người gây quỹ đồng thời là cố vấn cao cấp của Thủ tướng Canada Justin Trudeau. Nhân vật này được cho là đã cùng cựu Thượng nghị sĩ Canada Leo Kolber chuyển khoảng 60 triệu USD tới các thiên đường trốn thuế ở nước ngoài.

Các quan chức cấp cao trong chính quyền Tổng thống Trump như Cố vấn kinh tế Gary Cohn, Ngoại trưởng Rex Tillerson và Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin cũng được Hồ sơ Paradise gọi tên.

Đặc biệt, tập tài liệu còn tiết lộ mối liên hệ giữa Bộ trưởng Thương mại Wilbur Ross và gia đình Tổng thống Nga Vladimir Putin. Theo hồ sơ, ông Ross nắm giữ 31% cổ phần của tập đoàn Navigator Holdings.

Navigator Holdings là đối tác lớn của tập đoàn năng lượng khổng lồ Nga Sibur mà phần lớn cổ phần nắm giữ bởi con rể ông Putin và Gennady Timchenko, nhân vật đang bị Mỹ cấm vận.

Mối liên hệ giữa Ross và các thực thể Nga có thể đặt ra vấn đề xung đột lợi ích, về việc liệu chúng có gây tổn hại tới các lệnh trừng phạt của Mỹ đối với Moscow hay không.

 Nữ hoàng Anh Elizabeth có tên trong tài liệu rò rỉ từ Hồ sơ Paradise. Ảnh: BBC.
Nữ hoàng Anh Elizabeth có tên trong tài liệu rò rỉ từ Hồ sơ Paradise. Ảnh: BBC.)

Nhờ vào Hồ sơ Paradise, người ta còn được biết rằng các công ty thực tế nằm dưới quyền kiểm soát của chính phủ Nga đang đầu tư vào nhiều "ông lớn" ở thung lũng Silicon như Facebook và Twitter.

DST Global, công ty đầu tư thuộc sở hữu bởi tỷ phú Nga Yuri Milner, thực tế là trung gian để chính phủ Nga tham gia đầu tư vào các công ty ở Mỹ. VTB Bank, một ngân hàng của chính phủ Nga, đã đầu tư 191 triệu USD vào Twitter thông qua 5% cổ phần của Milner tại mạng xã hội này vào năm 2011.

Bên cạnh đó, Gazprom, một đơn vị khác nằm dưới quyền kiểm soát của Điện Kremlin, cũng thông qua một đối tác nước ngoài, để đầu tư vào 8% cổ phần tại Facebook vào năm 2012.

Song đáng lưu ý là cả VTB và Gazprom đều nằm trong danh sách trừng phạt của Mỹ đồng thời lại có mối liên hệ làm ăn với con rể, cố vấn của Tổng thống Trump Jared Kushner. Phát hiện này chắc chắn sẽ dấy lên những câu hỏi mới xung quanh bê bối Nga can thiệp chính trị Mỹ.

Một số người nổi tiếng trong lĩnh vực giải trí như ca sĩ Bono của nhóm nhạc U2 và ca sĩ Madonna cũng được nêu tên trong "Hồ sơ Thiên đường". Madonna nắm giữ cổ phần trong một công ty cung ứng vật tư y tế, trong khi ca sĩ Bono đầu tư vào một trung tâm thương mại ở Lithuania.

Các tập đoàn lớn như Apple, Nike, Uber và Tesla cũng có tên trong danh sách. Các tiết lộ đầu tiên này chỉ là một phần nhỏ của hồ sơ, ICIJ cho biết sẽ công bố thêm dữ liệu tài chính và thuế của nhiều cá nhân, công ty trong những ngày tới.

Những tiết lộ chấn động này sẽ gây áp lực lớn lên các nhà lãnh đạo thế giới, trong đó có cả Thủ tướng Anh Theresa May, những người cam kết mạnh mẽ sẽ siết lại những kẽ hở trốn thuế của giới siêu giàu.

Theo Zing

Bạn đang đọc bài viết "Chấn động Hồ sơ thiên đường: Bí mật tài sản giới chóp bu toàn cầu" tại chuyên mục Kinh doanh - Quốc tế. Mọi chi tiết xin liên hệ số hotline (0915.999.467) hoặc gửi email về địa chỉ (toasoan@phaply.vn).

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin