Cần 'thượng phương bảo kiếm' chống tham nhũng tài sản công

26/02/2019 09:27

Đó là phải áp dụng nguyên tắc bản chất quyết định hình thức trong định giá tài sản công. Nguyên tắc này đã được vận dụng như là một chuẩn mực ở nhiều nước để chuyên trị các mối quan hệ phức tạp như chuyển giá, trốn thuế, né thuế.

 Thương vụ MobiFone mua AVG khiến hai cựu bộ trưởng bị khởi tố - Ảnh: NAM TRẦN
Thương vụ MobiFone mua AVG khiến hai cựu bộ trưởng bị khởi tố - Ảnh: NAM TRẦN)

Thất thoát, tham nhũng tài sản công nhìn từ vụ MobiFone mua AVG cho thấy các thủ đoạn tinh vi của các nhóm lợi ích. Chúng cần phải được xét dưới lăng kính ma trận các mối quan hệ. Khởi đầu là các mối quan hệ từ trên xuống dưới rồi lại từ dưới lên trên trong cùng một bộ, ngành về việc cổ phần hóa hay mua bán tài sản nhà nước.

Tiếp theo là ma trận các mối quan hệ chéo. Bộ ngành A đề nghị các bộ ngành B, C, D... vào cuộc để thẩm định và có ý kiến về các thương vụ cổ phần hóa hay bán tài sản công.

Tất nhiên một ma trận hệ thống các văn bản pháp quy có liên quan cũng sẽ được viện dẫn hoặc ban hành cho các thương vụ này. Nó phức tạp đến mức nếu công khai toàn bộ ra ánh sáng cũng khó ai có thể hiểu được liệu tài sản nhà nước có bị thất thoát hay không. Nhưng để cho an toàn tuyệt đối, đôi khi chúng được niêm phong bằng một dấu "MẬT".

Cũng vì vậy mà cho dù các bộ luật phòng chống tham nhũng, luật quản lý và sử dụng tài sản công, các quy định về cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước... ngày càng hoàn thiện nhưng tham nhũng và thất thoát tài sản công ngày càng tinh vi và thất thoát càng nhiều hơn.

Trong số các vấn đề liên quan đến tham nhũng và thất thoát tài sản công, mấu chốt vẫn là vấn đề định giá tài sản. Bây giờ và mãi về sau định giá tài sản công vẫn sẽ luôn là chủ đề gây tranh luận nhiều nhất về tính đúng sai và chính xác của nó.

Pháp luật dù có hoàn thiện đến đâu thì định giá vẫn là nơi yếu nhất và tối nhất để các nhóm lợi ích khai thác. Nó là nơi yếu nhất vì không có bất kỳ một phương pháp định giá nào hoàn hảo. Nó là nơi tối nhất vì chỉ cần mời một công ty thẩm định giá thân hữu tính ra một vài mức giá cho có vẻ khách quan là xong ngay một quy trình khép kín.

Thẩm định giá suy cho cùng đòi hỏi dữ liệu đầu vào chính xác đến đâu. Nó sẽ không dẫn đến thất thoát đáng kể nếu như các bên có liên quan không nhằm ý đồ ăn cướp tài sản công. Để các nhóm lợi ích run sợ mỗi khi nghĩ đến tham nhũng tài sản công, cần đưa vào các bộ luật có liên quan một công cụ giống như một thượng phương bảo kiếm để răn đe.

Đó là phải áp dụng nguyên tắc bản chất quyết định hình thức trong định giá tài sản công. Nguyên tắc này đã được vận dụng như là một chuẩn mực ở nhiều nước để chuyên trị các mối quan hệ phức tạp như chuyển giá, trốn thuế, né thuế.

Chẳng hạn, có thể do trình độ nên định giá tài sản thấp hơn giá thị trường, nhưng nếu là người ngay ngắn thì đó chỉ là một cán bộ kém. Nếu như có bất kỳ dấu hiệu gì cho thấy có MÙI trong định giá tài sản công phải bị nghiêm trị.

Những người chống đối sẽ phản ứng. Ắt họ cho rằng quy định như thế khá mơ hồ nên ai cũng có thể bị kết tội và do đó không ai dám làm gì. Nhưng nếu từng cá nhân trong sạch, cả tập thể vô tư thì làm gì có chuyện định giá tài sản công thấp hơn giá thị trường cả chục lần như hàng loạt vụ án lùm xùm trong thời gian qua.

Áp dụng nguyên tắc bản chất quyết định hình thức trong định giá tài sản cũng như trong quản lý, sử dụng tài sản công để ai đó có muốn tham nhũng thì họ cũng không còn dám nghĩ tới. Đó mới gọi là chống tham nhũng thực chất.

Theo tuoitre.vn

Nguồn bài viết: https://tuoitre.vn/can-thuong-phuong-bao-kiem-chong-tham-nhung-tai-san-cong-20190225080201066.htm

Bạn đang đọc bài viết "Cần 'thượng phương bảo kiếm' chống tham nhũng tài sản công" tại chuyên mục Diễn đàn - Luật gia. Mọi chi tiết xin liên hệ số hotline (0915.999.467) hoặc gửi email về địa chỉ (toasoan@phaply.vn).

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin