"Bộ trưởng, Chủ tịch tỉnh không cần thiết là ĐBQH"?

30/10/2019 08:30

Liên quan đến cơ cấu đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho rằng nhiều Bộ trưởng, thậm chí chủ tịch UBND tỉnh cũng làm đại biểu Quốc hội, thì việc chỉ đạo, điều hành rất khó khăn.

Sáng 29/10, tiếp tục chương trình làm việc của Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc trình bày Tờ trình dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội.

Luật Tổ chức Quốc hội được ban hành năm 2014 và có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2016 đã tạo cơ sở pháp lý cho việc đổi mới tổ chức và hoạt động của Quốc hội, bảo đảm Quốc hội thực sự là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của nước ta.

Sau hơn 3 năm thi hành Luật Tổ chức Quốc hội cho thấy, về cơ bản nhiều quy định của Luật đã đem lại những kết quả tích cực, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, đại biểu Quốc hội trong các lĩnh vực lập pháp, giám sát, quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước. Tuy nhiên, trong quá trình tổ chức thực hiện Luật, cũng đã phát sinh một số vướng mắc, bất cập cần sửa đổi, bổ sung kịp thời. Phạm vi sửa đổi, bổ sung của dự thảo Luật tập trung vào 15/102 điều của Luật Tổ chức Quốc hội hiện hành.

 Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Khắc Định
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Khắc Định)

Thẩm tra về dự án Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết, Ủy ban Pháp luật tán thành với sự cần thiết sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội năm 2014 với những lý do như đã được nêu trong Tờ trình của UBTVQH.

Việc sửa đổi, bổ sung Luật này là nhằm kịp thời thể chế hóa Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) về một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả và Nghị quyết số 56/2017/QH14 của Quốc hội về việc tiếp tục cải cách tổ chức bộ máy hành chính Nhà nước tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, đồng thời khắc phục một số vướng mắc, bất cập trong quá trình thi hành luật thời gian qua.

Theo ông Nguyễn Khắc Định, nội dung của dự thảo Luật cơ bản phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng; bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp và tính thống nhất của dự thảo Luật với hệ thống pháp luật; tương thích với điều ước quốc tế có liên quan mà nước CHXHCN Việt Nam là thành viên.

Thảo luận tại tổ sáng nay, lấy ví dụ từ chính bản thân, Bí thư Đắk Lắk Bùi Văn Cường đưa ra đề nghị sửa đổi, bổ sung quy định về chuyển sinh hoạt của ĐBQH khi được luân chuyển cán bộ. Ông Cường vốn là ĐBQH của tỉnh Gia Lai, hồi tháng 7/2019, ông được điều động giữ chức Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk.

Bí thư Tỉnh uỷ Đắk Lắk Bùi Văn Cường
Bí thư Tỉnh uỷ Đắk Lắk Bùi Văn Cường)

Vị tân Bí thư Tỉnh uỷ Đắk Lắk kể: "Tôi phải viết tới 5 đơn, hai đoàn đại biểu Quốc hội, rồi Mặt trận Tổ quốc Việt Nam hai tỉnh cho ý kiến với tổng số 4 cuộc họp… Không đồng ý chẳng lẽ Bí thư tỉnh này lại sang tỉnh kia tiếp xúc cử tri? Cái này rất rườm rà, rất hành chính, phải cải tiến ngay lập tức”, ông Cường nhấn mạnh.

Theo quy định của Luật Tổ chức QH hiện hành, trong nhiệm kỳ, nếu ĐBQH chuyển công tác đến tỉnh, TP khác trực thuộc trung ương thì được chuyển sinh hoạt đến Đoàn ĐBQH nơi mình nhận công tác.

Tuy vậy, theo ông Cường, quy định này còn kéo theo nhiều thủ tục hành chính phức tạp. Vì vậy ông đề nghị thêm chữ “đương nhiên” vào quy định trên để đơn giản hóa các thủ tục hành chính trong việc chuyển sinh hoạt của ĐBQH mỗi khi cơ quan có thẩm quyền quyết định chuyển hoặc chỉ định chuyển cán bộ.

Cũng trong phiên thảo luận tổ, Bộ trưởng TN&MT Trần Hồng Hà (ĐB đoàn Bà Rịa - Vũng Tàu), bày tỏ: "Tôi nói rất thật, các đại biểu như chúng tôi thực tế ở cơ quan thuộc Chính phủ chịu trách nhiệm công tác quản lý, cơ chế chính sách pháp luật, khâu tổ chức thực hiện nhưng phân cấp cho địa phương rất lớn".

"Bây giờ hỏi nhiều câu Bộ trưởng không nắm được đâu, rồi bị nhân dân phê bình, nhưng thực ra thẩm quyền đó được phân cho UBND, HĐND và Chủ tịch UBDN các địa phương. Nhiều vấn đề là tổ chức thực hiện hiện nay phân cấp về cơ bản rồi" - ông bộc bạch.

Liên quan đến cơ cấu đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho rằng vẫn chưa thực sự đổi mới khi nhiều Bộ trưởng, thậm chí chủ tịch UBND tỉnh cũng làm đại biểu Quốc hội, thì việc chỉ đạo, điều hành rất khó khăn.

"Quốc hội có quyền yêu cầu Bộ trưởng giải trình, yêu cầu đến để chất vấn nhưng phải chăng Bộ trưởng, chủ tịch UBND cứ phải là đại biểu Quốc hội? Chúng tôi muốn chuyển phần này sang để Quốc hội không tăng số lượng nhưng tăng số đại biểu chuyên trách, đặc biệt là đại biểu chuyên trách có kiến thức, kinh nghiệm trong vấn đề quản lý và xây dựng phấp luật. Tôi nghĩ thế thì cần hơn", ông Hà bày tỏ quan điểm.

Theo Bộ trưởng thì cần nâng tỷ lệ đại biểu Quốc hội chuyên trách, không chỉ 35% mà cần 50-60% để "đội ngũ Quốc hội có vai trò khác đi.

Theo nguoiduatin.vn

Nguồn bài viết: https://www.nguoiduatin.vn/bo-truong-chu-tich-tinh-khong-can-thiet-la-dbqh-a454414.html

Bạn đang đọc bài viết ""Bộ trưởng, Chủ tịch tỉnh không cần thiết là ĐBQH"?" tại chuyên mục Diễn đàn - Luật gia. Mọi chi tiết xin liên hệ số hotline (0915.999.467) hoặc gửi email về địa chỉ (toasoan@phaply.vn).

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin