Bên lề Quốc hội: Phải lấy ý kiến doanh nghiệp và người lao động về giảm giờ làm

24/10/2019 07:16

Tiếp tục chương trình làm việc, ngày 23/10, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại hội trường về một số nội dung còn có ý kiến khác nhau của dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi).

Đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa Bùi Sỹ Lợi trả lời phỏng vấn báo chí bên hành lang Quốc hội. Ảnh: Doãn Tấn - TTXVN
Đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa Bùi Sỹ Lợi trả lời phỏng vấn báo chí bên hành lang Quốc hội. Ảnh: Doãn Tấn - TTXVN)

Chia sẻ quan điểm bên lề Kỳ họp, nhiều đại biểu ủng hộ việc giảm giờ làm từ 48h xuống 44h/tuần để đảm bảo sức khỏe cho người lao động; đồng thời cho rằng việc tăng giờ làm thêm cần được quy định theo từng ngành, lĩnh vực khác nhau.

Đại biểu Bùi Sỹ Lợi (Thanh Hóa), Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội, cho rằng việc giảm giờ làm từ 48h xuống 44h/tuần là nguyện vọng của công đoàn và cá nhân đại biểu thấy hoàn toàn đúng đắn.

Tuy nhiên, đại biểu Bùi Sỹ Lợi cho rằng phải có đánh giá tác động và lấy ý kiến của doanh nghiệp và người lao động để đảm bảo tính khách quan, công bằng.

Theo ông Bùi Sỹ Lợi, qua lấy ý kiến, người chủ sử dụng lao động chưa muốn giảm thời gian làm việc từ 48h xuống 44h/tuần mà đề nghị Chính phủ nên có lộ trình để các doanh nghiệp chuẩn bị.

Một số bộ phận người lao động người cũng không mong muốn giảm giờ làm vì thu nhập của người lao động cũng giảm xuống.

Ông Bùi Sỹ Lợi cho rằng giữa cung cầu chưa thực sự đồng thuận, cần có sự đánh giá tác động, Chính phủ cũng nên đặt ra lộ trình từ 2021 - 2026 bắt đầu giảm dần giờ làm, còn giảm ngay bây giờ sẽ rất khó khăn.

Đại biểu Ngọ Duy Hiểu (Hà Nội), Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, khẳng định: Xu hướng giảm giờ làm là xu hướng tiến bộ của loài người trên cơ sở phát triển của lực lượng sản xuất, đảm bảo tăng năng suất lao động, phù hợp với điều kiện của doanh nghiệp nhưng duy trì được sức khỏe.

Đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội Ngọ Duy Hiểu phát biểu. Ảnh: Phương Hoa - TTXVN
Đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội Ngọ Duy Hiểu phát biểu. Ảnh: Phương Hoa - TTXVN)

Hiện nay, quy định thời giờ làm việc bình thường của người lao động là 48h/tuần, số giờ làm việc của Việt Nam cao hơn so với nhiều nước trong khu vực và thế giới.

Theo đại biểu, Tổng Liên đoàn Lao động đã tổ chức thăm dò ý kiến "Giảm giờ làm: Nên hay không" trên trang Facebook Công đoàn Việt Nam. Kết quả, 80% người lao động trả lời là muốn giảm giờ làm xuống không quá 44h/tuần (làm việc 5,5 ngày/tuần, nghỉ 1,5 ngày/tuần). Nhiều người cho rằng nếu giảm giờ làm mà mức lương thưởng vẫn được giữ nguyên sẽ giúp người lao động có thêm thời gian dành cho gia đình vì hiện tại công việc chiếm hết thời gian nên họ không có điều kiện quan tâm đến gia đình.

Về đề xuất mở rộng khung thỏa thuận về giờ làm thêm tối đa trong một số trường hợp đặc biệt từ 300h/năm lên 400h/năm, hiện còn nhiều luồng ý kiến chưa thống nhất, đặc biệt là việc giới hạn tăng giờ làm thêm theo tuần, tháng hay năm.

Đại biểu Trương Phi Hùng (Long An) đồng ý tăng giờ làm thêm tối đa nhưng đề nghị quy định việc trả tiền công lũy tiến: 2 giờ đầu là 150%, 1 giờ tiếp theo 250% và 1 giờ tiếp theo là 300% để hạn chế người sử dụng lao động bắt ép người lao động làm thêm. Với ngày nghỉ lễ, Tết, tiền công làm thêm cần tăng ít nhất 300-400% tiền lương.

Đại biểu Nguyễn Quang Tuấn (Hà Nội) cho rằng người lao động nào cũng có quyền làm thêm giờ, có thêm tiền tăng thu nhập cho gia đình, nhưng cần quy định rõ ràng với một số nghề tiềm ẩn nguy hiểm như lái xe đường dài, xe buýt, máy bay… thì không tăng số giờ làm thêm, thậm chí phải bắt buộc nghỉ ngơi.

Đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội Nguyễn Quang Tuấn trả lời phỏng vấn báo chí bên lề phiên họp. Ảnh: Phương Hoa - TTXVN
Đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội Nguyễn Quang Tuấn trả lời phỏng vấn báo chí bên lề phiên họp. Ảnh: Phương Hoa - TTXVN)

Đại biểu Bùi Sỹ Lợi nhấn mạnh, về việc tăng giờ làm thêm thì Chính phủ phải báo cáo thật cụ thể trước Quốc hội để Quốc hội thấy rằng không phải ngành, nghề nào cũng cần tăng thêm giờ làm để người lao động yên tâm.

Nếu ngành, nghề nào cần thiết tăng thời gian làm thêm thì cần phải quản chặt để bảo đảm sức khỏe cho người lao động, tránh xảy ra những tai nạn lao động.

Đối với việc khống chế giờ làm thêm theo cả tuần và tháng, đại biểu Bùi Sỹ Lợi nhấn mạnh, quy định này như một tấm lưới bảo vệ người lao động.

Thực tế không chỉ chủ lao động mà cả người lao động cũng muốn làm thêm vì tiền lương không đủ sống, nhưng pháp luật phải quy định để bảo đảm sức khỏe cho người lao động.

"Trong nhiều kỳ họp Quốc hội vừa qua, Ủy ban Về các vấn đề xã hội với tư cách là cơ quan thẩm tra chưa bao giờ ủng hộ việc tăng thời gian làm thêm, giữ nguyên là 300h/tuần để bảo đảm sức khỏe, an toàn lao động cho người lao động", đại biểu Bùi Sỹ Lợi nhấn mạnh./.

Theo bnews.vn

Nguồn bài viết: https://bnews.vn/ben-le-quoc-hoi-phai-lay-y-kien-doanh-nghiep-va-nguoi-lao-dong-ve-giam-gio-lam/138046.html

Bạn đang đọc bài viết "Bên lề Quốc hội: Phải lấy ý kiến doanh nghiệp và người lao động về giảm giờ làm" tại chuyên mục Diễn đàn - Luật gia. Mọi chi tiết xin liên hệ số hotline (0915.999.467) hoặc gửi email về địa chỉ (toasoan@phaply.vn).

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin