Ban hành nghị định, quy định chi tiết thi hành luật: Cần cơ chế để Quốc hội giám sát

05/06/2019 06:27

Thảo luận ở hội trường về dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2020, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019 chiều qua (3/6), nhiều đại biểu Quốc hội (ĐB) băn khoăn về tình trạng luật có hiệu lực thi hành nhưng thiếu văn bản hướng dẫn hay văn bản hướng dẫn trái luật và đề nghị có cơ chế để giám sát hoạt động này.

Đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy, Đà Nẵng phát biểu tại hội trường
Đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy, Đà Nẵng phát biểu tại hội trường)

Công tác xây dựng pháp luật: nhiều đổi mới

Cho ý kiến tại phiên họp, một số ý kiến ĐB bày tỏ tán thành với đánh giá của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cho rằng trong năm 2018 và đầu năm 2019, công tác xây dựng pháp luật từ khâu chuẩn bị đề xuất đưa dự án vào chương trình đến nghiên cứu, soạn thảo, xem xét, thông qua tiếp tục có nhiều đổi mới.

Công tác phối hợp giữa các cơ quan của Chính phủ, của QH và cơ quan, tổ chức có liên quan ngày càng chặt chẽ, hiệu quả hơn. Các cơ quan được giao soạn thảo đã khẩn trương tập trung nguồn lực cho công tác soạn thảo dự án. Người đứng đầu cơ quan chủ trì soạn thảo dành nhiều thời gian, đề cao trách nhiệm hơn trong chỉ đạo nghiên cứu soạn thảo và giải trình, tiếp thu, hoàn thiện dự án.

Các cơ quan của QH tập trung thực hiện tốt hơn nhiệm vụ thẩm tra; phối hợp ngay từ đầu với cơ quan soạn thảo để nắm bắt nội dung, cùng trao đổi, xử lý các vấn đề phát sinh, góp phần nâng cao chất lượng chuẩn bị dự án... Về cơ bản, các báo cáo thẩm tra đều có chất lượng, tính phản biện cao, có căn cứ pháp luật, cơ sở thực tiễn và khoa học.

Việc tiếp thu, chỉnh lý dự án sau khi QH cho ý kiến được các cơ quan của QH thực hiện tích cực, chủ động hơn. Kết quả, các dự án luật được thông qua trong năm 2018 đều có số phiếu rất cao, với 16/16 luật đạt trên 80%, trong đó 11/16 luật đạt trên 90% tổng số ĐB tán thành.

Tuy nhiên, các ĐB cũng đã chỉ ra nhiều tồn tại, hạn chế trong công tác xây dựng luật đã được chỉ ra từ lâu nhưng vẫn chậm được khắc phục. ĐB Nguyễn Thị Kim Thúy (Đoàn Đà Nẵng) đánh giá công tác phối hợp trong triển khai chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Chính phủ còn thiếu nhất quán, chưa đồng bộ; tình trạng “quyền anh, quyền tôi” còn diễn ra khá phổ biến, nhiều dự án không đảm bảo thời gian và chất lượng vẫn trình ra, hồ sơ dự án luật đến phiên họp thẩm tra mới được phát nên ĐB không có thời gian nghiên cứu kỹ dẫn đến tình trạng một số văn bản thẩm tra chưa sâu, ĐB phát biểu chưa sâu.

Về phía QH, theo ĐB, trong một số trường hợp, các cơ quan của QH và ĐB cũng còn tâm lý nể nang, ngại bị “đánh giá này nọ” khi có ý kiến khác với đề nghị của Chính phủ nên dễ xuôi chiều với cơ quan soạn thảo, dẫn đến tiến độ chậm, chất lượng chưa cao.

Cần cơ chế giám sát ban hành văn bản hướng dẫn áp dụng luật

ĐB Nguyễn Mai Bộ (Đoàn An Giang) phân tích, theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, dự thảo nghị định phải có trong hồ sơ dự án luật. Tuy nhiên, qua nghiên cứu thực trạng các quy định có trong dự thảo Nghị định và các quy định có trong một số Nghị định đã được ban hành cho thấy có nội dung của Nghị định đã khác xa nội dung của Nghị định trong hồ sơ.

Việc này một phần có thể lý giải là do dự thảo luật đã được QH chỉnh lý khác so với dự thảo nhưng phần khác một số nội dung trái pháp luật có một số Nghị định hướng dẫn cả nội dung không được cho phép… Từ thực tiễn trên, ĐB đề nghị QH có cơ chế hữu hiệu để giám sát hoạt động ban hành Nghị định, quy định chi tiết.

Còn ĐB Thúy cũng kiến nghị QH yêu cầu dự án luật được xem xét thông qua trong năm 2020 phải gắn liền với các dự thảo văn bản hướng dẫn thi hành luật kèm theo để tránh tình trạng “luật treo”, tức luật có hiệu lực thi hành rồi mà không được thi hành vì thiếu văn bản hướng dẫn.

Để bảo đảm chương trình và nâng cao chất lượng các dự án luật trong thời gian tới, ĐB Thúy đề nghị Chính phủ, bộ, ngành phải coi kết quả xây dựng pháp luật là một trong những tiêu chí để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của cơ quan, tổ chức, cá nhân; người đứng đầu cơ quan tổ chức đã được giao soạn thảo dự án luật, pháp lệnh…

Đối với QH, ĐB đề nghị cần thực hiện nghiêm túc chương trình xây dựng luật, pháp lệnh và các quy định về xây dựng pháp luật; dự án luật, pháp lệnh trình không đúng thời hạn, tiến độ hoặc không đảm bảo chất lượng thì không đưa vào chương trình phiên họp thẩm tra, phiên họp UBTVQH, phiên họp QH.

ĐB Thúy cũng đề nghị QH kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền xem xét trách nhiệm đối với người đứng đầu cơ quan trình, cơ quan soạn thảo có dự án luật không đúng tiến độ, không đảm bảo chất lượng.

Cùng với đó, ĐB cũng đề nghị QH phát huy tính phản biện, tranh luận của ĐB để nâng cao hiệu lực, hiệu quả của công tác xây dựng pháp luật từ đó giảm tác động tiêu cực của chính sách, góp phần phát hiện, loại bỏ lợi ích nhóm ra khỏi công tác xây dựng pháp luật để phòng ngừa “tham nhũng chính sách”.

Về chi tiết dự kiến chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019, ĐB Thúy bày tỏ tán thành cao việc bổ sung dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 8 và thông qua tại Kỳ họp thứ 9 vì đây là dự án Luật rất quan trọng trong hoạt động tư pháp. “Thực tế cho thấy trong thời gian qua, việc điều tra, truy tố, xét xử các vụ án kinh tế, tham nhũng còn gặp nhiều khó khăn mà một trong những nguyên nhân là do có vướng mắc trong công tác giám định, định giá tài sản để xử lý tham nhũng”, ĐB nói.

Theo baophapluat.vn

Nguồn bài viết: http://baophapluat.vn/trong-nuoc/ban-hanh-nghi-dinh-quy-dinh-chi-tiet-thi-hanh-luat-can-co-che-de-quoc-hoi-giam-sat-455477.html

Bạn đang đọc bài viết "Ban hành nghị định, quy định chi tiết thi hành luật: Cần cơ chế để Quốc hội giám sát" tại chuyên mục Diễn đàn - Luật gia. Mọi chi tiết xin liên hệ số hotline (0915.999.467) hoặc gửi email về địa chỉ (toasoan@phaply.vn).

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin