Bài học về công tác cán bộ, kiểm soát quyền lực qua các vụ án liên quan tới Vũ “nhôm”

03/07/2019 10:13

(Pháp lý) - Những vụ án liên quan đến Phan Văn Anh Vũ (còn gọi là Vũ “nhôm”) đã kéo theo nhiều quan chức, từ tướng lĩnh Công an đến lãnh đạo các cấp ở nhiều địa phương vướng vòng lao lý. Thực tế này đã phản ánh thực trạng quản lý cán bộ, công chức thời gian qua còn có chỗ lỏng lẻo, để các công chức thoái hóa biến chất có không gian vi phạm pháp luật khá nghiêm trọng. Đây là một bài học kinh nghiệm sâu sắc trong cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng cũng như công tác quản lý cán bộ, kiểm soát quyền lực hiện nay.

Quan chức bất chấp pháp luật

Hồ sơ xác định Phan Văn Anh Vũ (Vũ "nhôm”) là nhân viên tình báo của Tổng cục Tình báo (Bộ Công an). Quá trình công tác, Vũ được sử dụng hai tên Lê Văn Sáu, Trần Đại Vũ và điều hành hai tổ chức bình phong của Bộ Công an gồm: Công ty Cổ phần Xây dựng Bắc Nam 79 và Công ty Cổ phần Nova Bắc Nam 79.

Vũ "nhôm" đã lợi dụng danh nghĩa doanh nghiệp bình phong, với sự giúp đỡ của các quan chức Bộ Công an như Nguyễn Hữu Bách, cán bộ Tổng cục Tình báo; Phan Hữu Tuấn, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Tình báo - Bộ Công an; và hai Thứ trưởng Bùi Văn Thành, Nguyễn Việt Tân… thông qua các văn bản nghiệp vụ để được thuê, nhận chuyển nhượng các bất động sản không phải qua đấu giá, trái quy định của nhà nước.

Các cựu quan chức Đà Nẵng bị khởi tố do đã tích cực giúp Vũ "nhôm" thâu tóm đất vàng gây thiệt hại cho Nhà nước hàng trăm tỉ đồng
Các cựu quan chức Đà Nẵng bị khởi tố do đã tích cực giúp Vũ "nhôm" thâu tóm đất vàng gây thiệt hại cho Nhà nước hàng trăm tỉ đồng)

Sau khi được thuê, mua hoặc chuyển nhượng các dự án nhà đất tại TP. Đà Nẵng, TP. Hồ Chí Minh.. Vũ "nhôm" không dùng vào mục đích phục vụ công tác nghiệp vụ mà chuyển thành tài sản mang tên cá nhân mình hoặc người thân trong gia đình hoặc chuyển nhượng, liên doanh với người khác nhằm thu lợi bất chính, trị giá hơn 2.500 tỷ đồng.

Trong vụ án “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” và “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” đã được xét xử, bị can Bùi Văn Thành bị cáo buộc gây thiệt hại hơn 200 tỷ đồng, bị can Trần Việt Tân gây thiệt hại trên 155 tỷ đồng.

Ai cũng biết rằng, với trình tự, thủ tục hành chính khá phức tạp, nhất là mua bán chuyển đổi công sản sang tư nhân ở các đô thị lớn vốn dĩ rất khó khăn, nên việc hàng loạt công sản, đất vàng được sang nhượng với giá rẻ, một cách nhanh chóng cho Vũ “nhôm” là phải nhờ vào sự cộng tác đắc lực của bộ máy công quyền địa phương. Vụ án được khởi tố, điều tra nên các quan chức thoái hóa biến chất này mới từng bước được đưa ra ánh sáng.

Dưới sự thao túng của Vũ “nhôm”, lãnh đạo các Sở, UBND TP Đà Nẵng đã kí hàng loạt các văn bản hạ thấp giá đất vàng, không sát với giá thị trường, bất chấp các quy định của pháp luật để bán cho Vũ “nhôm”. Theo đó, từ năm 2010 đến 2016, chính quyền TP. Đà Nẵng đã gây thất thoát gần 140 tỉ đồng khi bán nhà đất công sản không thông qua đấu giá, bán với giá rẻ.

Đến thời điểm hiện tại, danh sách cựu quan chức các Sở, UBND TP Đà Nẵng là những người đã tích cực giúp Vũ “nhôm” thâu tóm đất vàng được cơ quan điều tra Bộ Công an đã tiến hành khởi tố gồm: Trần Văn Minh, nguyên Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng (2006-2011); Văn Hữu Chiến, nguyên Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng (2011-2014); Nguyễn Ngọc Tuấn, nguyên Phó chủ tịch UBND TP Đà Nẵng; Nguyễn Điểu, nguyên Giám đốc Sở TN&MT; Trần Văn Toán, nguyên Phó giám đốc Sở TN&MT; Lê Cảnh Dương, Giám đốc Ban xúc tiến và hỗ trợ đầu tư TP Đà Nẵng; Phan Xuân Ít, nguyên Phó Chánh Văn phòng UBND TP Đà Nẵng; Nguyễn Thị Thu Hà, nguyên Phó Giám đốc Sở Tài chính TP Đà Nẵng; Nguyễn Thanh Sang, nguyên Phó Giám đốc Sở Tài chính Đà Nẵng; Lê Anh Tuấn, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Cung ứng tàu biển Đà Nẵng; Nguyễn Đình Thống, nguyên Giám đốc Công ty Quản lý và Khai thác đất Đà Nẵng; Phan Minh Cương (SN 1971), nguyên Giám đốc Công ty TNHH I.V.C, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Xây dựng 79.

 Hai cơ sở nhà, đất công ở số 37-39 Pasteur được các quan chức bán rẻ bất thường cho Vũ “nhôm”
Hai cơ sở nhà, đất công ở số 37-39 Pasteur được các quan chức bán rẻ bất thường cho Vũ “nhôm”)

Tương tự như vậy, tại TP Hồ Chí Minh, những quan chức trong đường dây Vũ “nhôm” được khởi tố gồm: Nguyễn Hữu Tín, nguyên Phó Chủ tịch UBND TP HCM; Đào Anh Kiệt, nguyên Giám đốc Sở Tài nguyên Môi trường TP HCM; Lê Văn Thanh, Phó chánh Văn phòng UBND TP HCM; Nguyễn Thanh Chương, Trưởng phòng Đô thị, Văn phòng UBND TP HCM.

Tuy vậy, không chỉ ở Đà Nẵng, hình thức thâu tóm, mua rẻ nhà - đất công sản của Vũ "nhôm" đã được thực hiện ở nhiều địa phương khác trên cả nước. Ngoài Đà Nẵng, Tp Hồ Chí Minh, những vụ việc tương tự còn xảy ra ở Nha Trang, Khánh Hòa, Đà Lạt, Lâm Đồng... Nếu vụ án tiếp tục được mở rộng, xử lý khách quan, triệt để thì danh sách quan chức trong “mạng lưới” do Vũ “nhôm” “điều phối” chắc sẽ còn kéo dài.

Giải pháp nào để quản lý quan chức, kiểm soát quyền lực hiệu quả?

Công tác cán bộ những năm qua luôn được quan tâm, với nhiều giải pháp để nâng cao năng lực, bảo đảm phẩm chất, ngăn ngừa tiêu cực, tham nhũng. Quy trình bổ nhiệm cán bộ cũng rất chặt chẽ, công tác quản lý cán bộ cũng có những quy định bảo đảm sự giám sát thường xuyên liên tục. Mặc dầu vậy nhưng không chỉ riêng vụ án Phan Văn Anh Vũ mà rất nhiều vụ án khác đã phanh phui rất nhiều quan chức vi phạm pháp luật ở các mức độ khác nhau. Năm 2018, tình hình tội phạm vẫn diễn biến phức tạp, cơ quan chức năng đã khởi tố mới hơn 72.000 vụ án, tăng 3,2% so với năm 2017, trong đó tội phạm về tham nhũng, tội phạm về chức vụ tăng 32,2%. Một số vụ án được dư luận quan tâm gắn với tên tuổi các quan chức như: Vụ án Đinh La Thăng, vụ án Trịnh Xuân Thanh; vụ án Đặng Thanh Bình; vụ án Trần Bắc Hà; vụ án Lê Nam Trà… cho thấy tính chất nghiêm trọng của vấn đề.

 Hai năm trở lại đây đã có hàng loạt quan chức cố ý làm trái, vi phạm pháp luật hình sự bị truy tố trước pháp luật
Hai năm trở lại đây đã có hàng loạt quan chức cố ý làm trái, vi phạm pháp luật hình sự bị truy tố trước pháp luật)

Việc xử lý nghiêm minh các vụ án này trong cuộc chiến chống tham nhũng hiện nay có nhiều ý nghĩa. Trước hết, nó cho ra một bài học cảnh giác trước các quan chức vốn đã được đào tạo, chọn lựa kỹ càng. Khi có lợi ích lớn, họ sẵn sàng chà đạp lên pháp luật.

Việc xét xử ngay cả những quan chức đã lên tới chức Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng, Bí thư, Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố, tướng lĩnh vẫn bị xử lý nghiêm minh càng chứng tỏ tinh thần chống tham nhũng không có vùng cấm, không có giới hạn hiện nay. Đây là một thông điệp có ý nghĩa lớn.

Việc xử lý này cũng cho thấy không thể chống tham nhũng chỉ bằng giáo dục suông. Tuyên truyền, vận động, giáo dục, khen thưởng là rất cần thiết nhưng sẽ trở nên vô nghĩa và hình thức nếu không đi kèm với sự quản lý hiệu quả, nghiêm minh của pháp luật. Phải hoàn thiện cơ chế, chính sách và pháp luật, để bịt kín các lỗ hổng khiến quan chức dù muốn cũng không thể tham nhũng, đó mới là giải pháp căn cơ.

PGS. TS. Nguyễn Văn Nam – nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu thương mại nhận xét rằng: Tham nhũng ngày nay là từ các quan hệ có sự “móc ngoặc” theo kiểu hứa hẹn để xin được dự án, rồi sẽ chi chia một khoản tiền từ chính dự án đó. Ở Việt Nam các quy định của pháp luật điều chỉnh vấn đề này còn chung chung nên rất khó xử lý.
PGS. TS. Đinh Trọng Thịnh – Học viện Tài chính cho biết: Có tình trạng một số doanh nghiệp có quan hệ thân hữu với các quan chức, dẫn tới hiện tượng thao túng hoạt động về chính sách nói riêng cũng như hoạt động kinh doanh nói chung ngày càng phổ biến. Bản chất ở đây là sự cấu kết, móc nối của một số doanh nghiệp với những người có chức có quyền trong bộ máy công quyền để từ đó lợi dụng chức vụ quyền hạn cũng như chức trách của mình, đem lại lợi ích cho doanh nghiệp đó hoặc nhóm người nào đó. Ông Thịnh nhận xét, Vũ “nhôm” là trường hợp có thể điều chỉnh mối quan hệ giữa các doanh nghiệp và cả các quan chức nên mới xảy ra tình trạng muốn gì được đó, coi thường cả luật pháp và các quan chức. Tình trạng này đang bóp méo cạnh tranh lành mạnh trong môi trường kinh doanh của nền kinh tế. Từ đó, làm cho cạnh tranh bình đẳng, công bằng và tuân thủ theo luật pháp chẳng còn ý nghĩa gì. Nó sẽ còn ảnh hưởng tới cả lòng tin của các doanh nghiệp vào luật lệ, lòng tin của xã hội, của người dân sẽ bị ảnh hưởng.

Vì vậy, giải pháp toàn diện và triệt để nhất để chống tham nhũng, kiểm soát quyền lực của quan chức, ngăn ngừa quan chức lạm quyền, lộng quyền là hoàn thiện bộ máy, hoàn thiện hệ thống pháp luật, xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN. Do thuộc tính của quyền lực là có nguy cơ lạm quyền, lộng quyền nên quyền lực phải được kiềm chế, giám sát chặt chẽ.

Nhà nước pháp quyền XHCN là một trong những thành tựu của loài người trong việc tổ chức và vận hành xã hội, trong đó mọi hoạt động của nhà nước đều phải chịu sự kiểm soát, sự chế ngự của pháp luật. Đối với nước ta, xây dựng nhà nước pháp quyền là yêu cầu tất yếu khách quan của sự nghiệp đổi mới, với nguyên tắc bảo đảm quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp và kiểm soát giữa các cơ quan trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp. Theo đó, yêu cầu cấp bách đặt ra đó là phải khẩn trương hoàn thiện pháp luật về kinh tế, đầu tư, về kiểm toán, thanh tra đáp ứng yêu cầu giám sát của Quốc hội, HĐND và giám sát của nhân dân đối với hoạt động quản lý, sử dụng ngân sách, tiền và tài sản nhà nước; đảm bảo minh bạch và lành mạnh các quan hệ kinh tế - tài chính, nâng cao hiệu quả sử dụng ngân sách, tiền và tài sản nhà nước.

                                                                                         Minh Khôi

 

Bạn đang đọc bài viết "Bài học về công tác cán bộ, kiểm soát quyền lực qua các vụ án liên quan tới Vũ “nhôm”" tại chuyên mục Diễn đàn - Luật gia. Mọi chi tiết xin liên hệ số hotline (0915.999.467) hoặc gửi email về địa chỉ (toasoan@phaply.vn).

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin