Bài học nào từ các quan chức sa lưới pháp luật ?

25/01/2021 09:34

(Pháp lý) - Cuộc đấu tranh chống tham nhũng không có vùng cấm những năm qua đã đưa ra ánh sáng nhiều quan chức bị kỷ luật, bị khởi tố, bị xét xử và lãnh án. Hiện nay, Chủ tịch UBND Tp Hà Nội Nguyễn Đức Chung cũng bị khởi tố bắt tạm giam, trước đó là cựu Bộ trưởng Công thương Vũ Huy Hoàng, ông Trần Vĩnh Tuyến, Phó Chủ tịch UBND Tp HCM cũng đã bị khởi tố… Bài học nào cần được rút ra từ những vụ án này?!

Sự tha hóa

Trước hết là sự tha hóa. Ai cũng biết rằng, để trở thành cán bộ lãnh đạo, cán bộ trung cấp, cao cấp trong bộ máy nhà nước, mỗi cán bộ, công chức đều phải trải qua quá trình phấn đấu, rèn luyện để có đủ năng lực và phẩm chất thực hiện nhiệm vụ được giao.

Đơn cử trường hợp Nguyễn Đức Chung, từ cán bộ Đội Trọng án Phòng Cảnh sát điều tra - Công an TP Hà Nội năm 1997, rồi Đội phó, Đội trưởng Đội trưởng Đội Trọng án… 10 năm sau Nguyễn Đức Chung là Trưởng phòng Cảnh sát hình sự - rồi Phó Giám đốc Công an TP Hà Nội. Năm 2011, Nguyễn Đức Chung trúng cứ Đại biểu Quốc hội khóa XIII, Ủy viên Ủy ban Tư pháp của Quốc hội. Năm sau lên Giám đốc Công an TP Hà Nội.

Nguyễn Đức Chung được phong hàm Thiếu tướng ngày 13/ 7 /2013 khi mới 46 tuổi - Thiếu tướng trẻ nhất ngành Công an thời điểm được phong quân hàm. Trước đó, Nguyễn Đức Chung được tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Tháng 12/2014 Nguyễn Đức Chung làm Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội.

Hành trình ấy, với trình độ chuyên môn TS Luật học, Nguyễn Đức Chung có đầy đủ nhận thức về mặt chính trị cũng như pháp luật, nhưng cuối cùng lại bị khởi tố, bắt tạm giam vì liên quan đến ba vụ án hình sự. Hành trình bề ngoài tưởng như phát triển ấy thật ra đang ẩn giấu sự tha hóa, suy thoái từ bên trong. Những phẩm chất đạo đức đã bị đương sự đánh mất dần và trở thành tội phạm trước pháp luật.

Nhìn lại các trường hợp Đinh La Thăng, Vũ Huy Hoàng, Trần Văn Minh, Văn Hữu Chiến, Nguyễn Hữu Tín, Nguyễn Thành Tài, Phan Văn Vĩnh, Nguyễn Thanh Hóa… họ cũng đều trải qua hành trình học tập, phấn đấu, rèn luyện, trưởng thành rồi suy thoái, biến chất, thậm chí trở thành tội phạm như thế.

Bài học này nhắc nhở cán bộ, công chức phải luôn luôn cảnh giác căn bệnh tha hóa, để không ngừng tu dưỡng, rèn luyện, biết tránh xa các cám dỗ tiêu cực để giữ được nhân cách và phẩm chất của mình.

Bị can Nguyễn Đức Chung

Coi thường pháp luật

Vấn đề thứ hai là bệnh coi thường pháp luật rất trầm trọng. Nếu người dân ít hiểu biết pháp luật mà coi thường, dẫn đến vi phạm pháp luật thì khá dễ hiểu, nhưng quan chức lớn, am hiểu pháp luật mà vi phạm pháp luật, chà đạp lên pháp luật vì các lợi ích cá nhân, phe nhóm thì tình trạng đó thực sự rất trầm trọng.

Nguyễn Đức Chung bị khởi tố bị can, bắt tạm giam 4 tháng để điều tra về tội chiếm đoạt tài liệu bí mật Nhà nước. Một sĩ quan công an cấp tướng, chuyên ngành hình sự nhưng là nghi can phạm tội chiếm đoạt tài liệu bí mật Nhà nước liên quan đến vụ án Nhật Cường, cho thấy tính nghiêm trọng của vụ án.

Bộ Công an cũng cho biết ông Chung liên quan 3 vụ án. Trước hết là vụ án Nhật Cường, Bộ Công an đã khởi tố 28 bị can với 4 tội danh: Buôn lậu, vi phạm quy định về kế toán, rửa tiền, vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng. Trong số 28 bị can, Bùi Quang Huy bị khởi tố cả 4 tội danh. Bùi Quang Huy sử dụng tư cách pháp nhân của Nhật Cường để tổ chức buôn lậu 260.000 sản phẩm điện thoại và thiết bị điện tử các loại với giá trị 3.200 tỷ đồng. Ngoài ra còn lập sổ sách kế toán gian dối để trốn thuế khoảng 30 tỷ đồng.

Qua điều tra, cơ quan điều tra cũng thấy rằng có gói thầu số hóa của Sở KH&ĐT Hà Nội, cơ quan điều tra làm rõ hành vi vi phạm quy định về đầu thầu gây thiệt hại 19,8 tỷ đồng. Việc này có một phần trách nhiệm của ông Nguyễn Đức Chung trên cương vị Chủ tịch TP.Hà Nội.

Về vi phạm quy định quản lý tài sản, gây thất thoát tại TP. Hà Nội, quá trình triển khai việc xử lý ô nhiễm nước hồ từ chế phẩm Redoxy-3C, Hà Nội đã trực tiếp đàm phán với đối tác ở Đức sản xuất hoá chất này riêng cho Hà Nội, nghiên cứu các đặc tính của sông, hồ Hà Nội. Nếu Hà Nội ký trực tiếp với Công ty Watch Water Gmb thì rất lý tưởng. Tuy nhiên, quá trình điều tra cho thấy do phải ký với công ty đại lý nên gây thất thoát cho Nhà nước khoảng 41 tỷ đồng.

Rồi đây vụ án sẽ được đưa ra truy tố, xét xử, sự thật sẽ được sáng tỏ… nhưng dấu hiệu coi thường pháp luật đã rất rõ ràng. Nhìn lại các vụ án khác, căn bệnh này cũng khá phổ biến.

Một ví dụ khác như vụ đánh bạc ngàn tỉ, Trung tướng Phan Văn Vĩnh - nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát và Thiếu tướng Nguyễn Thanh Hóa, Cục trưởng Cục Phòng, chống tội phạm công nghệ cao, Bộ Công an biết Công ty TNHH Ðầu tư phát triển an ninh công nghệ cao, do Nguyễn Văn Dương cầm đầu và Công ty cổ phần VTC truyền thông trực tuyến - VTC online, do Phan Sào Nam cầm đầu, hoạt động tổ chức đánh bạc, nhưng không ngăn chặn, xử lý, mà còn tiếp tay, bao che cho sai phạm, không cho các phòng nghiệp vụ xác minh, xử lý. Hành vi nêu trên đã gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng và ảnh hưởng đến uy tín ngành Công an.

Sau 28 tháng vận hành chương trình phần mềm và giải pháp công nghệ có tích hợp game bài Rikvip/Tip.Club, 23Zdo, Zon/Pen…, các đối tượng thuộc nhóm vận hành game đã liên kết với nhiều công ty cung cấp dịch vụ và xây dựng được một hệ thống gồm: 25 “đại lý cấp 1”, gần 5.900 “đại lý cấp 2” để cung cấp dịch vụ chuyển đổi điểm ảo trong game ra tiền thật và ngược lại, theo đó đã lôi kéo được gần 43 triệu tài khoản đăng ký tham gia đánh bạc trực tuyến. Tổng thu lời bất chính thông qua hoạt động nạp tiền, thẻ vào dịch vụ tổ chức đánh bạc trái phép hơn 9.800 tỷ đồng.

Đây có thể nói là vụ việc điển hình của người chấp pháp nhưng bất chấp pháp luật.

Kiểm soát quyền lực

Từ thế kỷ XVIII, các nhà triết học và chính trị học người Anh đã khẳng định: Quyền lực càng lớn, càng tuyệt đối thì càng dẫn tới sự tha hóa quyền lực, nếu không được kiểm soát chặt chẽ.

Sự tha hóa quyền lực đó có thể là lạm quyền, lộng quyền, lạm dụng quyền lực để trục lợi… Trong đó, lạm quyền là làm những việc vượt quá quyền hạn của mình, là thực hiện quyền lực chính trị theo những cách sai trái nhằm phục vụ lợi ích cho cá nhân họ hoặc nhóm lợi ích không đúng với các quy định trong hệ thống pháp luật của quốc gia, có thể gây thiệt hại cho lợi ích của Nhà nước, của xã hội, quyền, lợi ích hợp pháp của công dân.
Lợi dụng là dựa vào điều kiện thuận lợi do quyền hạn của mình để mưu lợi riêng không chính đáng. Những kẻ lợi dụng quyền lực thường sử dụng quyền lực trái nguyên tắc liêm chính, vô tư.

Lộng quyền là làm việc ngang ngược vượt quá quyền hạn của mình, lấn cả quyền hạn của người cấp trên. Lộng quyền trong lĩnh vực chính trị có một phần giống với lạm quyền là thực hiện công vụ chệch ra ngoài mục tiêu, khuôn phép được giao vì động cơ cá nhân. Tuy nhiên lộng quyền là hành vi nguy hiểm hơn lạm quyền. Nếu như người lạm quyền thường phải thực hiện hành vi sai trái một cách che dấu thì người lộng quyền thực hiện hành vi sai trái một cách ngang nhiên, ngang ngược, ngông cuồng gây bức xúc xã hội.

Do đó, quyền lực phải được kiểm soát chặt chẽ. Cơ chế kiểm soát quyền lực nhà nước là sự tổng hợp của nhiều cơ chế kiểm soát có tính chất bộ phận, nhằm kiểm soát tất cả các nhánh quyền lực nhà nước (quyền lập pháp, quyền hành pháp, quyền tư pháp) dù ở các phạm vi khác nhau.

Về kiểm soát quyền lực của Đảng, nhân dân thực hiện quyền giám sát hoạt động của Đảng một cách đa diện: phục vụ nhân dân, chịu trách nhiệm trước nhân dân về các quyết định của mình, gắn bó mật thiết với nhân dân, sự vi phạm pháp luật của tổ chức và đảng viên của Đảng… Mặt khác, việc kiểm soát quyền lực lãnh đạo của Đảng còn được thực hiện với các hình thức giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, của các tổ chức chính trị - xã hội… Bên cạnh đó, kiểm soát quyền lực của cán bộ, công tác cán bộ, các tổ chức của Đảng là công việc gốc của kiểm soát quyền lực trong Đảng. Người ta nói rằng: Mọi mầm họa đối với bộ máy và thể chế thường bắt đầu từ khâu căn bản này.

Ở nước ta hiện nay có nhiều thiết chế kiểm soát quyền lực như cơ quan Thanh tra Chính phủ, Kiểm toán Nhà nước, cơ quan Kiểm tra của Đảng… Tuy nhiên, những vụ án xảy ra gần đây cho thấy các thiết chế kiểm soát quyền lực, nhiều nơi, nhiều lúc bộc lộ kém hiệu quả.

Bị can Vũ Huy Hoàng

Ví dụ trường hợp ông Vũ Huy Hoàng, cựu Bộ trưởng Bộ Công Thương trong vụ mất quyền sử dụng đất đối với hơn 6.000m2 đất ở địa chỉ 2-4-6 Hai Bà Trưng (quận 1, TP.HCM) vào tay tư nhân. Kết luận điều tra xác định đây chính là thất thoát và lãng phí, do hành vi của bị can Vũ Huy Hoàng và đồng phạm gây ra cho ngân sách nhà nước trong công tác quản lý, khai thác và sử dụng khu đất. Khi Sabeco thoái vốn 26% giá trị cổ phần tại lô đất này, lúc bán cổ phần chỉ tính hơn 14.000 đồng/cổ phần, trong khi cơ quan định giá tài sản trong tố tụng hình sự định giá mỗi cổ phần có giá là hơn 31.000 đồng. Như vậy, đến nay cơ quan điều tra xác định giá trị thực của lô đất là 3.816 tỉ đồng, trong khi pháp nhân sở hữu lô đất này mới nộp cho ngân sách nhà nước được hơn 1.151 tỉ đồng. Tại cơ quan điều tra, ông Hoàng cho rằng trách nhiệm trực tiếp là Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa.

Hay vụ sai phạm ở Tổng Công ty Nông nghiệp Sài Gòn (SAGRI) trong việc chuyển nhượng lại dự án phát triển khu nhà ở tại phường Phước Long B, quận 9, TP.HCM (dự án nhà ở Phước Long B) mà SAGRI làm chủ đầu tư. Dự án này Thanh tra TP.HCM và Kiểm toán Nhà nước xác định có nhiều vi phạm, chuyển nhượng gây thất thoát tài sản nhà nước.

Theo hồ sơ, tháng 10-2008, SAGRI ký với Tổng Công ty cổ phần Phong Phú hợp đồng hợp tác đầu tư xây dựng và kinh doanh dự án có tổng diện tích trên 36 ha. Sau nhiều lần thay đổi, đến năm 2018, SAGRI đã chuyển nhượng toàn bộ dự án cho Tổng Công ty cổ phần Phong Phú mà không qua đấu giá. Từ đó, Sở Xây dựng kiến nghị UBND TP chấp thuận cho SAGRI chuyển nhượng dự án. Phó Chủ tịch UBND TP HCM Trần Vĩnh Tuyến đã ký quyết định chấp thuận cho SAGRI chuyển nhượng dự án cho Công ty Phong Phú.
Nếu quyền lực của ông Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng, Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa, Phó Chủ tịch Trần Vĩnh Tuyến… được kiểm soát tốt hơn thì liệu họ có thể dễ dàng phê duyệt những đề xuất gây thất thoát hàng ngàn tỉ đồng như vậy được không?

Kết luận

Sự tha hóa quyền lực, dẫn đến lạm quyền, lộng quyền, lợi dụng chức vụ quyền hạn là những căn bệnh trầm kha của những cá nhân có quyền lực nhưng thiếu tu dưỡng đạo đức và coi thường pháp luật. Hậu quả của những căn bệnh này, nếu nhìn từ góc độ kinh tế thì không thiếu vụ án thiệt hại hàng ngàn tỉ đồng; nhìn từ góc độ xã hội thì khó mà đo đếm hết hậu quả.

Vì vậy, hơn lúc nào hết, vấn đề kiểm soát quyền lực nói chung, kiểm soát quyền lực của cán bộ công chức nói riêng phải được siết chặt một cách đồng bộ. Trước hết, phải có cơ chế rõ ràng để công khai, minh bạch tất cả chức năng, nhiệm vụ của các tổ chức, cơ quan; chức trách, nhiệm vụ của từng chức danh để nhân dân dễ dàng kiểm tra, giám sát. Trong đó có vấn đề phát huy dân chủ trong từng cơ quan, tổ chức và cộng đồng là rất quan trọng.

Thứ hai, thiết lập hệ thống thông tin phản hồi hiệu quả từ đối tượng chịu sự tác động của quyền lực, đó là các doanh nghiệp và người dân.

Thư ba, thiết lập hệ thống kiểm soát nội bộ có hiệu lực nhằm thường xuyên rà soát các quy trình, thủ tục, công vụ, công chức để phát hiện kịp thời các bất hợp lý và kiến nghị giải pháp điều chỉnh, sửa chữa, kỷ luật.

Thứ tư, trừng phạt nghiêm khắc, kịp thời các cá nhân có hành vi lạm quyền, lợi dụng quyền lực, lộng quyền, kiên quyết không bao che, dung túng.

Thái Đăng

Bạn đang đọc bài viết "Bài học nào từ các quan chức sa lưới pháp luật ?" tại chuyên mục Đọc nhiều nhất. Mọi chi tiết xin liên hệ số hotline (0915.999.467) hoặc gửi email về địa chỉ (toasoan@phaply.vn).

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin