Bài 14: Hạn chế trong công tác quy hoạch và quản lý sử dụng đất: Lời cảnh tỉnh cho nhiều tỉnh, thành…

31/07/2019 14:29

(Pháp lý) - Gần đây xuất hiện các vụ doanh nghiệp kiện chính quyền liên quan đến công tác quản lý sử dụng đất… Bên cạnh đó, có những vụ việc chính quyền thu hồi đất dự án để “sửa sai” gây tốn kém không chỉ cho ngân sách mà tốn kém cho cả doanh nghiệp chỉ vì những hạn chế trong công tác quy hoạch và quản lý sử dụng đất của những thời kì trước đó.

Những yếu kém trong khâu thực thi pháp luật về quy hoạch, về quản lý, sử dụng đất đai có cả nguyên nhân chủ quan và khách quan. Nguyên nhân đáng lưu tâm là do một bộ phận cán bộ vì lợi ích nhóm, dùng kế hoạch, quy hoạch của địa phương để phục vụ lợi ích riêng.

Nhiều động thái quyết liệt trong thu hồi đất

UBND tỉnh Bình Định vừa qua có thông tin trên báo chí về kế hoạch di dời 3 khách sạn lớn ở phía Đông đường An Dương Vương, gồm khách sạn Hải Âu, Hoàng Yến và Bình Dương. Theo đó, sau khi di dời 3 khách sạn này, tỉnh lấy lại đất để xây dựng công viên công cộng, trả lại không gian bờ biển cho cộng đồng.

Khách sạn thuộc diện di dời đầu tiên là Khách sạn Bình Dương ở số 493 đường An Dương Vương, P.Nguyễn Văn Cừ, TP.Quy Nhơn. Đây là khách sạn đạt chuẩn 2 sao có quy mô 6 tầng với 60 phòng ngủ. Thực hiện việc thu hồi đất trên, UBND tỉnh Bình Định phải phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ tài sản do thu hồi khu đất của Khách sạn Bình Dương thuộc Bộ Tư lệnh Binh đoàn 15 và bố trí 3.000 m2 tại số 20 trên đường Nguyễn Văn Trỗi (TP.Quy Nhơn) và bồi thường 32 tỉ đồng hỗ trợ di dời, tài sản thu hồi đất của khách sạn Bình Dương.

2 khách sạn ngàn tỉ ven biển Quy Nhơn tại khu vực ven biển đường An Dương Vương (TP.Quy Nhơn) khác gồm khách sạn Hải Âu (4 sao) và Hoàng Yến (4 sao). Đối với các khách sạn Hải Âu và Hoàng Yến, tỉnh Bình Định sẽ căn cứ vào thời hạn hợp đồng cho thuê đất để giải tỏa. Trong đó, khách sạn Hải Âu sẽ hết hạn thuê đất trong năm 2019, khách sạn Hoàng Yến có thời hạn thuê đất đến năm 2052. Khách sạn Hoàng Yến cao 11 tầng trên khuôn viên 5.000 m2, có 105 phòng ngủ, hệ thống nhà hàng phục vụ trên 2.000 khách, hội trường phục vụ hội nghị cao cấp 400 chỗ ngồi… là một trong những khách sạn hàng đầu, tiện nghi, hiện đại vào bậc nhất ở Quy Nhơn. Khách sạn Hải Âu gồm 11 tầng trên khuôn viên 1.400 m2, có 170 phòng nghỉ đạt tiêu chuẩn 4 sao, có hệ thống 6 nhà hàng (nhà hàng lớn nhất với sức chứa lên tới 800 khách), có các loại phòng họp khác nhau với sức chứa lên đến 420 khách …

 Những khách sạn bề thế ven biển phải di dời do vướng quy hoạch là bài học cảnh tỉnh cho nhiều địa phương và doanh nghiệp.
Những khách sạn bề thế ven biển phải di dời do vướng quy hoạch là bài học cảnh tỉnh cho nhiều địa phương và doanh nghiệp.)

Theo tìm hiểu, hoạt động thu hồi đất trên để thực hiện quy hoạch của UBND tỉnh Bình Định. Theo ông Hồ Quốc Dũng – Chủ tịch tỉnh, tất cả công trình che khuất tầm nhìn ra biển đều bị giải tỏa theo lộ trình để tạo không gian thông thoáng cho phố biển Quy Nhơn. Việc giải tỏa các khách sạn ven bãi biển Quy Nhơn là để dành toàn bộ không gian biển của vịnh Quy Nhơn cho dân, không giao cho bất cứ nhà đầu tư nào, để bất kỳ ai xuống biển cũng được hết. Làm vậy dân có chỗ đi bộ tập thể dục rồi ngồi ghế đá công viên”, ông Hồ Quốc Dũng nói.

Trong một cuộc họp gần đây để thông báo với báo chí về hoạt động của địa phương, UBND thành phố Đà Nẵng đã cho biết, tỉnh này đang bị 4 doanh nghiệp kiện, trong đó có vụ kiện liên quan đến dự án khu du lịch ven biển Hòn Ngọc Á Châu (tại đường Võ Nguyên Giáp, P.Khuê Mỹ, Q.Ngũ Hành Sơn) . Đây là dự án do Công ty CP Hòn Ngọc Á Châu làm chủ đầu tư, dự án này được cấp giấy chứng nhận đầu tư lần đầu vào năm 2007. Tuy nhiên, đã hơn 10 năm qua, dự án này vẫn chỉ có tường bao và một số công trình được xây dựng để trông coi phần đất được cấp. Theo ghi nhận, toàn bộ diện tích dự án 85.000 m2 hiện vẫn bị bỏ không, cỏ dại mọc um tùm. Trước tình trạng này, ngày 2.7.2018, Sở Xây dựng TP trình phê duyệt quy hoạch, theo đó thu hồi phần diện tích 85.000 m2, trong đó phần đất 71.806 m2, phần bãi cát 13.194 m2. Ngay sau đó, chủ đầu tư đã phản đối, tuy nhiên, qua nghiên cứu UBND TP.Đà Nẵng đã có báo cáo Thường trực Thành ủy Đà Nẵng xin ý kiến chỉ đạo vẫn thu hồi theo phương án của TP để làm quảng trường cây xanh, bãi tắm công cộng và đường xuống biển cho người dân.

Tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn của kỳ họp thứ 9 HĐND TP.Hà Nội khóa XV, UBND thành phố Hà Nội thông tin, từ tháng 8/2018 đến nay, Hà Nội đã chỉ đạo thu hồi 24 dự án, với tổng diện tích 1.500 ha do doanh nghiệp chây ì không thực hiện hoặc có vi phạm. Ở Hải Phòng, qua rà soát, thành phố đã tiến hành thu hồi 35 dự án chưa triển khai với diện tích 670ha, điều chỉnh thời gian thực hiện đối với một dự án, diện tích 50ha. Một số dự án bị chậm tiến độ do tình trạng kéo dài trong giải phóng mặt bằng đã được xử lý cụ thể như sau: các trường hợp bị ách tắc, kéo dài trong việc bồi thường đã được tháo gỡ và đang tiếp tục thực hiện, gồm 5 dự án, diện tích 73,18ha; các trường hợp bị ách tắc, kéo dài trong việc tái định cư đã được tháo gỡ và đang tiếp tục thực hiện, gồm 3 dự án, diện tích 54,44ha; các trường hợp bị ách tắc, kéo dài trong việc giải phóng mặt bằng đã hủy bỏ quyết định thu hồi đất và đã công bố công khai việc hủy bỏ đó, gồm 9 dự án, diện tích 43,6ha. Việc thu hồi đất các dự án kéo dài gặp không ít khó khăn và khiếu kiện của các doanh nghiệp bị thu hồi.

 Kiên quyết thu hồi đất do vi phạm pháp luật đất đai (vi phạm về thời hạn thực hiện dự án) được thực hiện ở nhiều tỉnh thành trong thời gian gần đây.
Kiên quyết thu hồi đất do vi phạm pháp luật đất đai (vi phạm về thời hạn thực hiện dự án) được thực hiện ở nhiều tỉnh thành trong thời gian gần đây.)

Những quyết định đáng hoan nghênh… nhưng tốn kém….

Không thể phủ nhận những quyết định trên được người dân rất hoan nghênh vì các quyết định đều được suy tính dựa trên lợi ích chung của cộng đồng. Tuy nhiên, nếu xem xét kĩ, việc thu hồi đất trong các trường hợp trên, có nguyên nhân vì những hạn chế trong vấn đề quy hoạch. Đầu tiên, đối với việc thu hồi 3 khách sạn ở Bình Định, có nguyên nhân do tầm nhìn còn hạn chế của các đơn vị quy hoạch trước đó. Khi thu hồi đất để thực hiện quy hoạch mới, dự tính sẽ tốn kém ngân sách để thực hiện.
Trao đổi với Phóng viên Pháp lý, ông Lê Hoàng Châu – Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản thành phố Hồ Chí Minh cho rằng: Việc thu hồi đất ven biển của tỉnh Bình Định là đáng hoan nghênh nhưng qua câu chuyện này, chúng ta có cơ hội nhìn nhận lại những vấn đề về quy hoạch. Ông Châu cho rằng công tác quy hoạch phải thể hiện được tầm nhìn trong trung hạn và dài hạn. Việc quy hoạch phải đồng bộ. Quy hoạch phải mang lại giá trị kinh tế cho cộng đồng mà nhà nước là chủ thể đại diện. Việc giao bờ biển cho nhà đầu tư dù mang lại lợi ích cho nhà nước nhưng lại hạn chế những lợi ích của cộng đồng. Ở nhiều tỉnh thành trong cả nước hiện nay, vẫn phổ biến tình trạng giao bờ biển cho các nhà đầu tư. Qua thực tế ở Bình Định, là cảnh tỉnh cho nhiều tỉnh thành. Hiện nay, ở nhiều nơi vì lợi ích kinh tế trước mắt, nhiều địa phương chưa chú ý đến quy hoạch. Thực tế ở nhiều nơi, có hiện tượng doanh nghiệp vẽ quy hoạch cho cơ quan nhà nước thực hiện. Tôi không loại trừ yếu tố tiêu cực trong quy hoạch ở nhiều tỉnh thành làm ảnh hưởng đến những vấn đề của quy hoạch…

Ông Trần Ngọc Hùng - Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam cho biết, bên cạnh những thành tựu đạt được trong việc quy hoạch kế hoạch và triển khai công tác quản lý đất đai, trong thực tế còn nhiều tồn tại, gây thất thoát lãng phí rất lớn đến nguồn tài nguyên quan trọng này. Cụ thể, theo ông Hùng, công tác quy hoạch đất đai còn nhiều bất cập thể hiện ở hàng loạt các dự án khu công nghiệp, khu chế xuất, không được lấp đầy, hàng loạt dự án đô thị cụm đô thị treo chậm triển khai trong thời gian rất dài mà ở địa phương nào cũng có. Hàng tỷ đô la, hàng chục vạn ha đất của các dự án treo, chậm triển khai, triển khai không đồng bộ. Nhiều dự án xây dựng đang dở dang, xây, bỏ đó không sử dụng. Một bất cập được ông Hùng chỉ ra nữa là, nhiều dự án quy hoạch không phù hợp thực tế, phải liên tục điều chỉnh, dẫn đến nhiều dự án phải chờ đợi, điều chỉnh, thu hồi.

Liên quan đến việc thu hồi đất tại Đà Nẵng, dự án treo nhiều năm phải thu hồi là đúng theo quy định của Luật Đất đai. Tuy nhiên, nó cũng nói lên thực tế, hạn chế khi nhiều tỉnh thành trước đây đã cấp phép cho các chủ đầu tư một cách ồ ạt chiều theo tâm lý đầu tư đám đông, trong đó không loại trừ lợi ích nhóm trong đầu tư dự án sử dụng đất, có trường hợp đúng quy hoạch nhưng không đúng thời điểm, có thể phù hợp với quy định, kế hoạch sử dụng đất trong dài hạn nhưng trong ngắn hạn, cơ sở hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội chưa có, nhu cầu sử dụng còn thấp trong khi nguồn cung của dự án quá lớn dẫn đến sự đình trệ của hàng loạt dự án.

Ông Hùng dẫn chứng thêm về nhiều dự án chậm là do hệ lụy của hạn chế trong công tác quy hoạch. "Điển hình là hàng loạt dự án khu đô thị dọc Đại lộ Thăng Long khu đô thị phía đông Hải Phòng, khu Đô thị Từ Sơn Bắc Ninh, Khu đô thị Đồng Nai, nhiều dự án ven biển của Đà Nẵng, Khánh Hòa, Bà Rịa – Vũng Tàu ....".

Ông Lê Hoàng Châu cũng đánh giá cao các chính sách của Nhà nước trong việc thu hồi các dự án treo, dự án có vi phạm pháp luật về đất đai, vi phạm pháp luật về xây dựng. Chủ đầu tư nhiều dự án, đã đưa trình những dự án trên quy mô rộng lớn nhưng lại thiếu tính khả thi, nhiều năm sau doanh nghiệp không thực hiện thì Nhà nước thu hồi lại. Nhiều địa phương đã có quy hoạch đúng (đáp ứng những tiêu chuẩn, điều kiện của quy hoạch) nhưng khi thực hiện thì lại vướng mắc… Tôi cho rằng đó là những hạn chế trong khâu kế hoạch thực hiện quy hoạch. Ở nhiều địa phương lựa chọn nhà đầu tư yếu kém, chủ đầu tư kinh doanh chụp giật nên không thực hiện được kế hoạch, quy hoạch. Những dự án đó gây thiệt hại cho địa phương và người dân… Những yếu kém trong khâu thực thi pháp luật về quy hoạch do cả nguyên nhân chủ quan và khách quan. Nguyên nhân đáng lưu tâm là do những cán bộ, công chức vì lợi ích riêng, lợi ích nhóm, họ đã dùng quy hoạch kế hoạch phát triển của địa phương để tư lợi.

Theo đó, các chuyên gia kiến nghị cần tổng kết việc thi hành Luật Đất đai, từ đó tập trung sửa đổi những bất cập trong các quy định pháp luật về quy hoạch; Cơ chế chính sách đảm bảo tính công khai, minh bạch đặc biệt là cơ chế giám sát của cộng đồng; Cơ chế kiểm tra, giám sát xử lý vi phạm kể cả việc tham gia của tổ chức xã hội nghề nghiệp liên quan, của cộng đồng dân cư trong các đợt kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm.

Phan Tĩnh

 

Bạn đang đọc bài viết "Bài 14: Hạn chế trong công tác quy hoạch và quản lý sử dụng đất: Lời cảnh tỉnh cho nhiều tỉnh, thành…" tại chuyên mục Diễn đàn - Luật gia. Mọi chi tiết xin liên hệ số hotline (0915.999.467) hoặc gửi email về địa chỉ (toasoan@phaply.vn).

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin