(Bài 12) Sai phạm trong quản lý đất đai gây thất thu cho ngân sách hàng tỉ đồng: Chỉ xử lý trách nhiệm Hành chính - Kinh tế, liệu có thoả đáng?

18/07/2019 15:54

(Pháp lý) - Trong trang Kết luận Thanh tra của Thanh tra Chính phủ (TTCP) được công khai thời gian gần đây, có rất nhiều thông báo kết luận thanh tra (KLTT) trong lĩnh vực đất đai hoặc lĩnh vực có liên quan trực tiếp đến quản lý đất đai. Điều đáng nói là hầu hết các thông báo KLTT nêu về những sai phạm phổ biến trong quản lý đất đai với những thiệt hại nghiêm trọng. Tuy nhiên, trách nhiệm được đề cập chủ yếu là trách nhiệm hành chính, kinh tế…

Kết luận thanh tra xác định thiệt hại lớn…

Năm 2018, TTCP đã có thông báo KLTT việc quản lý nhà nước và thực hiện pháp luật về thanh tra, tiếp công dân, khiếu nại, tố cáo, PCTN; công tác quản lý , sử dụng đất đai tại tỉnh Đồng Tháp, thời kỳ 2012 đến tháng 6/2017. KLTT đã chỉ ra hàng loạt những hạn chế trong công tác giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất, tài chính về đất đai, xác định giá đất, xác định nghĩa vụ tài chính về đất đai… ở tỉnh này. Theo đó, KLTT kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xử lý về mặt kinh tế số tiền 264.109.769.513 đồng. KLTT kiến nghị thu hồi hơn 1,7 tỉ đồng của Công ty CPXNK An Giang do áp sai giá đất. Miễn giảm sai cho các đối tượng thuê đất hơn 212 tỉ đồng…

Thất thoát trong quản lý đất đai ở nhiều tỉnh thành là rất lớn (ảnh minh họa)
Thất thoát trong quản lý đất đai ở nhiều tỉnh thành là rất lớn (ảnh minh họa))

Cũng trên trang Kết luận Thanh tra của TTCP, thông báo KLTT số 2923/TB-TTCP về thanh tra về quản lý đầu tư xây dựng một số dự án phát triển nhà ở, khu đô thị và quản lý, sử dụng quỹ đất, quỹ nhà để lại từ các dự án đầu tư phát triển khu nhà ở, khu đô thị… tại Hà Nội từ năm 2002 -2014 cũng gây chú ý. Về những sai phạm liên quan đến đất đai, thông báo KLTT kết luận về các sai phạm trong việc thực hiện nghĩa vụ tài chính về đất đai. Theo đó, hầu hết các dự án, liên ngành Hà Nội đã trình UBND Thành phố khi xác định giá tiền sử dụng đất theo phương pháp thặng dư, trong đó tổng chi phí phát triển dự án đã đưa một số khoản chi phí không đúng theo quy định của pháp luật như: Chi phí dự phòng, thuế VAT, chi phí GPMB, lãi tiền vay ngân hàng để giảm trừ, dẫn đến chủ đầu tư được lợi lớn về kinh tế, trong khi ngân sách nhà nước bị thất thu số tiền lớn, với ước tính lên đến khoảng 6.000 tỉ đồng.

KLTT cũng chỉ ra, có dự án áp sai mức giá quy định trong bảng giá đất hàng năm để xác định không đúng vị trí với số tiền hơn 12 tỉ đồng.; một số dự án chủ đầu tư tự điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng nhưng không thực hiện nghĩa vụ tài chính với phần diện tích thay đổi. Dự án giao nhưng không thu tiền sử dụng đất, trong khi chủ đầu tư đã xây dựng, kinh doanh và bán căn hộ cho khách hàng.

Đồng thời cũng theo KLTT, khi thực hiện các dự án đầu tư nhà ở, sai phạm liên quan đến đất đai còn phổ biến đó là việc “thiên vị” giữa các chủ đầu tư của Thành phố, nhiều diện tích đất giao cho chủ đầu tư để xây nhà để bán nhưng không qua đấu giá quyền sử dụng đất là trái quy định của pháp luật.

Chỉ có trách nhiệm hành chính, kinh tế…

Điều đáng nói, trong thông báo KLTT cũng chỉ rõ những cá nhân, tổ chức sai phạm. Tuy nhiên, đối với thiệt hại gần 300 tỉ đồng cho ngân sách ở Đồng Tháp, KLTT chỉ kiến nghị xử lý trách nhiệm kinh tế, hành chính. Theo đó, KLTT cho rằng UBND tỉnh Đồng Tháp cần tổ chức kiểm điểm trách nhiệm đối với tập thể, cá nhân lãnh đạo UBND tỉnh trong việc để xảy ra những tồn tại, hạn chế qua kết quả thanh tra. Xem xét trách nhiệm với Giám đốc Sở Tài nguyên môi trường trong việc tham mưu ban hành giá đất vượt giá khung Chính phủ quy định, hướng dẫn thời hạn giá không có cơ sở, không xây dựng giá cho nhóm đất thương mại, dịch vụ, giá cho thuê mặt nước, không xây dựng giá cho thuê khu vực sinh lợi đặc biệt… Xử lý trách nhiệm Cục thuế trong việc áp giá sai quy định, xác định thời hạn giá sai quy định và vượt thẩm quyền…

Đối với hơn 6.000 tỉ sai phạm ở Hà Nội từ năm 2002 – 2014, cũng chỉ có trách nhiệm hành chính, kinh tế đặt ra. Theo đó, kiến nghị của TTCP trong thông báo nêu rõ: Thông báo KLTT nhắc đến những chủ đầu tư cụ thể, cũng như các cá nhân, cơ quan như: Công ty Vinaconex 2, Công ty Cổ phần Thanh Bình; Công ty Cổ phần đầu tư xây dựng Hà Nội; Tổng Công ty Vigrecerra; Công ty Cổ phần kinh doanh phát triển nhà Hà Nội; Thường trực UBND thành phố; Tài chính; Quy hoạch, Kiến trúc, Cục thuế…

Rõ ràng, cơ quan Thanh tra đã chỉ rõ các sai phạm trong quá trình thanh tra và thiệt hại của những hành vi sai phạm đó đối với ngân sách nhà nước. Vấn đề đặt ra là, tuy KLTT xác định thiệt hại lớn, nhưng lại chỉ đặt ra trách nhiệm hành chính, kinh tế… liệu có thỏa đáng ?

Chuyên gia pháp luật bình luận gì?

Nhìn nhận về vấn đề trên, Luật sư Nguyễn Mạnh Thuật (Công ty Luật Hợp danh Đông Nam Á) cho rằng: Theo quy định của pháp luật, hoạt động thanh tra nhằm phát hiện sơ hở trong cơ chế quản lý, chính sách, pháp luật để kiến nghị với cơ quan nhà nước có thẩm quyền biện pháp khắc phục và xử lý hành vi vi phạm pháp luật. Đồng thời, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân. Trong hoặc sau quá trình thanh tra, nếu phát hiện hành vi vi phạm có dấu hiệu tội phạm thì người có thẩm quyền căn cứ điểm o khoản 1 Điều 48, điểm n khoản 1 Điều 55 Luật Thanh tra: “Chuyển hồ sơ vụ việc vi phạm pháp luật sang cơ quan điều tra, đồng thời thông báo bằng văn bản cho Viện kiểm sát cùng cấp biết”. Như vậy, không phải việc thanh tra nào dù sai phạm đặc biệt lớn cũng có dấu hiệu tội phạm và chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra.

Luật sư Nguyễn Mạnh Thuật (Giám đốc công ty Luật Hợp danh Đông Nam Á)
Luật sư Nguyễn Mạnh Thuật (Giám đốc công ty Luật Hợp danh Đông Nam Á))

Cần phải phân biệt rõ hành vi vi phạm ở các góc độ khác nhau và pháp luật khác nhau. Hành vi vi phạm của cán bộ công chức thì có thể xử lý theo các quy định pháp luật về hành chính, nếu có dấu hiệu tội phạm mới bị xử lý hình sự. Hành vi vi phạm của cả các bên (giữa cán bộ công chức với đơn vị, doanh nghiệp) nếu có sự liên kết vì tư lợi, có dấu hiệu tội phạm thì mới xem xét xử lý hình sự. Theo tôi, việc chỉ coi đó là vi phạm hành chính là việc “thận trọng” của cơ quan thanh tra. Khi đó, cần phải đánh giá đầy đủ, nếu vi phạm chỉ ở mức độ xử lý kỷ luật hay vi phạm hành chính thì chỉ kỷ luật và xử phạt, nếu có phát sinh thiệt hại thì yêu cầu khắc phục, bồi thường. Đối với các giao dịch không thể khắc phục (huỷ giao dịch quay lại nguyên trạng ban đầu) thì xác định thiệt hại và yêu cầu đòi người vi phạm bồi thường.

Ở góc nhìn khác, Luật sư Nguyễn Tiến Dũng (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho rằng: Đọc các thông báo KLTT, tôi băn khoăn rằng có sự ưu ái “không trong sáng” của cán bộ, cơ quan nhà nước đối với những tổ chức, doanh nghiệp sử dụng đất. Ngay trong thông báo KLTT của Hà Nội cũng phần nào chỉ ra điều đó. Việc chỉ xác định trách nhiệm hành chính, kinh tế đối với những sai phạm trong quản lý đất đai gây thất thu lớn cho ngân sách khiến dư luận và giới luật rất băn khoăn về trách nhiệm của các cơ quan bảo vệ pháp luật trong xử lý đối với những hành vi gây thiệt hại cho NSNN hàng tỷ đồng.

Phan Tĩnh

Bạn đang đọc bài viết "(Bài 12) Sai phạm trong quản lý đất đai gây thất thu cho ngân sách hàng tỉ đồng: Chỉ xử lý trách nhiệm Hành chính - Kinh tế, liệu có thoả đáng?" tại chuyên mục Diễn đàn - Luật gia. Mọi chi tiết xin liên hệ số hotline (0915.999.467) hoặc gửi email về địa chỉ (toasoan@phaply.vn).

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin