Bài 11: Nhiều quy định gia tăng quyền cho Tòa án

30/09/2017 14:20

(Pháp lý) - Bộ luật Tố tụng Hình sự (BLTTHS) năm 2015 sửa đổi theo hướng tăng quyền cho Tòa án. Theo đó, tòa án với tư cách là cơ quan được giao thực hiện quyền tư pháp có quyền phán quyết về việc bị cáo phạm một tội danh nặng hơn tội danh mà viện kiểm sát truy tố. Đồng thời tòa án cũng có quyền thu thập chứng cứ khi cần thiết…

Quy định cũ “bó tay” tòa án

Theo quy định tại Điều 196 BLTTHS năm 2003 Toà án không được xét xử bị cáo về tội danh nặng hơn tội danh mà Viện kiểm sát đã truy tố. Trong thực tế xét xử có những vụ án mà tòa muốn xét xử tội danh nặng hơn thì phải trả hồ sơ điều tra bổ sung để các cơ quan điều tra, truy tố xem xét lại vụ án. Khi Tòa và Viện có quan điểm vênh nhau, vụ án phải qua nhiều phiên xét xử mà chưa thể tuyên án.

[caption id="attachment_184034" align="aligncenter" width="567"] Bị cáo Nguyễn Quang Tuấn bị VKS tỉnh truy tố về tội giết người theo khoản 2 Điều 93 BLHS (có khung hình phạt từ bảy đến 15 năm tù). Nhưng tòa lại có quan điểm xét xử bị cáo theo điểm n khoản 1 Điều 93 BLHS (có khung hình phạt đến tử hình).
Bị cáo Nguyễn Quang Tuấn bị VKS tỉnh truy tố về tội giết người theo khoản 2 Điều 93 BLHS (có khung hình phạt từ bảy đến 15 năm tù). Nhưng tòa lại có quan điểm xét xử bị cáo theo điểm n khoản 1 Điều 93 BLHS (có khung hình phạt đến tử hình).[/caption]

Xét xử vụ án Nguyễn Quang Tuấn giết người ở Bình Phước là một ví dụ. Theo đó, qua nhiều phiên tòa mà xét xử chưa xong do 2 cơ quan tiến hành tố tụng “vênh nhau” quan điểm định khung định tội. Theo nội dung vụ án, bị cáo Tuấn và nạn nhân Thái cùng cạo mủ cao su thuê và cùng ở trọ trong chòi của một công ty cao su tại thôn 5, xã Nghĩa Trung, huyện Bù Đăng. Năm 2014, sau khi lấy tiền công, Tuấn, Thái và một số người rủ nhau nhậu, hát karaoke. Đến chiều cùng ngày, Tuấn chở Thái về thì bạn gái Tuấn gọi điện thoại nói té bị thương nên Tuấn mượn xe máy của Thái đi. Do Thái không đồng ý nên hai bên cãi nhau. Tuấn đã dùng dao Thái Lan dắt ở cột chòi đi lên chòi đâm Thái rồi vứt dao cách chòi khoảng 120 m rồi bỏ đi. Bị cáo Nguyễn Quang Tuấn (Bình Phước) bị VKS tỉnh truy tố về tội giết người theo khoản 2 Điều 93 BLHS (có khung hình phạt từ bảy đến 15 năm tù), nhưng tòa xét xử bị cáo theo điểm n khoản 1 Điều 93 BLHS (có khung hình phạt đến tử hình).

Các chuyên gia pháp luật cho rằng, quy định như điều 196 BLTTHS 2003 xung đột với nguyên tắc khi xét xử "thẩm phán và hội thẩm độc lập và chỉ tuân theo pháp luật" và nguyên tắc "xác định sự thật của vụ án" đã được quy định trong pháp luật tố tụng hình sự. Mặt khác, việc quy định Tòa án phải xét xử theo tội danh mà Viện kiểm sát đã truy tố cũng không phù hợp với nguyên tắc suy đoán vô tội; từ đó có thể dẫn đến trường hợp vụ án không được xem xét một cách khách quan, toàn diện vì khi xét xử, Hội đồng xét xử chỉ tập trung kiểm tra tài liệu, chứng cứ xem bị cáo có phạm tội mà Viện kiểm sát truy tố hay không.

Tháo gỡ cho Tòa án

Quy định tại điều 298 BLTTHS 2015 đã có những mở rộng về giới hạn xét xử của tòa án. Theo đó, Tòa án với tư cách là cơ quan được giao thực hiện quyền tư pháp có quyền phán quyết về việc bị cáo đã phạm một tội danh nặng hơn tội danh mà Viện kiểm sát truy tố. Đổi mới quy định về giới hạn của việc xét xử, Điều 298 BLTTHS năm 2015 quy định: “Tòa án xét xử những bị cáo và những hành vi theo tội danh mà Viện kiểm sát truy tố và Tòa án đã quyết định đưa vụ án ra xét xử; Tòa án có thể xét xử bị cáo theo khoản khác với khoản mà Viện kiểm sát đã truy tố trong cùng một điều luật hoặc về một tội khác bằng hoặc nhẹ hơn tội mà Viện kiểm sát đã truy tố; Trường hợp xét thấy cần xét xử bị cáo về tội danh nặng hơn tội danh Viện kiểm sát truy tố thì Tòa án trả hồ sơ để Viện kiểm sát truy tố lại và thông báo rõ lý do cho bị cáo hoặc người đại diện của bị cáo, người bào chữa biết; nếu Viện kiểm sát vẫn giữ tội danh đã truy tố thì Tòa án có quyền xét xử bị cáo về tội danh nặng hơn đó”.

Quy định này của BLTTHS năm 2015 phù hợp với Hiến pháp 2013 và tinh thần cải cách tư pháp được thể hiện trong các Nghị quyết của Bộ Chính trị, đồng thời cũng tháo gỡ không ít khó khăn trong thực tiễn xét xử của Tòa án, bảo đảm sự độc lập của Tòa án trong xét xử, bảo đảm phán quyết của Tòa án phải trên cơ sở kết quả xét hỏi, tranh tụng và những chứng cứ đã được kiểm tra công khai tại phiên tòa.

Bổ sung, mở rộng thẩm quyền xét xử của Tòa án quân sự

Để phù hợp với thực tiễn và trên cơ sở pháp điển hóa các văn bản hướng dẫn, Điều 268 BLTTHS năm 2015 bổ sung quy định thẩm quyền xét xử của Tòa án nhân dân cấp tỉnh và Tòa án quân sự cấp quân khu đối với các tội phạm được thực hiện ở ngoài lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; những vụ án hình sự có bị cáo, bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan đến vụ án ở nước ngoài hoặc tài sản có liên quan đến vụ án ở nước ngoài.

Thực hiện nghị quyết của Quốc hội về thi hành Luật Tổ chức Tòa án nhân dân năm 2014, Điều 272 BLTTHS năm 2015 bổ sung quy định về thẩm quyền xét xử của Tòa án quân sự gồm: Vụ án hình sự mà bị cáo là quân nhân tại ngũ, công chức, công nhân, viên chức quốc phòng, quân nhân dự bị trong thời gian tập trung huấn luyện hoặc kiểm tra tình trạng sẵn sàng chiến đấu; dân quân, tự vệ trong thời gian tập trung huấn luyện hoặc phối thuộc với Quân đội nhân dân trong chiến đấu, phục vụ chiến đấu; công dân được điều động, trưng tập hoặc hợp đồng vào phục vụ trong Quân đội nhân dân; Vụ án hình sự mà bị cáo không thuộc đối tượng quy định tại điểm a khoản 1 Điều 272 liên quan đến bí mật quân sự hoặc gây thiệt hại đến tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm của quân nhân tại ngũ, công chức, công nhân, viên chức quốc phòng, quân nhân dự bị trong thời gian tập trung huấn luyện hoặc kiểm tra tình trạng sẵn sàng chiến đấu hoặc gây thiệt hại đến tài sản, danh dự, uy tín của Quân đội nhân dân hoặc phạm tội trong doanh trại Quân đội hoặc khu vực quân sự do Quân đội nhân dân quản lý, bảo vệ. Tòa án quân sự có thẩm quyền xét xử tất cả tội phạm xảy ra trong địa bàn thiết quân luật.

Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 phân định rõ thẩm quyền xét xử của Tòa án trong trường hợp bị cáo vừa phạm tội thuộc thẩm quyền xét xử của Tòa án nhân dân, vừa phạm tội thuộc thẩm quyền xét xử của Tòa án quân sự (Điều 273). Theo đó, trường hợp có thể tách vụ án thì Tòa án quân sự xét xử những bị cáo và tội phạm thuộc thẩm quyền xét xử của Tòa án quân sự; Tòa án nhân dân xét xử những bị cáo và tội phạm thuộc thẩm quyền xét xử của Tòa án nhân dân; trường hợp không thể tách vụ án thì Tòa án quân sự xét xử toàn bộ vụ án.

[caption id="attachment_184035" align="aligncenter" width="576"] BLTTHS 2015 quy định cụ thể Tòa án có quyền trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung và tòa án xác minh, thu thập bố sung chứng cứ (trong ảnh là quang cảnh phiên tòa xét xử vụ đại gia Cao Toàn Mỹ và hoa hậu Phương Nga)
BLTTHS 2015 quy định cụ thể Tòa án có quyền trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung và tòa án xác minh, thu thập bố sung chứng cứ (trong ảnh là quang cảnh phiên tòa xét xử vụ đại gia Cao Toàn Mỹ và hoa hậu Phương Nga)[/caption]

Thêm thẩm quyền thu thập chứng cứ

Một trong những điểm mới quan trọng của BLTTHS 2015 là những quy định cụ thể về việc Tòa án trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung và tòa án xác minh, thu thập bổ sung chứng cứ. Theo đó, khi xét thấy cần bổ sung tài liệu, chứng cứ cần thiết cho việc giải quyết vụ án mà không phải trả hồ sơ để điều tra bổ sung thì Thẩm phán chủ toạ phiên tòa yêu cầu Viện kiểm sát bổ sung. Trường hợp Tòa án đã yêu cầu Viện kiểm sát bổ sung chứng cứ nhưng Viện kiểm sát không bổ sung được thì Tòa án có thể tiến hành xác minh, thu thập tài liệu, chứng cứ theo điều 252 BLTTHS: “Tòa án tiến hành việc xác minh, thu thập, bổ sung chứng cứ bằng các hoạt động: Tiếp nhận chứng cứ, tài liệu, đồ vật liên quan đến vụ án do cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp; Yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp tài liệu, đồ vật liên quan đến vụ án; Xem xét tại chỗ vật chứng không thể đưa đến phiên tòa; Xem xét tại chỗ nơi đã xảy ra tội phạm hoặc địa điểm khác có liên quan đến vụ án;

Trưng cầu giám định, yêu cầu định giá tài sản ngoài các trường hợp bắt buộc phải trưng cầu giám định, cần định giá tài sản quy định tại Điều 206 và Điều 215 của Bộ luật này; trưng cầu giám định bổ sung, giám định lại; yêu cầu định giá lại tài sản; Trường hợp Tòa án đã yêu cầu Viện kiểm sát bổ sung chứng cứ nhưng Viện kiểm sát không bổ sung được thì Tòa án có thể tiến hành xác minh, thu thập tài liệu, chứng cứ để giải quyết vụ án”. Những quy định này khắc phục hạn chế của BLTTHS 2003 trong thực tế áp dụng và có ý nghĩa quan trọng tăng quyền độc lập cho tòa án khi xét xử.

Anh Tuấn

Bạn đang đọc bài viết "Bài 11: Nhiều quy định gia tăng quyền cho Tòa án" tại chuyên mục Chính sách mới. Mọi chi tiết xin liên hệ số hotline (0915.999.467) hoặc gửi email về địa chỉ (toasoan@phaply.vn).

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin