8 tỉnh “đẻ” thêm qui định làm khó lưu thông hàng hóa: Kiến nghị xử lý nghiêm tổ chức, cá nhân làm trái chỉ đạo của Chính phủ

27/08/2021 17:52

(Pháp lý) -Trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, việc thực hiện nghiêm biện pháp giãn cách xã hội theo chỉ thị 16 của Chính phủ và kiểm soát chặt các phương tiện ra vào tại các tỉnh thành là một biện pháp hết sức cần thiết nhằm đảm bảo dịch bệnh không lây lan. Tuy nhiên, kiểm soát chặt không đồng nghĩa với việc “bế quan toản cảng” hay áp dụng mỗi nơi một kiểu, thậm chí nhiều địa phương còn đưa thêm các quy định trái chỉ đạo của Chính phủ, làm khó cho hoạt động sản xuất kinh doanh, gây cản trở lưu thông hàng hoá..

image001-1630032562.jpg

Hàng trăm xe tải, xe container nằm chờ được vào thành phố Cần Thơ giao nhận hàng (Ảnh: baogiaothong.vn)


 
Theo chuyên gia, việc này không chỉ dẫn đến ùn tắc tại các điểm kiểm soát làm tăng nguy cơ lây lan dịch bệnh mà còn phát sinh chi phí, làm khó cho hoạt động sản xuất kinh doanh, gây cản trở lưu thông hàng hoá. Do đó, các địa phương cần phải thực hiện nhất quán chủ trương, quy định của Chính phủ trong việc kiểm soát phương tiện vận chuyển lưu thông và chịu trách nhiệm về việc quản lý của mình. Các cơ quan chức năng cần thường xuyên kiểm tra, giám sát hoạt động kiểm soát vận tải, lắng nghe ý kiến đóng góp của các doanh nghiệp, cá nhân, nếu phát hiện sai phạm thì phải xem xét xử lý kịp thời, nghiêm minh để đảm bảo sự minh bạch, khách quan. 

Bộ GTVT chỉ đích danh 8 địa phương “đẻ” thêm quy định trái chỉ đạo của Chính phủ 

Mặc dù, Chính phủ đã nhiều lần yêu cầu bỏ việc kiểm tra với xe QR Code, thông suốt vận chuyển hàng hoá, song nhiều địa phương vẫn tiếp tục quy định các “giấy phép con” làm tăng chi phí, gây khó cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, cản trở lưu thông hàng hoá. Bộ GTVT đã chỉ đích danh 8 tỉnh phát sinh giấy phép con, làm khó lưu thông hàng hoá tại cuộc họp trực tuyến tháo gỡ khó khăn cho vận chuyển nông sản, hàng hóa trong bối cảnh thực hiện các nhiệm vụ phòng chống dịch COVID-19 vào ngày 25/8 vừa qua.

Cụ thể, theo Báo cáo của Bộ GTVT, nhiều địa phương vẫn đưa ra các quy định khác nhau, gây ách tắc trong kiểm soát, lưu thông hàng hoá. Trong đó, TP.Cần Thơ lập đội lái xe hỗ trợ để trung chuyển trong nội đô. Những doanh nghiệp nào không có lái xe vào Cần Thơ phải giao cho đội ngũ này lái vào nhưng hiện không có đủ lực lượng để làm và tốn kém kinh phí. Ngoài ra các xe từ địa phương khác muốn vào TP.Cần Thơ phải đăng ký trước. 

Tất cả các phương tiện đều phải tập trung tại điểm tập kết theo quy định của địa TP. Cần Thơ để trung chuyển giao nhận hàng hóa. Theo Bộ GTVT, việc này gây ách tắc tại cửa ngõ và bức xúc của các lái xe, doanh nghiệp; chậm trễ vận chuyển lương thực, thực phẩm cho TP.HCM của một số doanh nghiệp.

Còn Bà Rịa - Vũng Tàu, tại chốt Km38 QL51, từ chiều ngày 24.8, Ban phòng, chống dịch Covid-19 của tỉnh đã chỉ đạo test nhanh tại chỗ tất cả các trường hợp qua chốt kiểm soát dịch, kể cả trường hợp có giấy test nhanh đang còn hiệu lực.

Tương tự, An Giang yêu cầu các tất cả lái xe khi vào tỉnh An Giang phải tiến hành test nhanh, sau khi test xong ghi lại thông tin thì cho xe qua. Theo Bộ GTVT, dù không gây ách tắc giao thông tại các chốt kiểm soát dịch trên quốc lộ nhưng gây bức xúc đối với lái xe, doanh nghiệp.

Trong khi đó Hải Phòng yêu cầu Các trường hợp vào Hải Phòng công tác phải có Giấy xét nghiệm SARS - CoV-2 bằng phương pháp RT-PCR (có giá trị trong vòng 72 giờ) xét nghiệm tại địa phương xuất phát hoặc đi qua trước khi vào Hải Phòng, có Giấy xác nhận đã tiêm đủ 2 mũi vắc xin phòng Covid-19 và văn bản đồng ý của Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 thành phố; xe có mã QR kiểm soát theo hướng dẫn của Bộ GTVT. 

image002-1630032590.jpg
Hải Dương phong kín QL38 đoạn giáp ranh giữa huyện Cẩm Giàng, Hải Dương và huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh (Ảnh: atgt.vn)

 

Hải Dương đóng QL38 do liền kề với huyện Lương Tài (Bắc Ninh) đang áp dụng Chị thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, không cho xe qua lại 2 tỉnh.

Tại Quảng Ninh, ngày 19/8 UBND tỉnh Quảng Ninh ban hành Văn bản số 5630/UBND-DL1 yêu cầu lái xe phải xét nghiệm SARS - CoV-2 bằng phương pháp RT-PCR âm tính trước 48 giờ, khuyến khích tiêm 2 mũi. Riêng người từ tỉnh khác về Quảng Ninh phải đủ cả 2 điều kiện (âm tính trước 48 giờ và tiêm 2 mũi vắc xin, trực tiếp khai báo y tế), nếu ở tỉnh đang thực hiện Chỉ thị số 15 và Chỉ thị số 16 của Thủ tướng Chính phủ thì phải cách ly 14 ngày + 7 ngày tại nhà.

Hà Tĩnh ra thông báo số 175/TB-BCĐ ngày 20/8 thông báo kết luận của Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh, Trưởng ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19, quy định khi đi vào địa bàn Tỉnh Hà Tĩnh phải có giấy Xét nghiệm RT-PCR trong thời hạn tối đa 48 giờ.

Tại Bạc Liêu, với các phương tiện vận tải hàng hóa đường bộ, phải có phương án vận chuyển hàng hóa (theo mẫu của Sở GTVT) và không cấp thêm giấy đi đường; các trường hợp còn lại của hoạt động vận tải, Chủ tịch UBND tỉnh giao Sở GTVT hướng dẫn, trực tiếp giải quyết và thông báo đến các địa phương trong tỉnh.

Ngay trong ngày 25/8, Bộ GTVT đã có văn bản hoả tốc gửi các địa phương đề nghị bãi bỏ ngay các quy định không phù hợp trong kiểm soát hàng hoá, gây bức xúc cho lái xe, doanh nghiệp.

Phải nghiêm cấm và xử lý nghiêm hành vi ban hành “ giấy phép con” làm khó Doanh nghiệp

Liên quan đến vấn đề này, trao đổi với Phóng viên Tạp chí Pháp lý, Luật sư Đặng Văn Cường – Trưởng VP Luật sư Chính Pháp (Đoàn Luật sư TP. Hà Nội) cho rằng, một số địa phương “vẽ” ra các thủ tục rườm rà đã gây không ít khó khăn cho các phương tiện nếu di chuyển đến các địa phương này dẫn đến ùn tắc tại các điểm kiểm soát làm tăng nguy cơ lây lan dịch bệnh.

Ngoài ra, nếu một phương tiện phải di chuyển qua ít nhất 2 tỉnh nêu trên thì phải vừa đáp ứng điều kiện của tỉnh này và vừa đáp ứng điều kiện của tỉnh kia, điều này tạo ra sự bất cập, phiền hà, nhất là các đối tượng vận chuyển, các phương tiện đã đăng ký luồng xanh và được Bộ GTVT cấp QR CODE, tạo ra sự không thống nhất trong việc áp dụng quy định của Chính Phủ.

image003-1630032614.jpg

 Luật sư Đặng Văn Cường – Trưởng VP Luật sư Chính Pháp (Đoàn Luật sư TP. Hà Nội)

Với những hàng hóa thuộc luồng xanh, đã được cấp mã QR, không hạn chế lưu thông thì phải tạo điều kiện vận chuyển, nhằm đảm bảo vận chuyển nhu cầu thiết yếu, đảm bảo vấn đề an sinh xã hội, đảm bảo hiệu quả các hoạt động phòng chống dịch Covid-19.

Theo luật sư Đặng Văn Cường, với tình hình dịch bệnh phức tạp, nhu cầu về lương thực thực phẩm cho khách khu vực bị giãn cách, phong tỏa là rất lớn, cần phải cung cấp kịp thời, thường xuyên  đầy đủ để đảm bảo đời sống, tâm lý của người dân cũng như yêu cầu trong công tác phòng chống dịch bệnh. Việc đăng ký luồng xanh hay cấp mã QR CODE đều là những giải pháp hiệu quả, tạo sự thuận lợi, nhanh chóng cho việc lưu thông hàng hóa; … đi qua khu vực đang phong tỏa, giãn cách hoặc khu vực ổ dịch trong thời gian cách ly xã hội theo Chỉ thị 16. Do đó, việc các địa phương vẽ thêm các thủ tục hành chính vô hình chung đã đi ngược lại với mục tiêu ban đầu, gây ra sự bất cập, làm hạn chế cản trở việc vận chuyển hàng hóa, nhân lực,….trong thời điểm khó khăn này. Luật sư Cường nhận định.

Cũng theo Luật sư Cường, ngày 25/8/2021, Bộ giao thông vận tải vừa gửi văn bản hoả tốc gửi các địa phương đề nghị bãi bỏ ngay các quy định không phù hợp trong kiểm soát hàng hoá, gây bức xúc cho lái xe, doanh nghiệp. Việc xử lý của Bộ Giao thông vận tải là kịp thời, tạo sự thống nhất, đồng bộ, tạo điều kiện thuận lợi cho các phương tiện vận chuyển hàng hóa trong dịch Covid-19. Bởi lẽ, đến nay có đến 8 tỉnh thành áp dụng rất nhiều thủ tục khác nhau đối với các phương tiện vận tải, đây được coi như “giấy phép con” đối với các phương tiện vận chuyển trong thời điểm này. Một số địa phương “vẽ” ra các thủ tục rườm rà đã gây không ít khó khăn cho các phương tiện nếu di chuyển đến các địa phương này, tạo ra sự không thống nhất trong việc áp dụng quy định của Chính Phủ. 

Hiện nay, Bộ giao thông vận tải đã có công văn yêu cầu tất cả các địa phương trên cả nước áp dụng thống nhất việc kiểm soát phương tiện vận chuyển hàng hóa tại chốt kiểm soát dịch. Cụ thể, với xe có Giấy nhận diện QR Code, lực lượng kiểm soát sử dụng điện thoại thông minh hoặc thiết bị chuyên dụng quét mã QR để kiểm tra nhanh thông tin về phương tiện, người. 

Do vậy, các địa phương cần phải thực hiện nhất quán chủ trương, quy định của Chính Phủ trong việc kiểm soát phương tiện vận chuyển lưu thông và chịu trách nhiệm về việc quản lý của mình.

Cần phải nghiêm cấm hành vi “ đẻ giấy phép con” gây khó khăn cho doanh nghiệp, cá nhân khi vận chuyển, lưu thông hàng hóa trong thời điểm dịch bệnh này. Địa phương nào, cá nhân nào có hành vi vi phạm hoặc gây nhũng nhiễu, gây phiền hà, khó khăn cho tài xế, doanh nghiệp vận tải,.. thì phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. Các cơ quan chức năng cần thường xuyên kiểm tra, giám sát hoạt động kiểm soát vận tải, lắng nghe ý kiến đóng góp của các doanh nghiệp, cá nhân, nếu phát hiện sai phạm thì phải xem xét xử lý kịp thời, nghiêm minh để đảm bảo sự minh bạch, khách quan. Luật sư Đặng Văn Cường kiến nghị.

Việc xem xét, xử lý trách nhiệm đối với người, cơ quan ban hành văn bản trái pháp luật hiện nay được quy định tại Điều 34 Nghị định số 40/2010/NĐ-CP ngày 12/4/2010 của Chính phủ về kiểm tra và xử lý văn bản quy phạm pháp luật. Theo đó, Cơ quan ban hành văn bản có nội dung trái pháp luật phải tổ chức việc kiểm điểm, xác định trách nhiệm của tập thể và báo cáo cơ quan cấp trên có thẩm quyền xem xét, quyết định theo quy định của pháp luật, đồng thời, xem xét trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan trong việc ban hành văn bản có nội dung trái pháp luật; 

Cơ quan, người ban hành văn bản khi nhận được thông báo, kiến nghị của cơ quan có thẩm quyền kiểm tra văn bản mà không thực hiện việc tự kiểm tra, xử lý văn bản trái pháp luật hoặc không thực hiện thông báo kết quả xử lý theo quy định thì bị xử lý theo quy định.

 

Xuân Trường

Bạn đang đọc bài viết "8 tỉnh “đẻ” thêm qui định làm khó lưu thông hàng hóa: Kiến nghị xử lý nghiêm tổ chức, cá nhân làm trái chỉ đạo của Chính phủ" tại chuyên mục Diễn đàn - Luật gia. Mọi chi tiết xin liên hệ số hotline (0915.999.467) hoặc gửi email về địa chỉ (toasoan@phaply.vn).

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin